Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

CHẾT OAN VÌ THUỐC NHẢM

Fr:Tweety Nguyen
               GÁNH SƠN ĐÔNG
                                          Tạp ghi Huy Phương
  Nhân đọc Blog Bolsa Người Việt ngày 11 Tháng Năm, 2012
   old man in hospital “Khoảng 11 giờ sáng, giường bên cạnh người nhà tôi có bệnh nhân mới. Ông ngồi xe lăn, khoảng 60, mặt sưng, hai mắt quầng tím. Vì mới vào nên ông phải trả lời những câu hỏi của y tá.
Y tá: Tại sao ông vào đây? Bệnh nhân: Tôi bị tiểu đường, sáng nay chóng mặt bị té. Y tá: Ông có thường đo đường ở nhà không? Bệnh nhân: Có, nó khoảng trên 200. Y tá: Ðường của ông bây giờ là gần 600. Gần đây ông có uống thuốc gì không? Bệnh nhân: Có, cả tuần nay tôi uống dược thảo của bác sĩ... Y tá: Thuốc có toa bác sĩ không? Bệnh nhân: Dạ không! Y tá: Không có toa bác sĩ sao ông dám uống? Bệnh nhân: Tui nghe quảng cáo hay quá mà cô, bệnh gì cũng hết. Cái ông bác sĩ còn nói, nếu không hết đem lại họ trả tiền cho. Mà còn có mấy người uống rồi gọi vào nói là bớt đến 90% mà cô. Y tá: Rồi ông có thấy bớt không? Bệnh nhân: Bớt thì tôi vô đây làm gì cô?”                           **** Tôi xin có hai câu hỏi: 1.Công ty giày thể thao Skechers vừa đồng ý trả $40 triệu tiền phạt để bồi thường cho khách hàng đã quảng cáo vô căn cứ rằng kiểu giày Shape-ups của họ giúp người ta giảm được cân và mông đùi bụng được săn chắc hơn. Tuy nhiên chưa có ai chết vì mang giày Sketchers. Nếu tôi chết vì uống thuốc theo lời quảng cáo, có được bồi thường không? 2.Chúng ta chê người trong nước vô cảm, đạp lên nhau mà sống, nhưng ở hải ngoại, vì lợi nhuận, tán tận lương tâm, chúng ta lợi dụng sự khờ dại của đồng bào, nhất là giới cao niên để làm giàu, điều đó có đáng lên án không?                           **** peking-opera-s Hồi còn nhỏ, cũng như bạn bè đồng lứa tuổi, tôi rất thích khỉ và khoái xem làm trò khỉ. Nhà ai có nuôi khỉ là chúng tôi rủ nhau đi xem và tìm cách đến gần, thừa lúc chủ nhân không để ý, không thọc que thì cũng tìm cách trêu chúng, làm khỉ tức giận nhe răng hoặc nhảy chồm tới tấn công đám chọc phá. Nhưng khoái nhất vẫn là chuyện đi xem trò khỉ của những đám Mãi Võ Sơn Ðông. Nhà ở gần chợ, cứ mỗi chiều nghe tiếng trống, tiếng xập xỏa vang lên ở phía đầu chợ là tôi đã nhanh chân chạy ra nhập bọn với những khán giả đang ngồi dưới đất, vây quanh nhóm mãi võ đang thúc những hồi trống rộn rã để chiêu dụ khách hàng đến xem khỉ làm trò, xem ông võ sư múa đao, nghe quảng cáo thuốc và mua thuốc đem về. Khi tôi đến nơi thì đám khán giả coi chừng đã đông, người lớn đứng vây quanh lố nhố, còn bọn trẻ con lem luốc chúng tôi thì ngồi bệt xuống đất. Ông “võ sĩ” to mập người Tàu, đeo dây lưng đỏ, mặc áo quần chẽn, trong khi miệng y hô lớn: “Xê da! Xê da!” thì trong tay y đang quay vòng tròn một sợi dây thừng lớn, mà đầu dây treo một miếng vải đỏ để mở rộng vòng đai khán giả. Lũ trẻ đang lết tới, chăm chú nhìn vào con khỉ mặc bộ đồ đỏ, đội