CHO TRẺ EM DÂN TỘC THIỂU SỐ Ờ CAM-PU-CHIA
Radio Australia 25/2/2013 - Một cơ quan cứu trợ quốc tế đang sử dụng phương pháp dạy song ngữ để giúp trẻ em dân tộc thiểu số ở Cam-pu-chia học
tiếng mẹ đẻ
Hình :Chương trình song ngữ của CARE tập trung giáo dục cho trẻ em gái ở các làng dân tộc thiểu số. (CARE: Laura Hill) (Credit: Audience Submitted)
Trẻ em các dân tộc thiểu số ở Cam-pu-chia đang được hỗ trợ nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Khmer, ngôn ngữ chính thức của Cam-pu-chia, thông qua tiếng mẹ đẻ của chúng. Ông Jan Noorlander, điều phối viên chương trình của CARE International tại Cam-pu-chia, phát biểu trên chương trình Asia Pacific của Radio Australia: “Ở vùng đông bắc Cam-pu-chia, nhiều trẻ em là người dân tộc thiểu số không nói tiếng Khmer, ngôn ngữ chính thức của Cam-pu-chia. