Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

THỰC PHẨM TRUNG QUỐC

1.Chiêu làm mới thực phẩm “quá đát”ở TQ                                
Trung Quốc vừa phanh phui vụ một nhà sản xuất thực phẩm của nước này làm giả hạn sử dụng của các mặt hàng.

Người tiêu dùng Trung Quốc âu lo với tình trạng thực phẩm không đảm bảo. Ảnh  Medindia

Nhà máy Thực phẩm Douqule đã sử dụng các loại hóa chất để tẩy hạn sử dụng trên bao bì của các loại thực phẩm, trước khi in lên đó một hạn sử dụng mới có ngày hết hạn xa hơn nhiều. Việc làm này là nhằm biến những đồ ăn đã để lâu thành đồ mới, Xinhua đưa tin.
Các nhà chức trách chỉ phát hiện ra hành vi bất lương này sau khi hai công nhân nữ, vốn tham gia vào việc dùng chất pha loãng màu để thay đổi hạn sử dụng in trên bao bì thực phẩm, kiện nhà máy Douqule và đòi bồi thường cho những đôi tay bị hóa chất gây hại.
"Rất nhiều trong số những người làm ăn lớn và cả những người buôn bán nhỏ ven đường, hiểu rõ rằng tuổi thọ của thực phẩm có thể được thay đổi bằng cách sử dụng các loại hóa chất", đại diện một nhà sản xuất máy đóng gói thực phẩm ở Bắc Kinh cho hay.
Đây là diễn biến mới nhất trong chuỗi các sự kiện liên quan tới các loại thực phẩm "bẩn" ở Trung Quốc trong những năm gần đây, từ sữa nhiễm chì cho tới thịt lợn bẩn. Tòa án tối cao Trung Quốc hồi tháng 5 yêu cầu áp dụng án tử hình đối với những tội phạm liên quan tới an toàn thực phẩm dẫn tới chết người.Nhật Nam

2.Trung Quốc tuyên tử hình kẻ sản xuất 'thịt lợn bẩn'                            

5 người Trung Quốc hôm qua bị kết án vì buôn bán và sản xuất chất độc clenbuterol để trộn vào thức ăn chăn nuôi lợn, trong đó có một người lĩnh án tử hình.
Tòa án thành phố Tiêu Tác của tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, kết luận rằng 5 bị cáo phạm tội "gây nguy hại cho an ninh cộng đồng bằng những chiêu thức nguy hiểm", China Daily đưa tin.

