Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

HOA MỸ TRANH HÙNG

Quốc hội Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc do thám kinh tế bằng tin tặc- Một đạo luật mới có thể được thông qua cho phép hành pháp chặn bất kỳ trang web nào, bất kể được đăng ký ở đâu, nếu có dấu hiệu trộm cắp tài sản trí tuệ,góp tay cho hoạt động bất hợp pháp  hiện mà không cần đến các thủ tục xét xử của tòa án.-  Và một cuộc  chiến tranh điện tử (cyberwar) -nếu sảy ra- sẽ khiếp đảm đến mức nào ?

1. Quốc hội Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc do thám kinh tế bằng tin tặc
Tiếng Nói Nước Nga 5.10.2011

Photo: EPA
Hoa Kỳ và các đồng minh cần phải tăng cường cuộc đấu tranh chống do thám kinh tế bằng tin tặc đã đạt tới mức không thể chấp nhận từ phía Trung Quốc. Điều này đã được người đứng đầu Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ Michael Rogers tuyên bố vào thứ Ba. "Gián điệp kinh tế từ Trung Quốc đã đạt đến một mức độ không thể chấp nhận. Tôi cho rằng Hoa Kỳ và đồng minh của chúng tôi ở châu Âu và châu Á phải đối đầu với Bắc Kinh và yêu cầu chấm dứt vi phạm bản quyền." – ông Rogers nói. Trước đây, một số cơ quan chính phủ Mỹ ghi nhận sự gia tăng mạnh các cuộc tấn công trên mạng quốc phòng và cơ sở hạ tầng dân sự Hoa Kỳ. Trong tháng Sáu, công ty Google thông báo rằng tin tặc đã đột nhập vào tài khoản của hàng trăm người sử dụng dịch vụ thư điện tử Gmail, bao gồm tài khoản các quan chức cấp cao và các chính trị gia Mỹ. Theo Google, dấu vết cho thấy các vụ tấn công được thực hiện ở Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Trung Quốc không hề có chung với những nỗ lực bẻ khóa, vì vậy các cáo buộc Trung Quốc tấn công hacker là không thể chấp nhận.

2. Mỹ sẵn sàng kiềm chế tin tặc 


© The Voice of Russia 26-11-2011
Dư luận xung quanh các luật mới của Mỹ về cấm vi phạm bản quyền trực tuyến (SOPA) đã dấy lên ồn ào trong vòng mấy tuần qua. Giờ đây, cuộc tranh luận này lại có thêm sự tham gia của các chuyên gia từ phía bên kia Đại Tây Dương, những người đang lo ngại rằng SOPA sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nhân Internet châu Âu.
Dự luật mới sẽ cho phép chính quyền Mỹ chặn bất kỳ trang web nào, bất kể được đăng ký ở đâu, nếu có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Điều này có thể được thực hiện mà không cần đến các thủ tục xét xử tòa án. Luật sư người Anh Yair Cohen, tham gia giải quyết các vấn đề kết nối mạng nhận xét, đây là một dự luật nghiêm ngặt, phù hợp với yêu cầu thực tế cuộc sống hiện nay:
”Hiện giờ các nhà cung cấp Internet ở Mỹ cảm thấy rất tự do và không chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trên trang web. Tuy nhiên, nếu anh tham gia vào việc trộm cắp tài sản trí tuệ, góp tay cho hoạt động bất hợp pháp, thì sau đó anh buộc  phải chịu trách nhiệm.”

Chuyên viên phân tích Peter Demos Bredvill của Trung tâm nghiên cứu quyền lực và chính trị nước Anh không tán thành ý kiến đó:
”Đây không phải là nỗ lực đầu tiên để thông qua một đạo luật bảo vệ quyền tác giả, có thể dẫn đến vi phạm trên Internet. Đây là ví dụ mới nhất trong lĩnh vực này.”

Các yêu cầu chính của dự luật có thể hạn chế quyền tự do trao đổi thông tin. Đưa ra một dự luật như vậy, Mỹ sẽ có quyền lực vô hạn trong không gian mạng, điều đó sẽ dẫn đến kiểm duyệt Internet. Nghị viện châu Âu tỏ ra quan ngại trước khả năng thông qua dự luật này. Nếu nó thực sự sẽ được ban hành, châu Âu có thể chống đối một cách gay gắt nhất. Đại diện của đảng Dân chủ Tự do Hà Lan tại Nghị viện châu Âu Sofia Int Veld cho biết:
”Sau khi đọc dự luật, tôi nghĩ rằng vẫn còn có những vấn đề cần được làm rõ. Nghị viện châu Âu có quan điểm rõ ràng: chúng tôi sẽ xem xét vấn đề nếu thông tin sẽ được xử lý trước tiên ở châu Âu và sau đó được gửi tới Mỹ. Tuy nhiên, phía Mỹ yêu cầu quyền truy cập vào các hệ thống máy tính châu Âu.”

Hiện tại vẫn chưa rõ cơ quan sẽ thi hành luật này. Hiện giờ mới biết một điều là rõ ràng các hãng phim phải chịu tổn thất rất lớn do vi phạm bản quyền. Trưởng ban Pháp chế của công ty Nga "Hệ thống truyền thông đại chúng" Pavel Katkov nhận định:
”Ai cũng biết rằng vi phạm bản quyền trong điện ảnh, đặc biệt là khi phim chưa công chiếu xuất hiện trên Internet thì doanh thu tài chính của buổi chiếu ra mắt sẽ "bị giết chết" trong vài phút”

Không phải tất cả mọi người đều đồng ý với nhận định trên. Một số nhà làm phim tin rằng SOPA sẽ cản trở sự tiến bộ. Tuy nhiên, họ kiềm chế không đưa ra những khuyến nghị cụ thể.
Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ sẽ quyết định số phận dự luật trước khi năm 2011 này kết thúc.

3 ) Nỗi khiếp đảm có tên “chiến tranh điện tử Israel”

Điều đáng sợ nhất trong “chiến tranh điện tử Israel” đó là vũ khí công nghệ tối tân, và tấn công vào lúc không ai nghĩ là cuộc chiến có thể nổ ra.

