Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

LÁ THƯ CANADA

MÙA HÈ LÀNG TÔI Trà Lũ Tháng trước làng tôi đã ồn ào vì Giải Túc Cầu Âu Châu. Tháng này làng tôi còn ồn ào và náo nhiệt hơn nữa vì Thế Vận Hội London. Thực ra thì không phải cả làng, mà chỉ nửa làng thôi, đó là phe liền ông, tức các nhà đại quân tử chúng tôi. Tháng trước khi xem đá banh thì chúng tôi họp liên tục ở một địa điểm vào mỗi buổi trưa để cùng xem một trận cầu.

Tháng này, không phải chỉ xem một trận mà còn xem nhiều trận khác, diễn ra cùng một lúc, nên các nhà quân tử chúng tôi quyết định xem riêng, ai ở nhà người đó. Lần này, vì xem riêng ở nhà nên có bà xã tham dự. Vì các trận đấu được phát hình trên nhiều đài nên nói là ở nhà nhưng ông quân tử xem đài ở phòng khách, còn bà ‘bề trên’ xem đài khác ở phòng ngủ. Và bữa tối là một màn tổng kết trong ngày, ông kể bà nghe, bà nói ông nghe, ôi sao mà vui thế. Và cứ chiều thứ bảy là làng tôi nhóm họp trao đổi các ý kiến, ồn ào hết sức. Phe các bà kể cho nhau nghe trong bếp, các ông nói cho nhau nghe ở phòng khách. Đến bữa ăn thì tổng hợp và giao duyên đủ các chuyện. Phe các nhà quân tử chúng tôi ngạc nhiên hết sức vì không ngờ các bà cũng mê xem thể tháo đến thế. Vì thế vận hội kéo dài 17 ngày nên chúng tôi đã có bao nhiêu chuyện để nói và tranh cãi.
Trong ngày họp làng cuối tuần qua, làng tôi đã chấm điểm xong và tất cả đồng ý với ban giám khảo của Thế Vận Hội về 302 huân chương đã phát. Làng đang uống trà thì ông Từ Hoè từ miền tây Canada gọi vấn an và hỏi chúng tôi chuyện Thế Vận Hội. Việc này nghe thì dễ mà bây giờ bảo đúc kết và tường trình cho ông Từ Hoè thì thật là khó. Nó đòi trí nhớ thật tốt mới làm được. Mọi người bèn cử Anh John và Chị Ba Biên Hòa làm việc này vì anh chị tương đối còn trẻ và trí nhớ như nhựa.
Và bây giờ là phần tôi tường trình lại hầu các cụ. Trí nhớ của tôi kém lắm, thôi thì để tôi nhớ đến đâu xin kể lại đến đó nha. Đây không phải là ý kiến cá nhân tôi mà là ý chung của làng. Đây chỉ là một cách góp thêm ý vớc các cụ, chứ chắc các cụ cũng đã theo dõi còn nhiều hơn chúng tôi.
Lễ khai mạc đã diễn ra thực huy hoàng và lộng lẫy, phải không cơ. Ba tiếng đồng hồ đã giới thiệu với thế giới tất cả chiều dài lịch sử nước Anh, từ đời sống nông thôn chăn nuôi tới thời máy móc hiện đại. Tất cả được diễn ra trên một vận động trường rộng lớn 7.346 mét vuông, với đồng cỏ tươi, cỏ thật, hoa thật, gia súc thật, với 7 ống khói nhà máy khổng lồ nhả khói thật, rồi phi cơ, phi thuyền. Nhà đạo diễn Danny Boyle quả là thiên tài, ông đã làm say mê 80.000 người trên sân vận động và mấy tỷ người trên thế giới. Đây là lần thứ ba London tổ chức thế vận hội. Lần thứ nhất năm 1908 khi London phải làm thay cho Roma vừa bị núi lửa Vesuvius tàn phá, lần thứ hai năn 1948 khi thế giới vừa trải qua Đệ Nhị Thế Chiến. Hai lần trước không huy hoàng như lần thứ ba năm 2012 này. Nguyên việc tiếp đón 10.500 lực sĩ của 204 quốc gia đã đủ thấm mệt. Rồi vấn đề an ninh. Rồi việc phải làm cho đúng 204 lá quốc kỳ, lo cho đủ 204 bài quốc ca, để kéo lên, tấu lên cho đúng khi phát huy chương. Nghe nói họ gặp khó khăn rất lớn về quốc ca. Thời lượng tối đa chỉ được 2 phút, thế mà nhiều quốc ca dài tới 6 phút, nhà đạo diễn đã thật vất vả vì phải chọn khúc nhạc nào là biểu tượng nhất để tấu lên. Và mọi sự đã diễn ra tốt đẹp, trừ có sai chút xíu với nhóm lực sĩ Bắc Hàn đứng bên quốc kỳ Nam Hàn. Hoa Kỳ là cường quốc số một về kinh tế và quân sự, lại còn là số một về thể thao nữa. Nể qúa. Năm nay Hoa Kỳ vẫn giữ vai số một với 104 huy chương : 46 vàng, 29 bạc và 29 đồng. Sau đó là Trung Cộng 87, rồi Nga 82. Canada đứng hạng 13 với 18 huy chương : 1 vàng, 5 bạc và 12 đồng. Các thể tháo viên lãnh huy chương thuộc 87 nước. Đứng đầu là Hoa Kỳ, đứng cuối cùng là nướcTajikistan với 1 huy chương đồng. Tôi tìm hoài mà không thấy tên Việt Nam quê hương của tôi đâu. Cái gì kỳ thế này. Mấy ông VC xưa nay vẫn vỗ ngực xưng mình là ‘đỉnh cao trí tuệ loài người’ cơ mà, sao không có đỉnh cao ở đây vậy ? Các ông là đỉnh cao mà đưa đất nước xuống vực sâu như thế này ư? Sao lại có thể thua cả mấy nước Phi Châu nhược tiểu ? May mà có 2 ngôi sao VN ở hải ngoại đã làm người Việt nở mặt. Các cụ biết 2 người con yêu VN này chứ? Đó là Carol Huỳnh của Canada, huy chương đồng vể đấu vật. Đó là Marcel Nguyễn của Đức Quốc với 2 huy chương bạc về biểu diễn dụng cụ. Xin đội ơn tổ tiên VN đã cho con cháu hạt giống tốt. Các hạt giống này gặp đất tự do hải ngoại là bùng phát lên ngay.
Chị Ba Biên Hòa cũng phụ họa với chồng : Nhìn vào danh sách 10 nuóc dẫn đầu ta thấy ngoài Trung Cộng ra còn có Nhật Bản và Đại Hàn. Hai nước này đã làm rạng danh người Á Châu. Tôi yêu và nể phục cái nước Đại Hàn này quá. Kỳ này, mở màn là đội tuyển nữ chiếm được ngay huy chương vàng môn bắn cung. Trước 1975 Đại Hàn thua VNCH xa. Chính mắt tôi từng thấy người lính Đại Hàn tham chiến ở VNCH, khi hồi hương năm 1973 họ còn đến mua TV sản xuất ở Saigon đem về nước, mặt mũi họ khi khiêng những thùng ‘TV made in VN’ rạng rỡ và rất sung sướng. Sau 1975, Đại Hàn đã tiến lên những bước nhảy vọt, về mọi mặt. Các bạn cứ thử nhìn chung quanh mà coi, xe hơi, TV, đồ điện tử và nhiều thứ máy móc ở hải ngoại này đa số làm ở Đại Hàn. Còn ông Nhật Bản thì khỏi nói. Riêng về ngành thể thao thì thật là đáng nể. Kỳ này trong giải bóng đá, Nhật đã đá bại Tây Ban Nha với tỷ số 1/0 , mà đoàn Tây Ban Nha hiện đang giữ 3 giải vô địch thế giới. Nhât bản đáng phục chưa. Nói đến đây rồi Chị Ba Biên Hòa cười hi hi. Chưa ai hiểu tại sao thì Chị nói ngay : Tôi xin kể thêm một chuyện tiểu tiết : trong kỳ Thế Vận Hội này có cụ lực sĩ Nhật Bản, tên Hiroshi Hoketsu, 71 tuổi vàng. Cu tranh giải cỡi ngựa. Có phóng viên tò mò phỏng vấn thì cụ Hiroshi trả lời ngay : Tôi đã từng tham gia giải cỡi ngựa từ Thế Vận Hội 1964 ở Tokyo. Niềm đam mê cỡi ngựa vẫn kéo dài cho đến nay. Kỳ này, để giữ sức cho cuộc thi, tôi và bà xã đã không gặp nhau hơn một năm nay. Cả làng nghe chuyện cụ Hiroshi xong đã phá ra cười. Đây là kinh nghiệm đó nha, các cụ nhớ bài học này. Chẳng biết cụ Nhật nói thực bao nhiêu nhưng điều quan trọng là không ‘gặp’ vợ trong một năm để giữ sức cỡi ngựa.
Tổng kết Thế Vận Hội 2012, Nhật đứng hạng 6, được 38 huy chương : 7 vàng + 14 bạc +17 đồng. Đại Hàn hạng 9, 28 huy chương : 13 vàng + 8 bạc + 7 đồng. Còn VN thì 00 !
Riêng đoàn lực sĩ Canada tham dự kỳ thế vận hội này, báo chí cho biết tất cả đều rất trẻ, và 60% lần đầu tiên tham dự. Điển hình là cô Rosie Maclennan, mới 23 tuổi. Hồi Thế Vận Hội Mùa Đông 2010 ở Canada, cô chỉ là một thiện nguyện viên trợ giúp các lực sĩ tranh đua. Lửa gần rơm nên rơm đã bùng cháy lớn. Từ vai trò thiện nguyện viên 2010, nay 2012 Rosie trở thành lực sĩ thi môn trampoline ngày 4 tháng Tám vừă qua, Rosie đã lãnh huy chương vàng đầu tiên và duy nhất cho đoàn Canada.
Cứ theo đà này thì đoàn Canada sẽ luôn luôn là đoàn trẻ trung nhất, sẽ có rất nhiều hứa hẹn cho Thế Vận Hội 2016 ở Ba Tây. Có một điều khá lý thú là kỳ Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 Canada được 18 huy chương, kỳ 2012 này Canada cũng được 18 huy chương. Cụ Chánh tiên chỉ làng bảo 18 huy chương đã là quý lắm. Canada chỉ có 34 triệu dân mà được tới 18 cái là đã giỏi qúa xá rồi, chứ VN quê hương mình 84 triệu dân, nhờ Đảng CS cai trị nên chả được một huy chương nào, thì sao đây. À, nhân tiện nói tới VC, xin trình các cụ việc này : Báo chí trong nước gọi các lực sĩ thi đua trong thế vận hội là ‘vận động viên’. Sao lại là vận động viên ? Theo nghĩa thông thường thì vận động viên là người đi vận động, cổ động bên ngoài để giúp cho người trong cuộc. Các thể tháo gia tham dự thi đấu thì là người trong cuộc rõ ràng, sao lại gọi họ là vận động viên? Ông ODP cười hà hà rồi bảo : Anh chấp cái thứ ngôn ngữ dốt nát của VC làm gì vì họ sao chép tiếng của quan thày Trung Cộng mà! Đễ tôi kể một chuyện khác vui hơn mà Chị Ba Biên Hòa chưa nói tới. Đó là sự tham gia của nữ giới trong các phái đoàn. Năm nay phái đoàn nước nào cũng có nữ lực sĩ. Riêng phái đoàn Hoa Kỳ thì nữ lực sĩ đông hơn nam lực sĩ và số huy chương nữ lực sĩ mang về cho Hoa Kỳ nhiều hơn từ nam lực sĩ. Rõ ràng là nữ giới đang bắt đầu lên làm vua, từ vua trong gia đình đến vua trong xã hội, nay chiếm thêm cả ngôi vua trong ngành thể thao. Phe các bà trong làng nghe đến đây thì vỗ tay râm ran và gật đầu cho rằng đó là chân lý vĩnh hằng.
Tôi đã theo dõi buổi hội thoại trực tiếp trên đài CBC và CTV sau buỗi lễ bế mạc. Người điền khiển chương trình đặt câu hỏi là thành phố Toronto thân yêu của chúng ta có nên tiếp tục tranh đấu để được đăng cai thế vận hội trong thập niên 2020 nữa không. Nhiều người đã trả lời là không vì trong qúa khứ Toronto đã thất bại trong 2 lần nộp đơn, qúa đủ rồi. Nhìn những nước đã đăng cai, thấy họ tuy có vẻ vang và mát mặt, nhưng thu về không bao nhiêu. Tuy có danh nhưng cháy túi. Kià xem Montreal thành phố nói tiếng Pháp của chúng ta đã tổ chức thế vận hội mùa hè 1976, tới nay đã hơn 30 năm mà thành phố Montreal vẫn chưa trả hết nợ. Kìa xem thành phố Sydney ở Úc Đại Lợi tổ chức năm 2000 tốn kém biết bao nhiêu, cho đến nay vẫn thấy lượng du khách chẳng tăng lên chút nào. Kìa xem thành phố Athens của Hy lạp tổ chức nănm 2004, các cơ sở xây cất tốn kém biết bao nhiêu mà nay vẫn bỏ hoang không ai dùng. Vậy Toronto hãy dành số tiền dự trù bao nhiêu tỷ đồng đó cho ngành giáo dục, cho ngành y tế, cho việc giúp đỡ người nghèo. Kỳ vừa qua, nghe nói London đã tiêu đến hơn 18 tỷ đô la để tổ chức thế vận hội, liệu bao giờ thì lấy lại đủ vốn?
Anh John và Chị Ba đã kể những chuyện như thế của cả làng cho ông Từ Hoè nghe. Anh chị dùng loại máy điện thoại kiểu khuếch âm, mở lớn tiếng để người ngoài lề cũng có thể nghe đối thoại của cả hai bên. Kể xong các chuyện trên đây thì anh John xin Ông Từ Hoè kể cho làng nghe các ý kiến ở bên đó khi ông và anh chị Paul cũng xem Thế Vận Hội.
Các cụ còn nhớ anh chị Paul này không ? Paul là tên người em kết nghĩa của ông. Hồi còn VNCH, chú này là một chính ủy VC ở trong bưng. Ông Từ Hoè là một trung đoàn trưởng của VNCH. Trong một lần hành quân ông bắt được chú chính uỷ này. Thấy chú không phải loại răng đen mã tấu và cuồng tín, ông đem chú về trại và cho chú đấu lý với ông về chính nghĩa quốc gia. Chú này có học, cỡ con cháu ông Bùi Tín. Ban đầu chú đấu lý với ông Từ Hoè hăng lắm. Chú đem hết bài bản đã học ở trường Bác và Đảng ra tranh cãi. Sau mấy ngày mấy đêm, chú suy nghĩ. Ông Từ Hoè còn chở chú đi xem phố xá Saigon tấp nập. Cuối cùng thì chú đuối lý. Chính lúc đó thì ông Từ Hoè thả chú về rừng. Ông bảo với bộ chỉ huy : Tên này đã thấm đòn, giết nó hay bỏ tù nó không có lợi bằng thả nó về với đơn vị. Nó đã lung lay thì nó sẽ làm cho nhiều đàn em trong bộ chỉ huy của VC lung lay. Rồi biến cố 1975 xảy ra, ông Từ Hoè đi tù. Và chú chính ủy này đã tỉnh ngộ hoàn toàn khi nhìn thấy Miền Nam tự do và trù phú như bà Dương Thu Hương đã thấy. Chú bỏ Đảng. Chú đã tìm được cách móc ông Từ Hoè ra khỏi tù, và hai người đã vượt biên thành công. Ông Từ Hòe được Canada nhận ngay. Ông đã định cư ở Toronto với chúng tôi, còn chú chính uỷ thì phải mãi lâu sau, chú và vợ con mới được sang đây. Chú được Canada cho định cư ở miền trung Canada. Vì hai người đã kết nghĩa anh em nên ông đã rời Toronto đi sang sống với chú. Ít lâu sau, chú xin nhập đạo Công Giáo. Ông Từ Hoè đỡ đầu cho chú trong lễ Thánh Tẩy, và chọn Thánh Paul làm quan thày cho chú. Từ đó theo lối Canada chú có tên là Paul.
Ông Từ Hoè nghe anh John hỏi chuyện bên đó với tiếng vỗ tay râm ran phụ hoạ của cả làng, ông bèn trả lời : các nhận xét và các chuyện vui về thế vận hội London thì chúng tôi bên này cũng y như vậy. Chúng ta có viễn cảm anh em mà. Để đáp lại lòng chờ đón của làng, tôi xin gửi tặng cả làng hai mẩu chuyện mà tôi cho là hay lắm. Rất ít khi tôi thấy có truyện nào vừa ngắn, vừa đầy giọng Bắc Kỳ mà thấm thía như vậy. Tôi định rút ngắn hai chuyện này lại nhưng không thể làm được vì tác gia viết rất cô đọng và xúc tích. Xin cả làng mở máy, tôi xin chuyển ngay hai chuyện này. Xin coi đây là một chút đáp lễ và góp vui với làng.
Cả làng đã mở máy. Và cả làng đã bò ra cười.
Chuyện thứ nhất : CAO NHƯ ĐẢNG
Tên của gã là Cao Như Đảng. Tên cúng cơm của gã là Cao Như Đảng. Trong lý lịch, gã đề tên Cao Như Đảng. Tức là đích thị trên đời có thật một gã Cao Như Đảng.
Cao Như Đảng biệt tài làm thịt chó, thịt nhanh, nấu khéo, cả làng cả xóm biết tiếng. Ngay cả chó dại, chó ốm, chó bị trẹt xe gã mà đã nhúng tay pha thịt, ướp hấp, lúc dọn lên mâm vẫn ngon nhức. Trong xóm, nhà ai thịt chó cũng nhờ gã. Ủy ban xã khi nào tiếp khách hay liên hoan cần thịt chó lại gọi gã. Bản lĩnh ấy khiến gã với mấy vị trên ủy ban thành thân tình. Dần dần người ta lấy luôn cái nghề của gã gắn vào tên, gọi gã là Đảng Chó. Gã nghe vậy cũng chẳng lấy gì làm phiền.
Một ngày kia, Cao Như Đảng mở quán thịt chó.
