Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

NĂM RỒNG NÓI CHUYỆN RỒNG CÁI

Đinh Từ Thức
Fr:Loan Phan

LTS: Danh từ “dragon lady” phát xuất từ Tây Phương, có tính cách miệt thị, thường dùng để ám chỉ một khuôn mẫu phụ nữ Á Châu xa lạ, bí hiểm, tham quyền, nhiều mưu mẹo.
Để có sự đối chiếu và đồng thời nới rộng khuôn thảo luận, xin quý độc giả cũng đọc lại bài tiểu luận “Phụ nữ Á Châu trong Phim Ảnh: Không Hả Hê, Không May Mắn” của Jessica Hagedorn (bản dịch Nguyễn thị Hải Hà), đăng ngày 4 tháng 3, 2001 trên Da Màu.
Ngày hôm nay danh từ “dragon lady” đã vượt ngoài khuôn khổ da vàng và đôi lúc bao gồm các phụ nữ da đen “mạnh miệng.” Tuy chưa ai gọi phụ nữ da trắng là “dragon lady,” Hilary Clinton đã một thời bị báo chí Mỹ ví là “phu nhân Macbeth” (người vợ xảo quyệt và tham quyền của Macbeth, đã xúi chồng cướp ngôi Duncan–vua Tô Cách Lan –trong thảm kịch nổi tiếng của Shakespeare.) Vì khái niệm “dragon lady” mang tích cách kỳ thị, có lẽ “rồng cái” là cách dịch sát nhất của tác giả Đinh Từ Thức cho chữ “dragon lady.” Tuy vậy, Da Màu mong được đón nhận những thảo luận từ quý độc giả về cách diễn dịch khái niệm “dragon lady” sang Việt ngữ. Với những tiến triển ở mặt lịch sử, văn hóa, xã hội và luật pháp hiện nay, có phải đây cũng là một danh từ đã lỗi thời, phát xuất từ thời đại thực dân khi quyền lực của phụ nữ và các chủng tộc chưa được coi là chính thống/hợp pháp? Khi đặt ra danh từ “dragon lady,” có phải cũng là cách Tây Phương “lạ hóa” Đông Phương, không khác chuyện Baudelaire sáng tác bài thơ “A Une Dame Créole” (“Au pays parfumé que le soleil caresse ….”) như cách so sánh một phụ nữ nô lệ da màu với một quốc gia lạc hậu nhưng quyến rũ, thơ mộng?
Rồng là một linh vật không có thật. Tiên cũng không có thật. Nhưng thường nghe nói ông tiên, bà tiên, cô tiên, mà không nghe nói rồng đực, rồng cái.Tại Trung Quốc ngày xua, rồng có vẻ giống đực, vì tượng trưng cho nhà vua, trong khi một linh vật khác tượng trưng cho vợ vua, là phụng. “Long phụng” là hình ảnh của vua và hoàng hậu. Trước cửa cung điện chính tại Dinh mùa Hè – Di Hòa Viên – của nhà vua ở ngoại ô Bắc Kinh, có hai con long phụng bằng đồng. Theo lệ thường, long bên mặt, phụng bên trái; vua quan trọng hơn hoàng hậu. Sau khi thu tóm mọi quyền hành trong tay, Từ Hi Hoàng Thái Hậu ra lệnh đổi vị trí, phụng bên mặt, long bên trái. Vị thế này vẫn còn tồn tại đến nay.Tại Việt Nam, theo sử Trần Trọng Kim: “Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân”. Rồi Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra trăm con. “Long Nữ” là tên riêng, hay chính bà là “rồng (cái)”? Quý vị nào biết, xin chỉ giáo.Tựa “Rồng Cái” của bài này thật ra dịch từ tiếng Anh “Dragon Lady”. Đây là chữ mới xuất hiện trong tiếng Anh, chỉ mấy chục năm nay.Wikipedia căn cứ theo Oxford English Dictionary nói rằng vào thế kỷ 18 và 19, người ta đã dùng chữ “dragon”, và ngay cả chữ “dragoness” để chỉ phụ nữ hăng say và áp đảo (fierce and aggressive), nhưng trong tiếng Anh không có chữ “Dragon Lady”, cho đến khi họa sĩ Milton Caniff sáng chế ra trong loạt truyện giải trí bằng tranh comic nổi tiếng của ông là “Terry and the Pirates”. Danh hiệu Rồng Cái (Dragon Lady) được dùng lần đầu ngày 6 January 1935.
