Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

TRUNG QUỐC LO SỢ MẤT THẾ Ở TRIỀU TIÊN ?

Trung Quốc nghĩ gì về thanh trừng ở Triều Tiên?

JANG SON tHAEK
(Vietnam.net)Từ vụ hành quyết và thanh trừng vị chỉ huy chỉ đứng sau Kim Jong Un là Jang Song Thaek, nhiều nhà quan sát cho rằng viễn cảnh này đang phủ bóng lên các hy vọng chế độ Bình Nhưỡng sẽ tiếp nối mô hình của Trung Quốc và đi theo hướng cải cách kinh tế.
Ông Jang đạo diễn nền kinh tế đối ngoại nhỏ bé của Triều Tiên, tổ chức các mạng lưới nội bộ cho phát triển hạ tầng, và có thể đã dấy lên những nỗi oán giận và đố kỵ trang hàng ngũ quan chức quân đội và thậm chí là với cả ông Kim Jong Un. Thế giới kỳ vọng Trung Quốc – nước bảo trợ duy nhất của Triều Tiên, sẽ kiểm soát được vị lãnh đạo thất thường và chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Trung Quốc lúc này đang rơi vào thế khó xử trong việc giữ vững quan hệ của mình với Triều Tiên và tránh cho bán đảo này rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Câu hỏi đặt ra là về lâu dài, Bắc Kinh sẽ ứng xử thế nào với một Triều Tiên vốn bất bình vì phải lệ thuộc vào Trung Quốc, có thể sẽ ‘xử’ các quan chức gây dựng các mối quan hệ thân thiết với nước ngoài và hối thúc các cải cách thực dụng theo kiểu Trung Quốc.
Ông Jang được cho là người đứng đầu nhóm kinh tế thứ nhất, tốn nhiều công sức tìm cách đưa thêm đầu tư từ Trung Quốc vào khu công nghiệp chung đang được phát triển tại một hòn đảo ở sông Yalu và đặc biệt là nâng cấp các cơ sở cầu cảng ở Rajin–Sonbong mà Trung Quốc thuê trong 50 năm.
Các nhà phân tích phỏng đoán rằng các hoạt động điên cuồng của bộ máy của ông Jang trong lĩnh vực ngoại thương, như ở Bắc Kinh, Thẩm Dương, HongKong, Quảng Châu và Đông Nam Á, có thể đã gây nên mối ngờ vực cho lãnh đạo Kim. Không chỉ việc ông Jang đang xây dựng nên một nền tảng quyền lực rất độc lập ở một quốc gia đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối với một người duy nhất, mà ông còn khiến nhiều nhân vật quyền lực xa lánh, khi ông tiếp quản nhiều dự án trọng yếu từ tay quân đội.
Nếu điều này là thật thì sẽ ngày càng ít nguồn lực được chuyển vào quân đội trong một chính quyền đặt chính sách quân đội trước nhất. Ngoài ra, cũng không thể loại bỏ khả năng những lời xì xào ghen ăn tức ở của các tướng tá quân đội truyền tới tai lãnh đạo Kim để lật đổ Jang.
Tòa án quân sự đặc biệt của Bộ An ninh nhà nước đã buộc tội ông Jang không chỉ lợi dụng tình hình khó khăn của nền kinh tế hiện thời để đảo chính, mà còn ủng hộ cho cuộc cải cách tiền tệ tai hại năm 2009 gần như phá hủy nền kinh tế với mức lạm phát tăng vọt.
Cuộc cải cách này và đặc khu kinh tế mà ông Jang bảo trợ vốn xuất phát từ các quyết định về mặt chính sách từ trên xuống, trong đó có cả trách nhiệm của cố lãnh đạo Kim Jong Il. Ông Pak Nam Ki, cựu trưởng ban Tài chính và Kế hoạch của Đảng Lao động Triều Tiên đã nhanh chóng bị xử tử vào năm 2009. Cuối cùng thì ông Jang cũng chịu sự chỉ trích tương tự, và phiên tòa buộc tội ông ‘bán rẻ’ các tài nguyên quốc gia như than, gỗ và khoáng sản cũng như cho thuê cảng Rajin-Sonbong cho một quốc gia nước ngoài không nêu danh tính cụ thể (mà ai cũng biết là Trung Quốc). Ông Jang cũng bị buộc tội biển thủ 5,6 triệu Euro từ ngân hàng nhà nước để đánh bạc.
