Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

NHỮNG HOÀN CẢNH ĐÁNG THƯƠNG

Đoàn Dự ghi chép -
 Cảnh ba bà cháu côi cút chạy ăn từng bữa
Thời Báo- "Bà ơi, cháu hết vở rồi, bà mua cho cháu mấy quyển mới đi bà". Nghe cháu nói, bà cứ móc ra móc vào hai cái túi áo mà kiếm mấy ngàn bạc lẻ còn lại.

BA NUOI CHAU Mấy chục ngàn bạc tiền công đi cấy thuê cho người ta bà đã đong gạo mất rồi, không còn đủ để mua cho cháu được lấy một cuốn vở. Mắt bà cay cay và bà ứa nước mắt thương hai đứa cháu. "Thôi bà ạ, để cháu kiếm cái giấy gì đó viết tạm cũng được, bao giờ có tiền thì bà cho cháu mua sau..."..

Vở viết của Vy và Quý bà mua từ đầu năm học đến giờ đã hết mà bà thì chưa xoay đâu ra được tiền để mua. Mấy hôm nay trời lạnh, chân tay bà đau nhức liên tục không đi cấy thuê được nên không có tiền. Ngoài vườn, mấy con gà cũng đã bán sạch, chỉ còn chiếc chuồng trống không đang hứng chịu từng cơn gió lạnh. Trong nhà thì chẳng có thứ gì đáng giá nên cũng không thể bán. Tủi phận, bà nhìn lên bàn thờ con gái mà những giọt nước mắt cạn kiệt hiếm hoi cũng bắt đầu nhỏ xuống mằn mặn.
Bà tên Trương Thị Tông (còn gọi là bà Minh), Xóm 1, xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Con đường đất đỏ dốc ngoằn ngoèo dẫn các phóng viên đến căn nhà tuềnh toàng nằm sâu trong ngõ vắng. Cái yên ắng của làng quê đương vào vụ cấy càng khiến những người đến đây có cảm giác quạnh hiu bởi những lùm cây dại và ngôi nhà sơ sài đến tạm bợ. Một vài cơn gió rít lên trong buổi chiều đông u ám hình như mang nét hoang sơ và một nỗi buồn nào đó của cảnh nghèo nàn.
Nói chuyện với các phóng viên, thỉnh thoảng bà lại cười gượng gạo và đầy chịu đựng: “Con Vân, mẹ của hai đứa nhỏ qua đời cũng đã gần 3 năm nay rồi vì bệnh ung thư vú. Nhưng đến bây giờ tôi có cảm giác nó vẫn còn sống bởi vì nhìn đâu tôi cũng mường tượng như trông thấy nó”. Giọng bà hình như nghèn nghẹn, hai bàn tay quê mùa quen đi làm cỏ, nhổ mạ, cấy thuê của bà đan chặt vào nhau như tìm chỗ bấu víu để khỏi bật lên tiếng khóc.
Cuộc đời bà nhiều nỗi vất vả nên dường như nước mắt cũng không còn nhiều để chảy được nữa. Ngày người con gái của bà tên Vũ Thị Vân đi lấy chồng, bà có ngờ đâu chỉ vài năm sau thân già lại phải cưu mang hai đứa cháu ngoại, bởi vì người con rể tự nhiên bị điên, thường lên cơn mà mỗi lần lên cơn là vác dao đòi chém vợ con. Chị Vân sợ hai đứa con còn nhỏ, lỡ bị bố chém trong lúc mình đi làm đồng nên gửi cả hai sang bên nhà bà ngoại, chỉ mình chị vừa đi làm vừa lo chăm sóc, kiếm cái ăn cái uống cho chồng. Sau, bệnh của anh càng ngày càng nặng, chị bàn với anh em phía bên nhà chồng, đưa anh vào trại tâm thần trên tỉnh chữa bệnh.
Nhưng chỉ được ít lâu, trại báo cho chị biết là không hiểu sao anh trốn được ra ngoài, đi lang thang rồi bị mất tích, trại đã tìm kiếm nhưng không thấy đâu cả. Mọi người nghi anh ngã xuống sông nhưng không tìm thấy xác. Đau đớn, thương người chồng đang tự nhiên chẳng may mắc bệnh tâm thần song chị vẫn phải can đảm mà sống vì còn phải lo cho hai đứa con. Hằng ngày, chị làm thuê ngoài đồng, đến mùa thì đi gặt mướn, tháng ba ngày tám đi đóng gạch hay gánh gạch thuê cho người ta, kiếm tiền nuôi mẹ già và hai con dại.
Vất vả như thế nhưng tai họa vẫn không buông tha cho chị. Càng ngày chị càng cảm thấy mình yếu sức, hay bị mệt, ban đêm ngực đau âm ỉ không sao ngủ được, thân hình ngày càng gầy guộc. Không đừng được, chị đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, lúc ấy người ta mới phát giác ra là chị bị ung thư vú ở giai đoạn cuối. Chị lo lắm, chỉ sợ mình chết thì lại làm tội mẹ vì bà cũng nghèo lắm, chỉ đi làm thuê, không đủ sức nuôi hai đứa cháu.
Nhớ lại thời gian lúc chị Vân bị bệnh nằm liệt giường, cô Nguyễn Thị Thoa (Hội trưởng Hội Phụ nữ thôn 1 xã Gia Hưng) nói: "Vân biết nó không thể sống được bao lâu nữa nên chỉ khóc. Nó nói cái số nó chết thì đành phải chịu mà chỉ thương mẹ già và hai đứa con, không biết lấy gì để sống". Nói xong cô Thoa thương bạn cũng khóc, những giọt nước mắt bất lực bởi vì ở cái xóm nghèo này, gia đình nào cũng khó khăn, chẳng ai giúp được cho ai.Ngoài Bắc mùa đông rất rét, rét cắt da nhưng được cái là từ nhiều năm nay, dân chúng các nước trên thế giới thường giúp quần áo cũ mà họ không còn xài tới nữa, nhiều cái còn mới tinh - Việt Nam kêu là đồ "si-đa" (tức từ chữ "aids" - đồ cứu trợ), giá bán chỉ tính tiền chuyên chở nên rẻ mạt gần như cho không, do đó từ người lớn cho tới trẻ con dù nghèo nhưng trông cũng rất bảnh, thực chất bên trong rất đói!
Trong nhà, bé Vy đã thôi không còn dám xin tiền bà để mua vở nữa, bởi vì cháu sợ không có tiền bà lại khóc. Xa xa, tiếng í ới gọi nhau đi học của chúng bạn như giục dã khiến cháu vội vàng chạy đi, vừa chạy vừa lau nước mắt.
Cuộc sống này thì như thế đấy, cũng ở Việt Nam, có những cái đám cưới "khủng" người ta ném tiền qua cửa sổ, tiêu xài tới vài trăm tỉ đồng, thuê ca sĩ nước ngoài về hát đến nỗi ca sĩ Phi Nhung nói rằng tiền cát-sê của cô được trả tới 4 - 5,000 đô một bản ấy là chưa kể tiền vé máy bay và tiền ăn ở trong các khách sạn hạng nhất, ngoài ra cô còn được tặng một tượng Phật có lẽ trị giá tới vài chục ngàn đô, điều này khiến cô ngạc nhiên vì ở nước ngoài chưa bao giờ cô được trả giá cao như vậy. Láo toét hết! Mấy cái anh đại gia "đám cưới khủng cho con" đó đầu óc đặc sệt lá mít, mười đời dốt nát, chữ cắn làm đôi không biết chứ so sánh với Bill Gates sao nổi! Chị Phạm Thị Diệu Hiền ở Cần Thơ, đại gia, chủ công ty hải sản Bình An (Bianfishco), làm đám cưới cho con trai tới vài chục tỉ. Đúng lúc đám cưới thì dân chúng biểu tình, chăng biểu ngữ trước ngôi biệt thự sang trọng và lớn như cái Tòa Bạch Ốc của gia đình chị để... đòi nợ. Té ra, vợ chồng chị ta nợ những người nuôi cá tổng cộng 216 tỉ làm họ hết vốn, phải bán cả nhà cửa, ao cá v.v..., thị nợ các ngân hàng hơn 1,000 tỉ, còn nợ tiền lương của hơn 2,700 công nhân từ mấy tháng nay cũng tới vài tỉ. Thị nhanh chân chạy trốn ra nước ngoài với lý do "đi chữa bệnh" nhưng chồng và các con, kể cả cô con dâu mới cưới được mấy ngày, thì còn kẹt lại. Chuyện lớn tới mức đích thân ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải ra lệnh điều tra, bắt "đại công ty" của thị phải bán tất cả các bất động sản đi mà trả nợ.
Bọn chúng thì như thế cả, huênh hoang, nhân tiểu, ngôn đại, trong khi ấy thì có những người kiếm được miếng ăn hằng ngày cũng khó. Sau đây là địa chỉ của ba bà cháu nghèo nàn đó:
Bà Trương Thị Tông (còn gọi là bà Minh) xóm I, xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Số ĐT: 0303649023. (Số ĐT này là của ông Lựu - hàng xóm với bà Tông).
II . Cậu sinh viên làm nến kiếm tiền đi học
Dù gia đình khó khăn, năm nào Bình cũng là học sinh giỏi, bởi thế việc Bình đậu vào Đại học Cần Thơ là chuyện bình thường, không có gì lạ. Tuy vậy, cái lạ là thời buổi này rồi, rất ít ai dùng đến nến (đèn cầy) ngoại trừ các chùa và nhà thờ, nhưng ngoài thì giờ đi học Bình vẫn tiếp tục mua sáp về để đun nóng lên, đổ đèn cầy đem bán, kiếm tiền đi học. Người ta thương tình cậu là sinh viên thì mua giùm vậy thôi chứ ngay cả chùa và nhà thờ cũng ít khi dùng.
Cậu sinh viên đó tên Lê Thái Bình, hiện đang học khoa Quản trị Kinh doanh, ngành Kế toán - Kiểm toán trường Đại học Cần Thơ. Ba của Bình là ông Lê Thái Hải (62 tuổi) bị tai biến mạch máu não nằm một chỗ từ mấy năm nay. Mẹ của Bình là bà Tăng Thị Thủy (58 tuổi), bị chứng bệnh hở van tim, sức khỏe rất kém. Do cả cha lẫn mẹ đều mắc các bệnh nan y nên dù cố gắng song việc lo cơm áo gạo tiền của Bình cũng khiến cậu thấy đuối sức.
Từ 5 năm nay, sức khỏe của mẹ Bình rất kém, chỉ làm được những việc nhẹ như giúp việc nhà, nhận đồ may tại nhà nên kinh tế gia đình phụ thuộc vào đồng tiền công làm thợ hồ của cha Bình. Cuộc sống gia đình Bình tạm ổn nhưng đến năm 2010, cha Bình đột nhiên bị tai biến mạch máu não, mất khả năng lao động, chỉ nằm một chỗ.
Chị Tăng Thị Thủy - mẹ Bình - kể về nỗi khó khăn của gia đình mình: "Nhờ vật lý trị liệu cả năm trời, ổng ngồi dậy được và đi lại được. Nhưng đột nhiên hai mắt ổng đau nhức rồi bị mờ dần. Tui mong chạy chữa may ra ổng khỏi, đặng ổng nhúc nhích kiếm được đồng tiền phụ với cháu Bình, nên vay mượn, đưa ổng lên Sài Gòn điều trị. Tốn hàng chục triệu đồng mà chẳng có tác dụng gì, ổng không chịu chữa nữa, đòi về nhà nằm như vậy cho đến bây giờ".
Hiện tại do hai mắt bị mờ, đi lại khó khăn nên cha Bình chỉ nằm ở nhà. Còn mẹ Bình thì mắc bệnh hở van tim từ 5 năm nay, kèm thêm các chứng bệnh khác như huyết áp cao, tiểu đường, nhiều khi bị xỉu nên nhà chủ sợ bị liên lụy, thường cho ít tiền mua thuốc rồi cho nghỉ việc.
Chị Thủy bộc bạch: "Tội nhất là cháu Bình, hồi còn học trung học, ngoài thì giờ học hành nó đi phụ hồ, nhặt banh tennis cũng có chút tiền, bây giờ thì chỉ mua sáp làm đèn cầy, bán cho các chùa, nhà thờ và các phật tử. Cứ mỗi cây đèn cầy làm và bán thì được lời khoảng 5 ngàn đồng, 100 cây được lời 500 ngàn đồng nhưng cũng khó lắm, thường chỉ bán được vào các ngày rằm, mồng một và các ngày lễ Công giáo mà thôi.
Đáng lo nhất là căn bệnh tim của chị Thủy đã đến mức cấp bách, phải đi chữa trị nhưng vì không có tiền nên chị đành cắn răng chịu đựng. Bệnh tình chị mỗi lúc một nặng và cả tuần nay, chị không gượng dậy nổi và chỉ uống thuốc nam cầm chừng.
Kết thúc Học kỳ I năm nay, Lê Thái Bình đạt sinh viên loại giỏi nên được học bổng tức miễn học phí. Nhưng hằng đêm Bình vẫn phải đạp xe đi bán đèn cầy hoặc dạy thêm cho trẻ em tại các tư gia với hy vọng dành dụm được chút ít tiền mua thuốc cho mẹ và cho cả bố nữa. Cô Ánh - một Phật tử thường mua giúp đèn cầy của Bình - nói: "Ông trời thật trêu ngươi, nhiều đứa chả chịu học hành gì cả, chỉ quen quậy phá thì lại con nhà giàu, chẳng phải lo lắng gì hết. Còn cháu Bình hiền lành, ngoan ngoãn, hiếu học thì gia đình lại quá khó khăn, không biết tình trạng cứ như thế này cháu còn tiếp tục đi học được nữa hay không".