Lưu Tương, kẻ sản xuất clenbuterol ở Hồ Bắc, tỉnh láng giềng phía nam của Hà Nam, nhận mức án tử hình, nhưng được hoãn thi hành trong vòng hai năm. Ba trong số các bị cáo còn lại là Hề Trung Kiệt bị kết án tù chung thân, Tiêu Binh nhận án 15 năm tù còn Trần Ngọc Vĩ bị 14 năm tù. Vợ của Lưu Tương và là người đồng lõa, Lưu Hồng Lâm nhận 9 năm tù vì hành vi mua các nguyên liệu thô để người chồng điều chế ra clenbuterol.
Các
Các bị cáo Lưu Hạnh Lâm, Trần Du Ngụy, Tiêu Khoáng, Hy Chung Giải và Lưu Hạng tại tòa án thành phố Tiêu Tác .Ảnh: China Daily
Phán quyết của tòa án chỉ ra rằng 5 bị cáo đã sản xuất và bán "bột thịt nạc" (tên gọi dân dã của clenbuterol) để trộn vào thức ăn chăn nuôi lợn, dù đều biết rằng việc này là có hại, và ngang nhiên phân phối loại chất độc này tại các tỉnh Hà Nam, Sơn Đông, Giang Tô cũng như một số địa phương khác.
Lưu Tương và Hề Trung Kiệt chịu trách nhiệm trong việc sản xuất và bán tới 2.700 kg chất clenbuterol, để thu về khoản lợi nhuận lên tới 2,5 triệu tệ, tương đương với 387.000 USD. Trong khi đó, Trần Ngọc Vĩ bị quy trách nhiệm trong việc bán 600 kg bột thịt nạc để thu về 700.000 tệ, tương đương gần 110.000 USD. Còn Tiêu Binh đã bán 1.300 kg chất clenbuterol và thu lời 600.000 tệ, tương ứng với hơn 93.000 USD.
Ngoại trừ Trần Ngọc Vĩ, cả 4 bị cáo còn lại đều quyết định kháng án lên tòa án cấp cao hơn.
Clenbuterol là một chất phụ gia được dùng để trộn vào thức ăn chăn nuôi lợn để tạo ra những con lợn siêu nạc. Tuy nhiên, bột thịt nạc rất có hại đối với sức khỏe nếu con người ăn phải thịt lợn có nhiễm chất này. Các triệu chứng ban đầu có thể là nhức đầu, buồn nôn, chân tay run rẩy. Nghiêm trọng hơn, hệ thần kinh hay hệ tuần hoàn có thể bị tổn thương, và thậm chí có thể dẫn tới ung thư.
Vụ thịt lợn "bẩn" ở Hà Nam tiếp tục dấy lên tiếng chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm tại Trung Quốc, sau các vụ sữa "bẩn" dành cho trẻ em hay dầu ăn bẩn từng gây hoang mang dư luận cách đây chưa lâu. Phan Lê
3.Trẻ em Trung Quốc nhiễm độc chì hàng loạt                                   
Hơn 600 người Trung Quốc, trong đó có 103 trẻ em, vừa được phát hiện có nhiễm chì trong máu từ mức cao tới mức có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Các nạn nhân làm việc tại những nhà máy chế biến thiếc tại thành phố Thiệu Hưng, phía đông tỉnh duyên hải Chiết Giang, China Daily đưa tin. Các kết quả kiểm tra cho thấy trong số hơn 600 người có 26 người lớn và 103 trẻ em bị nhiễm độc chì nghiêm trọng. Những trẻ em này bị nhiễm độc khi ở cùng người thân trong 25 xưởng sản xuất thiếc tại gia hiện đã bị ngừng hoạt động.
Một em bé
Một em bé cầm kết quả chẩn đoán tại một bệnh viện ở huyện Hoài Ninh, tỉnh An Huy, sau khi 28 trẻ em tại đây phải nhập viện vì nhiễm độc chì. Ảnh: AFP
Mức độ chì vượt quá giới hạn trong máu được coi là rất độc hại, đặc biệt là đối với trẻ em, vì nó có thể dẫn tới ức chế tăng trưởng và chậm phát triển trí tuệ. Với người lớn, việc nhiễm độc chì nghiêm trọng xảy ra nếu có 600 microgram chì trong mỗi lít máu. Với trẻ em, con số này chỉ là 250 microgram.
Ngoài số bị nặng, những người còn lại trong 600 nạn nhân bị nhiễm độc chì ở mức vừa với khoảng từ 400 tới 600 microgram chì trong một lít máu. Tất cả họ đều bị nhiễm độc sau khi phơi nhiễm tại các nhà máy. Chính quyền Thiệu Hưng và các cơ quan y tế tại địa phương này hiện chưa đưa ra bình luận nào về sự việc này.
Đây là vụ nhiễm độc mới nhất được phát hiện tại Trung Quốc, một lần nữa khiến người ta nhìn thấy mảng tối trong sự phát triển kinh tế của nước này. Công nghiệp hóa nhanh chóng trong vòng 30 năm qua tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến nguồn nước và không khí tại một số nơi của quốc gia này được đánh giá là bị ô nhiễm tồi tệ nhất trên hành tinh.
Trong tháng 5, giới chức tỉnh Chiết Trang đã bắt giam 74 người và đình chỉ hoạt động của hàng trăm nhà máy sau khi 172 người, trong đó có 53 trẻ em, bị đổ bệnh vì nhiễm chì. Tháng 10/2009, gần 1.000 trẻ em tại tỉnh miền trung Hà Nam cũng có kết quả dương tính với nhiễm độc chì. Các nhà máy luyện chì trong vùng được cho là nguyên nhân dẫn tới vụ việc trên.
Trung Quốc hiện chưa thông qua các tiêu chuẩn chính thức nhằm kiểm soát việc sử dụng chì trong chế biến thiếc.
Phan Lê