Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

VẤN ĐỀ LYBIA

Lybia đang chờ Obama
Ngô Nhân Dụng - Tuesday, March 08, 2011
Một nhà báo Trung Quốc viết trên blog của tạp chí Tài Kinh (Caijing) kêu gọi chính phủ nước ông hãy “ủng hộ Mỹ đưa quân vào Lybia!” Lý do: “Khi một bạo chúa nô lệ hóa cả nước, đàn áp và sát hại các công dân” thì chính sách “không can thiệp” trở thành vô nghĩa! Nên nhớ: Bắc Kinh xưa nay vẫn đưa ra nguyên tắc “không can thiệp vào nội bộ các quốc gia” để bênh vực các chế độ độc tài từ Bắc Hàn, Sudan, Zimbabwe cho tới Miến Ðiện. Nhà báo còn mạnh miệng hơn nữa, hô hào: “Quyền Làm Người quan trọng hơn Nguyên tắc Bất Can thiệp!”

Lời kêu gọi trên cho thấy cả thế giới đang ngóng về nước Mỹ, chờ Tổng Thống Barack Obama “động thủ.” Nước Mỹ đã hoan nghênh và ủng hộ những cuộc nổi dậy lật đổ các chế độ chuyên chế tại các nước Á Rập Hồi Giáo như Tunisie, Ai Cập, và có thể cả ở Yemen, Bahrain, vân vân. Do đó, lẽ tự nhiên Mỹ phải ủng hộ dân Lybia lật đổ bạo chúa Moammar Gadhafi! Chính Tổng Thống Obama cũng nói: “Gadhafi phải đi” giống như ông đã nói về Cựu Tổng Thống Ai Cập Mubarak trước đây. (Ông Obama chỉ nói lời đó sau khi các công dân Mỹ đã rút ra an toàn khỏi nước này).

Một bản kiến nghị đã thu được 500,000 chữ ký trên thế giới kêu gọi hãy cứu dân Lybia thoát cảnh bị Gadhafi tàn sát. Tại nước Mỹ, hai Nghị Sĩ John McCain và John Kerry, thuộc hai đảng đối lập, đều kêu gọi ông Obama hãy can thiệp - Bà Sarah Palin thì thế nào cũng cùng ý kiến như ông McCain, không cần nói. Các nhà chính trị có triển vọng ứng cử tổng thống năm 2012 bên đảng Cộng Hòa cũng còn giữ im lặng.
Nhưng tại sao ông Obama vẫn còn chưa ra tay?
Có hai lý do. Một là Afghanistan 1989. Hai là Iraq 2003.
Thế giới có hai cách để ngăn không cho ông Gadhafi tàn sát những người dân đang nổi dậy. Một là phong tỏa, cấm vận đối với chính quyền Gadhafi. Hai là công bố một chính sách “Cấm Bay” (a no-fly zone trong tiếng Anh, viết tắt NFZ, En Ép Zi); hoặc mạnh hơn, cấm không cho xe chạy, (a no-drive zone) trên những vùng mà dân quân nổi dậy đã chiếm được; để ngăn cản quân lính của Gadhafi. Lệnh Cấm Vận (sanction) đã được Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chấp thuận, cả Nga và Trung Quốc cũng đồng ý. Nhưng không chắc Trung Cộng đã chịu chấp nhận để Mỹ và các nước Âu Châu áp dụng chính sách “Cấm Bay” NFZ. Vì cho phép tức là ủy quyền cho Anh, Mỹ, có thể cả Pháp và Ý đem quân vào Lybia thay đổi một chế độ đã cầm quyền trên 40 năm. Việc đó có thể sẽ thành một tiền lệ.
Nghị Sĩ John Kerry rất hùng biện, nêu lên những thảm họa của dân Kurd và người theo phái Shia ở Iraq bị Hussein giết (năm 1991), cũng như dân các nước Rwanda, Bosnia và Herzegovina đã bị tàn sát chỉ vì quân Mỹ không can thiệp hoặc can thiệp quá trễ. Nghị Sĩ John McCain nói việc áp dụng một vùng Cấm Bay NFZ ở Lybia là chuyện làm rất dễ dàng. Ông Stephen Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống George Bush đề nghị Mỹ ném vũ khí và tiếp tế cho dân quân nổi dậy. Nhưng Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates không đồng ý. Bộ Trưởng Gates, thuộc đảng Cộng Hòa, cảnh cáo Quốc Hội Mỹ rằng chỉ nên áp dụng chính sách NFZ đối với Lybia nếu nước Mỹ chấp nhận một cuộc chiến lâu dài ở xứ Bắc Phi này.