Địa chỉ: Cháu Lê Thái Bình, số 4/3 hẻm 4 đường 30 Tháng 4, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. ĐT: 0939.387.088
III. Cháu bé mồ côi 13 tuổi săn sóc bà nội mù lòa 88 tuổi
Mới 5 tuổi cháu đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Dần dần, các chị lần lượt đi lấy chồng, 13 tuổi cháu trở thành trụ cột, chăm sóc bà nội đã 88 tuổi, mù lòa. Tuy nhiên, với nghị lực bản thân, suốt 7 năm liền cháu liên tiếp là học sinh giỏi cấp huyện.
Đó là hoàn cảnh của cháu Cù Thị Vân Hòe, học sinh lớp 7C trường THCS An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Năm 2004, bố cháu mất vì bệnh đau gan cấp tính. Mẹ cháu do quá suy sụp rồi cũng bị ngã bệnh, 40 ngày sau thì cũng mất, bỏ lại 4 chị em cháu đều là gái.
Sau khi bố mẹ qua đời, các chị của cháu lần lượt lập gia đình và đi ở riêng, căn nhà cũ chỉ còn lại cháu và bà nội nay đã 88 tuổi, mù lòa, không làm gì được. Từ đó mọi công việc lớn nhỏ đều do một mình cháu cáng đáng. Các chị sau khi lập gia đình, hoàn cảnh cũng khó khăn nên không giúp đỡ gì được.
Ở cái tuổi của cháu, đáng lẽ ra phải được bố mẹ lo cho miếng ăn giấc ngủ, nhưng với cháu điều đó dường như quá xa vời. Hằng ngày, ngoài thời giờ đi học, những ngày nghỉ cháu phải dậy rất sớm để dọn dẹp nhà cửa, ra ngoài vườn hái rau mang đi chợ bán, kiếm tiền đong gạo.
"Nhiều lúc nhìn thấy bạn bè được bố mẹ đưa đi đón về, cháu thấy tủi thân lắm. Bố mẹ cháu không còn, cháu chỉ biết cố gắng lo cho bà và thật chăm học để bà vui lòng'.
Dù không còn bố mẹ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng suốt 7 năm liền, Hòe luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, được bạn bè, thầy cô trong trường quý mến.
Cuộc sống hằng ngày của hai bà cháu dựa vào số tiền phụ cấp 180,000đ/tháng dành cho người già neo đơn của bà nội. Thương cho hoàn cảnh éo le của cháu, có một doanh nhân giấu tên hỗ trợ cho Hòe mỗi tháng 150,000 đồng để phụ thêm việc học hành. Tổng cộng số tiền trên là 330,000 đồng, tức khoảng 15 đô/tháng.
Cụ Trần Thị Đức, bà nội của cháu, ngậm ngùi: "Tôi sinh ra được 6 người con thì 5 lần kẻ đầu bạc phải chịu nỗi đau tiễn người tóc xanh, còn duy nhất một cô con gái thì nó lấy chồng ở xa. Bây giờ mọi sinh hoạt cá nhân và việc nhà đều phải tự tay cháu Hòe làm. Thương cháu nhưng tôi già rồi, mắt thì mù lòa, không đỡ đần gì được cho cháu. Tôi chỉ là gánh nặng cho cháu".
Hằng ngày, hai bà cháu sống trong căn nhà cấp 4 cũ nát, chỉ có duy nhất một bộ bàn ghế và một cái nồi nấu cơm là tài sản đáng giá nhất.
Chính quyền xã An Nội cho biết: "...điều kiện của địa phương còn khó khăn nên ủy ban xã cũng chỉ hỗ trợ được chút ít cho hai bà cháu".
Khi được hỏi về ước mơ của cháu sau này, cháu Hòe nói: "Hai bà cháu nghèo quá nên cháu không dám ước mơ gì cả. Cháu chỉ mong học thật chăm, thật giỏi để bà vừa lòng chứ bà mất rồi thì cháu không biết sống với ai".
Bà cụ Đức nói: "Tôi còn sống, nhà nước cho mỗi tháng được 180,000 đồng nhưng nếu tôi chết không biết nhà nước có còn cho số tiền đó nữa hay không. Thôi thì đành trông cậy vào lòng từ thiện của vị doanh nhân mà thôi, tôi mong nhà từ thiện đó sẽ giúp đỡ cháu cho đến khi cháu ăn học nên người". Đấy là sự mong mỏi duy nhất của bà nội cháu Hòe, cụ đã 88 tuổi, mù lòa và rất thương cháu.
Địa chỉ liên lạc: Cháu Cù Thị Vân Hòe, lớp 7C trường THCS An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Hoặc: Cháu Cù Thị Vân Hòe, thôn 8, xã An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam