Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

TRUYỆN TIẾU LÂM AN NAM

Fr: Viet Do* Yen Huynh
Phạm Duy Tốn  
     Truyện Tiếu Lâm An Nam   Hoàng Yên Lưu
TIENG VIET Thơ trào phúng của ta là những điểm son trong văn học cũ cũng như nền tân văn học xây dựng bằng chữ quốc ngữ. Nhưng truyện khôi hài của ta gần như vắng bóng trong văn học cổ điển mà chỉ đua nở trong văn học dân gian. Chỉ khi có làn sóng canh tân văn học học và văn tự ra đời, kẻ sĩ chịu ảnh hưởng Âu họcmới có hứng biên tập Chuyện khôi hài (Trương Vĩnh Ký) và Tiếu Lâm An Nam(Phạm Duy Tốn.)
Trước khi giới thiệu Tiếu Lâm An Nam, chúng ta hãy tìm hiểu sơ qua những “từ” chỉ loại chuyện giải trí mà Trương Vĩnh Ký gọi là “passe temps.” Để giải thích từ, chúng ta có thể căn cứ vào bộ Hán Việt Từ Điển nổi tiếng của học giả Đào Duy Anh mà phần đông chúng ta có trong tay. ÔngĐào cắt nghĩa: Trào phúng: Trào là cười, phúng là nói ví để cảm người ta-Nói ví để cười nhạo (satyre) Đào Duy Anh còn định nghĩa các từ Hán Việt có liên quan tới chữ Trào như Trào cơ (trào là cười nhạo, cơ là nói khích);Trào hước (nói đùa, nói cợt-satyre); Trào lộng ( cười nhạo cợt chơi-se moquer), Trào mạ ( cười nhau và chưởi nhau); Trào sán ( cười nhạo) và Trào tiếu (cười nhạo-railler). Còn thế nào là khôi hài? Khôi là đùa cợt, nhạo báng. Khôi hài là lời nói hoạt kê (đùa cợt) có thú vị. Tiếu Lâm nghĩa ra sao? Tiếu lâm là rừng cười, chỉ tuyển tập truyện cười. Tiếu lâm: tên bộ sách chép rành những chuyện cười. Đi sâu hơn về nguồn gốc Tiếu lâm, quý vị có thể tham khảo những bài khảo về Tiểu thuyết Trung hoa của học giả Lỗ Tấn (1881-1936). Theo Lỗ Tấnthì bộ Tiếu Lâm có tên là Tiếu Lâm quảng ký, gồm ba cuốn tác giả là Hàm đan Thuần, người vùng Dĩnh xuyên Hà nam (đời Tam quốc). Thuần là người bác học đa tài được cha con Tào Tháo (đời Ngụy 220-265 TL) mến trọng. Tác phẩm gồm những truyện vui kèm tranh minh họa nhưng vào đời Tống đã thất lạc chỉ còn một cuốn. Nội dung là châm biếm hành vi ngu xuẩn, cười cợt thế tục, mỉa mai nhân tình thế thái và nhạo báng kẻ đạo đức giả… Tại sao văn học cũ của ta lại có ít tác giả kể truyện tiếu lâm? Như đã nói trên, truyện cười của ta thường gặp trong văn chương bình dân vì nho gia vốn coi trọng chính thư là kinh-sử-tử -tập để mở mang kiến thức và tài bồi đạo đức, còn ngoại thư như truyện phiếm, truyện vui chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh.” Thái độ trên dễ hiểu vì nhà nho chủ trương tu thân, giữ mức trung hòa, không thái quá trong lãnh vực tình cảm: “Hỷ nộ ai lạc chi vị phát vị chi trung, phát nhi giai trúng tiết vị chi hòa” (mừng, giận, buồn, vui chưa phát thì giữ mức trung, còn khi biểu lộ ra bên ngoài thì phải giữ cho bình hòa.) Điều này có nghĩa, nho gia luôn luôn tiết chế tình cảm. Lời đùa cợt quá mức, quá sỗ sàng không được tán thưởng và chỉ có thể dùng trong lúc trà dư tửu hậu mà thôi. Vì thế trong dân gian những mẩu chuyện về Trạng Quỳnh, Ba Giai- Tú Xuất được phổ biến rộng, còn trong truyện cổ của ta ngày nay còn giữ được như Tang thương ngẫu lục, Lĩnh nam chích quái, Vũ trung tùy bút, Nam ông mộng lục, Lan trì kiến văn lục… thỉnh thoảng mới bắt gặp nụ cườii phúng thế của các tác giả. Ngược lại, trong thơ ca thì chất trào phúng lại bàng bạc trong nhiều tác phẩm của Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương, Học Lạc và Nguyễn Khuyến. Những thi gia này dùng nụ cười để châm biếm thói đời từ hạng ngụy quân tử, quan lại tham ô tới hạng khoe danh hám lợi… và chia sẻ nỗi cơ hàn, khốn khổ với thành phần thấp cổ bé miệng trong xã hội. Nhờ tài hoa của thi nhân, thơ ca trào phúng của ta dù đôi khi hàm chứa sự chỉ trích rất gay gắt nhưng biểu lộ bằng nụ cười rất sâu sắc, tròn