Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

TRUNG QUỐC KIỂM SOÁT INTERNET

Internet với danh tính công khai

Tiếng Nói Nước Nga 17.03.2012

Nếu là con người trung thực, thì chẳng có gì phải giấu diếm. Đó chính là lập luận mà chính quyền Trung Quốc đã dựa vào khi cấm sử dụng các loại bí danh nickname trên Internet. Từ ngày 16 tháng Ba trở đi, chỉ có thể viết tin nhắn trên mạng ở Trung Quốc  bằng tên thật của mình.

Hơn thế nữa, việc đăng ký còn yêu cầu khai báo cả dữ liệu cá nhân từ hộ chiếu, địa chỉ và số điện thoại.
Internet thực sự một lực lượng mạnh nếu để nó tự tung tự tác. Tại CHND Trung Hoa từ lâu người ta đã bán vé trực tuyến on-line theo dữ liệu hộ chiếu. Theo yêu cầu của cảnh sát, các nhà cung cấp dịch vụ và điều hành điện thoại di động nhất thiết phải thông báo mọi thông tin về khách hàng. Tiếp theo, là yêu cầu lớn hơn nữa. Một thời gian trước, tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến, những người dùng Internet phải đăng ký vào mạng bằng tên thật của mình. Xét theo mọi điều, cuộc thí nghiệm như vậy đã thành công. Giờ đây, mọi biệt danh hư cấu đều bị cấm trong toàn quốc.
Thế là người Trung Quốc đã mất đi cơ hội gần như duy nhất để nói lên những gì họ nghĩ mà không cần lo sợ, - chuyên gia Nga về tình báo cạnh tranh Evgeny Yushuk nhận xét.
“Khi không ẩn danh, bạn sẽ hiểu ra rằng cần phải chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân. Phải trả lời cả trước mọi người, cả trước Nhà nước. Vì vậy, người ta bắt đầu hạn chế nói ra mọi sự. Sẽ ít hài hước và đùa cợt, đồng thời cũng sẽ bớt những ngôn từ xúc phạm, đả phá. Mọi thứ sẽ trở nên yên tĩnh hơn rõ rệt, nhưng chắc cũng buồn tẻ hơn. Mặt khác, cũng sẽ ít hơn tất cả các loại chương trình máy tính tự động và những trang mạng cá nhân”.
Thế nhưng cả những thông báo phản ánh thái độ hống hách độc đoán của các quan chức cũng sẽ ít đi. Hiện nay ở Trung Quốc có hoạt động của rất nhiều cộng đồng ẩn danh, phát tán trên mạng những ảnh chụp, đoạn phim video, tài liệu, bình luận về công tác của quan chức bậc trung, cũng như chỉ trích cả những cán bộ đảng nổi bật. Với một số trường hợp, sự việc đã đến mức có những nhân vật phải từ chức hay bãi nhiệm. Dễ hiểu là giờ đây mọi người sẽ sợ đăng tải thông tin, vì phải xuất đầu lộ diện. Bằng cách đó, chính quyền đã loại bỏ được một phần vấn đề sự bất bình của công dân.
Tuy nhiên còn có khía cạnh khác nữa. Internet đóng vai trò quan trọng trong việc khơi dậy cuộc cách mạng Ả Rập thời gian gần đây. Hơn thế nữa, không ngẫu nhiên mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ  công khai gọi các mạng xã hội là công cụ quan trọng nhất cho chính sách đối ngoại của Washington. Trong khi đó Bắc Kinh đang cố gắng tăng cường an ninh để tự bảo vệ mình một cách tối đa trước những ảnh hưởng từ bên ngoài, -  nhà phân tích chính trị-chuyên gia Đông phương học Stanislav Tarasov nhận xét.
“Việc ở chỗ là những trang mạng khác nhau thường được sử dụng như phương tiện hiệu quả để tuyên truyền, quảng bá áp đặt những ý tưởng bất định, như  phương tiện dành cho việc lật đổ và tạo dựng kịch bản của những cuộc “cách mạng màu sắc” khác nhau. Để đối phó với những hoạt động này, cần tạo ra các trang mạng đối trọng thay thế, nhưng việc đó đòi hỏi kinh phí lớn cùng đội ngũ nhân viên trung thành có chuyên môn vững vàng. Vì thế, nhiều quốc gia, trong đó Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ, đã đi theo hướng chọn biện pháp quyết liệt”.
Người sử dụng mạng ở Trung Quốc không truy cập được vào Twitter, Facebook, You Tube. Gần đây, tổ chức nhân quyền "Phóng viên không biên giới" trong báo cáo thường niên đã gọi Trung Quốc, cùng với Bahrain, Cuba, Iran, Bắc Triều Tiên, Turkmenistan và một loạt nước khác trong bản danh sách khá dài, là "kẻ thù của Internet".  Tuy nhiên, các nhà lập pháp ở CHND Trung Hoa tin rằng mạng điện tử nên đặt dưới sự kiểm soát của nhà chức trách, và phục vụ chỉ cho mục tiêu phồn vinh kinh tế của đất nước. Còn nếu vì thế mà buộc phải hy sinh lợi ích tự do ngôn luận và những quyền riêng tư, thì theo quan điểm của chính quyền, những công dân trách nhiệm của đất nước Trung Hoa sẽ hiểu và bình thản chấp thuận.