Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

VĂN QUANG VIẾT TỪ SÀI GÒN

Fr: BMH
DÂN KHÔNG NGU NHƯ CÁC ÔNG TƯỞNG
    Đến đây tôi trở lại với câu chuyện hàng tuần.
"Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người dân chưa có hành động quyết liệt trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, ngược lại còn đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng để giành được lợi thế trong kinh doanh hoặc được "ưu tiên" giải quyết công việc”.



Đó là nhận định gần đây nhất, trong buổi báo cáo tại phiên họp của  Ủy ban Thường Vụ Quốc hội VN đầu tuần trước trong báo cáo công tác Phòng chống tham nhũng năm 2012.
Nói rõ ràng hơn là nhận định này đổ tội tham nhũng lên đầu dân. Rõ ràng hơn nữa là tại người dân ngu quá nên mới có tham nhũng hoặc không diệt được tham nhũng vì “mấy anh dân đen”, cứ thích đút tiền cho quan để được giải quyết công việc nhanh chóng, chứ không phải do quan muốn “ăn tiền”. Quả là một nhận định “sâu sắc quái gở”. Có anh dân đen lại thích mang tiền mồ hôi nước mắt - có khi là cả máu - của vợ con mình đi dâng cho người khác. Có là khùng! Ông dân này vào nhà thương điên Biên Hòa từ lâu rồi.
Đút lót xong là muốn….chửi
Xin thưa thật một điều rất thật là anh dân đen đút tiền cho quan có chức có quyền, được một chữ ký xong là anh dân đen muốn chửi thề rồi. Chẳng qua anh ta không dám chửi ở nơi công sở vì sợ các ông… bỏ tù thôi, chứ về nhà là ông chửi vung thiên địa, chửi với vợ con, chửi với hàng xóm và ông ta sẽ “ghi nhớ đời đời” vụ đút lót này chứ không thể quên. Nhưng ra đường thì anh dân đen lại sống ngoan ngoãn… dưới pháp luật, dù pháp luật đôi khi vô tình với anh ta. Chẳng qua là anh dân đen không dám nói công khai vì nói công khai thì anh ta tiêu đời, bởi luật pháp quy định rằng người hối lộ cũng có tội, đi tù như chơi.
Quy định hiện hành thực chất đặt người đưa hối lộ và nhận hối lộ vào thế cùng thuyền.
Ông Trần Đức Lượng, phó tổng thanh tra Chính phủ nói rằng: “Thực tế hiện nay có những trường hợp đưa hối lộ do bị gợi ý, ép buộc nhưng vì sợ ảnh  hưởng đến công việc, quyền lợi của mình nên buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu sau đó người đưa hối lộ tố cáo thì lại có thể bị truy tố vì tội đưa hối lộ”. Thật ra người đưa hối lộ hầu hết bị ép buộc chứ chẳng ít có ai tự nguyện, trừ thành phần bị bắt quả tang trộm cướp lừa đảo muốn chạy tội.
Cái sự đời tròng tréo
Mà anh dân đi tù thì đúng ngày đúng tháng mới được tha, chứ còn quan, tiếng là tòa xử đi tù lâu hơn, tội nặng hơn nhưng thường được giảm án tùm lum, có khi còn ra tù trước cả người mang tiền đi hối lộ.
Ấy cái sự đời nó tròng tréo như thế nên anh dân không dám ho he. Không dám ho he không có nghĩa là anh ta ngu, càng không có nghĩa là “dân trí kém”. Anh ta biết hết, hiểu hết, ghi nhớ lâu dài, nhưng không nói ra mà thôi. Chẳng tin thử làm một cuộc khảo sát 100 người dân xem, chắc chắn sẽ được câu trả lời là “bây giờ tham nhũng nhiều quá, đếm không hết, kể không xuể”. Tại sao anh “dân ngu” không nói? Còn một lý do dễ hiểu nhất là nói ra cũng bằng thừa, nó là thứ chuyện ai cũng biết như “đói phải ăn, khát phải uống” chứ có gì lạ đâu.
Cũng may, ngay sau khi báo cáo đọc, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã nói: “Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các ông đòi ăn nên dân mới phải đút. Không nên nhận định người dân tiếp tay cho tham nhũng, sẵn sàng bôi trơn. Chỉ vì các ông tham nhũng buộc người dân đưa hối lộ thì người dân mới đưa cho ông”.
Ai được quyền đòi hối lộ?
Một thí dụ cụ thể trong… vô vàn thí dụ, trong tuần này, vụ án vừa được xử tại Bình Dương: “Thư ký tòa vòi tiền người đi kiện
Tạ Duy Việt được phân công tham gia vụ xử ông Tống Văn Đoàn (xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú) kiện đòi ông Lường Viết Chính (cùng xã) trả nợ 160 triệu đồng. Viên thư ký tòa này nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu ông Đoàn phải “bồi dưỡng” 15 triệu đồng mới can thiệp cho vụ án mau xét xử.
Ông Đoàn đồng ý đưa 5 triệu đồng nhưng Việt chê ít vì “cả ê kíp làm việc đâu phải chỉ mình tôi, bao nhiêu đó sao đủ”. Thấy thái độ vòi vĩnh của Việt quá quắt, nguyên đơn đã tố cáo với nhà chức trách.
Sáng 22/5, ông Đoàn báo tin lo đã đủ tiền đang sửa xe máy ngay trước cổng toà, Việt liền chạy xe ra nhận 15 triệu đồng thì bị bắt quả tang.”
Tha bổng cho người tố cáo tham nhũng