nón đỏ đang ngồi nhai đậu phọng trên một chiếc lồng, sợ hãi dạt hẳn ra. Tiếng trống dồn dập hối thúc mời gọi nên chẳng mấy chốc đám đông khán giả tò mò đến đứng vây quanh đã khá đông. Buổi diễn bắt đầu bằng một trò khỉ khi con khỉ nhe răng đạp một chiếc xe đạp tí hon chạy vòng quanh trước mắt chúng tôi, dù không ai “xin một tràng pháo tay” chúng tôi cũng vỗ tay reo hò ầm ĩ. Tiếp theo, ông “võ sư” người Tàu múa một bài võ, nhào lộn hai vòng, xong đứng bật dậy, cung kính vòng tay cúi đầu chào bà con lúc bây giờ đã đứng nghẹt cả một khu chợ. Theo sự hướng dẫn của ông võ sư, con khỉ cầm cái thau nhôm móp méo đi một vòng xin tiền, nhưng phần lớn số tiền thu được chỉ là bạc cắc. Nhưng đây mới là phần cốt lõi của chương trình: -“Kính thưa quý bà con, cô bác, nam phụ lão ấu. Chúng tôi từ bên Sơn Ðông, nước Tàu mới sang xin trân trọng giới thiệu với bà con ba thứ thần dược gia truyền nổi tiếng bảy đời của chúng tôi, thứ nhất là “Bổ Huyết Khu Phong,” thứ hai là “Dầu Gió Thần Dược,” thứ ba là thuốc “Ðả Trật Kim Hoàn”. Dứt một câu ngắn, viên phụ tá của y, một ông già cao lêu khêu lại đánh một hồi trống và cậu bé trong đoàn sử dụng chập chõa inh ỏi cả một góc phố. Ðể chứng minh cho thần dược “Bổ Huyết Khu Phong,” ông võ sư lấy ra một cái ống nghiệm đựng một dung dịch màu đen kịt đưa qua đưa lại trước mắt cho bà con xem: -“Ðây là máu huyết của bà con, cô bác đang bị bệnh. Ðêm mất ngủ, ngày biếng ăn, tứ chi bải hoải, nhức đầu chóng mặt, da khô, mắt mờ, kinh nguyệt không đều, toàn thân nhức mỏi, ăn uống không tiêu, thần suy thận yếu, ho khan, tức ngực... Bệnh đã ăn sâu vào nội tạng, phải mau mau cứu chữa. Chúng tôi ở bên Tàu gia đình cha truyền con nối, trăm đời phúc đức nguyện làm phước cứu người, độ thế. (Lùng tùng xèng!)” -“Ðây là chai thuốc Bổ Huyết Khu Phong, thần dược gia truyền của chúng tôi...” (Lùng tùng xèng!) Y mở một chai thuốc có dán nhãn hiệu, lắc mấy cái và giải thích: -“Ðây là chai thuốc Bổ Huyết Khu Phong, bổ máu mà trừ độc, uống vào tới đâu, máu huyết trở nên hồng hào, tật bệnh tiêu trừ tới đó.” (Lùng tùng xèng!) Vừa nói, y vừa từ từ rót chai thuốc vào cái ống nghiệm mà y gọi đó là máu huyết của người bệnh. Nước thuốc trong chai “thần dược” chảy đến đâu, phần máu đang đen kịt hóa thành màu đỏ đến đó. Khán giả vỗ tay rần rần. Võ sư đắc chí gào lớn: -“Công hiệu như thần! Công hiệu như thần! Mại dô! Mại dô! Ðây ông mua một chai 3 đồng, bà mua hai chai chỉ có 5 đồng! Mua mau, mua mau!” Hồi nhỏ tôi không biết gì về chuyện cò mồi, nhưng thấy có hai thanh niên đứng gần đó móc túi mua ba chai thuốc. Ông võ sư cầm trong tay mấy chai thuốc vừa đi quanh vừa hô lớn, mời mọc, khi ôn tồn nhỏ nhẹ, khi la lớn như khủng bố tinh thần người mua, chẳng mấy chốc đã bán được hơn mười chai “Bổ Huyết Khu Phong”. Ðến màn thứ hai để quảng cáo cho những chai dầu gió Thần Dược, là phần tôi rất khó quên, là những bài học ca dao “đầu đời” bình dân, đầy vần điệu do ông thầy võ múa