Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

ĐIẾM BÁO

Fr: Viet Do
ĐIỂM BÁO PHÁP NGÀY 12/O3/2011
Lê Phước
Thiên tai đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế Nhật Bản
Vùng Đông Bắc Nhật điêu tàn sau thảm hoạ thiên tai. Ảnh ngày 12/03/2011
Vùng Đông Bắc Nhật điêu tàn sau thảm hoạ thiên tai. Ảnh ngày 12/03/2011 REUTERSCác tờ báo lớn của Pháp hôm này đa số đều dành trang nhất cho thảm họa động đất xảy đến với Nhật Bản hôm qua. Hiện tại, vẫn chưa thể có thống kê cuối cùng về hậu quả của trận động đất kinh hoàng tại Nhật Bản. Thế nhưng, nhật báo Le Figaro hôm nay có bài nhận định về hậu quả lâu dài của nó đối với nền kinh tế quốc gia. Bài viết chạy tít : « Thiên tai đe dọa sự phục hồi kinh tế đất nước ».

Trận động đất Kobe vào năm 1995 đã làm chỉ số Nikkei trên thị trường chứng khoán giảm đi 5%. Hiện tại, các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá hậu quả của trận động đất hôm qua. Điểm mấu chốt để so sánh giữa hai trận động đất này là thảm họa Kobe đã gây hậu quả vô cùng to lớn, lên đến 10.000 tỷ yên (100 tỷ đô la ), tức tương đương 2,5% GDP cả nước. Sản xuất công nghiệp những tuần sau đó giảm đến 2,5%.
Tuy nhiên, Kobe là một hải cảng quan trọng của Nhật Bản. Trong khi đó, vùng Tohuku, tâm chấn của trận động đất hôm qua, cách Tokyo 250 km về phía Đông bắc, có vai trò kinh tế kém hơn nhiều. Nơi đây chủ yếu là các nhà máy hóa dầu, điện tử và ô tô. Sản xuất vùng này chỉ chiếm 1,7% GDP của Nhật.
Nhiều nhà máy đã bị ảnh hưởng bởi động đất, nhưng mức độ thiệt hại là không quá lớn. Tập đoàn Toyota đã cho ngừng hoạt động 3 nhà máy ở phía Bắc. Tuy nhiên Toyota cho biết không bị thiệt hại về người. Hãng Honda cho biết nhân sự mình có 1 người chết và 30 người bị thương. Tập đoàn Nissan có hai khu sản xuất bị bốc cháy, nhưng đã được dập tắt trong ngày. Nissan cho biết, vào ngày thứ hai tới mọi hoạt động sẽ trở lại bình thường. Về phần mình, tập đoàn Sony thông báo tạm ngưng hoạt động 6 nhà máy.
Ở cấp độ toàn quốc, tình hình ít căng thẳng hơn nhiều. Một chuyên gia kinh tế cho biết, không có trục giao thông trọng yếu nào bị thiệt hại. Hoạt động tài chính sẽ trở lại hầu như bình thường vào sáng thứ hai. Ngân hàng trung ương Nhật cũng đã dự kiến họp vào ngày thứ hai để bàn về chính sách tiền tệ.
Tuy vậy, trong trung hạn, hậu quả kinh tế mà nước Nhật phải gánh chịu từ trận động đất này có vẻ nặng nề. Trước tiên, trong lĩnh vực năng lượng, nhiều nhà máy lọc dầu bị ngưng hoạt động, nhiều nguy cơ đang đe dọa các cơ sở hạt nhân. Tất cả điều đó sẽ khiến cho chi tiêu dầu khí càng thêm lớn. Từ đó, sản xuất công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Xét về thời gian, trận động đất này xảy ra đúng vào thời điểm mà kinh tế quốc gia đang lúc khó khăn. Vào quí 4 năm 2010, GDP của Nhật đã giảm đáng kể, và sự phục hồi đang được dự kiến cho giai đoạn đầu năm 2011. Thế nhưng, giờ đây có vẻ sự phục hồi này càng khó khăn hơn. Hơn nữa, chính phủ sẽ phải chi một khoản lớn để khắc phục hậu quả động đất, trong khi tình hình tài chính đất nước đang u ám với mức thâm hụt công đạt ngưỡng 9% GDP. Le Figaro nhận định, lần này khả năng phục hồi kinh tế của Nhật yếu hơn nhiều so với trận động đất Kobe năm 1995.
