Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Người về hưu ở Nga

Những niềm vui và khó khăn trong cuộc sống

Tiếng Nói Nước Nga 1.10.2009
Trước thềm Ngày Người Cao Niên Toàn Thế Giới, sẽ kỷ niệm vào 1 tháng Mười, Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VTsIOM) đã công bố tư liệu đáng chú ý: các công dân Nga suy nghĩ gì về vấn đề người cao niên, có cần tăng độ tuổi nghỉ hưu hay chăng, và khi về già muốn được sống như thế nào. Tham gia cuộc trưng cầu có 1600 người tại 140 điểm dân cư thuộc 42 khu vực của Liên bang Nga.
31 triệu người – đó là số lượng người cao tuổi trong gần 140 triệu dân cư Nga. Tức là gần 1/5 số dân Nga đang ở độ tuổi hưu trí. Về câu hỏi, người Nga có lo sợ tuổi “xế bóng” hay chăng, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga, ông Valery Fedorov cho biết:
“Người Nga tỏ ra rất can đảm khi trả lời câu hỏi này. Và mặc dù đây chẳng phải là tuyên ngôn gì nghiêm trọng, nhưng hơn 40% người được hỏi đã nói rằng họ không ngại tuổi già, còn 22 % thì không hề băn khoăn gì về chuyện này. Như vậy, nhìn chung 2/3 người Nga hoặc là không lo lắng, hoặc tuyệt nhiên không bận tâm về độ tuổi già của bản thân”.
Trong số những suy tư cơ bản liên quan với tuổi già, thì chiếm vị trí hàng đầu là bệnh tật và giảm sút sức khỏe – chiếm 11 % những người được hỏi. Còn 8% e ngại cảnh túng bấn và vô phương giúp đỡ. “Nghèo không phải là tệ, còn bần cùng là thảm cảnh”, — một người được hỏi ý kiến đã nói như nhân vật trong tác phẩm của Dostoevski, và khó lòng không đồng ý với nhận xét sâu sắc này. Hiện nay, khi về hưu, trung bình mỗi người dân Nga bị mất khoảng một nửa đến 2/3 thu nhập cá nhân. Cũng trong lúc này, năm 2010 Nga dự định tăng mạnh trợ cấp hưu trí.
Nhưng đó là trong tương lai, còn hiện tại những người về hưu còn phải nặng lòng ưu tư trước viễn cảnh sống nghèo. Vì thế, bất kể khoản trợ cấp ít ỏi và những khó khăn đầy rẫy, những người cao tuổi ở Nga vẫn thể hiện tư chất thích nghi hòa nhập đáng ngạc nhiên và biểu thị tấm gương về nghị lực sống kiên cường và tinh thần lạc quan. Cần nói thêm, 2/3 trong số này – nói chính xác hơn là 65% — ngoài khoản trợ cấp hưu trí của Nhà nước, không có nguồn thu nhập bổ sung nào khác. Nhưng 30 % thì có. Vậy nguồn thu nhập thêm ấy là gì? Trước hết, là do con cháu giúp đỡ. Dạng thứ hai và phổ biến nhất, đó là nhờ khả năng tự cải thiện phúc lợi của bản thân, sau khi nhận sổ hưu vẫn tiếp tục làm việc, dù là cường độ có giảm đi. Dạng thứ ba, là tự đảm bảo, tự trợ cấp – tức là tăng gia các nông sản ở khu vườn ngoại ô hay là trên mảnh đất canh tác. Nguồn thu nhập bổ sung nữa, sở hữu của 6% người được hỏi, là tiền tiết kiệm.
Nhìn tổng thể, nguồn thu nhập chính của người cao tuổi lở Nga à trợ cấp hưu trí. Ông Valery Fedorov nhận xét:
“4 năm trước, một nửa số người được hỏi đã cho rằng, lúc đến tuổi về hưu họ sẽ không thôi làm việc mà muốn tiếp tục lao động nếu còn đủ sức. Sau 4 năm, con số những người giữ quan điểm như thế đã ít đi, còn 34%. Hẳn đây là tư liệu phản ánh sự thay đổi trong thực trạng đảm bảo hưu trí. Tiền lương hưu những năm qua đã được tăng liên tục. Tuy chưa phải với nhịp độ mà tất cả đều mong muốn, nhưng hàng tháng vẫn đều đặn có khoản tiền thêm”.
Dù sao chăng nữa, 1/3 người Nga hôm nay vạch kế hoạch làm việc khi về hưu. Những năm gần đây, tình hình nhân khẩu ở Nga thay đổi không phải theo chiều hướng tốt đẹp, vẫn gia tăng số lượng cư dân già. Xin nhắc lại rằng, hiện nay độ tuổi về hưu với nữ giới là 55, với nam giới là 60. Ngưỡng tuổi như thế là ít hơn vài năm so với hàng loạt nước phát triển ở châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, đối với câu hỏi, nên chăng thay đổi tham biến tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên, thì chẳng có ai ở chính nước Nga thấy cần phải thảo luận rộng rãi. Chỉ có 4% số người được hỏi nêu ý kiến tán thành, còn lại gần như cả cộng đồng kiên quyết phản đối tăng ngưỡng tuổi về hưu. Trong bối cảnh tuổi thọ trung bình ở Nga thấp hơn ở Nhật Bản và một số nước phát triển châu Âu, nếu tăng cao ngưỡng tuổi nghỉ hưu có nghĩa là bộ phận đáng kể người Nga không được hưởng trợ cấp hưu trí.
Như vậy, nét ưu việt vượt trội của cách tiếp cận thực dụng, là nhận trợ cấp hưu trí từ Nhà nước, song hành với tạo điều kiện làm việc bổ sung vừa sức, khi người lao động đến tuổi hưu.