Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

TRANG THƠ VĂN

Fr: Tony Son Nguyen* Lá thư Úc Châu
NHỮNG MẨU TRUYỆN THẬT NGẮNNguyễn Thành Thụy (JT)

Người già là ai
Có một lúc tôi phải đi làm xa, từ miền Đông sang tận Perth ở Tây Úc để vào làm trong Sở Điện Lực của Tiểu Bang đó. Sau mấy tuần lễ bù đầu vì nhiều cái mới lạ, tôi đã quen quen với đời sống của nhiều người làm việc chung. Perth là một thành phố chỉ hơn 1 triệu người nhưng xinh xắn và dễ thương.
 Các bạn kỹ sư làm chung có nguồn gốc từ rất nhiều nước khác nhau. Tất cả đều vào một “melting pot”. Có một người mà tôi chú ý đặc biệt là một tay Kỹ Sư gốc Mã Lai, làm ở đây đã lâu năm nhưng rất hay cáu kỉnh ít khi vừa ý những chuyện  chung quanh.
Sau vài tháng thì tôi đã quen đủ và bắt đầu nổi máu “tếu”, hay kể những chuyện vui cười cho các bạn nghe, rồi lâu lâu chọc ghẹo những trự thấy có vẻ hơi “kỳ dị”. Tất nhiên tay Kỹ Sư gốc Mã Lai kia không thể là ngoại lệ. Anh ta là người  có kiến thức sâu rộng trong ngành của mình nên khi nghe những câu hỏi có vẻ ngô nghê thì tỏ vẻ bực bội và than phiền. Nhiều lúc ghé lại nói chuyện chơi, tôi nhận xét là mặc dầu anh ta biết rất nhiều, rất sâu trong việc mình làm nhưng ra ngoài ngành một chút thì anh ta rất yếu. Hình như anh làm một chỗ suốt cả 15 năm nay nên thành chuyên viên trong ngành hạn hẹp của anh. Tôi hay ghé lại hỏi thăm, nói chuyện tếu và lâu lâu lại chọc ghẹo những sở đoản của anh. Khi anh tung ra sở trường thì tôi né, bảo là không quan trọng làm anh ta tức tối mà không cãi lại được.
Sau mấy lần “so chưởng” bị te tua, anh ta nghiêm giọng bảo tôi:
- Anh không nên giỡn với tôi nhiều như thế. Tôi thuộc loại “già” rồi đó nghe.
- Xin lỗi anh. Thế anh năm nay bao nhiêu tuổi?
- Tôi 52 tuổi rồi đó nghe bạn. Đừng có giỡn.
Tôi nghe thấy anh nói mà xém phì cười, lăn xuống đất nhưng vẫn cố bình tĩnh:
- Xin lỗi, anh vẫn còn trẻ hơn tôi mấy tuổi đó nghe.
Anh ta bỗng hoảng hốt, nhìn tôi bẽn lẽn, ngạc nhiên và cười trừ.
Từ đó chúng tôi lại thân với nhau. Có lẽ anh ta thích chơi với tôi vì thấy mình vẫn còn “hy vọng”. Còn tôi thì thích chơi với anh ta vì tự nhiên thấy mình còn quá trẻ. Và anh ta từ đó không còn gắt gỏng nữa và tất nhiên không còn dám khoe “già” nữa.
Người già là ai?
Trái tim kỳ dị
Có một lúc tôi đọc truyện võ hiệp của Kim Dung, nhớ mang máng hình như là Thiên Long Bát Bộ thì phải. Có một gia đình nhà võ là Mộ Dung Cô Tô ở phương Nam xa xôi chuyên xử dụng một ngón võ độc đáo là “Nhất Dương Chỉ” học từ Đoàn Nam Đế truyền bởi Vô Địch Võ Lâm Trung Thổ là Vương Trùng Dương. Món này dùng ngón tay trỏ mang đầy công lực thượng thừa để “chọc” vào những chỗ yếu hay huyệt đạo trên thân thể của đối thủ. Nếu đánh trúng vào tim thì đối thủ sẽ chết tại chỗ.
Truyện kể rằng một ngày kia, Mộ Dung Phục là một cao thủ trẻ của gia đình này giao chiến với một kẻ thù. Anh ta dùng Nhất Dương Chỉ đánh vào tim kẻ thù. Tưởng là kẻ thù chết ngay nhưng hắn lại không chết mà nhân cơ hội tẩu thoát được. Mộ Dung Phục rất xấu hổ vì võ công mình còn thấp kém nên đau khổ, sám hối và ngày đem cố gắng luyện tập thêm.
Có một điều mà Mộ Dung Phục không biết được là trái tim đối thủ của chàng không ở bên trái mà lại ở bên phải. Bởi thế mà hắn chỉ bị thương chứ không chết.
Đọc tới đó thì tôi nghĩ đây là chuyện hoang đường. Làm gì mà có người có tim bên phải. Học Vạn Vật thì biết là tim nằm bên trái lồng ngực. Đây là điều hiển nhiên không thể chối cãi.
Về sau này sang Úc tôi gặp lại một ông bạn cũ là BS ở Melbourne. Anh ta bảo anh là người có trái tim nằm bên phải. Anh kể rằng khi đi chụp quang tuyến lần đầu tiên, BS coi hình chới với, dở hình qua, dở hình lại mà vẫn không ổn con mắt. Một hồi mới định ra là anh có tim bên phải.
Đây là một hiện tượng đã được Y Khoa công nhận là có. Danh từ khoa học chỉ “tim bên phải” là "Dextrocardia".
Từ đó về sau tôi mới nhận xét là tác giả Kim Dung, tuy viết truyện võ hiệp, bịa nhiều chuyện nhưng không phải lúc nào cũng bịa.
Người đẹp trong tranh
Hồi nhỏ tôi hay đọc những truyện cổ  tích. Có một chuyện kia tên là “Bích Câu Kỳ Ngộ”  kể là có một chàng văn sĩ kia, tên Tú Uyên ở Bích Câu (gần Hà Nội) đời vua Lê Thánh Tôn được chỉ dẫn để mua được một bức tranh có 1 người thiếu nữ đẹp để trong nhà.
Khi ăn chàng thường sắp hai chén cơm và mời người trong tranh ăn. Khi chàng không có nhà, thiếu nữ này ra khỏi tranh và chăm sóc cơm nước mỗi ngày cho chàng. Rồi có một lần chàng về nhà bất chợt, rình và “tóm” được người đẹp này Người đẹp trong tranh từ đó ra khỏi tranh luôn và chàng cưới làm vợ.
Rồi có lúc tôi xem ảo thuật, có một chàng Ảo Thuật Gia kia vẽ một bức tranh trong đó có một người đẹp mà anh thích. Vẽ xong anh đứng dậy nắm tay người đẹp này và từ  từ  lôi nàng từ  trong tranh ra. Thật hay.
Từ đó tôi bắt đầu nghĩ chắc người đẹp trong tranh đi ra ngoài chắc cũng không phải là chuyện hoang đường.
Nhớ lại ngày xưa ở Sài Gòn tôi thường đọc báo Ngôn Luận, có bé Ngôn, bé Luận, Chị Huyền và anh Hiếu Kỳ. Tôi rấy thích vai trò của Chị Huyền hay giải thích những thắc mắc của hai bé Ngôn và Luận.
Hôm nay ngồi đây, nhớ lại chuyện ngày xưa và cứ tưởng Chị Huyền chỉ là một nhân vật trong tranh nhưng nay chị đã bước ra ngoài. Một Bích Huyền bằng xương bằng thịt.
Nhà ta nghèo
Hồi nhỏ ở VN, ba tôi thường cấm ngặt những trò bài bạc, bảo là “Cờ bạc là bác thằng bần”. Tôi chỉ biết có 3 thứ đơn giản: Tam Cúc, bài cào và Cạc Tê. Chỉ được đánh 3 ngày Tết. Sau đó là ông đốt hết.
Khi sang Úc, tôi bị bạn bè cười vỡ bụng vì không biết những thứ bài cao siêu như Phé, Xập Xám v.v. Lâu lâu phải năn nỉ để chúng nó dạy cho mình nhưng rồi cũng chẳng rành cho lắm.
Sau 6 tháng ở Sydney học tiếng Anh, chúng tôi được phân tán đi các trường Đại Học toàn nước Úc. Tôi được gởi đi học ở Queensland University ở Brisbane.
Học ròng rã hết một năm tới hè, tôi và vài người bạn xuống Sydney chơi và  thăm lại vài bạn cũ.
Gặp một anh học ở Sydney University. Khi vào phòng anh trong Đại học xá, tôi bỗng chú ý có một cái bảng lớn treo trên tường.
Bảng này có vỏn vẹn 3 chữ “NHÀ TA NGHÈO”.
Tôi ngạc nhiên không hiểu nhưng vì nhiều người khác ở đó nên không dám hỏi. Lòng cứ thắc mắc tại sao? “nghèo” mà lại “nổ lớn” à? Nghịch lý! Kỳ dị!
Môt hôm gặp một người bạn khác, anh này cho biết đây là kết quả của những đêm thâu thức trắng, sát phạt bằng Phé, Xập Xám và Sọt Tê của anh bạn kia. Chơi với các đàn anh trong Đại Học Xá, anh thiếu kinh nghiệm nên thường là nhẵn túi. Anh bèn để bảng lớn nhắc nhở cho mình là đừng nên chơi nữa vì gia đình nghèo  không thể nào giúp được về chuyện tiền bạc.
Suy nghĩ lại, Ba tôi đã đúng và cấm tôi đúng.  Về sau tuy biết rành các món Phé và Xập Xám nhưng tôi cũng chẳng ham mê. Cũng chả hiểu sao dân VN hễ cứ “bài” là phải “bạc”, tức là đánh bài thì phải đánh tiền. Úc nó đâu có thế. Chơi các loại bài như 500 và Bridge đâu cần phải đánh tiền../.