Những tội khác của ông Jang là chia bè kết cánh, xây dựng mạng lưới nhân sự độc lập riêng trung thành với cá nhân ông với lý do là khôi phục lại nền kinh tế. Lực lượng nòng cốt này được bố trí rải rác trên khắp Trung Quốc và Đông Nam Á, bao gồm cả các nhà hàng Triều Tiên.
Dù là một quốc gia nơi mà các cuộc thanh trừng diễn ra thường xuyên, nhưng việc hành quyết nhân vật số hai của đất nước như Jang Song Thaek, vẫn gây nghẹt thở vì tính chất của vụ việc. Với tầm ảnh hưởng và quyền lực sâu rộng, cùng với mối quan hệ mật thiết với quốc gia láng giềng hùng mạnh Trung Quốc đã khiến cho việc thanh trừng ông Jang không khác gì một cơn địa chấn chính trị mà các đợt dư chấn được sẽ còn cảm nhận rõ từ bên trong cũng như bên ngoài Triều Tiên trong nhiều tháng tới.
Tại Seoul, Hàn Quốc, các nhà phân tích nói dù tự mình hay là được những người theo đường lối cứng rắn trong quân đội hậu thuẫn, thì lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫn quyết tâm làm trong sạch các nhà cố vấn đáng ngờ của mình, hầu hết đều là những người thực dụng có liên quan tới việc sửa đổi điều kiện kinh tế khó khăn của đất nước khi bị áp đặt cấm vận của Liên Hợp Quốc.
Các nguồn tin tình báo quốc gia cho biết có hàng chục người trong nhóm này tại Bắc Kinh, Thượng Hải, và Shenzen đã biến mất trong vài ngày gần đây, có thể là đã bỏ trốn. Các quan chức tình báo còn cho biết thêm là hàng trăm người khác ở Trung Quốc và Đông Nam Á nói rằng họ đang rất hoảng loạn và bỏ trốn, tìm cơ hội để đào tẩu sang Seoul hoặc thậm chí sang Mỹ. Nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ tiếp nhận nhiều người tị nạn trong vài tháng tới.
Các viễn cảnh ngày càng theo chiều hướng xấu hơn, gạt bỏ mọi hy vọng mong manh về khả năng chế độ Kim Jong Un sẽ đi theo mô hình của Trung Quốc và tiến hành cải cách kinh tế. “Các cuộc thanh trừng chắc chắn là đã làm giản dần khả năng Triều Tiên đi theo hướng cải cách” – nhà lập pháp Suh Sang Kee, chủ nhiệm ủy ban tình báo quốc hội Hàn Quốc nhận định. “Trên thực tế, cuộc thanh trừng chứng thực một điều là Triều Tiên không còn tương lai nào nữa”.
Tuy nhiên, câu hỏi hóc búa nhất vẫn là mối quan hệ về lâu dài giữa Trung Quốc với một chính quyền khó lường, lại được trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa. Bình Nhưỡng nhanh chóng kết liễu nhân vật vốn là một mối quan hệ mà Bắc Kinh từ bao lâu nay làm ăn khá thuận lợi, và bất chấp thực tế là Bắc Kinh cung cấp một nửa lượng lương thực và 90% nhiên liệu mà Triều Tiên cần.
Trong một động thái phản ứng ngầm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã gọi đây là một ‘vấn đề nội bộ’ và bày tỏ hy vọng về việc ‘ổn định’ tại Triều Tiên.
Từ trong sâu thẳm, Trung Quốc có rất nhiều lý do để lo ngại rằng điều này có thể dẫn tới một làn sóng cực đoan chống thị trường, chống Trung Quốc từ một quốc gia trước kia từng coi thường lời cảnh báo của Bắc Kinh về các cuộc thử nghiệm tên lửa.
Trong khi thế giới kỳ vọng Trung Quốc kiềm chế người đồng minh thất thường và liều lĩnh, Bắc Kinh chẳng thể làm gì, ngoài việc trầm tư nghĩ cách ngăn lại những hậu quả do đứt gãy quan hệ kinh tế với Triều Tiên gây nên, và không để cho các cuộc thanh trừng rộng khắp đe dọa ổn định ở vùng biên giới phía đông của mình. Vụ hành quyết ông Jang và các phụ tá của ông này không khỏi buộc Trung Quốc nghĩ lại về mối quan hệ với Bình Nhưỡng.
Lê Thu (theo Yale Global)
http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/155363/trung-quoc-nghi-gi-ve-thanh-trung-o-trieu-tien.html