Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

VIẾT TỪ SÀI GÒN- VĂN QUANG


Fr: Viet Do
Chuyện cũ như trái đất, mang ra xào lên, bàn lại
Bạn hãy thử hình dung, có ba con đường trong một khu phố thôi. Sáng xách cái xe gắn máy ra đi làm nhân thể chở con đi học. Chạy một đoạn, bỗng dưng thấy phố biến thành sông, hàng đoàn xe, xe to xe nhỏ, lố nhố như “du thuyền” nhúc nhích theo con sóng lăn tăn. Không còn chỗ nào cho cái xe gắn máy lách lên. Thấy nhiều người quay đầu xe, mình cũng quay lại, tìm đường khác. Vừa đến ngã ba, đường lại “tắc “, không ai nhường ai, leo lên hè
phố, xe và người đi bộ cũng đan ken chật kín. Đường vốn đã đông vào bất cứ giờ nào, bây giờ người ta lại dồn thêm vào, không “ùn tắc” mới là lạ. Lại tìm con đường thứ ba, đi tắt. Chui vào mấy cài hẻm hẹp téo, cũng lại kẹt. Vài cái nhà chỉ rộng khoảng 4m, chẳng biết ông “tư sản” nào mới lên đời mua lại, xây thêm 4-5-6 tầng, gạch đá vôi vữa, đồ nghề để loạn xạ, không còn hè phố, không còn đường đi, quay đầu xe cũng không nổi. Bị “bao vây” giữa chốn hỗn độn nghe tiếng máy xe cũng nhức óc cùng với tiếng la chí choé, ai cũng vội vàng cau có, tiếng chửi thề của mấy chị đanh đá bị “va quẹt” làm mất tí sơn, cong cái chắn bùn. Anh thanh niên cũng bực mình chửi lại. Thằng con ngồi sau, sợ trễ giờ học, cũng hậm hực: “Sao mấy người đó chửi tục thế hả bố? Đ.M… con muốn tống cho anh ta mấy cái vào mõm”. Ông bố chỉ còn biết thở dài.
Thưa bạn, đó chỉ là một chút “văn hoá giao thông” tại Sài Gòn. Ảnh hưởng như thế nào đến cả một thế hệ, các bạn thừa biết rồi.
Mỗi mùa một chuyện rồi quên luôn,vài năm sau nhắc lại
Còn nói đến chuyện ngập lụt, chuyện kẹt đường trong thành phố Sài Gòn, chán hơn nói chuyện với đầu gối. Chuyện xưa hơn trái đất. Hai mươi năm trước người ta đã bàn đến rồi, bàn tới bàn lui, bàn ngang tán dọc, cơ quan nào cũng “vào cuộc”, người dân nào cũng rên la. Rên từ khi thằng con mới đẻ, nay đã vào đại học, vậy mà nó chỉ thay đổi chút xíu đường càng kẹt, xe càng nhiều, lụt càng tăng.
Cứ “đến hẹn lại lên” mùa mưa thì chuyện thời sự là ngập lụt, mùa nắng thì đào bới đường, lô cốt mọc nhan nhản. Mùa nào nói chuyện nấy, các cơ quan có thẩm quyền và dĩ nhiên có quyền là có tiền, cũng tỏ ra đầy ắp “tinh thần trách nhiệm”, hứa hẹn lung tung, làm cho có lệ rồi hết “mùa nước nổi” lại quên. Lại có những “hội chứng bất trị” khác để bàn. Quay sang chuyện xăng dầu, chuyện xe buýt, chuyện tham nhũng, chuyện xiết ngân hàng, chuyện giáo dục… Nói cho gọn là “mùa nào thức nấy”, nó cứ lình xình như cái bể nước thải. Chẳng có chuyện gì “dứt điểm” được. Hay là chi “dứt điểm một nửa”. Câu chuyện cổ tích ở VN bây giờ là như thế. Toàn là những vấn đề thuộc “hội chứng bất trị”, nhưng thật ra có thể trị được, nếu muốn trị dứt bệnh, dù cho trong một thời gian dài hay ngắn tuỳ theo từng công việc. Người dân đóng góp rất nhiều ý kiến, trong đó dĩ nhiên có giải pháp khả thi và có những giải pháp bất khả thi. Chẳng biết các cơ quan có chịu tổng kết lại để tìm ra giải pháp chính hay không, nhưng xem ra “giải pháp nào cũng nằm trên giấy hoặc chỉ là tạm thời”. Ngay cả đến những khu công nghiệp hàng triệu Mỹ kim cũng nằm trơ gan cùng tuế nguyệt vì vướng đầu này, mắc đầu kia. Dự án lu bù kèn mà không thực hiện, anh dân đen lại dài cổ nằm trong quy hoạch treo như con heo trong rọ, không giẫy dụa được, nhà nát không dám sửa, muốn bán không được, muốn đi cho khuất mắt cũng chẳng xong. Gần trăm cái chung cư muốn xụm bà chè, dân vẫn ở, bất chấp cái chết được báo trước… Nhưng chỉ khi nào có một cái nhà bỗng dưng bị sập, người ta mới lôi ra nói lại, hứa lại và… làm y như cũ.
Cái gốc lung lay, cái ngọn sẽ héo tàn
Thiếu gì chuyện để bàn ra tán vô, riết rồi thành thói quen, ai nói cứ nói, việc quan quan vẫn làm. Dân biết thế, nhưng không nói thì tức anh ách. Tính người Việt lương thiện chúng ta vẫn thế “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”, nói gì đến chuyện liên quan tới cuộc sống của chính mình. Ấy vậy mà nói thẳng nói thật, đôi khi còn mang vạ vào thân. Có khi lại bị anh hàng xóm vu cho cái tội tày đình nào lạ hoắc nữa.
Nói những điều này cho rõ trắng đen, không thể để tình trạng mập mờ, những nguyện vọng chính đáng của người dân trôi tuột qua dư luận hàng ngày như trôi xuống ống cống. Cái gì làm được thì phải làm và làm đến nơi đến chốn. Cái gì đã hứa thì phải thực hiện và có câu trả lời dứt khoát với người dân chứ không thể để “mỗi mùa một chuyện” rồi không chuyện gì làm được cả, sang năm sau, năm sau nữa, lại vẫn những chuyện ấy. Để dân chán nghe, chán bàn hay không dám bàn đến nơi đến chốn, vì sợ bị bỏ tù, bị “sờ gáy”…Tâm trạng này ngày là có thật. Nhất là trong việc tố tham nhũng bị trả thù là việc thường xảy ra, cho nên người ta “không dây với hủi”, chống tham nhũng không mang lại hiệu quả, chính vì dân chán, dân sợ. Dân chán tin tưởng là cái gốc lung lay thì cái ngọn sẽ héo tàn.
Việc dễ không làm chứ không phải không làm được
Nhân nói đến chuyện giao thông tại hai TP lớn Hà Nội và Sài Gòn. Nguyên nhân chính là sự phát triển về dân số, phương tiện giao thông cá nhân quá nhanh mà không dự trù được. Cơ sở hạ tầng có làm nhưng trì trệ, không đáp ứng được nhu cầu. Nói cho rõ là đường sá rất ít, chật hẹp, không thể nới rộng hơn. Nguyên nhân đó, người dân đã từng góp ý, trước hết có thể “chữa” bằng cách dời mốt số cơ quan, bệnh viện, trường học, công ty, nhà máy… ra ngoài TP. Dân nhập cư bám vào những cơ sở ấy, không ùa vào phố phường chen chúc, bạ đâu chiếm. Nếu làm từ 20 năm trước thì bây giờ TP không chật cứng như hiện nay. Đấy là việc có thể làm mà không làm hay chưa có can đảm làm, không có cái nhìn xa trông rộng hơn từ trong nhà đến cánh cửa.
Việc thứ hai chỉ là chuyện nhỏ nhưng ảnh hưởng lại rất lớn đến đời sống và mỹ quan của TP. Hầu hết các hè phố bây giờ bị chiếm dụng hết. Làm chỗ để xe gắn mày là chính, ngoài ra còn bày hàng bán “vô tư”. Khách bộ hành chỉ có nước đi ở lòng đường, có khi phải liều đi ngay giữa đường. Vài bước trên hè, vài bước dưới lòng đường, kể cả các loại du khách, bước thấp bước cao, cứ như anh dở hơi, vẫn phải chịu. Trong khi đó, thỉnh thoảng xe cảnh sát mang theo vài anh dân phòng qua lại, khi “cao trào” thì nhảy xuống bắt bớ, dân cà phê vỉa hè xách bàn thế chạy hơn chạy giặc. Nhưng xe qua rồi, đâu lại đóng đấy, hệt như trò chơi cút bắt của con nít, nhưng thứ “con nít” này chắc có chung chi đàng hoàng nên mọi chuyện chỉ còn là trò biểu diễn.
