Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

VN : LUẬT RỪNG LẠI RỬNG LUẬT

dinh cao mua gay

Việt Nam có quá nhiều nghị định làm dân không phục

Radio Australia 13/1/2013-  Nhà nước Việt Nam ban hành quy định về việc tang ma đã gây nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận như nhiều nghị định, quyết định, thông tư thiếu thực tiễn được ban hành trước đó. Tran ngoc Them

Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm: “Tư duy làm luật theo kiểu quản lý thời bao cấp vẫn chưa hết.” (Credit: ABC)


Nghị định không ổn Việc ban hành Nghị định (105/2012/NĐ-CP), cấm không được để ô cửa có lắp kính trên quan tài, giới hạn số vòng hoa viếng và cấm rắc vàng mã sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu tháng Hai này. Nghị định được ông Hồ Trí Hùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức–Cán bộ của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch giải thích: “Lắp kính trên nắp quan tài không phải truyền thống của người Việt Nam; ảnh hưởng môi trường, sức khỏe người dự tang lễ và có thể vỡ rơi xuống người đã mất. Phản ứng trước quy định trên Giáo sư Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Lý luận Văn hóa thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định: “Đây là chuyện tình cảm của mỗi con người, việc quy định quan tài có hay không ô cửa lắp kính, quy định số vòng hoa đều không ổn”. “Chả hiểu ông, bà nào cố vấn cho Bộ Văn hóa– Thể thao và Du lịch xây dựng Nghị định này. Không biết đã có người nghiên cứu về văn hóa, luật gia nào góp ý trước khi trình Thủ tướng ký ban hành,” Giáo sư Thêm nói. Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Khắc Cường, Trường Đại học Khoa học và xã hội nhân văn TP.HCM, ngạc nhiên: “Những người xây dựng nghị định trên dựa trên cơ sở nào để cấm và họ có tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới không?” Một trưởng phòng của Sở Công thương TP.HCM xin không nêu tên tâm sự: “Tôi dù là cán bộ nhà nước thì cũng là người dân với tương quan người thân, dòng họ, bạn bè… khi tôi nằm xuống thì luật áp dụng cho tất cả những người này không hợp lý tí nào. Chẳng lẽ khi chết rồi mà còn trách nhiệm với nhà nước? Tiết kiệm có nhiều chỗ cần làm hơn chứ không phải nhắm vào tang lễ nơi thể hiện tình cảm, niềm tin của mỗi con người, từng gia đình. Nghị định đến từ đâu và để làm gì? Theo Luật sư Nguyễn Văn Trường tại Sài Gòn giải thích: “Một bộ luật thường có nhiều nghị định để cụ thể hóa tình huống thực hiện. Nếu nghị định vẫn chưa làm sáng tỏ vấn đề thì những bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan sẽ tiếp tục ban hành thêm thông tư hướng dẫn chi tiết hơn nữa. Quốc hội Việt Nam thông qua các các bộ luật. Để hướng dẫn thi hành luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, chánh án tòa án tối cao, viện trưởng viện kiểm soát nhân dân tối cao, tổng kiểm toán nhà nước, hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố đều được quyền ban hành các nghị định, nghị quyết, pháp lệnh, lệnh, quyết định để hướng dẫn thi hành các bộ luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Luật sư Trường nói: “Khác với các nước phát triển vốn có các bộ luật rõ ràng, luật của Việt Nam vẫn chưa giải thích đủ, chưa hoàn thiện, luôn thay đổi, nên cần phải ban hành các văn bản dưới luật để giải thích. Tuy nhiên do suy nghĩ chủ quan, nóng vội, nhiều văn bản dưới luật mâu thuẫn với luật và không áp dụng được vào thực tiễn.
 Suy nghĩ theo lối bao cấp Các văn bản pháp luật để hạn chế quyền của người dân thường phản ánh sự yếu kém trong quản lý của chính quyền. Thêm vào đó, tính chủ quan của người quản lý nên nhiều luật không khả thi, bị “mù” ngay khi mới ban hành, hoặc cơ quan ban hành phải ra cái khác để thay thế bãi bỏ. “Tâm lý ép dân phải thế này thế kia thời bao cấp không mất đi mà còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều lãnh đạo nên mới có những quy định pháp luật bị người dân phản ứng là điều khó tránh khỏi,” Giáo sư Thêm nói. Trong khi đó luật sư Trường cho rằng: “Do phạm vi áp dụng rộng nên các văn bản dưới luật hợp với người này, không hợp với người kia có thể gây tranh cãi là điều khó tránh khỏi.”
Nổi giận với luật Không chỉ ra Nghị định về tang lễ, trong năm 2012, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan thẩm quyền còn ‘được mùa’ về nghị định khiến dư luận phải nổi giận. Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ ban hành Nghị định 71/2012, quy định chỉ có người đứng tên mới được điều khiển xe. Trước tình trạng ngộ độc thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định 33/2012, quy định thịt và phụ phẩm chỉ được bán trong vòng 8 giờ sau giết mổ. Thông tư 27/2012 của Bộ Công an quy định chứng minh nhân dân phải có tên cha mẹ. Nghị định 52/2012 quy định xử phạt nghe điện thoại ở cây xăng. Trước đó vào tháng 9/2008, Bộ Y tế đã ban hành quyết định 33/2008, quy định người có vòng ngực từ 72cm trở xuống không được điểu khiển xe máy trên 50 phân khối… Nhà báo Nông Khắc Ý, từng làm việc tại nhiều tờ báo lớn ở Sài Gòn giải thích: “Ngoài sự yếu kém của cơ quan xây dựng luật, thì đây có thể là cách chính quyền cố tình tạo ra sự cố để “xả van” dư luận đang bức xúc trước nhiều vấn đề khác.

Nguồn :
http://www.radioaustralia.net.au/vietnamese/2013-01-13/vi%E1%BB%87t-nam-c%C3%B3-qu%C3%A1-nhi%E1%BB%81u-ngh%E1%BB%8B-%C4%91%E1%BB%8Bnh-l%C3%A0m-d%C3%A2n-kh%C3%B4ng-ph%E1%BB%A5c/1073056