Hôm khai trương gã mời cán bộ trong xã đến đánh chén. Rất vui. Nhưng đang dở bữa thì bí thư xã phát hiện ra cái biển trước quán đề ‘ Thịt Chó Đảng’ Ông bí thư gọi Cao Như Đảng đến, quắc mắt : Ông ghi như thế này là chửi ai? Cao Như Đảng nói : Thì dân vẫn gọi em là Đảng Chó, các bác trên xã cũng gọi em là Đảng Chó, thì giờ mở quán em làm biển thế cho tiện. Bí thư bảo : Lời nói gió bay, nói mồm với nhau không có gì làm bằng, chứ ghi lên thế này thì mặt mũi đảng còn là cái chó gì nữa? Gã đành dạ dạ. Cái biển sau, rút kinh nghiệm, Cao Như Đảng đề :’ Đảng Thịt Chó’. Bí thư xã đến ăn, nhìn biển mới, gật gật gù gù bảo : Sử thế này được, để cái giống ấy sau chữ Đảng cho đỡ bi bi hiểu lầm. Đang bữa ăn, bí thư sực nghĩ, giật mình liền quát : Dỡ biển xuống ngay, khẩn trương, phản động, muốn đi tù à? Cao Như Đảng méo mặt hỏi : Cả nhà nhà em toàn người ngoan và ngu, có biết gì mà phản động? Ông bí thư hạ giọng, thầm thì : Nước mình do một đảng lãnh đạo, cấm có cái chuyện hai ba đảng, ông ghi thế này nhỡ ai hiểu là ông lập đảng đối lập thì toi. Cao Như Đảng bảo : Chả nhẽ thằng bán thịt chó và mấy thằng ăn thịt chó mà cũng bị thành đảng à! Bí thư bảo : Ai chả biết thế! Nhưng cái nước mình nó thế! Mà thôi, tốt nhất thời này cái gì đã đảng thì đừng chó, mà đã chó thì đừng đảng! Gã đành dạ dạ.
Sau bữa đấy, Cao Như Đảng lại thay biển mới, còn đề mỗi ‘Thịt Chó’. Nhưng lắm lúc gã tấm tức : Đến cái giống chó đi không đổi họ, ngồi không đổi tên, lúc biến thành thịt vẫn gọi là chó, chẳng lẽ chỉ do nước này có độc cái đảng mà mình phải kị húy, phải kiêng cả tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho, thì hóa chẳng bằng chó./.

Chuyện 2 : NHÀ CUỐI NGÕ
Ngà là con gái mụ Điếc, nhưng không hề điếc. Ngà lấy chồng ở ngõ bên cạnh, chưa có con. Buổi tối Ngà bán bún ngan vịt ngay cửa nhà. Chồng Ngà là tổ trưởng kéo đường dây điện, thường đi công trường xa. Thằng này cục. Ngà là loại đáo để. Hai vợ chồng hay choảng nhau.
Có gã hàng xóm cạnh nhà Ngà buổi tối sang ăn bún khuya, thấy Ngà tươi, mỡ, chồng lại đang đi vắng. Nhìn quanh quán thấy chẳng còn ai, gã hàng xóm lúc đỡ bát bún cố tình chạm tay vào vú Ngà, bảo : Thêm cho anh tí thịt ở ngực nhé. Ngà đang cầm muôi nước dùng nóng chan luôn vào đũng quần gã. Gã hàng xóm bỏng mà không dám kêu ai. Hàng tuần đi đứng như thằng sa đì.
Chồng Ngà đi công trình về, ngủ mê mệt. Ngà mở điện thoại chồng thấy có ảnh chụp chồng vừa hát vừa lúi húi móc rốn mấy cô em môi đỏ trong hàng karaoke. Thằng chồng đang ngáy há hốc mồm, Ngà nhặt luôn chiếc guốc, nhằm mồm chồng bổ, chửi : Thằng đĩ, bà ở nhà giữ bướm cho mày, hầu hạ cả bố mẹ mày để cho mày đi sướng bậy à ? Thằng chồng rách môi, gẫy nửa răng cửa, liền tóm tóc vợ, dúi, lên gối uỳnh uỵch. Ngà thò tay tóm dái chồng bóp nghiến, chồng phải nhả tó.
Ngà bỏ về nhà mẹ đẻ. Thằng chồng lôi hết đống guốc của vợ chặt sạch. Sáng hôm sau thằng này đi làm, dái đau, chân bước lạng dạng. Ra ngõ, chạm mặt gã hàng xóm, thấy gã kia nhìn trộm mình lấm lét, lại cũng bước lạng dạng hệt mình, mới bảo : Ông tương bỏ mẹ mày giờ! Mày thích nhại ông à?

