Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

TRUNG QUỐC VÀ CHÂU PHI

Cuộc thập tự chinh của Trung Quốc sang Châu Phi chững lại
(Tamnhin.net) - Châu Phi có nguồn tài nguyên phong phú, nên trước đây là miền đất hứa của các nước tư bản Phương Tây và Mỹ, nhưng kể từ cuối Thế kỷ 20 đầu Thế kỷ 21 trở thành điểm đến của các doanh nghiệp Trung Quốc.
TQ o chau Phi
Các doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt kéo sang Châu Phi giống như “Cuộc thập tự chinh” đương đại để khai thác tài nguyên, nhưng kể từ năm 2010 và nhất là khi “Mùa Xuân châu Phi” nổi lên, thì cuộc thập tự chinh này bị chặn lại.
Tờ “Kinh tế Trung Quốc” ngày 18/5/2012 đăng bài thanh minh về “Quan hệ không lành mạnh” của Trung Quốc đối với Châu Phi mà báo chí một số nước Châu Phi và Phương Tây phê phán. Theo bài báo, sự phê phán của báo chí các nước tập trung vào 6 điểm cơ bản:
- Một là, Trung Quốc định ra cái gọi là “Nhận thức Bắc Kinh” về châu Phi để đối lập và bài xích “Nhận thức Washington” của Phương Tây đối với Châu Phi. Mục đích chủ yếu nhằm nhân lúc Mỹ và Phương Tây gặp khó khăn, Trung Quốc nhảy vào giành giật Châu Phi về mình.
- Hai là, các doanh nghiệp Trung Quốc sang Châu Phi ra sức “đào bới, rút ruột” nguồn tài nguyên mang về nước bổ sung cho nguồn tài nguyên đang cạn kiệt của họ, trong khi đó đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp giá rẻ tiêu thụ vaf lũng đoạn thị trường Châu Phi.
- Ba là, Trung Quốc thực hiện mối quan hệ bất bình đẳng đối với Châu Phi, làm cho các nước Châu Phi bị thiệt thòi trong hợp tác và trao đổi kinh tế.
- Bốn là, Trung Quốc ngày càng can thiệp sâu vào nội bộ các nước Châu Phi, dung túng cho những hành vi vi phạm nhân quyền, phá hoại môi trường sinh thái. Các công ty Trung Quốc ra sức bóc lột, vắt kiệt sức lao động của dân chúng Châu Phi.
- Năm là, Trung Quốc ra sức tìm cách loại bỏ những đối tác truyền thống của Châu Phi nhất là EU và Mỹ để độc chiếm châu lục này.
- Sáu là, sự trợ giúp kinh tế, tài chính của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào bọn cầm quyền tham nhũng ở các nước, nuôi dưỡng ổ tham nhũng trong chính quyền từ đó gây bất ổn chính trị cho các nước.
Báo chí một số nước Phương Tây và Châu Phi cho biết đầu Thế kỷ 21, Trung Quốc vẫn còn giữ thái độ thận trọng khi đầu tư vào Châu Phi, tính tới năm 2005, đầu tư chỉ khoảng 6 tỉ USD, trong đó đầu tư trực tiếp khoảng 1,5 tỉ USD. Nhưng sau khi Trung Quốc ban hành “Văn kiện chính sách Châu Phi” đầu năm 2006 (Nhận thức Bức Kinh) và thành lập “Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Châu Phi” ở Bắc Kinh đầu tháng 11/2006, tiếp đó là đỉnh cao chuyến thăm 8 nước Châu Phi của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào đầu năm 2007 thì tình hình thay đổi hẳn. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tuyên bố Trung Quốc giúp xây dựng “5 Đặc khu kinh tế” (SEZ) theo “kiểu Trung Quốc” ở Châu Phi, trước tiên ở hai nước Zambia và Dimbabue.
Ngay sau chuyến thăm, Trung Quốc liền lập “Quỹ phát triển Châu Phi” với kim ngạch tới 5 tỉ USD để cấp vốn cho những nước khó khăn, đồng thời xóa bỏ thuế xuất khẩu từ 190 mặt hàng lên 440 mặt hàng xuất sang Châu Phi. Các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu mở “Cuộc thập tự chinh” ồ ạt đầu tư vào 49 nước Châu Phi và đẩy nhanh tốc độ buôn bán với các nước này.
Năm 2004, Trung Quốc mới chỉ có 77 công ty ở các nước Châu Phi, nhưng năm 2006 đã tăng vọt lên tới 715 công ty các loại, năm 2010 có hơn 1.600 công ty, năm 2011 tới trên 2.000 công ty ở 49 nước, tổng kim ngạch trên 50 tỉ USD vào hơn 900 hạng mục công trình. Đó là chưa kể Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc lên kế hoạch đầu tư trên 50 tỉ USD vào khai thác dầu khí ở hơn 20 nước, trong đó chủ yếu ở Châu Phi.
Tờ “Kinh tế Trung Quốc” cho biết Kim ngạch buôn bán Trung Quốc- Châu Phi những năm qua đã tăng bình quân hàng năm 30%, từ 10 tỉ USD năm 2000 lên 127 tỉ USD năm 2010, vượt chỉ tiêu dự kiến 100 tỉ USD hai bên đưa ra, năm 2011 đạt 160 tỉ USD, trong đó khối lượng lớn nguyên vật liệu, khoáng sản và dầu lửa từ Châu Phi ùn ùn chở về Trung Quốc.
Hãng AFP ngay từ năm 2007 dự doán địa vị của Trung Quốc ở Châu Phi đã tăng lên mạnh mẽ. Trong bài bình luận “Thời đại Trung Quốc” ở Châu Phi” ngày 18/12/2007, AFP cho rằng Trung Quốc đã thay thế EU và Mỹ ở Châu Phi. Trung Quốc đã “đỏ lên”, nhưng EU và Mỹ đã “đen tối” hơn ở Châu Phi.
“Cuộc thập tự chinh” của doanh nghiệp Trung Quốc sang Châu Phi chủ yếu nhắm vào nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của nước này trong khi của Trung Quốc đang ngày càng cạn kiệt. Tờ “Kinh tế Trung Quốc” dẫn số liệu cho biết trữ lượng quặng nhôm đã xác định rõ của toàn thế giới, thì riêng Ghinê chiếm tới 10%, gấp hơn 10 lần trữ lượng nhôm của Trung Quốc. Trữ lượng bạch kim và palladium chiếm tới 90% trữ lượng thế giới, trữ lượng crôm chiếm 85% thế giới, trữ lượng mănggan chiếm 80%, trữ lượng vàng chiếm 50%, đó là chưa kể các loại khoáng sản quý khác như, dầu mỏ, đồng, vàng, nhôm, đất hiếm, kim cương, phôt pho, nicken, hạt xoàn, kim cương. Lybi, nước thành viên OPEC có trữ lượng dầu lửa với sản lượng 1,6 triệu thùng/ngày, xuất khẩu lớn thứ 3 Châu Phi, đứng thứ 8 trong tổ chức OPEC, thứ 15 trên thế giới.
Nguồn tài nguyên này thực sự hấp dẫn, nên Trung Quốc đã ra sức lôi kéo các nước Châu Phi, nhưng tình hình bất ổn ở các nước khi “Mùa Xuân châu Phi” xảy ra và ngày 19/3/2011 khi máy bay chiến đấu của Pháp đại diện cho NATO tiến hành oanh kích Lybi, đồng thời lập lại trật tự ở bắc Châu Phi và Trung Đông thì Trung Quốc bị thiệt hai nghiêm trọng.
Báo điện tử “Kinh tế Trung Quốc” ngày 25/5/2011 cho biết trên chỉ riêng ở Lybi Trung Quốc đã thiệt hại chừng 18,8 tỉ USD trong 50 hạng mục công. Đó là chưa kể tổn thất ở các nước khác. Do dân chúng tẩy chay, nên Trung Quốc đã phải đưa tàu Hộ tống mang tên lửa đạn của Hải quân và 4 máy bay quân sự của Lực lượng Không quân rút hơn 35.860 nhân viên, công nhân ở Lybi về nước.
Tờ “Financial Times” của Anh cho rằng “sao đã đổi ngôi” ở Châu Phi, tình hình đã “đỏ lên” với EU, Mỹ nhưng lại “đen tối” với Trung Quốc. “Cuộc thập tự chinh “ đương đại của Trung Quốc đã bị chững lại chưa biết bao giờ mới khôi phục.

Kiều Tỉnh