trặn, bằng lời tuy ý tục mà thanh nên trở thành những tác phẩm bất hủ. Bước sang giai đoạn cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, Văn học chữ quốc ngữ như triều dâng cuồn cuộn và nhà văn đầu tiên đã tập hợp truyện cười phổ biến trong dân gian chính là Trương Vĩnh Ký với tác phẩm Chuyện khôi hài. Tác phẩm này ra đời năm 1882 và tới 1884 đã tái bản ba lần đủ thấy độc giả đón nhận thể loại này nồng nhiệt như thế nào. Nhà văn tiếp theo biên tập truyện cười là Phạm Duy Tốn. Phạm Duy Tốn đã soạn bộ Tiếu lâm An Nam (xuất bản vào năm 1924.) Theo Phạm Duy, con trai của Phạm Duy Tốn khi thu thập tác phẩm của phụ thân kể lại thì: Cuốn Tiếu lâm An Nam mà quý bạn đang đọc đây là những cuốn sao chép từ bộ sách do Hiệu Ích Ký, 58 Phố Hàng Giấy Hà Nội ấn hành nhiều lần (lần thứ ba là vào năm 1924). Về sau, sách được tái bản bởi một nhà xuất bản khác là Hiệu Quảng Thịnh ở Phố Hàng Gai và vì không muốn dùng danh từ “an nam” nữa cho nên sách được đặt tên là Tiếu lâm Quảng Ký (Tiếu lâm là rừng cười - Quảng là rộng rãi - ký là ghi chép). Cái tên Quảng Ký đã khiến cho tôi đoán rằng: có lẽ đây là sự hợp tác của hai nhà Quảng Thịnh và Ích Ký trong việc ấn loát và phát hành 108 truyện vui cười do bố tôi đã ghi chép từ dân gian này.” Tiện đây cũng nên ghi thêm, nhạc sĩ họ Phạm đã sai lầm khi giải thích chữ “quảng ký” là do tên hai nhà in ghép lại. Sự thực Quảng ký là tên đã dùng cho bộ tiếu lâm cổ nhất xuất hiện ở TQ từ thế kỷ thứ hai tây lịch. Tại sao Phạm Duy Tốn lại kể truyện Tiếu lâm? Trong phần mở đầu viết vào năm nhâm tý (1912) Phạm Duy Tốn, bút hiệu Thọ An đã giải thích lý do ông sưu tầm tiếu lâm như sau: Nay nhân thong thả, góp nhặt mấy câu chuyện khôi hài, chép ra để anh em cùng xem cho vui. Những chuyện này cũng có nhiều câu lý thú, nhưng mà lời lẽ thường không được thanh nhã lắm; bởi vì rặt là chuyện góp: khi năm ba anh em vui chơi, hoặc thấy lắm sự buồn cười, hoặc thấy nhiều điều trái dở, cho nên đặt ra chuyện để mà bài bác, không giữ gìn lời lẽ. Tuy rằng suồng sã, song vẫn là câu nói thường; ý tứ không cao xa, nhưng mà chính là sự thực. Chuyện là chuyện từng người một đặt ra bốn phương góp lại, cho nên là tinh thần chung cả một dân, chứ không phải tư tưởng riêng của một người nào. Vả chăng thường có nhiều chuyện hay mà không mấy người biết. Vì thế chúng tôi nhặt nhạnh mỗi nơi một ít, in ra, để lúc nào anh em hứng vui, sẵn có mà xem cho giải trí; trước là mua được trận cười, sau nữa ghi để những tinh thần của người nước mình đã phát hiện ra ở những chuyện ấy. Ấy cũng là một ngành văn chương nên giữ lấy. Kìa như các nước Thái Tây, những đấng văn nhân cũng còn dụng công ghi chép những chuyện vui cười, làm ra thành sách; huống chi là nước ta, nhờ có chữ quốc ngữ, chắc hẳn mai sau văn chương mình cũng có thể phát đạt, thì những chuyện này rồi ra cũng là một cái di tích đáng quý, sao lại nỡ bỏ? Buổi đầu mới mẻ, lời lẽ chưa được chải chuốt, lắm câu hãy còn non nớt, xin miễn thứ và dong dự cho kẻ mới tập tành.” Sau đây xin trích một số truyện tiếu lâm do Phạm Duy Tốnkể lại bằng giọng duyên dáng và hy vọng chúng có thể giải buồn cho độc giả trong thời đại nhiễu nhương, bạo Tần lấn áp lân bang, kinh tế thoái trào, nhân tình “bạc quá vôi mà mỏng quá mây” . Cũng mong rằng khi đọc truyện Tiếu lâm đừng ai cho là nhảm nhí mà tìm được điều mà Boileau của Pháp đã viết: Le comique ennemi des soupirs et des pleurs N’admet point en ses vers de tragiques douleurs (Loại khôi hài lẻ kẻ thù của tiếng thở dài và những giọt lệ. Thơ trào phúng không chấp nhận những khổ đau bi thiết.) Càng hy vọng quý vị thưởng thức ngòi bút của Phạm Duy Tốn sẽ ha hả cất tiếng cười mà bồi bổ kiện khang:

