Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

NHỮNG MỐI LO CỦA TRUNG QUỐC

1. NHỮNG THÀNH PHỐ MA TRÊN ĐẤT TRUNG HOA
(A stunning look at China’s ghost cities)                                                                              http://www.businessinsider.com/china-ghost-city-documentary-2011-3
Read more:
http://www.businessinsider.com/china-ghost-city-documentary-2011-3#ixzz1IAI1EyRm
2. NHỬNG CAO ỐC XÂY TRÊN ĐỐNG NỢ NẦN Ở TRUNG QUỐC                            

Thành phố New York của Mỹ phải mất 7 năm để xây thêm một đoạn đường tàu điện ngầm dài 3 km, nhưng cũng trong thời gian ấy, thành phố Vũ Hán của Trung Quốc sẽ hoàn thành cả một hệ thống tàu điện ngầm dài 220 km.

Mà hệ thống metro Vũ Hán mới chỉ là một phần nhỏ trong cả hệ thống quy hoạch đô thị trị giá 120 tỷ USD của thành phố này, bao gồm hai nhà ga hàng không mới, một khu tài chính, một khu văn hóa và một khu cao ốc bên sông với tòa văn phòng cao hơn Empire State ở New York.
Tờ The New York Times đang có loạt bài nghiên cứu về các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc hiện tại, trong đó có tình trạng chạy đua phát triển hạ tầng, như sau.
Cơn bão xây dựng phủ lên Vũ Hán - thành phố lớn thứ 9 của Trung Quốc - một lớp mây bụi không bao giờ tan cho dù các xe bồn suốt ngày chở nước phun lên đường phố. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên nếu vị bí thư đảng ủy thành phố, trước đảm nhiệm chức thị trưởng, bị đặt biệt danh là "ông đào đường".

Một khu đất trống ở Vũ Hán, nơi các công ty phát triển định dựng lên một cao ốc cao hơn cả Empire State ở New York. Ảnh: NYT.
Những kế hoạch phát triển Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, cách Thượng Hải tới hơn 600 km về phía tây, dường như là vung tay quá trán, nhưng không quá lạ. Hàng chục thành phố khác của Trung Quốc đang rùng rùng chạy đua bằng nhiều dự án hạ tầng đắt đỏ và đầy tham vọng, mong thể hiện vai trò của chúng trong "sự thần kỳ Trung Hoa".
Trong những năm qua, ngành địa ốc Trung Quốc đã qua mặt lĩnh vực xuất khẩu để trở thành ngành đóng góp nhiều nhất cho mức tăng trưởng kinh tế nước này. Nói cách khác, các hệ thống tàu điện ngầm và những tòa nhà chọc trời ở đây đang thay thế cho ngành xuất khẩu gỗ và chế tạo iPhone để trở thành biểu tượng cho năng lực kinh tế Trung Quốc.
Ảnh: các dự án hạ tầng khổng lồ ở đô thị Trung Quốc
Nhưng đang có những dấu hiệu ngày càng rõ rệt cho thấy nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhiều năm qua của Trung Quốc đang gặp nguy cơ từ những tòa cao ốc này, bởi nguồn tài chính bơm vào chúng là tiền đi vay, trong đó con nợ là các chính quyền địa phương, và quy mô của các khoản nợ được những bàn tay kế toán khéo léo tô vẽ để trông có vẻ nhỏ hơn thực tế.
Điều nguy hiểm là chính quyền địa phương ở nhiều nơi tại Trung Quốc đã ngồi sẵn trên đống nợ được giấu giếm rồi - đây là nguy cơ đe dọa sự tăng trưởng kinh tế quốc gia trong nhiều năm, thậm chí là nhiều chục năm tới. Mới tuần trước, cơ quan kiểm toán Trung Quốc cảnh báo rằng các địa phương đang nợ đìa. Ngoài ra, cơ quan xếp hạng chỉ số tín dụng quốc tế Moody mới cảnh báo đầu tuần này rằng kiểm toán nhà nước Trung Quốc đã đánh giá thấp nguy cơ thực tế của các khoản nợ mà nhiều ngân hàng đang cho các chính quyền địa phương vay.
Do Trung Quốc đã và đang là động lực ổn định thúc đẩy kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây, bất cứ dấu hiệu chậm lại nào của nó cũng khiến nền kinh tế quốc tế bị ảnh hưởng.
Các dự án phát triển đô thị rầm rầm được thực hiện khắp Trung Quốc, tiêu tiền dựa trên cái gọi là đầu tư vào tài sản cố định, giá trị của chúng hiện chiếm tới 70% GDP. Đó là con số mà không một quốc gia lớn nào chạm đến trong lịch sử hiện đại.
Ngay cả Nhật Bản, trong cơn bão xây dựng những năm 1980, thì giá trị ngành xây dựng cũng chỉ đến 35% GDP, còn ở Mỹ con số này dao động quanh mức 20% trong nhiều thập kỷ. Con số của Trung Quốc cho thấy sự trỗi dậy của nước này nhưng cũng chỉ ra sự nguy hiểm đối với họ, khi phụ thuộc quá nhiều vào chi tiêu hạ tầng.

Vũ Hán đang tính toán để trả các khoản nợ. Các nhà lãnh đạo thành phố tin tưởng rằng giá nhà đất sẽ cưỡng lại được lực hút trọng trường, bất chấp thực tế là giới phân tích đang dự đoán về một cú hạ cánh. Ảnh: NYT.
"Nếu Trung Quốc có giỏi cái gì, thì đó chính là hạ tầng", Pieter P. Bottelier, chuyên gia về Trung Quốc tại trường Johns Hopkins của Viện nghiên cứu cấp cao Washington, nói. "Nhưng giờ đây có thể nói rằng tỷ lệ đầu tư quá cao. Có bao nhiêu phần trăm trong số đó đã được tư vấn không tốt và sẽ trở thành món nợ khó trả trong tương lai? Ai biết được".
Trong nhiều thập kỷ qua, trong khi các nhà kinh tế vật lộn để lý giải sự tăng tiến thần kỳ của Trung Quốc, thì các nhà kỹ trị ở Bắc Kinh cũng phải vất vả để điều chỉnh và cân bằng giữa đường lối kinh tế và đường lối chính trị.
Nhìn từ bên ngoài vào, các chuyên gia kinh tế thế giới có thể thấy sự hỗn loạn và dễ tổn thương của nền kinh tế khổng lồ này. Trong trường hợp Vũ Hán, nếu điều tra kỹ, người ta có thể thấy rằng các nhà phát triển đã vay mượn hàng chục tỷ đôla từ các ngân hàng quốc doanh. Nhưng các khoản vay này không đi thẳng vào ngân khố thành phố. Tiền được vay bởi các tập đoàn đầu tư đặc biệt do chính chính quyền thành phố lập ra. Chúng là những thực thể kinh tế có các khoản nợ không bao giờ hiện ra trên bản cân đối tài chính chính thức của Vũ Hán.
Thêm một nguy cơ nữa, việc định giá đất quá cao có thể trở thành nguy hiểm một khi bong bóng nhà đất vỡ. Giá đất ở Vũ Hán trong 10 năm qua tăng gấp ba lần.
Thực thể đầu tư hạ tầng lớn nhất ở Vũ Hán do chính quyền địa phương lập ra có tên là công ty Phát triển và Đầu tư xây dựng đô thị Vũ Hán (UCID), đã cung cấp tài chính trị giá hàng tỷ USD cho các dự án đường sá, cầu cống và xử lý chất thải.
Theo số liệu chính thức, công ty trên có 16.000 nhân viên, 25 cơ quan trực thuộc và tài sản trị giá 15 tỷ USD - bao gồm cả giá đất bị đội lên cao trong đó. Nhưng khoản nợ của thực thể này hiện là 14 tỷ USD.
"UCID đang ngập trong nợ", phát ngôn viên của công ty, ông Sun Zhengrong, thừa nhận. "Điều này có thể dẫn đến các vấn đề. Chúng tôi đang điều chỉnh". Ông không nói điều chỉnh cụ thể cái gì, và giải thích rằng tình hình tài chính công ty là "tuyệt mật".
Nhiều thành phố khác cũng làm theo mô hình như Vũ Hán. Và đó là điều nguy hiểm. Theo một báo cáo của ngân hàng đầu tư UBS, dự đoán những khoản nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc có thể gây nên một khoản nợ xấu khổng lồ đến 460 tỷ USD. Xét trên tỷ lệ GDP, con số này vượt xa vụ 700 tỷ USD của chương trình cứu trợ trong cơn bão đổ vỡ ngân hàng do dính vào bất động sản dưới chuẩn của Mỹ.
Nhưng mặt khác, tình hình cũng chưa đến mức báo động. Nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ không có khủng hoảng tài chính ngân hàng kinh tế đối với Trung Quốc. Đó là nhờ khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ 3 nghìn tỷ USD, và việc các ngân hàng Trung Quốc đang ngự trên đống tiền tiết kiệm của 1,3 tỷ dân
Vì vậy, vấn đề quan trọng, theo các nhà phân tích, là những khoản nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang bắt đầu phủ một bóng mây đen lên bức tranh tăng trưởng kinh tế của nước này. Thay vì đầu tư để phát triển, Trung Quốc sẽ phải tiêu tiền để bảo vệ các ngân hàng trước nguy cơ bị chính quyền các địa phương xù tiền vì vỡ nợ. Một số chuyên gia kinh tế e ngại một kịch bản trong đó Trung Quốc rơi vào một giai đoạn dài ì ạch về kinh tế như Nhật trước đây.
Kenneth S. Rogoff, giáo sư kinh tế học của Harvard và là đồng tác giả cuốn "This Time Is Different: Eight Centuries of Financial Folly" (tạm dịch: Những điều dại dột về tài chính trong 8 thế kỷ) đã nghiên cứu về sự phát triển bùng nổ của Trung Quốc trong nhiều năm. Ông dự đoán rằng trong vòng một thập kỷ nữa quả bong bóng bất động sản đang căng phình của Trung Quốc, cùng với các khoản tín dụng ngày càng tăng, sẽ gây ra tình trạng suy thoái kinh tế ở châu Á và khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
"Với Trung Quốc, người ta thường hay nghĩ 'ồ, vụ này thì khác'", giáo sư Rogoff nhận xét. "Các nhà kinh tế thường nói rằng họ (Trung Quốc) có dự trữ ngoại hối lớn, họ có vô số tiền tiết kiệm, họ là những người lao động chăm chỉ. Thật là ngây thơ. Người ta không thể nắm tay thâu ngày đến tối".
24 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong tuần, công nhân vẫn miệt mài dựng nên các công trình xây dựng, trong đó có dự án tàu điện ngầm trị giá 45 tỷ USD. Một đoạn của hệ thống này chạy bên dưới lòng sông Dương Tử.
"Hầu hết các đoạn khác, chúng tôi đào sâu 18 đến 26 mét". Lin Wenshu, một trng các giám đốc kế hoạch của Vũ Hán Metro, nói. "Nhưng ở phần này chúng tôi phải đào sâu 50 mét bởi phía trên kia - dưới lòng sông - có áp suất cao và nhiều bùn", ông nói. "Nhưng dân chúng muốn có hệ thống metro, vì thế chúng tôi phải xây càng nhanh càng tốt".
Toàn thành phố Vũ Hán có 5.700 dự án xây dựng đang triển khai. Tại một số dự án, công nhân chỉ dùng búa với tay trần để đập bỏ các ngôi nhà cũ, mở đường cho các đại siêu thị, cao ốc và đường cao tốc mọc ra.
Chứng kiến Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố lớn miền duyên hải thịnh vượng nhờ các dự án phát triển khổng lồ, những thành phố trong nội địa như Vũ Hán đang cố làm như vậy. Vũ Hán muốn trở thành một trung tâm công nghiệp và giao thông sâu trong nội địa - kiểu như Chicago ở Mỹ. Nhưng đó là một giấc mơ được xây trên những khoản nợ.
Thanh Mai VN - Express