Trên đây là hai chuyện đầy giọng Bắc Kỳ mà ông Từ Hoè chuyển cho làng. Phe liền ông phe liền bà nghe xong thì bò ra cười. Các nhà quân tử liền ông thì vừa cười vừa xổ tiếng Đức vì khoái qúa, các bà các cô thì vừa cười vừa đấm nhau thùm thụp. Ông Từ Hoè còn cho biết thêm tác giả hai chuyện này tên là Đinh Vũ Hoàng Nguyên, chủ nhân bloc Lão Thày Bói Già. Tác giả chưa kịp in sách thì đã qua đời. Đúng là thiên tài mệnh yểu.
Chuyện thế vận hội và chuyện ông Từ Hoè đã dài qúa rồi.
Bây giờ xin cho tôi kể một chút chuyện riêng tư, chuyện đi xa đầu mùa hè này. Tôi mới đi California 9 ngày các cụ ạ. Mục đích chuyến đi là để gặp lớp bạn ngày xưa, thời còn ê a trường làng. Vui qúa sức là vui. Xưa nay ai củng bảo trên đời có 3 thứ qúy, đó là sách cũ, rượu cũ và bạn cũ. Qủa đúng như vậy. Chúng tôi râu tóc đều bạc, đã đầy con đầy cháu, ấy thế mà gặp nhau là mày mày tao tao loạn xà ngầu, có lúc cao hứng qúa còn pha cả tiếng Đan Mạch. Ôi những ngày xưa thân ái sao mà đáng yêu thế này.
Một ông bạn già nhất đám đã làm cả bọn tôi phá ra cười khi nghe chuyện ông già Nhật lực sĩ 71 tuổi trên đây. Bữa đó các bà cho nhậu món tái dê. Ông liền nổi hứng cao giọng ngâm mấy câu thơ này :
Tái dê chấm với tương gừng
Ăn rồi thì thấy phừng phừng như dê
Đêm về vợ bảo ô kê
Hôm sau ta cứ tái dê tương gừng

Nhóm tôi vui thế đấy các cụ ạ.

Sau mấy ngày hạnh phúc lu bù với nhóm bạn cũ này thì do duyên may tôi gặp được một nhạc sĩ tài hoa. Đó là nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Các cụ biết ông nhạc sĩ nổi danh này chứ. Ông là tác giả bài ca bất hủ ‘ Gọi người yêu dấu’ đấy. Bài này trở thành nổi tiếng ngay đầu thập niên 1970, do Thanh Lan hát lần đầu rồi thu vào băng nhạc Shotguns của Ngọc Chánh, rồi Quỳnh Giao hát trên đài quân đội. Rồi Hồng Vân, rồi Thu Hà, rồi Tuyết Hằng… Những tiếng hát lẫy lừng này đã đưa nhạc Vũ Đức Nghiêm lên đài danh vọng. Tôi đã hỏi nhạc sĩ họ Vũ là lời bài ca này hay qúa sức. Hay được như vậy thì chắc chắn đây phải là kinh nghiệm sống của tác gỉả, đúng không cơ ? Câu hỏi của tôi hình như đã làm cháy bùng lên một ngọn lửa lớn mà xưa nay tác giả đã cố giập tắt và vùì sâu. Ông không trả lời mà chỉ cười, nụ cười rạng rỡ toát ra vẻ sung sướng quá chừng. Các cụ nhớ lời bài ca này chứ :Gọi người yêu dấu bao lần
Nhẹ nhàng như gió thì thầm
Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi
Thương người xa xôi !
Gọi người yêu dấu trong hồn
Ngập ngừng, tha thiết, bồn chồn
Kỷ niệm xưa mờ thoáng trong sương
Cho lòng nhớ thương !
…….
Gọi người yêu dấu muôn đời
Nghẹn ngào không nói thành lời
Tình yêu xưa, ngày tháng pha phôi
Biết bao giờ nguôi !

