Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

BAO NHIÊU TUỔI LÀ GIÀ ?

Fr: Loan Phan           

BAO NHIÊU TUỔI LÀ GIÀ ?

    Mỗi lần có dịp xuống California thăm, tôi thường mua quà biếu ông bà. Lần nào cũng vậy, bà tôi thường nói:”Ông bà già rồi, không cần gì nữa đâu, cháu ạ. Cứ xuống chơi là ông bà vui rồi!” Già ư? Bao nhiêu tuổi là già? Ông bà tôi năm nay đã trên 80 tuổi, sống đơn giản, nhưng rất hạnh phúc. Bà sinh cho ông bảy người con. Mẹ tôi là con gái út trong nhà. “Đại gia đình” chúng tôi đã sang Mỹ định cư được hơn 20 năm, khi tôi chưa ra đời. Bây giờ, các cô chú ở rải rác nhiều tiểu bang khác nhau, nhưng mỗi lần có dịp lễ tết, mọi người lại tụ tập động đủ tại nhà ông bà ở San Diego, California. Các cô chú của tôi cũng đã lớn tuổi, có người gần 70 tuổi, nhưng ai cũng rất vui tươi, tuy rằng quá khứ của mỗi người đều là những nỗi gian truân, vất vả. Có lần tôi đọc được trên báo Telegraph có đăng kết quả nghiên cứu về lứa tuổi của sự hạnh phúc. Theo đó, hạnh phúc được chứng minh như một đường cong hình chữ U. Những người trung niên là những người không hạnh phúc, qua giai đoạn này, hạnh phúc bắt đầu nhen nhóm và tăng dần theo tuổi tác. Minh họa : Sơ đồ của hạnh phúc là hình chữ U.
Trước 25 tuổi vô tư, thỏa mãn, tràn đầy sinh lực, sau đó điều trên giảm đi và ngoài 50 tuổi mới phục hồi Nghiên cứu cũng đã chỉ rõ, những người mới bước sang tuổi trưởng thành rất vô tư và tràn đầy hy vọng cho tương lai và tới hơn 50 tuổi, họ bước sang thời kỳ thử thách với những trải nghiệm của cuộc sống, trong khi đó, những người trung niên lại phải đối mặt với những nhu cầu nặng nề, áp
lực của cuộc sống.

 
Tuổi 20, trẻ trung, vô tư.\ Hình minh hoạ. Nguồn: 123rf.com

Các nhà nghiên cứu cho rằng đường cong hạnh phúc theo hình chữ U không có nghĩa là một người 65 tuổi thích cuộc sống hiện tại của họ hơn là khi họ ở độ tuổi 25. Thử nghiệm cho thấy, những người trong độ tuổi 25 và 65 đều đồng ý rằng, cuộc sống ở tuổi 25 tuyệt vời hơn là ở tuổi 65. Tuy nhiên, những người trong độ tuổi 65 có thể trở nên dễ bằng lòng hơn khi họ biết cách tự hài lòng với những
thứ họ có.

 
      Tuổi 60 dễ dàng bằng lòng với cuộc sống. Hình minh hoạ.
 Giáo sư Lewis Wolpert, một thầy giáo về hưu ở ĐH London viết trong quyển sách của mình, rằng hạnh phúc có thể đạt tới đỉnh cao khi ở độ tuổi 80. Hầu hết mọi người đều cảm thấy “tương đối hạnh phúc” trong độ tuổi thanh thiếu niên, tuy nhiên, xu hướng này sẽ giảm cho đến những năm đầu ở độ tuổi trung niên khi mà họ đang nỗ lực để xây dựng gia đình và tạo dựng sự nghiệp. Cũng theo vị giáo sư này, từ 40 tuổi trở đi, và đặc biệt là ở độ tuổi 70, 80, mọi người có xu hướng trở nên vui vẻ và lạc quan hơn. “Xu hướng hài lòng được phân biệt rất rõ so với độ tuổi trung niên khi mà ở tuổi 70, 80 trách nhiệm có vẻ nhẹ nhàng hơn, sự chín chắn và mức độ quan tâm vào những thứ mà chúng ta hưởng thụ đã tăng lên”, giáo sư Lewis Wolpert viết. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Học viện quốc gia Mỹ, một cuộc khảo sát với sự góp mặt của trên 341.000 người đã cho thấy, sự hưởng thụ cuôc sống có xu hướng tăng lên sau độ tuổi 40 và sẽ không dừng lại cho tới khi 85
tuổi.

 
Tuổi của hưởng thụ. Hình minh hoạ
Tôi đưa kết quả nghiên cứu khoa học này ra trong những lần họp mặt gia đình. Các cô chú của tôi đều đồng ý như vậy. Tất nhiên, theo độ tuổi, người già không thể lấy lại tinh thần một cách hoàn hảo như khi còn trẻ được. Họ đơn giản chỉ là học cách để hài lòng với số phận của mình. Tuy nhiên, ngày nay người già có sức khỏe tốt hơn so với các thế hệ trước. Ông tôi ngày ngày vẫn đi bộ quanh công viên gần nhà. Bà tôi vẫn còn có thể nấu những món ăn mà ông tôi ưa thích, như cà-ri gà; thịt kho hột vịt, canh chua,...May mà ở Mỹ không thiếu những vật liệu để nấu món ăn Việt Nam. Tôi từng đọc được câu thơ: “60 chưa phải đã già 60 là tuổi mới qua dậy thì 65 hết tuổi thiếu nhi 70 là tuổi mới đi vào đời 75 là tuổi ăn chơi 80 là tuổi yêu người, yêu hoa 90 mới bắt đầu già...” Như vậy, ông bà tôi vẫn còn ở tuổi...đang yêu; các cô chú tôi, có người mới “hết tuổi thiếu nhi”, và ba mẹ tôi thì vẫn còn...trẻ măng! Nghĩ vậy, tôi cảm thấy hạnh phúc lắm! Tuần sau xuống thăm ông bà, thế nào tôi cũng nói:”Ông bà ơi, ông bà chưa già đâu nhé!”.
 John Nguyên (Seattle)