 1-Tưởng là gì
Có hai bác tính hay sợ vợ, cùng ở láng giềng với nhau. Một hôm, bác nọ, vợ đi vắng; ở nhà trời mưa, có váy vợ phơi quên không cất vào, để mưa ướt cả. Khi vợ về, nó chửi cho một trận đê nhục; chán rồi, nó đánh cu cậu tối tăm cả mắt mũi lại. Bác bên cạnh thấy bác kia vợ đánh chửi tệ như vậy, mới lẩm bẩm rằng: - Đ... mẹ kiếp! Chẳng phải tay ông!... Vợ nghe thấy, trợn mắt lên, hỏi dồn rằng: - Phải tay ông, thì ông làm gì, hử? Ông làm cái gì?
- Phải tay ông, thì ông... cất trước lúc trời mưa, chứ gì !...


 2. Thầy đồ nói liều
 Một thầy đồ ngồi dạy học ở nhà bà lão già. Bà ấy có người con gái; đêm đến, mẹ con cùng ngủ với nhau ở dưới bếp, để riêng nhà trên cho thầy đồ và con trai nằm. Thầy đồ bụng muốn tòm tem. Một đêm, lò dò xuống bếp. Bà lão thấy động, lên tiếng hỏi: - Ai? - Thưa, tôi. - Tôi là ai? - Tôi là thầy đồ. - Chứ đêm hôm ông xuống bếp làm gì? - Thưa... tôi... xuống... lấy vài cái rế để đựng sách!
Nào có thế mà thôi đâu! Cách mấy tối, thầy đồ ta lại lò dò trèo lên mái nhà bếp; đương dỡ rơm để trụt xuống, bỗng thấy bà lão lại hỏi rằng:
- Ai ở trên kia? - Thưa, tôi đây ạ. - Tôi là ai? - Tôi là thầy đồ. - Chứ ông làm gì ở trên ấy thế? - Thưa,... tôi... hỏi thế này thì khí không phải: đường này có lên trời được không?...

3. Túng thế, nói liều
Một anh đã phải vợ có máu hay ghen lại còn đi rước một cô vợ lẽ về nhà; để đến nỗi vợ cả sinh chuyện lôi thôi, đêm đêm mang nhốt vợ lẽ vào trong buồng, bắc chõng nằm ngang cửa, canh giữ, không cho anh chồng bén mảng đến.
Anh ta tức quá, chẳng biết làm thế nào mà vào lọt được.
Một đêm, tưởng chừng vợ cả nó ngủ đã say, mới thừa cơ chui qua chõng lẻn vào, thầm thì với vợ lẽ.
Vợ cả thấy động, giở dậy, đốt đèn đi soi. Anh nọ vội vàng chui ngay xuống gầm giường, ngồi ẩn. Chẳng may nó soi thấy cậu; nó mới hỏi ngồi làm gì chồm chỗm ở đấy.
Cậu ta túng thế quá, nói liều rằng:
- Ngồi ỉa, chứ ngồi làm gì!
- Ỉa thì cứt đâu? - Cứt ăn mất rồi, chứ đâu!...
 4. Làm nũng chồng
 Có một chị hay làm nũng chồng. Một hôm, chồng đi chơi về khuya; chị ta giả tảng sốt, làm bộ nằm trong màn không dậy. Chồng không thấy vợ, mới hỏi vú già rằng: - Chứ cô mày đâu? - Thưa thầy, cô tôi trở trời, nằm ở trong màn ấy ạ. Anh chồng vội vàng chạy đến, vạch cửa màn, hỏi vợ: - Mình làm sao đấy? Chị vợ lẳng lặng, không nói gì cả. - Mình đau đâu? Cũng cứ im. Anh ta quay đầu ra, hỏi vú già: - Cô trở trời thế nào? Có ăn uống gì không hử vú?
- Thưa thầy, cô tôi kêu sốt, nhức đầu, chóng mặt. Từ chiều đến giờ, chẳng ăn một hột cơm nào cả. Tôi dỗ dành làm sao, cũng không chịu ăn.
Chồng mới lấy tay rờ trán vợ mà nói rằng: - Mình mệt đấy ư? Xem đầu có nóng lắm không nào! Tội nghiệp chửa! Thế mà tôi đi vắng, không biết!
Chị nọ hắt tay chồng ra, gắt rằng:
- Bỏ tay ra! mặc tôi! Rồi quay mặt vào tường, không nói năng gì nữa.
Chồng lại lấy tay rờ bụng vợ mà phàn nàn rằng:
- Khốn nạn! bụng lép xẹp đây mà! mình có muốn ăn gì không, để bảo nó đi mua? Ai lại nhịn đói thế có nhọc không!
Chị ta bấy giờ mới nhè nhè cái mồm ra, nói rằng:
- Không ăn gì cả. - Mình có ăn cháo không? Tôi bảo vú già nấu quáng vài bát để mình ăn nhé! - Không ăn. - Hay là mình ăn mì để tôi bảo nó đi mua? - Không ăn. - Thế thì ăn gì? - Đã bảo không ăn gì rốt! Cứ lôi thôi mãi! Có cho người ta nằm yên không? Anh chồng tức mình quá: -Ông lại gì cho một cái bây giờ chứ.
Chị kia ngoảnh ngay cổ ra, mà gion giỏn rằng:
- Ai bảo đừng!


5. Nói một đường, nghe ra một nẻo
  Có  hai vợ chồng, tối hôm ba mươi tết nấu bánh chưng, cắt nhau coi nồi bánh: chồng thì canh từ chập tối cho đến nửa đêm, mà vợ thì từ nửa đêm cho đến sáng.
Khi chồng đã canh hết lượt mình rồi, vào đánh thức vợ dậy thay canh để mình đi ngủ.
Vợ, bất đắc dĩ, phải trở dậy, ra ngồi cạnh bếp lửa coi nồi bánh. Ngồi một mình, nghĩ gần nghĩ xa, tê mê tẩn mẩn thế nào, lại gọi chồng: - Còn thức đấy hay là đã ngủ rồi? Chồng thức khuya, quá giấc, chập chà chập chờn, cho nên cũng chưa ngủ đựơc. Thấy vợ gọi, mới thưa ngay:
- Còn thức, gọi gì?
-Dậy làm một cái sốt sột đi! Chồng mơ mơ màng màng, tưởng vợ hỏi mình có muốn ăn một cái bánh chưng sốt sột chăng, mới nói rằng:
- Ấy chết! dại dột! Cái sốt sột để mai cúng ông vải chứ!
Vợ thấy chồng nghe không ra, lại nói:
- Không, cái méo mó kia mà!
Chồng vẫn yên trí là nói bánh chưng, lại gạt đi rằng:
- Ấy đừng, phải tội! Cái méo mó để thành kính cúng ông Thổ công đấy!


6. Ăn quen, bén mùi
Có một ông lão già, đã ngoài bảy mươi.
Một hôm, nắng nực, nằm nghỉ trưa; chợt có chị con gái, trạc mười lăm, mười sáu tuổi, ở bên láng giềng qua xin lửa.
Ông ta chẳng buồn trở dậy, bảo chị kia rằng:
- Lửa ở bếp, cứ lại mà thổi lấy.
Chẳng may bếp nguội, thổi mãi không được; chị ấy mới chổng mông, ghé mồm, lấy hơi, phồng má, thổi một cái rõ mạnh. Không ngờ vãi ngay ra một cái “bủm”. Ông lão giật mình, ngồi nhỏm dậy, nhìn cô ả, rồi thở giọng vòi rằng:
- Thôi! Chị làm bạt mất vía ông Thổ công nhà tôi rồi! Tôi bắt đền chị đấy!
Chị con gái kia thẹn, đỏ mặt chín nhừ: thấy ông lão nói bắt đền, thì sợ quá, mới chắp tay van rằng:
- Tôi lạy ông, tôi trót lỡ, ông tha cho tôi.
- Tha thế nào! Vía ông Thổ công nhà tôi có phải là chuyện chơi đâu? Tôi phải đi trình làng mới được. Chị đi xuống ngay ông lý với tôi.
Nói rồi, liền đứng dậy, ra bộ đi thật. Chị con gái thấy thế, sợ cuống, vội vàng chạy lại nắm áo ông lão mà kêu xin rằng:
- Tôi lạy ông vạn lạy, ông đừng làm thế, mà người ta cười tôi chết!... Ông bảo tôi thế nào, tôi cũng xin vâng...
Ông lão không nghe, cứ làm già; chị kia thì năn nỉ, van lạy mãi.
Ông lão mới bảo rằng:
- Thế thì chị phải nằm xuống để tôi thu vía ông Thổ công nhà tôi lại. Chị con gái túng thế, phải chịu. Thu một hồi lâu, tha cho cô ả về; còn ông cụ thì nhọc lử cò bợ; nằm thẳng cẳng như người chết rồi. Cô ả quen mui, trưa hôm sau lại dẫn đến nhà ông lão, te tái gọi ông lão mà nói rằng: - Ông ơi, ông, tôi lại đánh rắm! Nhưng mà ông lão mệt quá, thở không ra hơi; nằm từ hôm qua, cũng chưa lại hồn. Cho nên lắc đầu mà nói rằng:
- Mày ỉa ra đấy, ông cũng chịu thôi!


 7. Khóc mẹ chồng
Có một chị, mẹ chồng chết, khóc mãi đến nỗi khô cả cổ.
Đương khóc, trông lên mâm ngũ quả ở trên giường thờ, thấy có mấy quả quít, mới giơ tay với trộm lấy một quả. Chẳng may với hụt, quả quít rơi xuống đất. Chị ta lấy chân khều; càng khều, quả quít lại càng lăn xa mãi ra.
Cho nên mới khóc rằng:
« Ới mẹ ơi, là mẹ ơi! Từ giờ một ngày một xa, con biết làm sao cho được? Mẹ ơi là mẹ ơi!... »

8. Ông rậm râu
Có một ông râu rậm che kín cả miệng. Một hôm, đương đi ở ngoài đường, chợt có đứa bé con trông thấy; nó mới gọi mẹ nó mà bảo rằng: - Mẹ ơi, ra mau mà xem người không có mồm! Rồi nó cứ vỗ tay, chạy theo mà reo lên rằng: - A! a! a! Ông này không có mồm! Ông rậm râu tức quá, quay mặt lại, vạch râu chửi, nó rằng:
- Chẳng mồm là l... mẹ mầy đây à!


9. Cả làng sợ vợ
Có một làng, từ ông thủ chỉ cho đến anh cùng đinh, ai ai cũng sợ vợ cả. Một hôm, họp nhau bàn soạn: có một người đứng lên nói rằng: - Bởi chưng một mình lẻ loi, cho nên nó bắt nạt được. Giá mà ta họp nhau lại, như đũa cả nắm, khó bẻ, thì nó không làm gì nổi. Phải đừng có ai bỏ ai mới được.
Mọi người đều vỗ tay khen phải. Tức thì lập thành hội, chọn ngày sửa lễ tế thần, ăn mừng.
Đến hôm được ngày, không dám ở trong làng, sợ lộ chuyện, mới đem nhau ra tế lễ ở ngoài đồng xa xa. Cắt ba ông sợ vợ nhất, một ông vào mạnh bái, hai ông vào bồi tế. Xong đâu đấy cả rồi, nổi trống, đốt pháo, các quan viên aó mũ vào tế. Tế được một tuần, đến lúc xướng: “Giai quị!” Ba ông kia cùng quì cả xuống. Ngay bấy giờ có mấy bà đi chợ về qua thấy tế lễ linh đình, rủ nhau đến xem. Các ông thấy bóng các bà, vội vàng sấp ngửa, ù té chạy cả. Duy chỉ có ba ông nọ còn đương quì, cho nên không chạy kịp.
Bọn kia chạy chừng một quãng, ngoảnh lại trông, thấy ba ông ấy vẫn cứ quì ở giữa chiếu. Mới lao xao bảo nhau mà khen rằng: “Ừ, thế chứ lại! Chúng mình cắt những tay thật là xứng đáng cả!” Bèn rủ nhau trở lại.
Ai ngờ đến gần, thì thấy ba ông đã chết cứng cả tự bao giờ rồi!

10. Thầy đồ mắc lỡm
Có một thầy đồ ngồi dạy học ở một nhà giàu. Nhà ấy nuôi nhiều chó dữ lắm. Một đêm, thầy đồ muốn đi đồng, nhưng mà tính nhát; phần thì sợ ma, phần thì sợ chó, cho nên không không dám mở cửa ra. Đến sau mót quá, không thể nào nhịn được nữa, mới đào một cái hố ở ngay kẽ vách, rồi ngồi ỉa phứa vào đấy. Sáng mai, thầy đồ ta gọi chủ nhà lại, trỏ cái hố mà bảo rằng: - Đêm hôm qua, trộm nó đào ngạch nhà ta. Tôi biết. Tôi mới đợi lúc nó thò đầu vào, tôi ỉa lên đầu nó một bãi. Nó sợ chạy mất. Chủ nhà vốn đã biết tính thầy nhát và hay nói khoác, đã ỉa ra nhà nó, mà lại còn trực thuật nó! Nó mới gọi cả nhà đến đông đủ mà bảo rằng: - Nhà ta nuôi một đàn chó, rặt là đồ ăn hại cả. Đêm hôm qua có trộm đào ngạch, thế mà chó không con nào biết gì sốt! May có ông đồ, không thì khốn! Thôi đem mà đánh chết cả mấy con chó đi! Từ rày đã có ông đồ giữ nhà hộ.__._,_.___