terry-and-the-pirates-dragon-lady
Bìa truyện comic Terry and the Pirates của Milton Caniff
Họa sĩ Caniff tạo ra Rồng Cái, lấy cảm hứng từ một cuốn phim năm 1931, mang tựa “Daughter of the Dragon”, cuốn phim này lại dựa vào loạt truyện “The Daughter of Fu Manchu”, của Sax Rohmer.Daughter of the Dragon do Anna May Wong (1905 – 1961) thủ vai một công chúa người Tầu, khá quái ác. Wong là diễn viên gốc Tầu đầu tiên nổi tiếng từ Hollywood đến Âu châu, diễn xuất từ thời phim câm sang phim nói. Qua phim Con Gái Rồng này, Wong trở thành Rồng Cái, tuy rằng khi phim này ra đời, chưa có chữ rồng cái.
anna-May-Wong-daughter-of-the-dragon
Nữ diễn viên Anna May Wong
Dù ra đời gần phố Tầu ở Los Angeles, trên nguyên tắc là người Mỹ, và trở thành diễn viên nổi tiếng, Wong vẫn bị coi là người Tầu, chỉ được cho đóng phim hạng B, hay những vai tầm thường như nữ tỳ hoặc người giúp việc. Năm 1935, Wong đã vô cùng thất vọng khi một vai quan trọng trong cuốn phim dựng theo truyện Đất Lành (The Good Earth) của nữ nhà văn Pearl Buck đã về tay một diễn viên người Đức, thay vì Wong.Ngoài ra, theo luật cấm hôn nhân dị chủng, Wong không thể đóng phim có cảnh hôn người da trắng trên màn ảnh, dù người này đã hóa trang để đóng vai người Á Đông. Không có vai chính nam là người Á Đông, Wong không thể đóng vai nữ chính.Wong luôn cố đề cao quê cha đất tổ, phản đối những vai trò hèn hạ do người Tầu đóng như trong phim Daughter of the Dragon, và lớn tiếng tố cáo nước Nhật trong vụ tạo cớ để chiếm Mãn Châu. Nhưng, báo chí của chính quyền Trung Hoa không ngớt lên án Wong làm xấu mặt phụ nữ Trung Hoa. Trong khi ấy, viện Đại học Bắc Kinh lại tặng Anna May Wong bẳng Tiến sĩ danh dự, năm 1932.Wong nói một câu ngắn, chẳng những mô tả khá đầy đủ hoàn cảnh của mình bảy chục năm trước, mà ngày nay còn đúng cho cả những di dân muốn theo đuổi nghiệp đóng phim: “Thật đáng buồn cho tình trạng bị phủ nhận bởi người Trung Quốc vì tôi ‘quá Mỹ’ và bởi các nhà sản xuất Hoa Kỳ vì họ thích chọn người chủng tộc khác đóng vai người Tầu”.Ngày nay, theo American Heritage Dictionary, chữ rồng cái (dragon lady) có hai nghĩa: (1) Một phụ nữ mạnh mẽ, hống hách, ngang ngược; (2) Một phụ nữ nguy hiểm và quyến rũ, một “femme fatale”. Định nghĩa thì như vậy, nhưng trước hết, “dragon lady” thường được dùng để chỉ những phụ nữ Á Đông có cá tính mạnh, dựa vào chồng con để tham gia quốc sự. Lên Internet, google chữ “dragon lady”, thế nào cũng thấy xuất hiện danh tính ba bà Từ Hi Thái Hậu, bà Tưởng Giới Thạch, và Bà Ngô Đình Nhu. Vậy, bài này chỉ nói tới ba bà:
1. Rồng cái vua sau rèmMặc dầu nhà Thanh có lệ đàn bà không dính tới việc nước, nhưng bà Từ Hi đã cai trị Trung Hoa trong 47 năm. Gần ba chục năm sau khi bà mất, chữ “rồng cái” (dragon lady) mới ra đời, nhưng ngày nay, bà được gọi là Rồng Cái.
The_Ci-Xi_Imperial_Dowager_Empress
Chân dung Từ Hi Thái Hậu
TỪ HI THÁI HẬU(Cixi Tai Hou) sinh năm 1835 tại Mãn Châu, đúng một trăm năm trước khi chữ dragon Lady ra đời, mất năm 1908. Bà được tuyển vào cung làm phi tần của Hoàng Đế Hàm Phong (Xiamfeng) khi là một thiếu nữ. Nhờ sinh được con trai nối dõi, Bà được nâng lên hàng thứ phi, vì Hoàng Hậu không có con.Năm 1890, vào hồi kết thức trận chiến nha phiến thứ nhì, liên quân Anh Pháp chiếm thủ đô Bắc Kinh, đốt phá bằng địa Di Hòa Viên, là cung điện cư ngụ mùa Hè của nhà vua ở ngoại ô Bắc Kinh. Vua và hoàng gia cùng quần thần phải chạy về lánh nạn tại Nhiệt Hà (Rehe), bây giờ là Thành Đô, Hà Bắc (Chengde, Hebei).Tháng 8, 1861 Hàm Phong qua đời tại Nhiệt Hà, hoàng tử nối ngôi (con của thứ phi, sau thành Từ Hi Thái Hậu) mới 6 tuổi. Trước khi từ trần, Hàm Phong gọi các cận thần lại, lập ban nhiếp chính tám người, để giúp Hoàng Đế tương lai. Hoàng Hậu và Thứ Phi cũng được nhà vua gọi đến, nhắn nhủ hai bà hòa thuận, cùng nhau giúp vua con trưởng thành.Sau khi Hoàng Đế Hàm Phong băng hà, Hoàng Hậu 25 tuổi được mang danh hiệu Từ Ân Thái Hậu (Ci’an Tai Hou). Thứ Phi 27 tuổi lên địa vị Từ Hi Thái Hậu. Khi Hàm Phong còn sống, Từ Hi đã âm mưu nắm quyền. Sau khi Hàm Phong băng hà, một mặt Từ Hi liên kết với Từ Ân Thái Hậu để cả hai cùng trị nước, mặt khác, chia rẽ ban nhiếp chính. Trong khi thi hài nhà vua còn đợi ngày tốt để được rước về kinh, Từ Hi cùng con trai về Bắc Kinh trước, liên kết với các phần tử bất mãn chống lại ban nhiếp chính. Vụ này coi như cuộc đảo chính trong cung, ban nhiếp chính bị lật đổ. Để tỏ lòng nhân từ, Thái Hậu Từ Hi cho quan đứng đầu ban nhiếp chính “được” chém đầu, thay vì bị tùng xẻo.Từ đó, hai bà Thái Hậu ngồi sau rèm lo việc triều chính, được các nhà viết sử gọi là “Thùy Liêm thính chính”. Hai bà chọn niên hiệu cho vua con là Đồng Trị (Tongzhi) – cùng cai trị. Bà Từ Ân vốn ngây thơ hiền lành, chán việc triều chính, khiến quyền hành trong tay bà Từ Hi ngày càng tăng.Năm 1872, khi vua Đồng Trị 17 tuổi, tuy là con ruột bà Từ Hi, nhưng cưới người vợ theo chỉ dẫn của bà Từ Ân. Cô này còn là cháu một kẻ thù của bà Từ Hi, khiến mối liên hệ mẹ chồng nàng dâu rất căng thẳng. “Đôi trẻ” Hoàng Đế và Hoàng Hậu quấn quít bên nhau, làm cho Thái Hậu Từ Hi ngứa mắt. Bà bắt Hoàng Đế phải xa vợ, cấm cung một nơi để lo việc nước. Chán cảnh lẻ loi, nhà vua cùng với bạn, lẻn ra ngoài Tử Cấm Thành, giả thường dân đi chơi điếm. Có tin đồn Hoàng Thượng mắc bệnh hoa liễu, và chết vì bệnh này năm 20 tuổi. Nhưng cũng có tin nhà vua băng hà vì bệnh đậu mùa. Hai tháng sau, Hoàng Hậu trẻ cũng qua đời. Có tin đồn bị đầu độc, nhưng vô bằng chứng.Đồng Trị không con nối dõi. Từ Hi chọn một người cháu của mình, mới 4 tuổi, cho làm vua, lấy hiệu là Quang Tự (Guangxu) – thừa tự vinh quang. Hai bà Thái Hậu tiếp tục cai trị từ sau rèm. Đến khi bà Từ Ân qua đời năm 1881, bà Từ Hi nắm độc quyền trị nước. Vì bà Từ Ân qua đời đột ngột, khiến dư luận nghi bà bị đầu độc, nhưng không có bằng chứng.Năm 1887, Hoàng Đế Quang Tự được 16 tuổi, đáng lẽ đủ tuổi để cai trị, nhưng bà Từ Hi vẫn tiếp tục nhiếp chính “theo thỉnh nguyện của quần thần”. Hai năm sau, Quang Tự phải lấy một người cháu của bà làm Hoàng Hậu. Thay vì thân thiết với Hoàng Hậu, Quang Tự lại gắn bó với một phi tần, khiến bà Tù Hi giận dữ.Ở tuổi đôi mươi, Quang Tự trưởng thành vào đúng lúc nước Tầu thất bại trong trận Trung Nhật chiến tranh năm 1894, nên muốn canh tân đất nước để kịp thời đối phó với tình thế. Dưới ảnh hưởng của các nhà cải cách như Khang Hũu Vi (Kang Youwei) và Lương Khải Siêu (Liang Qichao), Quang Tự muốn đổi mới Trung Hoa như Nhật và Đức.Quang Tự họp bàn kế hoạch canh tân với các nhân vật chủ trương thay đổi, kể cả quân sự và dân dự. Chỉ trong một trăm ngày, Quang Tự công bố hơn một trăm biện pháp canh tân. Bà Từ Hi phản ứng bằng cách thẳng tay đàn áp: Quản thúc Quang Tự trong một cung điện trên hòn đảo nhỏ ở Đông Nam Hải (Zhongnanhai), cạnh Tử Cấm Thành, không cho tiếp xúc với bất cứ ai. Phía quân sự, sáu quân nhân trong nhóm Đàm Tự Đồng (Tan Sitong) bị giết. Đứng đầu phe dân sự là Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu chạy thoát sang Nhật. Vụ này gọi là chính biến Mậu Tuất (1898).Sau vụ này, Từ Hi Thái Hậu ra chiếu chỉ phán rằng Quang Tự hoàn toàn sai lầm, không xứng đáng với địa vị Hoàng Đế. Tuy không bị phế bỏ, nhưng sự nghiệp Quang Tự coi như chấm dứt.Năm sau, 1900, có cuộc nổi dậy của Nghĩa Hòa Đoàn (Yi He Tuan). Môn phái này mang tính tôn giáo, vốn xuất phát từ tỉnh Sơn Đông, gồm đa số nông dân, sử dụng gươm giáo và quyền cước, người Tây phương gọi là “Boxer Rebellion”, nên còn được dịch là “Loạn Quyền Phỉ”. Thành viên phái này tin vào bùa phép, nghĩ rằng súng đạn không giết được họ. Vốn chống Thanh phò Minh, nhưng khi áp lực của Tây phương đè nặng trên Trung Hoa, họ quay sang phò Thanh diệt Dương, ủng hộ triều đình tiêu diệt người Tây phương.Thấy Nghĩa Hòa Đoàn được dân chúng khắp nơi ủng hộ, bà Từ Hi nghĩ rằng họ có thể giúp bà chống ngoại xâm. Bà nói: “Có lẽ không thể trông cậy vào ma thuật của họ; nhưng chúng ta có thể nào không dựa vào tâm và trí của nhân dân? Trung Quốc ngày nay vô cùng yếu. Chúng ta chỉ có tâm và trí của nhân dân để dựa vào. Nếu chúng ta bỏ qua và mất sự ủng hộ của dân, chúng ta có cái gì để giữ nước?” Bà công khai ủng họ Nghĩa Hòa Đoàn, cùng lúc tuyên chiến với các cường quốc Tây phương. Chiến tranh nổ lớn, các phái bộ ngoại quốc bị vây hãm và giết hại. Bát quốc liên quân tiến chiếm Bắc Kinh, nhiều người cả hai bên chết và bị thương. Triều Đình phải chạy về Tây An (Xi’an).Khi thấy Bát quốc Liên quân khá mạnh, Bà lại cầm chân Nghĩa Hòa Đoàn, không cho đánh đến cùng. Liên minh Tây phương cũng không săn đuổi bà tới cùng. Họ cho người tới thương thuyết, bảo đảm vẫn tôn trọng địa vị của Bà. Từ Hi đồng ý hòa đàm, đưa tới hòa ước năm 1901, chịu bồi thường chiến phí cho Liên minh số tiền là 450 triệu lạng bạc, ngang với 450 triệu dân Trung Quốc, trả trong 39 năm, cả vốn lẫn lời thành trên 900 triệu lạng bạc, đổ đồng mỗi đầu dân hai lạng. Nước Mỹ làm một cử chỉ có ý nghĩa, dùng số tiền bồi thường về phần mình để phát triển giáo dục Trung Quốc, một phần cho người Trung Quốc đi du học, một phần mở trường tại Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa (Tsinghua) nằm trong số này, trở thành đại học danh tiếng ngày nay.Từ Tây An trở lại Bắc Kinh vào tháng Giêng 1902, bà Từ Hi thay đổi hoàn toàn. Bà bắt đầu cải cách mọi mặt, về chính trị, ban hành hiến pháp, về xã hội, bỏ tục phụ nữ bó chân, về giáo dục, thay đổi cách học và cách thi… Bà chủ trương thay đổi nhiều hơn cả đề nghị của những người bà chém đầu mấy năm trước. Để lấy lại uy tín và tạo hình ảnh Âu hóa trước dư luận, Bà cho mời họa sĩ Âu châu vào cung, vẽ hình bà mặc long bào, áo có thêu rồng của nhà vua, chứng tỏ mình là kẻ cầm quyền chính thống. Bà cho gọi một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, vào cung chụp một loạt hình của bà, là bộ ảnh duy nhất ghi lại cảnh Bà trong cung triều đình Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20. Gây tranh cãi nhiều nhất vào thời đó là hình bà Từ Hi trong y phục Quan Âm, nhân vật biểu tượng của tình thương trong Phật Giáo. Người ta phản đối: “Hãy tưởng tượng, Hoàng Thái Hậu từng bị cho là người đoạt ngôi vua, giết hại dân và người ngoại quốc, rồi ăn mặc như Quan Âm là người tượng trưng cho tình thương?”Bộ ảnh hiếm có về bà Từ Hi đang được trưng bầy tại Freer/Sackler thuộc Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Á Châu của hệ thống The Smithsonian, tại Washington, DC. từ 24 tháng 9, 2011, đến sau Tết Rồng, 29 tháng 1, 2012.Mối liên hệ giữa công chúng, triều Thanh và các cường quốc Tây phương vào đầu thế kỷ trước là cái vòng luẩn quẩn. Dân sợ vua quan, vua quan sợ nước ngoài, nước ngoài sợ dân. Dân sợ vua quan, vì vua quan có quyền thưởng phạt. Vua quan sợ nước ngoài, vì họ có thể mang quân tới lật đổ mình. Nước ngoài sợ dân, vì không thông hiểu ngôn ngữ và phong tục tập quán, họ không thể trực tiếp cai trị dân. Vậy, nước ngoài muốn trị dân, họ phải quay ngược vòng: Nắm đầu vua quan, để vua quan trị dân thay cho họ.Bát quốc Liên minh không lật đổ bà Từ Hi, giữ bà lại để bà trị dân, bắt dân đóng thuế để bồi thường cho mình. Chừng nào địa vị bà không bị lung lay, bà sẵn sàng làm vừa lòng nước ngoài, kể cả ngăn chặn dân chúng bài ngoại.Có vẻ nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh ngày nay đã học thuộc bài học Tây phương đối với bà Từ Hi. Họ sẽ không bao giờ đem quân tới đánh và trực tiếp cai trị dân tộc Việt Nam. Họ nắm đầu đảng cầm quyền ở Hà Nội để cai trị dân Việt thay cho họ. Dân Việt không nộp tiền cho họ qua hình thức “bồi thường”, mà qua ngả “đấu thầu” họ thường thắng với tỉ lệ 90%.Vừa lên cầm quyền, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải sang Bắc Kinh nhận lệnh. Lệnh ra sao? Bí mật, ai biết! Trong khi ấy, Chủ Tịch vô quyền Trương Tấn Sang đi Ấn đi Phi, nói năng mạnh bạo, nhưng lời nói của kẻ không có thực quyền, liệu có ích gì? Biết đâu, Bắc Kinh chả sắp xếp như vậy để che mặt thế gian. Kể cả chuyện “Hà Nội xích lại với Mỹ,” biết đâu chỉ là màn kịch đạo diễn từ Bắc Kinh.Trong khi người dân Hà Nội liên tiếp biểu tình chống Tầu để giữ nước, có thể nước đã mất rồi, và đang do Bắc Kinh cai trị qua tay Hà Nội. Với những kẻ đang cầm quyền ở Hà Nội, chừng nào Bắc Kinh còn bảo đảm địa vị của họ, họ sẵn sàng làm theo tất cả những gì Bắc Kinh muốn. Cũng như bà Từ Hi sẵn sàng làm theo nước ngoài, nếu để bà được yên.Ngày 14 tháng 11, 1908, Quang Tự qua đời, vẫn trong tình trạng bi giam lỏng. Cùng ngày, bà Từ Hy phong vương cho một đứa bé ba tuổi trong hoàng tộc lên ngôi, là Hoàng Đế Phổ Nghi (Puyi). Hôm sau, bà qua đời, hưởng thọ 74 tuổi.Một trăm năm sau, ngày 4 tháng 11, 2008, kết quả giảo nghiệm xác vua Quang Tự cho biết ông bị đầu độc bằng chất arsenic. Theo tin CNN, chất độc này trong cơ thể ông cao gấp hai ngàn lần bình thường. Dư luận đoán rằng bà Từ Hi biết mình sắp chết, cho Quang Tự chết trước một ngày, để trừ hậu họa.
2. Giúp chồng thành bại : Bà Tưởng Giới Thạch (Madame Chiang Kai-shek) ra đời tại đảo Hải Nam vào năm bà Từ Hi làm cuộc chính biến Mậu Tuất (1898), và sống tới 106 tuổi. Trong cuộc sống hơn một thế kỷ, bà làm được nhiều việc lớn, và nhiều việc bị dị nghị; lời khen cũng lắm, lời chê cũng nhiều. Bà đã giúp chồng thành công, và khi chồng thất bại, người ta cũng đổ tại bà một phần. Trong Đệ Nhị Thế chiến, bà đã cố gắng nêu cao chính nghĩa của Trung Hoa, và tạo uy tín cho chồng bà sánh vai với Roosevelt, Churchill, và Stalin. Thông suốt văn hóa Trung Hoa và Tây phương, bà nổi tiếng cả trong nước và hải ngoại.Ngoài vai trò là thư ký, là thông ngôn, và người phát ngôn của ông, ông còn cử bà vào nhiều chức vụ quan trọng, như Ủy ban Viện, đại biểu Viện lập pháp, Tổng quản không lục Trung Hoa, và năm 1945, là thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.Sự nghiệp của một người chỉ có thể thẩm định khi nắp quan tài đóng lại (cái quan định phận). Vậy xin trích dịch lại sau đây nhận định của một số cơ quan truyền thông khác nhau, khi bà Tống Mỹ Linh (Soong Mei Ling) qua đời vào năm 2003:Trích tin VOA viết từ Hồng Kông ngày 24 tháng 10, 2003:Bà Tống Mỹ Linh, góa phụ cố lãnh tụ Đài Loan Tưởng Giới Thạch, đã qua đời tại nhà bà ở New York, thọ 106 tuổi.Bộ Ngoại Giao Đài Loan đã loan báo về cái chết của Bà Tưởng Giới Thạch. Cờ rũ đã treo tại trụ sở Trung ương Quốc Dân Đảng tại Đài Bắc (Taipei).Nhũ danh Tống Mỹ Linh, bà là người trẻ nhất trong ba chị em nổi tiếng của Trung Hoa, bà Tưởng đã được nuôi dưỡng và giáo dục tại Hoa Kỳ. Bà tốt nghiệp hạng danh dự tại trưởng đại học Wellesley ở Massachusetts năm 1917 (19 tuồi).Bà mang danh hiệu “Bà Tưởng” (Madame Chiang) sau khi kết hôn với lãnh tụ đảng cầm quyền Trung Hoa là Tưởng Giới Thạch vào năm 1926…Trích bài báo trên tờ Guardian (Anh) ngày 5 tháng 11, 2003:Tống Mỹ Linh, hay Bà Tưởng Giới Thạch, một thời nổi tiếng khắp thế giới vừa đẹp vừa là Rồng Cái siêu quyền lực vợ của nhà cai trị độc tài Trung Hoa, sống những năm cuối đời ẩn dật trong một apartment lớn nhìn ra Gracie Park ở Upper East Side trước khi qua đời vào ngày 23 tháng 10 ở tuổi 106. Sự ẩn dật này không phải chỉ dản dị là tuổi già hay bệnh tật. Quốc Dân Đảng (Kuomintang) đã cai trị Đài Loan sau khi bà và chồng chạy khỏi lục địa Trung Hoa vào năm 1949, đang tự tái sinh như một đảng dân chủ hiện đại, và họ không muốn diện mạo từ thời độc tài trong quá khứ xuất hiện…Trích bài báo tạp chí TIME 24 tháng 10, 2003:Giai đoạn cực thịnh của Bà Tưởng là thời gian Đệ Nhị Thế Chiến, khi bà tới Hoa Kỳ như là người phát ngôn của chồng bà, đọc một bài diễn văn khích động trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ, kêu gọi giúp đỡ chống Nhật. Một trí thức có sức lôi cuốn, bà đã đương đầu với những tư tưởng cổ truyền về người phụ nữ Trung Hoa chỉ biết im lặng vâng lời, bà đã đảm nhận vai trò lãnh đạo chính trị, một thời điều khiển cả không lực của ông Tưởng. Là thần tượng của thân hữu Tây phương hiện đại và không lùi bước trong việc chống lại bành trướng của phe Mao, Bà Tưởng và chồng bà đã được trọng vọng tại Hoa Kỳ, và bà đã xuất hiện trên bìa báo TIME tới ba lần. Nhưng trong nước, một số người cho là bà kiêu căng và là một người bào chữa cho đường lối cai trị độc tài của chế độ Quốc Dân Đảng. Sau khi chồng bà qua đời năm 1975, bà sang Hoa Kỳ, và sống cuộc đời ngoài ánh đèn chính trị…
Madame-Chiang-Kai-shek
Chân dung bà Tưởng Giới Thạch
Trích báo New York Times, ngày 25 tháng 10, 2003:Là một diễn giả thông thạo Anh ngữ và theo Thiên Chúa Giáo, như là một người mẫu mà nhiều người Mỹ mong muốn Trung Hoa trở thành, Bà Tưởng đã chạm đúng tần số của thính giả người Mỹ khi bà du hành khắp nước, bắt đầu từ năm 1930, vận động tài chính và ảnh hưởng để giúp cho chính quyền của chồng bà. Đối với nhiều người Mỹ, bà có vẻ biểu tượng của một Trung Hoa hiện đại, có học, thân Mỹ mà họ mong muốn xuất hiện – dù rằng có nhiều người Trung Hoa cho rằng bà là một người tham nhũng, thèm khát quyền lực, biểu tượng của một quá khứ họ cố thoát khỏi…- Tạp chí LIFE gọi bà là “Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới”- Nhà văn Ernest Hemingway gọi bà là “Hoàng hậu của Trung Hoa”- Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ Eleanor Roosevelt nhận xét: “Bà ấy có thể nói rất hay về dân chủ. Nhưng bà ấy không hiểu làm thế nào để sống dân chủ”.- Bà Tưởng tự nói về mình: “Chỉ có một thứ Á Đông về tôi là cái mặt của tôi”.- Tuyên bố của Tổng Thống George W. Bush: Bà Tưởng là một người bạn thân của Hoa Kỳ trong suốt đời bà, và đặc biệt trong khi nói lên cuộc chiến đấu của thế kỷ trước. Nhiều thế hệ người Mỹ sẽ nhớ mãi và kính trọng sự thông minh cùng với cá tính mạnh mẽ của bà. Thay mặt nhân dân Hoa Kỳ, tôi gửi lời chia buồn tới những người trong gia đình Bà Tưởng và những người ái mộ khắp thế giới.