Giải pháp nào cũng chỉ là chữa cháy tạm thời
Muốn dẹp chẳng có gì là khó, đừng mang cái giọng “vì thương dân nghèo buôn thúng bán bưng nên không dẹp” ra làm cái cớ. Dân buôn thúng bán bưng cũng phải “cống nộp” đầy đủ, nộp cho Phường Xã hẳn hoi, chứ chẳng riêng cho anh Quản Lý Thị Trường, mới được ngồi vỉa hè chứ có cho không đâu. Chẳng qua vì quyền lợi của các quan địa phương và còn ai nữa thì chưa biết. Về phía người dân, muốn có chỗ để xe gắn máy, tất nhiên phải phải tìm bến gửi xe, nước nào cũng vậy thôi, người đi xe phải chấp nhận cái giá phải trả. Nếu cần thì dùng xe buýt. Chuyện xe buýt khá “lòng thòng” tôi xin bàn đến trong một kỳ khác. Tìm nơi làm bãi gửi xe tuy có khó nhưng vẫn có thể tìm được. Đất công, đất tư còn nhiều chứ chưa phải là hết nhẵn. Hãy nhìn những bãi rác, những công trình “vĩ đại” bỏ nằm chỏng gọng giữa TP, những sân chơi của vài “nhà văn hoá” vắng hơn chùa bà Đanh… Giải quyết bài toán này chỉ trong một thời gian ngắn. Không hiểu tại sao vẫn “không làm được”?
Hai thí dụ điển hình để bạn đọc có thể thấy, những việc dễ làm thì không làm ngay, thiếu quyết tâm thực hiện để rồi cứ phải mang ra “xào” lên, bàn lại. Những giải pháp như hạn chế xe cá nhân, thay đổi giờ làm, giờ học, khuyến khích đi xe công cộng… chỉ là giải pháp “tình thế” rất tạm thời, không mang lại hiệu quả bao nhiêu. Cần phải làm ngay những giải pháp lâu dài thiết thực.
Ép chết lá phổi, Sài Gòn sẽ ngập lụt như Thái Lan
Về chuyện lụt lội, bây giờ người ta mới tìm ra nguyên nhân chính: TS Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học Công nghệ và Quản lý TP Sài Gòn) cho biết: “Triều cường năm sau thường cao hơn năm trước tại TP Sài Gòn, lâu nay chúng ta vẫn nghĩ nguyên nhân là biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng cao. Nhưng thực tế, vào năm 1995-2010, nước biển chỉ dâng cao tối đa là 2 cm trong khi thuỷ triều ở TP.Sài Gòn lại dâng 20-25 cm và có thể cao hơn nữa”. Tiến Sĩ Phúc khẳng định: “Các vùng sình lầy ở quận 7, Nhà Bè, vốn là những lá phổi, là nơi thoát nước cho toàn thành phố, nhưng chúng ta đã san lấp hết để xây dựng công trình nhà cửa. Vì vậy, triều cường tại TP liên tục tăng cao như hiện nay là do chúng ta đã làm chết những lá phổi này".
Cũng theo ông Phúc, nếu trong thời gian tới tiếp tục phát triển đô thị ở những khu vực này và xây bờ bao xung quanh thành phố thì tình trạng vỡ bờ bao sẽ nhiều hơn, ngập sẽ nặng hơn.
Theo tiến sĩ Trường, từ trước đến nay, ngay các cơ quan chuyên nghiệp làm quy hoạch còn “lỗ hổng” lớn là chưa chú trọng đúng mức đến khâu quản lý sau quy hoạch. (Nói cho đúng là “dốt” nên mới để xảy ra tình trạng này).
Giáo sư Lê Huy Bá (Viện trưởng viện Khoa học công nghệ và Quản lý Môi trường TP Sài Gòn) cho rằng tình trạng nước triều dâng cao liên tục trong những năm qua còn do các nguyên nhân chủ quan như: quy hoạch đô thị, xây dựng tập trung quá dày đặc ở khu vực trung tâm, hiện tượng lấn đất kênh rạch diễn ra nhiều nơi...