Trên lý thuyết, các nước Âu Châu và Mỹ có thể dùng không lực ngăn chính quyền Gadhafi không được cho tầu bay thả bom, bắn giết dân, hoặc chở quân đi tấn công các thành phố nằm trong tay quân nổi dậy. Nhưng ngăn cản được các trực thăng tấn công do Nga cung cấp, và các trực thăng Chinook chở quân của hãng Boeing, làm việc suốt đêm ngày, là một điều rất khó. Gadhafi hiện có 18,000 lính Không Quân, với 13 căn cứ máy bay, 100 chiếc MiG 25 của Nga và 15 Mirage của Pháp. Giàn hỏa tiễn SAM của Nga vẫn còn đó và mới được cải thiện tốt hơn. Nhà độc tài đã chuẩn bị đối phó với tình huống này từ nhiều chục năm qua. Ngoài 50,000 quân chính quy, Gadhafi còn đội quân đặc biệt với 20,000 lính do con trai ông chỉ huy; và đám lính đánh thuê người Chad và Niger; cộng với những dân quân thuộc bộ lạc của ông và các bộ lạc ông liên kết được.
Bộ Trưởng Gates nói trước Quốc Hội Mỹ rằng, việc cho máy bay Mỹ đi bắn tất cả các chuyến xe di chuyển quân đội của Gadhafi là việc rất phức tạp. Trong hai tuần qua chắc các vệ tinh nhân tạo của Mỹ đã chụp và gửi về hàng triệu bức hình cảnh chuyển quân của Gadhafi; và ông Gates vẫn chưa thay đổi ý kiến. Muốn chính sách NFZ thành công thì cuối cùng phải cho quân đội Mỹ đổ bộ, với các cố vấn quân sự, và lực lượng đặc biệt. Nghĩa là đưa quân Mỹ vào một chiến trường mới ở Bắc Phi, trong khi vẫn tham chiến tại Afghanistan và Iraq.
Afghanistan và Iraq là hai trường hợp mà chính quyền Mỹ phải nhớ lại và suy ngẫm trước khi quyết định dính vào Lybia. Lybia giống các quốc gia trên trên một điểm là nước “Cộng Hòa Ðại Xã Hội Chủ Nghĩa Nhân Dân Lybia” trong thực tế vẫn chỉ là tập hợp các bộ lạc bị ông Gadhafi cai quản suốt 4 thập niên; trong khi ông khai thác tài nguyên dầu lửa xứ này, sản lượng chiếm 1% số xuất cảng dầu trên thế giới. Trong 7 triệu người dân có tới hơn một triệu công nhân ngoại quốc. Bộ lạc của ông Gadhafi đông nhất, khoảng một triệu người. Hai bộ lạc lớn ở phía Ðông vẫn bị Gadhafi bỏ rơi không chia phần lợi tức dầu lửa, họ là lực lượng chính trong cuộc nổi dậy hiện nay.
Trong số những người đứng lên chống Gadhafi có những thương gia, luật sư, các sinh viên đại học, nhưng cũng có những lãnh tụ tôn giáo và bộ lạc, và cả những người đã tham gia “thánh chiến Hồi Giáo.” Khi phong trào “thánh chiến” chống Mỹ còn hoạt động ở Iraq, một phần năm các thanh niên tham dự trong đó là những người từ Lybia tới. Cho nên trong khi một số lãnh tụ nổi dậy kêu gọi Mỹ và các nước Tây phương giúp đỡ họ thì cũng có những người như Luật Sư Abdul Hafidh Gogha, đại diện một tổ chức chống Gadhafi, cảnh cáo rằng Mỹ và các nước Âu Châu không nên can thiệp. Cuộc cách mạng ở đây do người Lybia khởi sự, hãy để người Lybia kết thúc. Trong tình thế hiện nay, cuộc nội chiến ở Lybia có thể kéo dài. Nếu phe nổi dậy thành công lật đổ được Moammar Gadhafi thì hy vọng sẽ có một chế độ dân chủ tự do thành hình. Nhưng cũng có thể sẽ tới ngày một nhà độc tài khác lên nắm chính quyền; hoặc các bộ lạc sẽ tiếp tục đánh nhau rất lâu. Ðó là tình trạng đã xẩy ra ở Afghanistan sau năm 1989, khi các bộ lạc liên kết đánh đuổi được quân Nga. Họ đều được tình báo quân đội Pakistan giúp với tiền và vũ khí do CIA Mỹ cung cấp, nhưng cuối cùng phe Taliban tiêu diệt các nhóm khác. Liệu nước Mỹ có nên tham dự vào một cuộc nội chiến phức tạp tương tự hay không?
Muốn tránh một vụ Afghanistan thì quân Mỹ và các nước Âu Châu phải tiến quân vào Tripoli giống như năm 2003 đã đánh thẳng vào Baghdad ở Iraq. Họ sẽ phải giết Gadhafi và thành lập một chính quyền mới, thể thức bầu cử, tuyển lựa do họ chọn. Nhưng một chính quyền do người ngoại quốc dựng lên sẽ khó được dân Lybia ủng hộ, và chắc sẽ bị các nước Á Rập và Hồi Giáo coi thường hoặc phản đối. Hơn nữa, sau khi lật đổ chính quyền Gadhafi rồi, Mỹ cùng các nước Tây phương sẽ chịu trách nhiệm về việc “thành lập quốc gia” cho các bộ lạc ở Lybia, với tất cả các vấn đề lương thực, an ninh, y tế, giáo dục, vệ sinh, vân vân. Kinh nghiệm Iraq cho thấy đó là một loạt những công tác rất tốn tiền và “hại sức khỏe!”
Với những kinh nghiệm Afghanistan 1989 và Iraq 2003, ông Barack Obama có rất nhiều lý do để dè dặt chưa quyết định đem quân vào Lybia ngay, như các ông McCain và Kerry yêu cầu. Ông McCain than phiền rằng Obama đã nói “Gadhafi phải ra đi,” nhưng chưa đủ; cần phải hành động quả quyết hơn. Ðiều khác nhau giữ một lời tuyên bố và hành động quân sự là “Lời nói không mất tiền mua.” Nga và Trung Quốc có thể muốn Mỹ bước vào Lybia, gánh thêm một cuộc chiến thứ ba; nhưng nước Mỹ có thể chọn những phương cách ít tốn tiền hơn, dù hậu quả rất chậm.
Dù sao, chủ trương “không can thiệp” không phải là hoàn toàn bác bỏ việc can thiệp ở mức tối thiểu, ở mức độ tương đối an toàn, gây ít thiệt hại cho mình. Như binh thư Tôn Tử nói, nếu chỉ đe dọa thôi mà đạt được mục tiêu thì không cần lâm chiến làm gì. Mẫu hạm USS Enterprise vẫn được lệnh tiến vào Hồng Hải, sẵn sàng qua Ðịa Trung Hải, đến gần Lybia hơn. Mỹ cũng sẵn sàng làm những cử chỉ tượng trưng ủng hộ phe nổi dậy, như phá sóng hệ thống truyền tin của quân đội Gadhafi. Ðiều nguy hiểm phải tránh là các nước Âu Châu và Mỹ hoàn toàn vắng mặt ở Lybia. Bởi vì tránh mặt như vậy sẽ để Lybia cho những lực lượng Hồi Giáo cực đoan tiến vào thao túng. Nếu không thiết lập được quan hệ với phe nổi dậy tức là để một khoảng trống cho al Qaeda vào hoạt động. Can thiệp vào Lybia một cách dè dặt là phương cách an toàn trong lúc này.
Hai điều kiện để Mỹ can thiệp, như ông Obama nêu ra, là hành động đó phải được khối NATO và các nước Á Rập ủng hộ. Ngày mai các bộ trưởng quốc phòng khối NATO sẽ họp để quyết định chính sách chung. Hiện nay trong khối NATO chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chống lại mọi can thiệp của Mỹ vào Lybia. Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư hàng chục tỷ Mỹ kim vào xứ này và vẫn chưa hồi hương hết các công nhân của họ về nước. Họ có thể sợ ông Gadhafi trả thù. Trong khi đó, (sau khi gần 30,000 công nhân Trung Hoa khác đã ra thoát khỏi Lybia từ trước) Trung Quốc đã đưa một chiến hạm và cho 4 phi cơ vận tải bay từ Tân Cương sang, đưa 1000 công nhân còn lại về nước, trong đó có cứu một số công nhân Việt Nam. Ðây cũng là một hành động nhằm “biểu dương lực lượng” có thể do phe quân sự ở Trung Quốc thúc đẩy.
Sau buổi họp khối NATO, Bộ Trưởng Robert Gates sẽ cho biết chính phủ Mỹ sắp làm gì. Ðiều tối thiểu mà các nước Tây phương có thể làm ngay là phong tỏa tài sản của gia đình Gadhafi ở ngoại quốc; cấm vận bán vũ khí cho chế độ Gadhafi, với sự ủng hộ của Nga và Trung Cộng; tuyên bố sẽ đưa gia đình Gadhafi ra tòa án quốc tế về tội ác tàn sát dân. Trong khi đó, cần thiết lập những vùng an toàn cho dân Lybia tị nạn trên bờ biển nước này, hay bên các nước Ai Cập và Tunisie.
Quyết định sau cùng của ông Obama sẽ chỉ được công bố sau khi bà Hilary Clinton thăm dò các quốc gia Á Rập. Xã hội các nước Á Rập đang chuyển động, ý thức công dân và tinh thần dân tộc của họ đang dâng cao; chính phủ Mỹ nào cũng phải chứng tỏ cho người dân trong vùng này thấy là người Mỹ biết tôn trọng ý kiến và khát vọng dân chủ của họ. Tương lai mối giao thiệp giữa Mỹ và các nước Á Rập tùy thuộc các bước đi của chính quyền Mỹ trong giai đoạn ngắn ngủi, những ngày, tháng sắp tới. Quyền lợi chính trị và kinh tế của Mỹ ở Lybia rất nhỏ, nhưng nước Mỹ không thể bỏ qua cả vùng dầu lửa Trung Ðông. Khi nào dân các nước Á Rập phải chứng kiến cảnh quân lính của Moammar Gadhafi tàn sát dã man người dân đến mức họ thấy kinh tởm, khi đó họ sẽ hoan nghênh bất cứ quân đội nước nào vào cứu dân Lybia.
(03/09/2011 8:24 PM