3. Rồng Cái tự biện minh :Bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân, sinh năm 1924, qua đời 2011. Bà Từ Hi qua đời trước khi chữ Rồng Cái ra đời. Không rõ bà Tưởng có biết người ta gọi mình là Rồng Cái không. Bà Nhu chẳng những biết, mà còn có cơ hội tự giải thích tại sao người ta gọi mình là Rồng Cái. Khi bà qua đời vào tháng Tư năm 2011, nhiều bản tin đã nhắc tới danh hiệu Rồng Cái của bà. Hãng CBS loan bản tin của AP ngày 27 tháng 4, với tựa: Bà “Rồng Cái” Ngô Đình Nhu qua đời tại Rome. Tờ Independent (Anh) mở đầu bài viết của Martin Childs: “Bà Ngô Đình Nhu được mô tả như “Rồng Cái” hay “Lucrezia Borgia Á Đông”.Qua bài viết của Joseph Gregory ngày 27 tháng 4, 2011 trên New York Times, có những đoạn đáng chú ý sau đây:Cha mẹ đặt tên bà là Trần Lệ Xuân, “mùa Xuân đẹp”. Với tư cách là người chính thức tiếp khách của vị tổng thống độc thân Nam Việt Nam là anh chồng bà, bà được chính thức gọi là Bà Ngô Đình Nhu. Nhưng đối với các nhà báo Mỹ, giới ngoại giao và các quân nhân vứơng mắc trong vòng những mưu toan của Sài Gòn vào đầu thập niên 1960, bà ấy là “Rồng Cái”, biểu tượng của tất cả những gì sai quấy với nỗ lực của Mỹ để cứu đất nước bà khỏi chủ nghĩa cộng sản….Vào những ngày ông Diệm mới cần quyền, bà nghe nói người đứng đầu quân đội là tướng Nguyễn Văn Hinh khoác lác rằng ông sẽ lật đổ Thủ Tướng và bắt bà làm người tình, bà đối diện ông tại một cuộc tiếp tân ở Sài Gòn. Theo tuần báo TIME, bà đã làm ông Tướng sửng sốt khi nói rằng: “Ông không bao giờ lật đổ chính quyền này, vì ông không có gan. Và nếu ông lật đổ, ông sẽ không bao giờ có được tôi, vì tôi sẽ móc cổ ông trước”.Theo nhà báo William Prochnau: “Bà Nhu nhìn và hành động giống như người đàn bà quái ác chết người của loạt truyện bằng tranh nổi tiếng thời bấy giờ “Terry and the Pirates”, nên người Mỹ đặt cho bà cái tên của nhân vật đó, là “Rồng Cái”.Trong cuộc phỏng vấn của chương trình “Vietnam: A Television History” (Lịch sử Việt Nam bằng truyền hình) tại Roma ngày 02 tháng 11, 1982, bà Nhu đã được hỏi thẳng tại sao báo Mỹ gọi bà là Rồng Cái. Sau đây là những câu hỏi và trả lời của chính bà:Người phỏng vấn: Thưa Bà Nhu, vào thời Tổng Thống Diệm, Bà được coi như Đệ Nhất Phu Nhân của Việt Nam. Bà có thể cho chúng tôi biết về vai trò của bà không?Bà Nhu:Vai trò của tôi. Không được đâu, nó quá khó đề mô tả. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi giống như một con mèo con, được Chúa cắn cổ tung vào đấu trường với đám sư tử, nhưng tôi tin rằng chỉ bởi vỉ tôi sinh ra dứơi dấu hiệu sư tử, và tôi tin rằng tôi có thể sống với họ. Nhưng thật ra, đó là câu truyện quá dài để nói bây giờ, tôi đã viết ít nhất ba cuốn sách về nó, nên tôi muốn giữ lại.Người phỏng vấn:Còn về việc báo chí Tây phương đã phản bà như thế nào? Nhân tiện, có chuyện người ta gọi bà là Rồng Cái. Bà có muốn bình phẩm về chuyện này?Bà Nhu:Tôi tin rằng khi người ta gọi tôi như vậy, chỉ bởi vì người ta nhìn thấy tôi không sợ hãi, và đó là sự thật. Chồng tôi, ông ấy đã rất không vui với một bên là ông anh, và bên kia là vợ. Ông ấy đã coi cả hai chúng tôi đều như trẻ con trong rừng, là người tuyệt đối vô tâm – nghĩa là người không có cảm giác thực tế, khi đụng độ với con mồi, mà mình không có cảm tưởng mình chiến đấu với những con thú khủng khiếp. Và ông ấy thường nói với anh của ông ấy rằng: Anh, anh nên là một thầy tu, và bà (với tôi), bà nên ở nhà và kín tiếng như một bà nội trợ. Và tôi nói, dĩ nhiên, nếu chỉ là mình tôi, chắc là tôi theo ngay lời khuyên của chồng tôi, trở về nhà, khâu vá, đan áo, và nấu cơm. Đó chính là những điều tôi thích ở đời. Nhưng khi tôi ở trong nước tôi, dân chúng tới nói với tôi, bà nên làm cái này, bà nên làm việc kia. Và tôi thấy rõ rằng, nếu tôi không làm những điều đó, thì chẳng có ai làm.Vì thế, tôi tổ chức mọi sự sẵn sàng để trao cho họ ngay vì tôi không muốn, không thích cuộc sống của tôi lúc đó, không một tí nào. Và họ cho rằng, họ gọi tôi là Rồng Cái bởi vì họ thấy rằng tôi là người tuyệt đối cương quyết, rằng không cái gì có thể ngăn chặn tôi. Chỉ có một điều họ có thể, nếu họ có thể ngăn cản tôi, nếu họ muốn cản tôi, họ phải giải thích cho biết tại sao tôi sai. Nếu họ không giải thích được, tôi cóc cần.Vì thế, họ thấy rất rõ rằng tôi không hề sợ cái gì cả. Và cô (người phỏng vấn) có biết rằng tại sao họ gọi tôi như vậy? Họ mời tôi, báo chí, mời tôi đi. Lúc đầu họ nói, “ông Nhu, ông bà Nhu, không Nhu, tin hấp dẫn,” và “Ông Bà ấy phải rời khỏi đất nước.” Họ nói mời tôi đi để giải thích địa vị của tôi trước diễn đàn [công luận] Hoa Kỳ, trước báo chí. Tôi rời nước tôi, nhưng khi mới tới Belgrade, tại đó, họ nói với tôi rằng theo Bộ Ngoại Giao [Hoa Kỳ], tôi không nên tới Mỹ vì họ không bảo đảm an toàn cho tôi.Thế ra, họ mời tôi là để tôi rời nước tôi. Nhưng ngay khi tôi rời nước tôi, họ nói đừng tới. Tôi nói, tôi rời nước tôi chỉ là để tới đó, và nước Mỹ hãy chứng tỏ với thế giới rằng họ không đủ khả năng bảo vệ một phụ nữ yếu đuối trên lãnh thổ của họ.Người phỏng vấn:Như vậy, vào tháng Mười năm 1963, bà đã thất vọng với người Mỹ?Bà Nhu:Vào thời gian đó họ mời tôi và sau khi tôi rời nước tôi họ lại nói như thế [là đừng tới nước Mỹ]. Tất nhiên, tôi thất vọng. Và vì thế mọi người nói, coi tôi như một con Rồng Cái – có thể vì tôi dám đương đầu họ.
 clip_image007[6]MmeNgoDinhNhu
clip_image007[7]Chân dung bà Ngô Đình Nhu (Bìa báo Life, 9 tháng Tám, 1963)
Tóm lại, Rồng Cái, mỗi bà một vẻ, chẳng ai giống ai. Chắc thế gian không chỉ có ba bà Rồng Cái. Các bà này thuộc loại “Hiển Long Nữ,” loại Rồng Cái xuất đầu lộ diện, dễ biết để tránh. Có thể còn nhiều “Tiềm Long Nữ,” Rồng Cái ẩn mặt, rất nguy hiểm vì không biết mà đề phòng.
Ngoài Rồng Cái gốc người, còn có Rồng Cái gốc đồ vật. Loại phi cơ trinh thám nổi tiếng của Mỹ là “U2” cũng được gọi là Rồng Cái (dragonlady). Theo Hội Rồng Cái (U2-Dragonlady Association), http://www.u2dla.org/ – bao gồm thành viên hoặc cựu thành viên của lực lượng không quân Hoa kỳ và những công ty nhân sự đã có quan hệ với phi cơ U2), hiện nay, bất cứ giờ nào, ngày hay đêm, 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm, đều có Rồng Cái quan sát nơi nào đó trên thế giới, theo dõi hành tung người ta.
 U2dragonlady
Phi cơ trinh thám U2 dragonlady
Năm Rồng, mong chư quân tử khắp nơi chớ dỡn mặt với Rồng Cái.
Đinh Từ Thức