Bài ca này dài lắm, mối tình lớn cơ mà, tôi chỉ trích mấy câu mở đầu để các cụ nhận ra. Cụ nào muốn nghe hết lại cho thỏa lòng thì tìm sách nhạc và đĩa nhạc nha. Mấy người bạn thân bảo tôi : Tuổi trẻ mà đã yêu thì yêu kinh lắm. Có bị sét ái tình thì mới viết ra được những lời thấm thía như vậy. Nhạc sĩ Nghiêm chỉ tỏ ra xúc động và cười rạng rỡ nhưng không nói gì. Thế là đúng tim rồi, còn gì nữa, phải không các cụ. Mà nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm không phải chỉ có sáng tác một bài tình ca bất hủ này, mà còn nhiều bài bất hủ khác nữa. Nghe nói trước sau như đã có hơn 200 bài, in ra bao đĩa nhạc. Ngoài tình ca, còn quân ca, và bây giờ là đạo ca. Ông cho biết hơn 13 năm trong tù VC ông thường đọc Kinh Thánh.
Tôi bây giờ mắc bệnh lẩm cẩm nên xin các cụ cho tôi miên man một chút nữa nha. Nhân nói tới đạo ca, tôi liền nhớ tới Mục Sư Vũ Đức Chang là anh ruột của nhạc sĩ họ Vũ. Kỳ vừa qua tôi cũng được gặp MS Chang. Trước 1975, MS Chang là giám đốc Nha Tư Thục, rồi Phó Tổng Giám Đốc Tổng Nha Trung Tiểu học ở Saigon. Tôi được quen ông trước khi mất nước. Sang Hoa Kỳ năm 1975, GS Chang sống đời tu hành và trở thành mục sư hầu việc Chúa trong 20 năm ở Cali, nay ông đã nghỉ hưu. Có một điều làm tôi vô cùng sửng sốt và kính phục là MS Chang cũng như ông em là nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, tuổi trời đã dư ngoài 80 mà tinh thần vẫn còn minh mẫn linh hoạt y như xưa, và tấm lòng thì đầy ắp tình yêu Chúa với yêu người. Tôi cũng chỉ ao ước cuối đời được như hai vị này. À, mà tôi chưa nói hết. Gia đình họ Vũ có 10 anh em, MS Chang là cả, rồi đến Nhạc Sĩ Nghiêm, rồi một lô các em trai đều là sĩ quan trong quân đội, người thứ chin là côVũ Bạch Cúc vừa là giáo sư vừa là nhạc sĩ, và người em út là anh Vũ Trung Hiền, kỹ sư, nhà văn và nhạc sĩ. Chưa hết. Con gái cô Bạch Cúc vừa là bác sĩ vừa là nhạc sĩ mang tên Nguyệt Cầm. Nguyệt Cầm vừa phát hành một băng nhạc. Đại gia đình nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đáng nể qúa chứ, phải không cơ.
Vừa viết đến đây thì tôi được ông ODP đưa cho coi tấm hình chụp mặt biển Hoàng Sa tuần qua chi chit tầu đánh cá của Tàu Cộng. Báo ghi rõ là hơn 2.300 tàu đánh cá. Cái gì thế này ? Tháng trước tôi nghe Trung Cộng đe , tôi tưởng nó dọa suông, ai ngờ bây giờ nó làm thật. Đồng bào ơi, sơn hà nguy biến, phải nổi giận lên chứ. Quân đội đâu, giặc thù đã cận kề, phải nổi giận lên chứ. Phải làm như lời cụ nhà văn Stéphane Hessel 93 tuổi ở Pháp vừa hô hào : Indignez-vous ! Hãy phẫn nộ ! Cuốn sách mang tên ‘Indignez-vous’ của cụ vừa phát hành hơn 4 triệu cuốn đã bán hết ngay, vì đây là tiếng gọi bức thiết nhất. Xin chuyển lửa về quê hương. Ở quê hương xin đốt lửa lớn lên, lớn lên nữa.
TRÀ LŨ