Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

DOANH NHÂN NGƯỜI GỐC VIỆT MUỐN MUA THÁP EIFFEL

Triệu phú gốc Việt tại Pháp muốn mua tháp Eiffel

Nhà triệu phú Pháp gốc Việt Chuc Hoang.RFI/Thuy My - Phụ trang kinh tế của nhật báo Le Monde hôm nay có bài viết mang tựa đề « Chúc Hoàng, nhà triệu phú của tháp Eiffel » với giòng giới thiệu : « Ở tuổi 70, người kỹ sư Pháp gốc Việt kín tiếng ra khỏi bóng tối khi đưa ra đề nghị OPA đầu tiên » : Ông muốn mua lại cổ phiếu của Công ty quản lý tháp Eiffel.
Dành hẳn một trang báo lớn cho bài viết, phía trên là chân dung nhà triệu phú gốc Việt mới chụp ngày 25/06/2014 tại Paris, Le Monde nhận định trong nhiều thập kỷ qua, ông Chúc Hoàng vẫn ẩn mình phía sau một số công ty như Tổng công ty thương mại Phương Đông, MI29 hay Quỹ địa ốc Wilson, nên ít ai chú ý đến.
Nhưng trong những năm gần đây, ông đã mua cổ phần của một số công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, như Bigben Interactive, chuyên phân phối các món phụ kiện dành cho game video. Thế là ông Chúc Hoàng « bị » tạp chí kinh doanh Challenges phát hiện, tính toán giá trị các cổ phiếu của ông và xếp ông vào danh sách 200 doanh nhân giàu nhất nước Pháp.
Theo Challenges, doanh nhân gốc Việt này đứng thứ 176 với khối tài sản được ước tính khoảng 290 triệu euro. Nhưng Le Figaro cho rằng trên thực tế còn cao hơn nhiều vì tất cả những gì ông sở hữu chưa được xác định hết. Nhất là nhà triệu phú kín đáo đang chuẩn bị một hoạt động OPA, thuật ngữ tài chính để chỉ việc trả giá thu mua cổ phiếu nhằm nắm toàn quyền kiểm soát một công ty. Đích nhắm là một cái tên gây chấn động : Công ty tháp Eiffel !
Được thành lập để khai thác ngôi tháp nổi tiếng thế giới, công ty tháp Eiffel trở thành một công ty địa ốc sở hữu nhiều diện tích văn phòng ở Paris và vùng phụ cận, nhưng hiện nay đang ngập trong nợ nần. Cuối năm 2012, ông Chúc Hoàng bắt đầu quan tâm đến công ty này, tham gia góp vốn vào năm 2013.
Nhưng hai nhà lãnh đạo công ty đã bán lại cổ phần cho ông không giữ lời hứa trước đó là dành hai chỗ trong ban quản lý. Bất mãn trước thái độ ấy, ông kiện hai cựu lãnh đạo vì tham ô, khẳng định họ đã thủ lợi quá đáng. Và khi công ty SMABTP muốn nắm đa số cổ phần công ty tháp Eiffel, ông phản đối hoạt động OPA này bằng cách đề nghị mua lại với giá 344 triệu euro. Thế là SMABTP đành phải nâng giá cổ phiếu muốn mua lại là 58 euro/cổ phiếu, tăng 21%.
Là cổ đông lớn nhất đang nắm 30% vốn, ông Chúc Hoàng có thể thu được món lợi nhuận dồi dào. Nhưng ông vẫn chưa hề cho biết có từ bỏ ý định mua lại công ty hay không, để các đối thủ hồi hộp đến giờ phút chót. Luật sư của ông cho biết , nhà triệu phú chơi thuần thục môn bài tẩy từ năm lên 10 tuổi rất thích phân tích chiến lược và chiến thuật. Một người bạn cũ nhận xét: « Ông luôn luôn lật đi lật lại các phương án, chọn lựa cách tốt nhất và giữ được cái đầu lạnh, không biểu lộ buồn vui. Đối với công ty tháp Eiffel, ông muốn là người thắng lợi dù chọn giải pháp nào đi nữa ».
Le Monde cho rằng « Nhà triệu phú tháp Eiffel » sẽ là một danh xưng vẻ vang cho con người sinh ra cách ra Paris hàng 10.000 km, cụ thể là ở Thái Bình, có cha là thẩm phán thời Đông Dương thuộc Pháp. Sang du học ở Paris từ tuổi thiếu niên, ông tốt nghiệp trường Bách Khoa nổi tiếng của Pháp năm 1969. Chúc Hoàng kể : « Vì tôi có khuôn mặt châu Á nên đôi khi bị gọi là ‘người Hoa’, nhưng tôi là người Pháp gốc Việt ». Được tặng thưởng Bắc đẩu Bội tinh, hiện ông là một trong những nhà tài trợ chính của trường Bách Khoa, và một quỹ học bổng dành cho sinh viên Việt Nam đang mang tên ông.