Hình minh họa một loại phi cơ chiến đấu của Israel. Ảnh: the Daily Beast
Công nghệ tinh vi
Phần lớn thời gian trong thập kỷ qua, Iran kiên trì xây dựng các chương trình hạt nhân của mình, Israel cũng gom hàng tỉ USD để lắp ráp nên các loại vũ khí công nghệ cao cho phép dội các đợt tấn công phủ đầu khiến các hệ thống phòng vệ của Iran đủ choáng váng.
Theo các thông tin tình báo Mỹ vào mùa hè vừa qua, bất kỳ các cuộc oanh kích của Israel (nếu có) vào các khu vực hạt nhân kiên cố của Iran sẽ không dừng lại ở việc sử dụng phi cơ tấn công F-15 và F-16. Đó có thể sẽ bao gồm một cuộc chiến điện tử tấn công lên mạng lưới điện, Internet, mạng lưới điện thoại di động và các tần số khẩn cấp cho lính cứu hỏa và các quan chức cảnh sát.
Israel đã phát triển một vũ khí có khả năng bắt chước duy trì tín hiệu di động, có thể ‘ra lệnh’ cho mạng lưới điện thoại di động “đi ngủ”, ngừng hoàn toàn việc truyền tải. Phía Israel cũng có thiết bị có khả năng gây nhiễu trong các hệ thống tần số khẩn cấp của Iran.
Năm 2007, trong một cuộc tấn công vào khu vực nghi ngờ sản sản xuất hạt nhân tại al-Kibar, quân đội Syria đã nếm mùi của dạng chiến tranh này khi các hệ thống ra-đa phòng không bị “dắt mũi”. Đầu tiên, hệ thống ra-đa tưởng rằng không có máy bay nào trên không phận, nhưng ngay sau đó lại “phát hiện” hàng trăm máy bay đang phủ kín bầu trời. 
Theo một quan chức tình báo quân đội đã nghỉ hưu, hai năm trước, Trung tâm Phân tích Chiến tranh (JWAC, Mỹ) đã phát hiện ra điểm yếu của mạng lưới điện của Iran. Israel có vẻ như sẽ khai thác điểm nhạy cảm này trong các mạng lưới điện của Iran ở các thành phố lớn, hệ thống này kết nối tới Internet và do đó rất dễ bị phá hủy trong một cuộc tấn công mạng kiểu Stuxnet. Nguồn tin từ JWCA nói thêm: Israel có khả năng tấn công từ chối dịch vụ để ra lệnh cho hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Iran vốn dựa vào Internet.
Với kiểu tấn công có yếu tố điện tử này, phương thức tấn công có thể sẽ bao gồm một thiết bị trên không không người lái, có kích thước của một máy bay phản lực cỡ lớn. Một phiên bản đời đầu của loại này được gọi là Heron, phiên bản mới nhất được biết đến với tên gọi Eitan. Eitan có thể bay thẳng một mạch 20 giờ đồng hồ và trọng thải có thể lên tới một tấn. Một phiên bản khác của loại máy bay không người lái này lại có thể bay thẳng 45 giờ đồng hồ.
Các máy bay không người lái này là một phần không thể thiếu trong các cuộc chiến của Mỹ tại Iraq, Afghanistan, và Pakistan, thu thập thông tin tình báo và cho nổ tên lửa tại các khu vực tình nghi là có chống đối. Hiện, các phi đội của Israel đã hoàn toàn tích hợp với các cuộc chiến điện tử.
Các máy bay không người lái sẽ hoạt động với đơn vị không quân đặc biệt của Israel được biết với tên gọi Quạ Trời, chủ yếu tập trung vào chiến tranh điện tử. “Mục tiêu của chúng ta là kích hoạt hệ thống của mình và phá vỡ, vô hiệu hóa các hệ thống của kẻ thù” - tờ Jerusalem Post năm 2010 trích lời của một vị chỉ huy chiến tranh điện tử Israel.
“Tôi nghĩ rằng với các tiềm lực của Israel – gồm lực lượng không quân và tiếp nhiên liệu trên không - có thể đọ sức với các khu vực này” – Fred Fleitz, Ủy ban Chọn lọc Thường trực của Quốc hội về Tình báo (Mỹ) nói. Ông hiện đang là biên tập viên cao cấp của mạng Lignet.com. “Họ có thể đánh lạc hướng hệ thống ra-đa và phòng không. Họ cũng có thể tấn công với tên lửa và các phi đội máy bay không người lái”.
Ngay lúc này, chưa ai rõ quyết định cuối cùng của Israel đối với chương trình hạt nhân của Iran là gì. Nhưng trong tháng này, Israel có một mục tiêu quan trọng trong chiến lược chính trị là khiến cho những người đưa ra quyết định tại Iran tin rằng một cuộc tấn công quân sự vào các cơ sở hạ tầng hạt nhân của họ là một khả năng rất thực tế. “Cách duy nhất vẫn được biết tới để ngừng chương trình hạt nhân là có các lệnh trừng phạt thích đáng cùng với lời đe dọa về mặt quân sự xác thực. Libya là một ví dụ điển hình nhất có thể thấy” – một quan chức cho biết.