« Phương Tây lúng túng trước cuộc chiến ở Libya »
Tiếp tục phản ánh tình hình chiến sự tại Libya, nhật báo Le Monde đã đưa ra nhận xét trên trong bài viết trang quốc tế.
Trong khi quân đội ông Kadhafi đang phản công dữ dội vào lực lượng nổi dậy, các nước phương Tây đang đau đầu trong việc quyết định mức độ can thiệp thích hợp trước tình hình ngày càng phức tạp ở nước này.
Liên Hiệp Châu Âu tập trung nỗ lực vào vấn đề chính trị, nhân đạo, nhất là muốn áp đặt các lệnh trừng phạt. Thế nhưng, các nước thành viên còn có nhiều điều chưa tìm được tiếng nói chung. Pháp đang có nguy cơ bị cô lập giữa các nước đồng minh do có thái độ hiếu chiến lần này được cho là hơi đặc biệt.
Ngày 11/3, một cuộc họp thượng đỉnh giữa các nguyên thủ những quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã diễn ra theo yêu cầu của Paris, với mục tiêu chính là thảo luận về Libya và các cuộc nỗi dậy ở thế giới Hồi Giáo. Một bức thư đồng ký tên tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi các nước đồng minh xem Hội đồng Quốc gia Lâm thời của quân nổi dậy là « một thực thể đối thoại đủ tư cách ». Một cách gọi mà Le Monde cho rằng vẫn còn nhẹ hơn so với việc làm đáng ngạc nhiên của Pháp là công nhận chính thức hội đồng này.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ủng hộ giải pháp tập kích có mục tiêu nhắm vào các khu quân sự của Libya. Bức thư trên cũng kêu gọi thành lập vùng cấm bay và những phương án khác để ngăn chặn các vụ không kích. Tuy nhiên, « những phương án khác » lại không được nêu rõ. Nói chung, ông Sarkozy và ông Cameron xem hồ sơ Libya là như ván cờ chính yếu và quyết định đối với an ninh và uy tín của Châu Âu.
Về phần mình, tổng thống Mỹ Barack Obama tập trung chú ý đến Ai Cập, vùng Trung Đông và Afghanistan, nhất là Yemen nơi mà nguy cơ Al-Qaida ngày càng lớn mạnh.
NATO đã quyết định cho tàu chiến cập sát bờ biển Libya, tuy nhiên ông tổng thư ký của khối này cũng nhấn mạnh trước báo giới rằng, nghị quyết 1790 của Liên Hiệp Quốc đã chỉ rõ là cấm vận nhưng không được dùng vũ lực. Như vậy, NATO giữ thế đứng ngoài quan sát. Đương nhiên quyết định này khiến Pháp không hài lòng.
Trong khi đó, Đức tỏ ra ngờ vực giải pháp can thiệp quân sự của Pháp. Một nguồn tin của Đức cho rằng vấn đề này phải được mang ra thảo luận trước NATO. Quan điểm này của Đức trùng với quan điểm của Hoa Kỳ. Hơn thế nữa, các quan chức của Đức tỏ ra phẵn nộ trước sự kiện Pháp công nhận Hội đồng Lâm thời của lực lượng nỗi dậy là « đại diện duy nhất của Libya ». Một thông cáo ở Berlin cho hay, thủ tướng Đức bà Angela Merkel rất đổi ngạc nhiên trước một loạt hành động của Pháp.
Le Monde cũng có thông tin thêm rằng trong thời điểm bình thường, mỗi ngày Libya sản xuất được 1,69 triệu thùng dầu và xuất 1,2 triệu thùng, tức 85%, cho các nước Châu Âu.
Hoa Kỳ không ngại thiếu dầu hỏa ?
Cuộc xung đột ở Libya đã làm chao đảo thị trường dầu hỏa thế giới, nhất là đối với các nước có nền công nghiệp phát triển. Đề cập vấn đề này, Le Monde có bài viết « Hoa Kỳ, người lính bảo vệ dầu hỏa ».
Tác giả nhắc lại sự kiện ngày 14/2/1945, Mỹ và Ả Rập Xê Út đã ký một hiệp ước chiến lược về năng lượng. Theo hiệp ước, Mỹ sẽ bảo vệ nước này trước mọi cuộc tấn công của các nước láng giềng. Đổi lại, Ả Rập Xê Út sẽ mở các giếng dầu cho các công ty nước ngoài và sẽ định giá dầu ở mức phải chăng. Từ ấy đến nay, hiệp ước này chưa từng bị gián đoạn. Và chuyến công du của tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ đến quốc gia này gần đây cho thấy hiệp ước này « luôn mang tính thời sự ».