Tờ báo kể lại quá trình gầy dựng nên gia sản : ông lần lượt mua lại các công ty đang lỗ lã, đến khi các đơn vị này làm ăn khấm khá trở lại thì ông trở nên giàu có. Lúc Tổng thống cánh tả François Mitterrand được bầu lên năm 1981, Chúc Hoàng nói : « Cả đời tôi phải chạy trốn cộng sản. Lần này thì họ lại tóm được tôi, thế là hết ! ».
Ông bèn tìm cách bán đi những gì mình có, nhưng ông chỉ bán được một nửa tức nhượng lại quyền khai thác và vẫn sở hữu bất động sản. Thất bại này lại giúp ông giàu to, vì sau đó nếu giới chủ nước Pháp lao đao thì giá trị địa ốc lại tăng vùn vụt. Chúc Hoàng cười bảo: « Rốt cuộc, ông Mitterrand đã cứu tôi ».
Theo báo cáo tài chính của công ty tháp Eiffel (Société de la Tour Eiffel - STE) năm 2013, ngày 12-4-2013 đánh dấu lần đầu tiên công ty MI 29 - một doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Chuc Hoang đạt được thỏa thuận nắm giữ cổ phiếu của STE. Theo đó, MI 29 quyết định mua lại khoảng 530.000 cổ phần STE từ Eiffel Holding, tương đương với 8,67% vốn của STE.
Dù tài sản của triệu phú gốc Việt Chuc Hoang trên tạp chí Challenges (Pháp) chỉ khoảng 290 triệu EUR nhưng giá trị cổ phần mà ông này nắm giữ tại STE qua các công ty liên quan đã lên tới 105 triệu EUR. Ảnh: Le Monde
Dù tài sản của triệu phú gốc Việt Chuc Hoang trên tạp chí Challenges (Pháp) chỉ khoảng 290 triệu EUR nhưng giá trị cổ phần mà ông này nắm giữ tại STE qua các công ty liên quan đã lên tới 105 triệu EUR. Ảnh: Le Monde
Dựa theo những điều khoản ban đầu của hợp đồng, thông qua các công ty Eurobail và quỹ địa ốc Wilson (Foncière Wilson Sarl), mức vốn thuộc quyền sở hữu của ông Chuc Hoang và các công ty liên quan tại STE đạt 10,77%. Đến ngày 12-6, tỉ lệ này đã là 15,4%, đưa ông Chuc Hoang trở thành cổ đông lớn trong công ty sở hữu biểu tượng nước Pháp.
Chỉ hai tháng sau đó, ông Chuc Hoang tiếp tục mua gom cổ phần của STE trên sàn chứng khoán thông qua MI 29 và các công ty liên quan. Đến tháng 8-2013, số cổ phần mà vị này nắm giữ trực tiếp và gián tiếp khoảng 20,42% vốn của STE. Đến cuối năm 2013, tỉ lệ sở hữu của doanh nhân giàu thứ 176 của Pháp tại Eiffel vọt lên mức 29,11%, tương ứng 1,812 triệu cổ phần.
Tuy nhiên, quá trình hợp tác giữa doanh nhân gốc Việt Chuc Hoang với STE không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Doanh nhân gốc Việt từng kiện STE lên tòa án Paris vì cho rằng lãnh đạo của công ty này được trả lương quá cao, lạm dụng quyền lực và tài sản của xã hội.
Đơn tố cáo nêu rõ, tổng mức thù lao của ba nhà quản lý chính tại STE đã tăng tới 85% trong vòng một năm. Trong đó, chủ tịch và tổng giám đốc nhận lương cao gấp 2,3 đến 5 lần so với bình thường, đồng thời "hội đồng quản trị không còn đủ điều kiện để quản lý công ty". Tòa án Paris sau đó đã bác đơn tố cáo của ông Chuc Hoang và MI 29, đồng thời yêu cầu MI 29 nộp khoản phí thụ lý vụ kiện khoảng 10.000 EUR.
Giá trị cổ phiếu của công ty tháp Eiffel (mã EIFF) trên sàn chứng khoán châu Âu đóng cửa ngày 23-6-2014 là 58,1 EUR. Như vậy, chỉ tính riêng giá trị cổ phần mà ông Chuc Hoang sở hữu tại STE (dưới danh nghĩa chủ tịch các công ty liên quan) đã lên tới 105,3 triệu EUR.
Theo Hạ Minh (Tri Thức/Zing)