Thời điểm bất ngờ
Nếu nhìn lại quá khứ để tìm ra chút manh mối về phương thức tấn công, có thể thấy Israel dường như sẽ không tấn công vào lúc mà các quan chức của họ bàn thảo sôi nổi trên mặt báo. Nói cách khác, nếu như Israel đang thảo luận cởi mở về một cuộc tấn công quân sự, thì ít khả năng nó sẽ xảy ra.
Nhưng nếu như Israel âm thầm truyền tín hiệu – như cách mà họ đã tấn công khu vực nghi là hạt nhân tại Iraq vào năm 1981, thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng một cuộc tấn công đang gần kề.
Khi Sam Lewis là Đại sứ Mỹ tại Israel trong thời gian chuyển giao từ chính quyền Carter sang chính quyền Reagan, ông đã cảnh báo rằng có khả năng Thủ tướng Menachem Begin sẽ cho ném bom vào lò phản ứng hạt nhân Osirak tại Iraq.
“Tôi đã cảnh báo đầy đủ về các mối nguy hiểm cho chính quyền mới” – Lewis nhớ lại trong một bài phỏng vấn. “Chúng tôi đã thảo luận với phía Israel về việc họ muốn chấm dứt dự án này bằng cách nào, đã có rất nhiều thông tin và sau đó tất cả im bặt”.
Ngày 7/6/1981, không một lời cảnh báo, các máy bay phản lực của Israel đã bay theo không phận của Jordan và biến các cơ sở hạt nhân đang xây dựng dở tại phía đông nam Baghdad ra tro trong một chiến dịch có tên Opera. “Sau chuyện đó, tôi thấy đáng lẽ mình phải thừa nhận là một cuộc ném bom như vậy sẽ xảy ra” – Lewis nói. “Sau khi cuộc tấn công kết thúc, tôi không ngạc nhiên, tôi cảm thấy khó chịu với việc bị đánh lạc hướng từ sự ‘im lặng’ trước đó”.
Đó cũng có thể là một bài học cho chính quyền Obama khi họ cố gắng đoán định xem Israel sẽ làm gì với Iran. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã rất cố gắng để không bị “bất ngờ” trong mối quan hệ với Israel, đặc biệt là về vấn đề Iran. Tổng thống Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã giao cho các cố vấn an ninh quốc gia thiết lập nên một hệ thống chưa từng có để hội ý thường xuyên giữa hai bên, chủ yếu là qua các cuộc họp truyền hình từ xa.
Họ thành lập một ủy ban thường trực về Iran để kiểm tra tiến độ của các lệnh trừng phạt, chia sẻ thông tin tình báo, và cập nhật thông tin. Mặc dù vậy, Thủ tướng Israel không hề đảm bảo với phía Mỹ rằng ông sẽ thông báo hoặc xin phép trước khi tấn công vào Iran. Trong khi cuộc tấn công như vậy có thể khiến cho Iran trả đũa vào chính Mỹ hoặc Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta “bày tỏ mong muốn thảo luận về mọi dự tính hành động quân sự của Israel trong tương lai, và [Ehud] Barak hiểu rõ vị trí của Mỹ” – một quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết.
Phía Israel lúc này có thể hơi kín tiếng bởi vì nhớ lại kinh nghiệm của Thủ tướng Israel Ehud Olmert. Vào năm 2007, Israel đã trình bày nội dung mà họ cho là bằng chứng xác thực về việc Syria đang xây dựng một cơ sở biến đổi hạt nhân tại al-Kibar. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice nhớ lại: họ yêu cầu Tổng thống Bush cho ném bom vào cơ sở này.
“Tổng thống quyết định phản đối tấn công và gợi ý một tiến trình ngoại giao cho Thủ tướng Israel” – bà Rice viết. “Ehud Olmert cảm ơn chúng tôi vì đưa thêm phương án nhưng lại từ chối lời khuyên của chúng tôi, sau đó thì Israel đã tự mình hành động”.
Một nhân vật Mỹ thân cận với Thủ tướng Israel đương nhiệm nói: “Khi Netanyahu nhậm chức, ông ấy sẽ không lặp lại sai lầm mà Olmert từng gây ra, ông sẽ hỏi Tổng thống [Mỹ] về những việc có thể không nên làm. Xin lỗi vẫn tốt hơn là xin phép”.
  • Lê Thu (theo The Daily Beast)