ĐI VÀO LICH SỬ BIẾN CỐ 9/11
Ðỗ Dzũng/Người Việt (10/9/2011)
Fr:Hưu dinh Nguyen
WESTMINSTER (NV) - Cách đây đúng 10 năm, ngày 11 Tháng Chín, 2001, thế giới chứng kiến vụ khủng bố lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Tổng số người bị thiệt mạng trong ngày hôm đó là 2,977 nạn nhân và 19 kẻ khủng bố cướp máy bay.
Mười năm trôi qua, có lẽ ít ai biết trong số nạn nhân này có hai người Việt Nam, một nam và một nữ .
1. Ông Nguyễn Ngọc Khang, 41 tuổi, cư dân Fairfax, Virginia, làm việc cho Hải Quân Mỹ, thiệt mạng khi một chiếc máy bay khác cũng bị khủng bố cướp, đâm vào Ngũ Giác Ðài ở Virginia.
Tên của kỹ sư Nguyễn Ngọc Khang tại Đài Tưởng Niệm 9/11 ở Ngũ Giác Đài ( Hình của gia đình cung cấp).
2.Bà Phạm Tú Anh, 42 tuổi, cư dân Princeton, New Jersey, làm việc cho Fred Alger Management, bị thiệt mạng tại World Trade Center, khi hai chiếc máy bay bị khủng bố cướp đâm sầm vào tòa tháp đôi.
Phạm Tú Anh, bị thiệt mạng ngày 11 Tháng Chín, 2001, tại World Trade Center, New York.
Ô. NGUYỄN NGỌC KHANG
Vui vẻ, hoạt bát, yêu đời
“Tôi rụt rè, còn anh Khang luôn vui vẻ, hoạt bát và yêu đời. Ði dự đám cưới là anh lên hát tặng cô dâu, chú rể, có khi còn kéo tôi lên hát. Khi bé An mới được 3 tuổi, anh cũng kéo con trai lên hát. Về nhà lúc rảnh thì đàn hát, luôn khôi hài, sống rất lạc quan.”
Ðó là nhận xét của chị Hồ Nguyễn Anh Tú, người bạn đời của anh Khang, chia sẻ với nhật báo Người Việt.
Ðã 10 năm trôi qua, chị vẫn nhớ những gì xảy ra tại Ngũ Giác Ðài.
“Cả hai chúng tôi đều làm việc cho Ngũ Giác Ðài. Hôm đó, anh Khang đang làm bên trong, còn tôi thì làm ở văn phòng bên ngoài, cách đó khoảng 4 dặm. Ðang làm thì được tin vụ khủng bố trên New York, rồi đến Ngũ Giác Ðài. Tất cả cơ quan quốc phòng cho nhân viên ra về. Tôi gọi anh nhiều lần không được. Lúc đầu nghe nói có 15 người bị thương. Mà số lượng nhân viên trong đó rất đông, trên 20,000 người nên tôi nghĩ rằng chồng mình không sao cả,” chị Tú kể.
Bé An tại Ngũ Giác Ðài ngày 15 Tháng Chín, 2001. (Hình: Gia đình cung cấp)
Chị nói tiếp: “Về nhà, tôi tiếp tục gọi điện thoại cho anh hoài mà không được, nghĩ là kẹt xe. Ðến 5 giờ chiều, thấy TV chiếu chỗ bị sập ở Ngũ Giác Ðài và nghe thông báo Bộ Hải Quân thiệt hại nhân mạng rất nhiều, tôi biết đó là chỗ anh Khang làm. Tôi nhờ ba tôi chở đi khắp các bệnh viện tìm, nhưng danh sách bệnh nhân đều không có tên anh. Ðêm đó, tôi không ngủ được, chân tay run lẩy bẩy vì lạnh, dù lúc đó chỉ là Tháng Chín.”
Theo lời chị kể, đêm hôm đó, Ngũ Giác Ðài gọi điện thoại cho chị liên tục, nói chưa có kết quả gì, nhưng họ hỏi chị có sao không và có cần người đến để an ủi hay không.
Sáng hôm sau chị đến nơi, nhưng không vào được, khói còn dày đặc.
“Ban đầu tôi vẫn hy vọng anh Khang còn kẹt đâu đó, chờ người ta cứu. Nhưng đến khi chứng kiến cảnh tượng, tôi biết không còn hy vọng nào,” chị Tú kể. “Người tôi dường như tê liệt. Tên anh Khang được Ngũ Giác Ðài đưa vào danh sách mất tích.”
Ðến 4 giờ chiều ngày hôm sau, một phái đoàn năm người của Ngũ Giác Ðài đến gõ cửa nhà chị.
Lễ tưởng niệm kỹ sư Nguyễn Ngọc Khang tại Ngũ Giác Ðài. (Hình: Gia đình cung cấp)
“Tôi nhớ có một đại tá, một trung úy, một vị linh mục và hai người nữa. Họ lái chiếc xe của anh về nhà. Bé An lúc đó 4 tuổi, thấy xe ba về rất mừng, nhảy lên, chạy ra xe, dí mặt sát vào cửa kiếng tìm anh Khang,” chị Tú kể. “Sau đó, ngày nào cháu cũng ngồi bên cửa sổ chờ ba về. Sinh nhật của cháu là ngày 9 Tháng Chín, nhưng năm đó không làm đúng ngày, vì chúng tôi sắp dọn sang nhà mới, định làm sinh nhật cháu đồng thời mời bà con và bạn bè đến chơi luôn. Nhưng không ngờ...”
Mấy ngày sau, Ngũ Giác Ðài mời cha mẹ anh Khang đến lấy mẫu DNA để xác định hài cốt của anh, trong khi chị chờ kết quả từng ngày.
Ðây là thời gian khó khăn nhất của chị.
“Mỗi ngày đều có báo cáo đã tìm được xác của những ai. Tôi biết chắc anh Khang không về nữa, nhưng muốn được xác nhận chính thức. Vì thế, tôi chờ đợi mỗi ngày,” chị Tú kể.
Ðến một ngày cuối Tháng Chín, hung tin được xác nhận.
Chị Tú kể: “Hôm đó, đang đi chợ, có người ở Ngũ Giác Ðài gọi điện thoại cho tôi. Họ xác nhận anh mất, nhưng chỉ tìm được một phần hài cốt của anh. Họ nói chờ thêm một thời gian nữa có thể tìm ra thêm. Nhưng gia đình quyết định làm đám tang cho anh ngày 6 Tháng Mười và để cốt trong chùa Giác Hoàng ở Washington, DC.”Mỗi năm tới giỗ, sinh nhật
Gần ngày Giáng Sinh năm đó, phần hài cốt còn lại của anh Khang được thu hồi, để vào trong một cái hộp và được chôn cùng với 24 hộp hài cốt khác dưới chân Ðài Tưởng Niệm Nạn Nhân 9/11 Ngũ Giác Ðài trong Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, Virginia, chị Tú cho biết.
Chị kể thêm: “Mỗi năm, cứ tới ngày 11 Tháng Chín và ngày sinh nhật 19 Tháng Mười Hai của anh, tôi và cháu An đều đến đài tưởng niệm trong nghĩa trang Arlington rồi sau đó sang đài tưởng niệm bên Ngũ Giác Ðài cầu nguyện cho anh.”
Là một người theo đạo Phật và dù với tấm lòng từ bi hỉ xả, vẫn rất khó cho chị Tú tha thứ cho những kẻ đã gây ra cái chết của anh Khang và gần ba ngàn nạn nhân khác. Chị cảm thấy an tâm hơn với tình hình an ninh hiện nay, 10 năm sau sự kiện 9/11 và nhất là trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị tiêu diệt.
Tên của kỹ sư Nguyễn Ngọc Khang (hàng cuối cùng) tại Ðài Tưởng Niệm Nạn Nhân 9/11 Ngũ Giác Ðài ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, Virginia. (Hình: Gia đình cung cấp)
“Lúc đài truyền hình đưa tin Osama bin Laden chết, tôi vẫn chưa tin. Cho đến khi Tổng Thống Barack Obama nói kẻ chủ mưu khủng bố này không còn hiện diện nữa, lúc đó tôi mới thấy an tâm,” chị Tú chia sẻ.
Chị cho biết, ngay sau hôm Osama bin Laden bị kết liễu, chị đón con đi học về, hai mẹ con thay quần áo sạch sẽ, rồi đi đến nghĩa trang Arlington và Ngũ Giác Ðài thắp một nén hương cho anh Khang.
Cha của anh Khang trước đây làm cho Phòng Thông Tin Hoa Kỳ tại Sài Gòn và đến Hoa Kỳ năm 1975. Năm 1981, anh Khang và gia đình được bảo lãnh sang đoàn tụ với ông và hai người anh em.
Sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện tại đại học University of Maryland, Nguyễn Ngọc Khang làm việc cho “Defense Information Systems Agency” tại Ngũ Giác Ðài.
Theo nhật báo The Washington Post, anh Khang rất yêu thích công việc tại Ngũ Giác Ðài, thường mua áo và nón có logo của cơ quan quốc phòng này. Anh thích đọc sách về quân sự, đặc biệt là về cuộc chiến Việt Nam.
Chị Tú sang Hoa Kỳ năm 1987 và là bạn của em gái anh Khang. Hai người đám cưới ngay Ngày Lễ Ðộc Lập của Hoa Kỳ, 4 Tháng Bảy, 1993.
“Chúng tôi chọn ngày này làm đám cưới vì chúng tôi có quá nhiều gắn bó với Mỹ. Chúng tôi được tự do, được độc lập. Ðây là quê hương thứ hai của chúng tôi, một đất nước cho chúng tôi quá nhiều cơ hội,” chị Tú nói.
Chị cho biết, mỗi năm, vào ngày 11 Tháng Chín, chị và con trai đều nhận được thư mời vào Ngũ Giác Ðài hoặc nghĩa trang Arlington dự lễ tưởng niệm. Chị và bé An cũng được mời vào Tòa Bạch Ốc vài lần.