Giáo sư Bá cảnh báo: "Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì TP Sài Gòn sẽ ngập lụt như Thái Lan hiện nay là điều khó tránh khỏi".
Cần những cái đầu có học vấn, có căn bản thật sự
Xét như thế, người ta ngán ngẩm vì những nhà hoạch định kinh tế quốc gia, những bộ óc tưởng là thông thái chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, không biết hậu quả mai sau. Ông có quyền cho xây dựng cứ cho xây văng mạng, cứ chỗ nào trống là cho xây, dù là xây bịt đường dẫn nhập nước làm nguy cơ lụt lội cho toàn thành phố. Chẳng cơ quan nào chịu phối hợp với cơ quan nào nên bây giờ dân mới khổ. Còn bao nhiêu chuyện tương tự như thế này nữa chứ chẳng riêng gì ông xây dựng và ông chống ngập. Ông Kinh Tế đá giò lái ông Tài Chính, ông Giao Thông không cần biết đến ông Quy Hoạch. Đường phố đầy dây nhợ lòng thòng, rồi lại đào đường khoét ngạch cho đủ loại dây điện chui xuống lòng đường. Một hai ông chui xuống lòng đường rồi năm ba ông khác lại đào lên thay ống cống... Cứ thế, như cha chung không ai khóc. Rồi đến những khu đô thị mới chưa chắc đã học được bài học này. Học bài này lại quên bài khác nên chẳng bao giờ tiến bộ như các nước văn minh được. Cần phải có những cái đầu thông minh hơn, có học thức thật sự, có căn bản vững vàng chứ không cần những cái đầu chỉ có “thành tích”. Lợi nhất thời, hại muôn thuở cho đất nước là như thế đấy.
Tín dụng đen” làm anh giàu chết đứng, anh nghèo cũng chết theo
Trong tuần này ở VN còn khá nhiều chuyện rất đáng phải suy nghĩ. Ngoài chuyện lụt lội và giao thông, còn chuyện của những vụ vỡ nợ hàng trăm tỉ đồng. Chính sách thắt chặt tiền tệ mang lại hiệu quả và kèm theo hậu quả khó lường. Đây là một thứ chuyện mới, không cũ mèm như mấy chuyện trước. Vỡ nợ hàng loạt và nguy cơ ngân hàng vỡ nợ cũng không phải là nhỏ. “Tín dụng đen” là thứ chữ nghĩa mới, nó phát sinh từ chỗ ngân hàng nhà nước siết chặt lãi suất đầu vào của ngân hàng mà lại lỏng lẻo với lãi suất đầu ra, không chỉ ra một con số nhất định. Kết luận là người dân nghèo gửi tiết kiệm mất trắng số tiến chênh lệch từ lãi suất mới. Cứ gọi tạm là mất 4% năm. Số tiền đó chui đi đâu? Anh ngân hàng “tạm giữ” và kiếm lời. Người dân bị thiệt hại, rút tiền tiết kiệm ra tìm chỗ cho vay có lời nhiều hơn, đó là cái luật của người buôn bán. Tất nhiên lời nhiều thì rủi ro càng cao. Đừng nghĩ là người dân tham lam, họ buộc phải làm như vậy. Đó là kết quả tất yếu của cuộc sống chụp giựt.
Về phía doanh nghiệp, khi không vay được tiền của ngân hàng, đồng nghĩa với sập tiệm, phải vay cào vay cấu. Dẫn đến mất khả năng trả nợ, chỉ còn nước ôm đồ bỏ trốn. Người cho vay, tuy là anh nhà giàu nhưng lại gom góp số tiền của mấy bác dân đen ba cọc ba đồng, tiết kiệm được đồng nào gom vào đồng đó. Cho vay kiểu này gọi là “tín dụng đen”, nhà nước không thu được đồng xu thuế nào. Khi con nợ không cánh mà bay thì anh nhà giàu chết đứng như Từ Hải, anh nhà nghèo chết theo. Khi bị bắt, con nợ cháy túi, đi tù vài năm, tiền vẫn mất. Cho nên bây giờ người dân mới bàn tán: “Đi đường nào cũng chết, chỉ có anh ăn hối lộ và gái điếm làm nghề không vốn là sống khoẻ”.
Tôi xin trở lại đề tài này trong một kỳ khác.
Văn Quang 5-11-2011
.