Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

HỆ QUẢ CỦA VIỆC ĐÓNG CỬA CƠ QUAN LIÊN BANG

Mất trắng "tỷ đô" khi chính phủ Mỹ đóng cửa

clip_image003
-Ước tính, thiệt hại lần này mà nền kinh tế Mỹ vốn vẫn đang chật vật hồi phục là vào khoảng 1 tỷ USD/tuần. Và đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng
Nước Mỹ hiện nay là một xã hội chia rẽ sâu sắc, đối mặt với nhiều thách thức lớn mà lại không có sự đồng thuận về cách thức giải quyết những thách thức ấy.

Khi thời hạn chót vào nửa đêm ngày 30/9 (giờ địa phương) trôi qua mà hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn không thể nhất trí ngân sách hoạt động cho năm tới, chính phủ Mỹ đã buộc phải tạm ngừng một phần hoạt động của họ. Nhà Trắng đã thông báo cho các cơ quan liên bang "đóng cửa một cách trật tự".
Một trong những điểm tranh cãi mấu chốt giữa hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa là chính sách y tế của Tổng thống Barack Obama (được biết tới là Obamacare).
Các thành viên Cộng hòa ở Hạ viện và cả Thượng viện đòi rút lại đạo luật này, hoặc bãi bỏ điều khoản về ngân sách thì họ mới thông qua ngân sách cho chính phủ hoạt động trong năm tài khóa tới. Và ngay sát giờ chót, Hạ viện do đảng này dẫn dắt đã kêu gọi thành lập một ủy ban phi đảng phái cùng với Thượng viện để tìm kiếm một sự đồng thuận. Tuy nhiên, phe Dân chủ tuyên bố đã quá muộn.
Đây là lần ngừng hoạt động đầu tiên của chính phủ Mỹ trong vòng 17 năm qua. Nhưng kể từ năm 1977 đến nay thì chính phủ Mỹ đã đóng cửa tổng cộng 17 lần. Lần gần đây nhất kéo dài kỷ lục 21 ngày từ 16/12/1995 đến 5/1/1996. Khi đó, chính phủ liên bang thiệt hại 1,5 tỷ USD, tương đương với 2,1 tỷ USD ngày nay.
Ước tính, thiệt hại lần này mà nền kinh tế Mỹ vốn vẫn đang chật vật hồi phục là vào khoảng 1 tỷ USD/tuần vì có khoảng 800.000 nhân viên liên bang buộc phải nghỉ làm. Và đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng. Tác động tổng thể đối với kinh tế nhiều khả năng gấp ít nhất 10 lần con số tính toán đơn giản đó. Chi nhánh Analytics của hãng đánh giá tín nhiệm tài chính toàn cầu Moody's ước đoán 3-4 tuần chính phủ ngưng hoạt động sẽ ngốn của nền kinh tế Mỹ 55 tỷ USD.
Đối với phần lớn thế giới thì việc một chính phủ đóng cửa là một thông tin gây sốc. Tuy nhiên, ở Mỹ thì đó là chuyện không có gì mới.
Vốn là một phần của lịch sử, đóng cửa chính phủ thậm chí còn là một chiến thuật đàm phán được chấp nhận do các đặc điểm của hệ thống liên bang Mỹ cho phép các chi nhánh chính phủ khác nhau nằm dưới sự kiểm soát của các đảng khác nhau. Đó là một cấu trúc mà những người sáng lập nước Mỹ đã để lại nhằm khuyến khích sự thỏa hiệp và cân nhắc thận trọng.
"Hồi những năm 1960 và 1970 cho đến 1980, thực tế này không được xem là hệ trọng", trích lời Charles Tiefer, một Cựu cố vấn luật pháp của Hạ viện, người hiện đang giảng dạy tại Trường Luật của Đại học Baltimore. Trong những ngày xa xưa ấy, theo ông, khi các nhà lập pháp rơi vào bế tắc ngân sách thì lực lượng lao động liên bang vẫn cứ làm việc của mình.
"Người ta nghĩ rằng Quốc hội rồi sẽ sớm ngồi lại với nhau để thông qua dự luật chi tiêu và không có gì phải kêu la om sòm trong khi chờ đợi", ông cho biết.
Nhưng thái độ dễ dãi đó đã thay đổi trong năm cuối cùng của chính quyền Tổng thống Jimmy Carter. Đó là khi Bộ trưởng Tư pháp Benjamin Civiletti đưa ra đánh giá rằng công việc của chính phủ không thể tiếp tục cho đến khi Quốc hội nhất trí chi trả.
"Họ sử dụng một quy chế khó hiểu để nói rằng, nếu bất cứ công việc nào tiếp tục trong một cơ quan hết tiền thì người lao động đang hành xử giống như những kẻ tự nguyện trái luật", ông Tiefer nói thêm. "Vì vậy họ không chỉ tắt đèn rồi rời đi mà họ còn có nghĩa vụ phải làm như vậy".
Bộ trưởng Civiletti sau đó lại đưa ra một đánh giá nữa cho phép các dịch vụ chính phủ cần thiết tiếp tục hoạt động mà không có một dự luật ngân sách.
Trong những năm trước đó, các bế tắc về ngân sách kéo dài khoảng một tuần hoặc lâu hơn là chuyện bình thường. Nhưng sau đánh giá của Civiletti, không còn bế tắc nào kéo dài hơn 3 ngày cho đến lần đóng cửa lịch sử năm 1995.
"Đó là một trò được tính toán có lợi cho Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich", Steve Bell, từng là trợ tá tại Quốc hội Mỹ, bình luận. Đa số Cộng hòa ở Quốc hội đã quyết định đẩy cuộc chiến ngân sách với Tổng thống Clinton tới giới hạn, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chính phủ phải ngưng hoạt động.
"Và lúc đầu, một nửa chúng tôi nghĩ đó là một ý tưởng tồi còn một nửa nghĩ là tốt", Bell cho biết thêm. "Nhưng trong một ví dụ hoàn hảo về tư duy nhóm, chúng tôi đã nói với nhau về việc tin rằng Tổng thống sẽ bị đổ lỗi còn chúng tôi sẽ có thể làm theo ý muốn của mình". Bell - người hiện đang làm việc tại Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng ở Washington - cho biết trò của Gingrich đã không thành công.
Sam Nguyen
Vietnam.net