máy, ngâm nga lớn tiếng: -“Ðàn bà đau bụng chổng khu, Xức vô một tí, xách cái dù đi chơi!” -“Ðàn bà chồng bỏ chồng chê, Xức vô một tí, chồng mê về liền!” Lẽ cố nhiên là sau mỗi câu lục hay bát có tiếng trống, chập chõa phụ họa, làm cho những câu thơ trở nên sống động lạ kỳ. Ông võ sư cầm một ve “Dầu Gió Thần Dược” đi vòng quanh mời bà con xức thử mỗi người một tí, lẽ cố nhiên lũ nhóc chúng tôi rất thèm được thử xem mùi vị thế nào nhưng chẳng bao giờ được thỏa mãn. Lại có người móc túi mua dầu, đây cô Hai một chai, dì Tư hai chai! Quảng cáo cho món thuốc “Ðả Trật Kim Hoàn” là một màn kịch câm. Ông Võ Sư đưa vai trái cho ông già phụ việc đánh một hèo gỗ thật mạnh, có lẽ đau lắm, vì tôi nghe ông này la lên một tiếng thật lớn. Cởi áo, chìa cái vai vừa bị đánh ra, khán giả thấy vai võ sư bầm tím. Y đi một vòng chìa cái vai bị đánh ra cho mọi người cùng trông thấy, mặt nhăn nhó như đang bị đau đớn lắm. Sau đó, y lấy một chai dầu nhỏ để trên chiếc bàn nhỏ, đổ dầu ra bàn tay, xát mạnh lên vai nhiều lần. Chỗ đau đang đỏ bầm chẳng mấy chốc trở lại màu da thường như cũ, y cười nhăn nhở trong khi chiêng trống lại khua inh ỏi. Bọn trẻ lại ồn ào vỗ tay tán thưởng. Bấy giờ ông võ sư mới bắt đầu mở miệng, trở lại rao hàng: -“Ðả trật kim hoàn là môn thuốc thần trị trặc xương, bong gân, sưng khớp hiệu nghiệm như thần. Bị đánh đập, té bổ thương tích, đau đớn vô cùng, dùng Ðả Trật Kim Hoàn như thuốc tiên, cam đoan không lành chúng tôi xin trả lại tiền! (Lùng tùng xèng!) Có lẽ để cho lũ khán giả con nít không tiền mua thuốc chúng tôi đỡ nhàm chán, đám Sơn Ðông Mãi Võ lại cống hiến trò khỉ đánh trống, đi xe đạp, xong lại tiếp tục rao hàng bán thuốc. Tôi thường mải mê xem đám xiệc này cho đến lúc tan buổi diễn, nếu không có bà chị đi tìm, xách tai kéo về vì đã đến giờ cơm. Bà mẹ tôi đi chợ, thường thích dừng lại đám mãi võ nghe lời quảng cáo, bùi tai, mua các loại thuốc “Sơn Ðông” này mang về nhà, phần ông bố tôi không bao giờ tin, có lần giận vợ, ông đã quăng mấy chai thuốc mẹ tôi đã mang về, ra vườn. Ông cho chúng tôi biết đó là Tàu Chợ Lớn chuyên bán hàng giả, lừa bịp thiên hạ, chẳng phải thuốc gia truyền gì cả! Câu nói tôi vẫn còn nhớ mãi của ông là: “Không chết vì bệnh, mà chết vì thuốc!” Cho đến lúc về già, hồi tưởng lại những gánh Sơn Ðông Mãi Võ qua tỉnh lỵ những ngày thơ ấu, tôi còn tưởng như nghe bên tai tiếng rao hàng dõng dạc của ông võ sư người Tàu, tiếng trống chiêng khua inh ỏi và hình ảnh chú khỉ mặc áo quần đỏ nhe răng, nhảy nhót làm trò năm xưa. Tôi tiếc cho con cháu thời đại hôm nay không được hưởng những giây phút hồi hộp vui tươi mỗi khi có gánh mãi võ đi ngang qua nơi mình ở. Thời đại tân tiến này, con cháu chúng tôi hay cả quý vị cao niên, xem hay nghe quảng cáo “cao đơn hoàn tán” trên TV hay đài phát thanh thì chán chết! Có điều tôi xin hứa với con cháu và bạn đọc thân mến, nếu mai này có chết, tôi sẽ chết vì bệnh hay già, chứ không phải chết vì thuốc!