Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

VIỆT NAM : HÌNH ẢNH XA XƯA

Fr: Ngoc ai Dang* Quynh Ngo 
                                                  Nguyễn Đức Hiệp

Việt Nam có một lịch sử nhiếp ảnh và phim ảnh phong phú, có thể nói là một trong nước mà nhiếp ảnh và điện ảnh được bắt đầu áp dụng trước nhất ở Á châu. Sau khi Louis Daguerre khám phá ra kỹ thuật chụp ảnh năm 1837, thì bảy năm sau Alphonse Jules Itier đã ghé Đà Nẳng trên đường qua Trung Quốc đã chụp một đồn lính Việt Nam trên bảng đồng. Đây là bức ảnh đầu tiên chụp ở Việt Nam.Cũng vậy sau một sự kiện lớn trong lịch sử kỷ thuật phim xuất hiện ở Pháp.khi hai anh em Lumière (Auguste và Louis) sáng chế ra máy quay phim vào năm 1895,, thì chỉ một năm sau, Auguste và Louis Lumière đã gởi Gabriel Veyre đến Đông Dương và quay các phim ở vùng này (hai anh em cũng gởi người đi đến nhiều nơi khác trên thế giới).


Vì thế các phim đầu tiên thực hiện ở Việt Nam là của hai anh em Lumière. Trong các phim này thì phim đầu tiên là do Gabriel Veyre quay năm 1896 ở một làng gần Đà Nẳng có tựa đề là “Le Village de Namo – Panorama pris d’une chaise à porteurs” . Làng này chính là làng Nam Ô, sát cạnh biển gần thành phố Đà Nẳng, Gabriel Veyre đã quay cảnh các trẻ em chạy chung quanh ông lúc đang ngồi trên kiệu cầm máy quay phim vào làng (1)


Nhưng tư liệu nhiều nhất để lại là những hình ảnh do các nhà nhiếp ảnh Pháp (và sau này là các nhiếp ảnh người Việt Nam) chụp vào hậu bán thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam, Cam Bốt và Lào. Những nhà nhiếp ảnh tiên phong trong thời kỳ này là Émile Gsell, Aurélien Pestel, George Victor Planté, Gabriel Auguste Paullussen, G. Wirth, Alexandre Francis Decoly, Poujade de Ladevèze, Ludovic Crespin, Fernand Nadal, Võ An Ninh… Riêng Émile Gsell đã có chụp những bức hình xưa nhất rất quí giá về lịch sử văn hóa và nghệ thuật vào năm 1866 ở Saigon và Bắc Kỳ.
Bài này chỉ giới hạn trong sự giới thiệu sơ lược các tác giả và vài hình ảnh tiêu biểu của 3 nhà nhiếp ảnh vào đầu thế kỷ 20: Ludovic Crespin, Fernand Nadal và Võ An Ninh. Một bài nghiên cứu tương đối đầy đủ hiện sắp hoàn thành về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam ở Saigon và sẽ được trình bày sau.

Ludovic Crespin – Saigon đầu thập niên 1920: Place de la Douane.
Ludovic Crespin, sinh năm 1873, là một trong những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp sống ở Saigon cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ông có cơ sở thương mại tại số 136-138 rue Catinat (đưo=`ng Đồng Khở ngày nay) và có một phòng phim ở số 10 Boulevard Charner (Nguyễn Huệ) (1). Ông Crespin cũng xuất bản các sách in lại từ các ảnh, như bộ ảnh về thành phố Chợ Lớn năm 1909. Ông xuất bản bộ ảnh nổi tiếng tên là “Souvenir de Cochinchine et du Cambodge”.
Hình trên là trích từ bộ ảnh này. Bên phải là tòa nhà Hải quan (trước đó là nhà của ông Vương Thái, Wang-Tai). Bên trái là Quai de commerce (bến Bạch Đằng ngày nay). Chính tại bến này Nguyễn Tất Thành lên tàu Amiral Latouche-Treville của hãng Chargeurs Reunis (chứ không phải tại bến Nhà Rồng là nơi đậu tàu của hãng Messageries Martitimes) (5). Trụ sở của hãng Chargeurs Reunis là ở lầu một của khách sạn Hotel de la Rotonde, số 2 rue Catinat.
Để ý xe buýt chở khách trong hình có mang biển quảng cáo “amer picon”, một một loại rượu đắng màu cam (từ võ cam) khai vị uống cùng với bia. Loại rượu này do ông Picon, người lính Pháp gốc đảo Corse sáng chế vào năm 1837 và sau này rất phổ thông trong quân đội Pháp, được cho là chữa nhiều bệnh như sốt rét, cảm cúm… Xe hơi vào Saigon nhiều bắt đầu từ năm 1910, sau khi ông hoàng Duc de Montpensier mang xe Lorraine Diétrich24/30 HP đến Saigon trong chuyến đi vượt rừng Saigon đến Angkor (nhiều người cho rằng ông điên rồ) nhưng ông đã thành công đến được di tích văn minh Khmer, Angkor.

Ludovic Crespin – Saigon đầu thập niên 1920 (“Souvenir de Cochinchine et du Cambodge”)
Trong hình trên là đường Catinat nhìn từ bến Bạch Đằng. Khách sạn Hotel de la Rotonde ở bên phải, có trụ sở hãng tàu Chargeurs Reunis mà trước đó Nguyễn Tất Thành đến xin làm phụ bếp của tàu Amiral Latouche Treville năm 1911. Lúc này khách sạn Majestic chưa xây, trên vị trí của Taverne Alsacienne phía trái hình (ta cũng thấy ở bên trái có ‘money changer’, sạp hàng nơi đổi tiền của người Ấn mà người Pháp gọi là Malabar).

Không rõ tác giả bức ảnh này, chỉ biết thuộc Editeur Comiel, Saigon. Collection G. Comiel, đã có xuất bản một phóng sự đầy đủ về chuyến thăm chính thức của Toàn quyền Beau ở Vân Nam, năm 1905 (1). Đây là bến xe trước tòa nhà hỏa xa, gần chợ Bến Thành. Bến xe này đi các tỉnh miền đông và tây. Để ý các xe này cũng giống như xe trong các hình chụp của Crespin.

Bức ảnh này là của Fernand Nadal chụp, in trong album Nadal năm 1926. Ông Fernand Nadal là người Ả Rập, sinh ở Algérie (Hussein-Dey năm 1898 ? hay El Affroun năm 1902?), ông đến Đông Dương trong năm đầu của thập niên 1920, ông trú ngụ và có cơ sở thương mại ở số 150 đường Catinat, Saigon.
Đường Catinat (nay là Đồng Khởi), khách sạn Continental bên phải và bên trái là tiệm thuốc tây Solirène Pharmacie (số 20 rue Catinat). Chủ nhân trước của Solirène Pharmacie là ông Lourdeau (1865), sau đó sang lại cho dược sĩ Thomas Victor Holbé và ông Renoux. Ông Holbé đặc biệt cũng là nhà thực vật, sưu tầm khảo cổ và nhân chủng học. Ông là cộng tác viên của Trường Viễn đông Bác cổ. Tính tình phóng khoáng, ông tự bỏ tiền túi đi điền dã ở nhiều nơi như Angkor, Huế, Hà Nội, Vân Nam, Java, Borneo, cao nguyên Quảng Trị (cùng với ông Cardière)…
Nhà ông ở Saigon, được bạn bè thân mật gọi là “Villa Hermosillo”, có vườn nhiệt đới đầy cây lan, cây cọ, dương sĩ… Ở đây giống như một ốc đảo giữa sa mạc là nơi tụ tập của các nhân sĩ, trí thức, những ai say mê về bất cứ khía cạnh nào về khoa học, xã hội, nhân chủng, khảo cổ, về các khía cạnh của Saigon, Nam Kỳ, hay những nơi khác có thể đến và được đón tiếp. Bộ “sưu tập Holbé” sau này được tặng cho thành phố Saigon sau khi ông mất, và được trưng bày trong nhiều phòng ở viện bảo tàng mới của Nam Kỳ, Musée de la Cochinchine (Bảo tàng Blanchard de la Brosse) (15) (16) Ông Holbé mất tại Saigon 18 tháng 2 năm 1927, sau đó tiệm thuốc tây nhường lại cho ông Renoux, thành nhà hàng của ông Pancazi, sau đó trở lại tiệm thuốc tây của ông Solirène (4). Cuối cùng trở thành nhà hàng café Givral (và năm 2010 thì bị phá bỏ).
Hiện nay chưa biết đích xác địa chỉ nhà “Villa Hermosillo” của ông Holbé ở Saigon. Trong niên giám Annuaire général de l’Indochine năm 1909 chỉ có ghi địa chỉ Pharmacie Holbé ở số 20-22 rue Catinat và một người tên Nguyen Van Duc ở số 83 rue Gia Long làm cho Pharmacie Holbé et Cie. (Nguyen Van Duc, pharmacie europénne, Holbé et Cie., Saigon).

Võ An Ninh – Cụ đồ viết câu đối Tết (1940)
Võ An Ninh, tên thật là Vũ An Tuyết, sinh năm 1907 tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Ông làm phóng viên nhiếp ảnh của Sở Kiểm Lâm. Võ An Ninh đi khắp mọi miền đất nước Bắc-Trung-Nam để chụp ảnh với cái camera của Đức hiệu Zeiss Ikon (1928). Ở Hà Nội, ông có nhiều ảnh nổi tiếng gợi nhớ về Hà Nội của những ngày thanh lịch xa xưa: Trong vườn si đền Voi Phục (1942), Gió nồm (Đê sông Hồng, 1948), Nhớ xưa (1944), Bậc đá đền Voi Phục (1956), Chùa Láng (1941), Cụ đồ viết câu đối Tết (1940), Tranh Tết làng Hồ (1941), Phố Hàng Buồm (1940). Ở thành phố Saigon trong giai đoạn 1946-1950, ông có chụp nhiều ảnh trong đó có “Chợ bến thành và bến xe thổ mộ” (1949), “Cụ đồ viết câu đối Tết” (Saigon, 1950), “Lăng ông ngày tết” (1952)…
Bức ảnh này ông chụp ở Hà Nội năm 1940, vài năm sau khi Vũ Đình Liên sáng tác bài thơ nổi tiếng “Ông đồ già” (1936). Tác giả bài này được may mắn gặp ông trong nhiều dịp viếng thăm Saigon và được ông tặng tấm ảnh này sau khi đã đi điền dã với ông ở nhiều nơi. Võ An Ninh mất năm 2009 ở Saigon.
Chú thích:
(1) Phim này có thể xem ở http://www.youtube.com/watch?v=9dk15FlvRj4.
 Phim thứ nhì của anh em Lumière ở Việt Nam là “Indochine: Enfants annamites ramassant des sépèques devant la Pagode des dames (1903)” (có thể xem ở http://www.youtube.com/watch?v=WH5NZo8Mm0M). Bình luận và nghiên cứu chi tiết về hai phim này, có thể xem bài viết của hai giáo sư Barbara Creed và Jeanette Hoorn (University of Melbourne) trong phần tham khảo (6)
Tham khảo
(1) Marie-Hélène Degroise, Photographes en Outre-Mer (1840-1944), http://photographesenoutremer.blogspot.com/
(2) Nguyễn Đình Đâu, Tìm lại cầu tàu nơi Bác Hồ rời cảng Sài Gòn, Báo Lao Động ngày 4/6/2011, http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Tim-lai-cau-tau-noi-Bac-Ho-roi-cang-Sai-Gon/45151
(3) Nguyễn Đức Hiệp, Võ An Ninh: Nhiếp ảnh và cuộc đời, http://www.vannghesongcuulong.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=10502http://www.vannghesongcuulong.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=10502
(4) Victor Goloubew, V.-T. Holbé, Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, Année 1927, Volume 27, Numéro 27, p. 525.
(5) Chronique, Cochinchine, Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, Année 1933, Volume 33, Numéro 33, p.1110-1111.
(6) Barbara Creed and Jeanette Hoorn, Memory and History: Early Film, Colonialism and the French Civilising Mission in Indochina, in “French History and Civilization”, Papers from the George Rudé Seminar Volume 4, 2011, Edited by Briony Neilson and Robert Aldrich,
http://www.h-france.net/rude/rudevoliv/CreedHoornVol4.pdf
(7) Hình ảnh một số từ http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/collections/http://belleindochine.free.fr/Saigon1882.htm