Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG ĐÃ ĐƯỢC " QUỐC TẾ HOÁ"

(Tamnhin.net) – Vấn đề Biển Đông đã được “quốc tế hóa” tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á Bali, bất chấp thái độ phản đối của Trung Quốc.


Đối với Bắc Kinh, vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tập hợp 18 nước, trong đó có mặt hầu như tất cả các cường quốc, có thể được xem là một thất bại vì lẽ cho đến nay, Trung Quốc luôn luôn phản đối “quốc tế hóa” tranh chấp vùng biển giữa họ với các nước nhỏ trong khu vực. Đối với các quốc gia ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei đang phải đối phó với đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông, việc hồ sơ này được quốc tế hóa cho phép họ giảm bớt được sức ép của Trung Quốc, vốn chỉ muốn giải quyết vấn đề một cách song phương với từng nước để dễ bề thao túng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Bali, liên quan đến vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã bị đẩy vào thế thủ.
Ngay cả ngón đòn kinh tế mà Bắc Kinh thường dùng để chiêu dụ các nước ASEAN cũng có dấu hiệu không thu hút nhiều sự chú ý. Ngân khoản 10 tỷ USD hỗ trợ cho ASEAN mà Trung Quốc loan báo ngay tại Hội nghị Bali cũng đã bị chèn ép bởi cam kết chi khoảng 26 tỷ USD để giúp khối Đông Nam Á cải thiện hạ tầng cơ sở của Thủ tướng Nhật Bản.
Lẽ dĩ nhiên là trao đổi giữa các lãnh đạo không hề được công bố chính thức. Tuy nhiên, trên chuyến bay về Mỹ, một quan chức Mỹ cao cấp, có mặt tại hội nghị đã kể lại cho các nhà báo Mỹ tháp tùng theo Tổng thống Obama diễn tiến cuộc tranh luận.
Theo lời kể được ghi lại trên trang Web của Nhà Trắng, trong cuộc họp gần 2 tiếng đồng hồ, có tất cả 16 lãnh đạo (trong đó có Thủ tướng Ôn Gia Bảo) đề cập trực tiếp hay gián tiếp đến vấn đề Biển Đông. Theo lời kể lại của quan chức Mỹ, nhiều nhà lãnh đạo  tái khẳng định rằng  tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông phải được giải quyết một cách đa phương.
Tổng thống Mỹ Obama lập luận: “Mặc dù chúng tôi không phải là một nguyên đơn trong vụ tranh chấp Biển Đông, cho dù chúng tôi không bênh vực bên nào, chúng tôi có lợi ích mạnh mẽ trong việc duy trì an ninh hàng hải nói chung, và trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông nói riêng – với tư cách là một cường quốc thường trú tại Thái Bình Dương, một quốc gia hàng hải, một quốc gia thương mại, và một nước bảo đảm cho nền an ninh trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương”.
Chỉ sau khi ông Obama nói xong, Thủ tướng Ôn Gia Bảo mới trả lời. Theo lời quan chức chính phủ Mỹ kể lại vụ việc, ông Ôn Gia Bảo chỉ nhắc lại lời phản đối rằng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á không phải là nơi để thảo luận về vấn đề Biển Đông và khẳng định rằng Trung Quốc đã bỏ nhiều công sức để đảm bảo sao cho các tuyến hàng hải được an toàn và tự do.
Đối với viên chức Mỹ, phản ứng Thủ tướng Trung Quốc đáng chú ý ở lời lẽ hòa hoãn, không dùng đến những công thức quyết đoán thường thấy nơi các lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt khi họ công khai phát biểu.
Tuy nhiên, theo nguồn tin này, điều thú vị không phải những gì ông Ôn Gia Bảo nói ra, mà là những gì ông không nói, ví dụ như ông không nhắc lại quan điểm tranh chấp phải được giải quyết song phương.
Tổng thống Indonesia, trong tư cách chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á Bali, tổng kết “tất cả chúng ta đã bàn thảo về Biển Đông một cách rất xây dựng” và cho rằng tất cả các lãnh đạo đã chứng tỏ là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á có thể giúp cho bộ quy tắc ứng xử (về Biển Đông) được tiến triển.
Tóm lại, có thể nói rằng là tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á Bali, vấn đề Biển Đông đã lại được “quốc tế hóa”.

Minh Bích (theo RFI)