Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

TRUNG QUỐC :KẾ HOẠCH “ĐỔ BỘ” VÀO MỸ

(Tamnhin.net) - Trung Quốc muốn xây dựng một “đầu cầu” khổng lồ ở bang Idaho và người ta đang lo ngại về một cuộc “đổ bộ” không dùng xe tăng vào nước Mỹ

tqdobo 1Khi nói về Boise, người Mỹ nghĩ ngay đến khoai tây, nhạc jazz và một thành phố “khỉ ho, cò gáy” nằm sâu trong nội địa.
Thế nhưng, chẳng bao lâu nữa, thành phố Boise nằm giữa Seattle và Salt Lake City có thể sẽ chiếm lĩnh những dòng tít lớn trên báo chí, khi nó trở thành một “đầu cầu” để Trung Quốc đổ bộ vào nước Mỹ. Tập đoàn chế tạo máy quốc doanh khổng lồ China National Machinery Industry Corp. (Sinomach) dự kiến sẽ xây dựng một công viên công nghiệp khổng lồ nằm gần sân bay thành phố.
tqdobo 2

Đây sẽ là một công viên công nghiệp khổng lồ, có diện tích tới 129 km2 (tương đương với diện tích của thủ đô Amsterdam của Hà Lan) và có nhiều nhà máy mới, các trung tâm hậu cần, các trung tâm thương mại lớn và những khu dân cư được cung cấp bởi nguồn điện riêng. Trên thực tế, đây sẽ là một đặc khu kinh tế mới của Trung Quốc ngay trong lòng nước Mỹ.
Không chỉ là một “đầu cầu” thâm nhập nước Mỹ
Tác giả cuốn sách “Nước Mỹ để bán” (America for Sale), ông Jerome Corsi, bình luận: “Trung Quốc đã quyết định tiến hành một cuộc đổ bộ vào nước Mỹ, không dùng xe tăng và máy bay chiến đấu phản lực mà bằng một đội quân lao động đông đảo xây dựng một khu vực thương mại tự do riêng”.
Thế nhưng , chính giới bang Idaho lại nghĩ khác. Phó thống đốc bang Brad Little biện minh: “Idaho là bang cuối cùng của nước Mỹ chưa giao dịch với người châu Á”, còn Bộ trưởng Tài chính bang Don Dietrich nói rõ hơn: “Người Trung Quốc đang tìm kiếm một ‘đầu cầu’ ở nước Mỹ và Idaho sẵn sàng cung cấp cho họ một đầu cầu”.
Bang Idaho rất cần đến một siêu dự án này. Tỷ lệ thất nghiệp của bang hiện ở mức 9,7%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 9,1% của toàn nước Mỹ. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của bang ở mức 1,4% , chậm hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 1,8 %  của Mỹ.
tqdobo 3 Sinomach là một tập đoàn quốc doanh khổng lồ, với doanh số hàng năm lên tới 15 tỷ USD, có 80.000 nhân viên và có tốc độ tăng trưởng 30% năm. Trưởng đại diện của Sinomach ở Idaho, ông Jeff Don, cho biết: “Sinomach chỉ là một trong nhiều công ty Trung Quốc quan tâm đến Idaho”. Trong những tháng qua, Sinomach đã cử nhiều đoàn khảo sát tới các bang Ohio, Michigan và Pennsylvania, với nhiệm vụ tìm kiếm địa điểm để thành lập  các Khu vực kinh tế đặc biệt khác.
Vì sao người Trung Quốc lại chọn Boise làm “đầu cầu” thâm nhập nước Mỹ. Nếu dùng máy bay vận chuyển hàng hóa từ châu Á, thành phố này chỉ xa hơn Seatle có 45 phút bay. Do nằm sâu trong nội địa, giá đất ở đây rẻ hơn nhiều so với các thành phố ven biển phía Tây nước Mỹ. Đó là chưa kể, bên thực hiện dự án còn nhận được khá nhiều ưu đãi và trợ cấp hào phóng của chính quyền bang Idaho.
Thử nghiệm chiến lược kinh tế mới
Sinomach là một nhà đầu tư có thế lực vì khả năng tiếp cận các nguồn tài chính của chính phủ Trung Quốc. Với số tiền nhà nước này, Sinomach dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón trị giá 2 tỷ USD ở Idaho, với công nghệ tiên tiến của Mỹ nhằm biến than đá thành khí đốt để sản xuất phân hóa học. Đây là một công nghệ mà Trung Quốc rất cần ở trong nước.
Không những thế, do mặt bằng lương ở Trung Quốc được nâng lên 15% và giá dầu cao khiến cho việc vận chuyển qua Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên tốn kém, nên Trung Quốc tìm cách chuyển các nhà máy sang bên kia bờ đại dương và ở ngay trong lòng nước Mỹ - nước tiêu thụ hàng đầu thế giới. Do sản xuất hàng hóa ở ngay chính nước Mỹ, các công ty Trung Quốc tránh được tác động tiêu cực của tình trạng đồng đô la ngày càng mất giá và đồng nhân dân tệ ngày càng được định giá cao hơn. Trên thực tế, Idaho không chỉ là một “đầu cầu” mà còn là một nơi thử nghiệm chiến lược kinh tế mới của Trung Quốc nhằm đối phó với chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng gia tăng ở Mỹ.  Chính vì vậy mà chính giới Idaho coi dự án này là một “biểu tượng của quan hệ thay đổi giữa hai siêu cường kinh tế thế giới”.
Dự án này còn phải nhận được sự chấp thuận ở cấp liên bang và cũng có nguy cơ chịu chung số phận với mưu đồ thâu tóm hãng dầu khí Unocal của Tập đoàn dầu lửa Trung Quốc CNOOC với cái giá 18,2 tỷ USD. Do vấp phải sự phản đối dữ dội trong Quốc hội và công luận Mỹ, mưu toan thâu tóm của CNOOC cuối cùng đã bị thất bại.
tqdobo 4 Chỉ có điều, thời thế đã đổi thay. Khác với thời nay, khi đó kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức gần 5%. Khi đó nước Mỹ chưa phải cắt giảm đội ngũ lính cứu hỏa, cảnh sát và giáo viên như hiện nay để giảm bớt chi tiêu công. Trong cái cảnh nước Mỹ nợ ngập đầu ngập cổ hiện nay, biết đâu những người đóng thuế ở Mỹ (và cả giới quan chức nữa) lại chẳng hoan nghênh khoản đầu tư khổng lồ nói trên của phía Trung Quốc.

Minh Bích (theo Spiegel Online)

Trở về ]