Hoa Kỳ là cường quốc duy nhất có khả năng giám sát và đảm bảo nguồn cung dầu hỏa nhờ vào các hạm đội và một mạng lưới các căn cứ quân sự rải rác khắp nơi. Như Hạm đội 5 đóng tại Manama kiểm soát vùng Hồng Hải và Ấn Độ Dương, Hạm đội 6 thì ở vùng Địa Trung Hải. Nhằm tăng cường cho căn cứ ở Vùng Vịnh, Washington vừa bố trí 2.000 lính ở Djibouti.
Chuyến công du của tổng tham mưu trưởng Hoa Kỳ cho thấy quyết tâm của Washington trong việc đảm bảo tự do lưu thông, nhất là ở eo biển Ormuz do lo ngại Iran gây khó khăn cho việc chuyên chở dầu hỏa qua vùng này.
Ả Rập Xê Út là nước xuất khẩu dầu thô nhiều nhất. Vì thế, nếu nước này xảy ra bất ổn thì giá dầu trên thị trường thế giới sẽ leo thang. Ả Rập Xê Út, Iran, Irak, Koweit và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất nắm giữ 60% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu. Trong 20 năm tới, lượng cung của Ả Rập Xê Út  phải tăng lên vì tại các nước không thuộc khối OPEC, như Mỹ, Anh và Na Uy, trữ lượng sẽ dần cạn kiệt. 2/3 lượng vàng đen xuất khẩu (khoảng 86 triệu thùng /ngày) được vận chuyển qua vịnh Ba Tư. Phân nửa trong số này đến từ Trung Đông và được chuyển đến Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á.
Về phần mình, Trung Quốc cũng ra sức đảm bảo nguồn cung năng lượng từ Trung Đông. Vì thế, nước này không ngừng tăng cường lực lượng hải quân, và đã thiết lập một tuyến đường nối liền Vùng Vịnh với Trung Quốc.
Chính sách bảo vệ các mỏ dầu và giữ an ninh cho tuyến đường vận chuyển dầu nằm trong cái gọi là « học thuyết Carter », theo đó, Hoa Kỳ theo đuổi nguyên tắc là không một nước nào có thể đe dọa và kiểm soát vùng chiến lược dầu hỏa.
Đến năm 2030, 80% lượng năng lượng tiêu thụ vẫn có nguồn gốc hóa thạch. Mức cầu thế giới sẽ tăng lên cùng với sự phát triển của những quốc gia mới nổi. Trữ lượng dầu trong lòng đất sẽ cạn kiệt. Cuộc chiến năng lượng vì thế sẽ càng thêm khốc liệt.
Từ đó Le Monde kết luận, nên chăng động viên Hoa Kỳ trong vai trò « người lính bảo vệ các tuyến đường vận chuyển dầu hỏa ».
Những đĩa thức ăn đầy hiểm nguy
Sau hai năm điều tra thực địa, cuối cùng hôm thứ ba tuần tới nữ tác gia người Pháp, bà Marie-Monique Robin cho ra mắt bộ phim tài liệu về chủ đề hóa chất độc hại tồn tại trong thức ăn hàng ngày của chúng ta. Thông tin được đăng tải trên nhật báo La Croix với bài viết « Mối nguy hiểm ẩn mình trong những đĩa thức ăn ».
Sau hai năm nghiên cứu thực địa ở Pháp, Ý, Ấn Độ, Thụy Sỹ và Hoa Kỳ, bà Robin đưa chúng ta đến với những nông dân bị mắc bệnh hiểm nghèo, các nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, các nhà khoa học nghiên cứu về khả năng có tồn tại chất hóa học độc hại trong thức ăn.
Câu chuyện bắt đầu từ việc tìm thấy một tài liệu lưu trữ gây ngạc nhiên mang tên « bánh mì và rượu năm 2000 ». Thước phim trắng đen này được phát năm 1964, đề cập đến « những mối nguy hiểm tiềm ẩn » trong thức ăn. Thế nhưng khi ấy, tiếng nói cất lên từ bộ phim này như một người truyền đạo giữa sa mạc, bởi vào thời bấy giờ, nông dân phải ra sức làm việc để nuôi cả thế giới.
Tuy nhiên, đỉnh cao của phim là việc nữ tác giả này đưa ra được những tài liệu khẳng định tác hại của một vài chất hóa học có trong thức ăn đối với sức khỏe con người.