Ngày hôm nay, 11 Tháng Chín, chị và con trai sẽ tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân tại Ngũ Giác Ðài, dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Barack Obama.
BÀ PHẠM TÚ ANH
Tươi vui, trung thực, thẳng thắnỞ Princeton, New Jersey, khi xây đài tưởng niệm cho cư dân tử nạn trong vụ khủng bố 11/9, người ta yêu cầu người thân của nạn nhân cố chọn một chữ gắn vào tượng đài để diễn tả cá tính của người quá cố.
Nhà văn Tom Knobel chọn chữ “determination” (quả quyết) cho người bạn đời của ông, cô Phạm Tú Anh, bị thiệt mạng tại World Trade Center cách đây đúng 10 năm, theo báo The New York Times.
Ông Frank Durham, một nhà đầu tư vào một nhà máy làm bia mà cô Phạm Tú Anh muốn xây ở Virgin Islands, nhận xét: “Khi gặp Tú Anh lần đầu, chúng ta sẽ thấy cô là một con người năng động, luôn tươi vui.”
“Tú Anh là một người rất nguyên tắc từ khi còn nhỏ. Tôi còn nhớ cô không cao lắm, nhưng có một cá tính mạnh mẽ, trung thực và thẳng thắn,” một người bạn cũ viết trên trang web tưởng nhớ người bạn của mình ngày 11 Tháng Chín, 2010.
Năm 1975, Phạm Tú Anh đến Hoa Kỳ với cha và một số anh chị em, trong khi người mẹ còn kẹt lại Việt Nam, và cô chính là người chăm sóc cho gia đình bên Mỹ.
“Chị luôn chăm sóc chúng tôi,” người em gái tên Phạm Mai Anh, hiện là bác sĩ làm việc tại Atlanta, Georgia, nói với báo The New York Times.
Nhà văn Tom Knobel gặp cô Phạm Tú Anh khi cả hai làm việc cho công ty Dow Chemical ở Texas vào đầu thập niên 1980. Trong khi ông vẫn làm việc, cô nghỉ làm, đi học ngành thương mại và làm nhiều việc khác nhau. Năm 1994, hai người chuyển về sống ở Princeton. Ba năm sau, cô vào làm cho công ty Fred Alger Management trong vài trò phân tích gia. Một thời gian sau, cô được thăng chức phó giám đốc.
Cô yêu thích công việc. Chồng cô thích viết. Cuộc sống của hai người vô cùng hạnh phúc. Và họ quyết định có con.
Niềm vui làm mẹ chưa trọn thì Phạm Tú Anh bất ngờ ra đi, bỏ lại trần gian tác giả của “Cross Sections” và cô con gái hai tháng tuổi, Vivienne Hoang-Anh Knobel.
Cái ngày định mệnh 11 Tháng Chín đó là ngày thứ nhì Phạm Tú Anh đi làm lại, sau khi nghỉ sáu tháng để sanh đứa con đầu lòng mà cô và người chồng chờ đợi sau 10 năm đám cưới.
Nhà văn Tom Knobel nhìn con gái Vivienne Hoang-Anh Knobel đốt nến trên bánh lần sinh nhật thứ 6. (Hình: HIP)
Một năm sau, ông Tom Knobel đưa con gái về sống ở thành phố Homer, New York, nơi sinh quán của ông. Ông tiếp tục viết và tham gia sinh hoạt nghệ thuật địa phương.
Năm 2004, ông ủng hộ tài chánh cho chương trình nhà giúp người vô gia cư và cư dân ở Princeton, gọi là “The Housing Iniatives of Princeton” (HIP).
Khi được hỏi về đóng góp của mình, nhà văn Tom Knobel đã nhắc đến người vợ quá cố.
Ông nói: “Vợ tôi là một người luôn muốn giúp đỡ những người không có nhà cửa. Là một người tị nạn trong thập niên 1970, cô hiểu rõ sự mất mát là gì, chống lại số phận nghiệt ngã là gì, và bắt đầu lại từ đầu.”
“Phạm Tú Anh biết cân bằng một cách khéo léo và tế nhị trong trách nhiệm giúp đỡ gia đình theo cách của họ trên quê hương mới trong một truyền thống văn hóa mới,” ông nói tiếp.
Ngay cả khi đã thành công, Phạm Tú Anh vẫn bị kỳ thị cả về giới tính lẫn chủng tộc.
“Nhưng cô vượt qua tất cả và còn hướng dẫn bạn bè và đồng nghiệp vượt qua những khó khăn này, mặc dù cô không có nhiều thời gian,” nhà văn Tom Knobel tự hào nói về người bạn đời của mình.
“Nếu có cơ hội ủng hộ HIP,” ông Knobel nói, “Tú Anh sẽ không lưỡng lự.”
Ông khẳng định với đại diện của HIP rằng: “Sự ủng hộ của chúng tôi với HIP sẽ được tiếp tục bởi vì đây là điều cần làm và là cách để trân trọng ước nguyện của Tú Anh.”
*****