Những sự việc như thế là chuyện quá quen thuộc với người dân. “Cả ê kíp” đều ăn chứ chẳng riêng gì anh thư ký còm. Nhỏ thì vài chục triệu đồng, bắt chẹt từ anh khố rách áo ôm, đến lớn thì vài trăm triệu, vài tỉ đồng là “chuyện tất nhiên”, nhưng hàng trăm vụ mới có một vụ bị lôi ra ánh sáng. Bây giờ đã trở thành quá trắng trợn, quan đòi “đúng giá”, dân xin bớt, cò kè bớt một thêm hai như hàng tôm hàng cá giữa chợ, liêm sỉ không còn chỗ đứng. Người dân bán nhà, bán ruộng “chạy” cho quan ăn. Vậy mà khi tố cáo cũng có tội.
Cho nên, rất có lý khi ông Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị: “Bổ sung quy định xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo” vào dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Trong trường hợp ở VN, nạn tham nhũng đã trở thành “đại quốc nạn”, cần phải có một quan niệm về pháp lý rộng rãi hơn, phù hợp với tình hình hiện tại. Người dân sau khi đã đút lót cho quan, tự đứng ra khai báo thì được tha bổng, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó cũng là một cách khuyến khích người dân mạnh dạn tố tham nhũng, đỡ mất công úp mặt vào lu nước chửi thề cho hả dạ, vợ đỡ phải nghe những đêm ông chồng ấm ức không khác nào bị cướp, làm mất hạnh phúc. Nguy hại hơn nữa là ảnh hưởng tới tương lai của các con, bọn trẻ sẽ mang mãi bộ mặt xấu xa này của xã hội và có thể chúng sẽ nuôi cái mộng bằng mọi cách để được làm quan, để được ăn hối lộ, như thế tương lai của lớp trẻ sẽ bị đầu độc vô cùng tai hại.
Lại đến chuyện ông chủ ngân hàng chê dân trí thấp
Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí,  ngày 25.8.2012 vừa qua, một quan chức ngành ngân hàng (NH) nói rằng: “Do dân trí, tập quán ở Việt Nam chưa cao như ở một số nước. Rất nhiều người dân hiện nay đi gửi tiền nhưng cũng không để ý đó là ngân hàng tốt hay xấu. Có khi chỉ vì ngân hàng này ở ngay đầu ngõ nhà mình nên mang tiền đến gửi cho thuận tiện. Nên cách làm của chúng tôi là tái cấu trúc từ bên trong để ngân hàng lành mạnh lên...".
Ông này nói có phần đúng nhưng là đúng với tình hình NH cách đây một năm, NH chưa có “vấn đề gì” đáng lo ngại. Còn sau vụ hàng loạt quan chức có dính líu đến ngân hàng bị điều tra khởi tố thì người dân khôn hơn nhiều. Người ta đã tìm đến những NH lớn hơn, vững vàng hơn, có lời hơn để gửi tiền. Phải nói thẳng là người dân còn khôn hơn ngân hàng của các ông nữa đấy. Bằng cớ là hiện nay hầu hết các ngân hàng đều có những “chiêu” khuyến mãi rất hấp dẫn, ngân hàng lách lãi suất, mời gọi khách hành bằng đủ kiểu kể cả việc gọi điện thoại cho người gửi tiền có số lượng khá lớn từ 1 vài tỉ trở lên. Người dân không dại gì tin ngay vào những lời quảng cáo đường mật này của các ông. Họ còn nghe, còn nhìn, còn so sánh giữa NH này và NH khác chán ra rồi mới đem tiền đi gửi. Họ gửi tiền vào những ngân hàng có uy tín, tình hình tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, người dân nào cũng nơm nớp đề phòng, có “biến chuyển gì” là tức tốc đến rút tiền ra ngay, dù anh có “mạnh” tới đâu chăng nữa.
Đừng tưởng dân ngu hơn các ông.
Đợi đến bao giờ mới có luật biểu tình?
Một số vị khác đổ cho dân trí thấp cũng không phải là ít. Bên lề phiên họp Quốc hội ngày 17.11.2011, đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước khi trả lời báo chí đã nói rằng: “Khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình”.
Vậy có phải vì dân trí thấp mới bầu ông làm đai biểu? Và ông nói đợi khi nào trình độ dân trí cao và kinh tế ổn định mới ban hành luật biểu tình thì đợi đến bao giờ? Năm sau hay 10 năm nữa? Sao ông không nói luôn rằng khi nào dân trí cao mới nói đến chuyện tự do dân chủ? Bởi sẽ có nhiều “kẻ xấu” lợi dụng tự do dân chủ, phản đối linh tinh. Còn bây giờ, ông cứ ra cái luật nào là người dân cứ cắm đầu thi hành, đừng có lộn xộn vì dân trí anh còn thấp?
Hàm ý của câu nói này khá rõ ràng nên cũng nhanh chóng vấp phải những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Ngay chính trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội khác khi thảo luận về vấn đề này đã ủng hộ đề nghị của Chính phủ là cần xây dựng luật Biểu tình. Thế thì, hà cớ gì đại biểu Hoàng Hữu Phước lại cho rằng, trình độ dân trí Việt Nam chưa cao để xây dựng dự án luật Biểu tình? Nếu có luật và áp dụng đúng luật, ít nhất người dân cũng hiểu được biểu tình thế nào là đúng luật, biểu tình kiểu gì thì bị bỏ tù?
Đừng đổ tội cho dân trí thấp. Hãy nhìn lại xem mình thấp hay cao hơn dân.
Văn Quang 28-9-2012
.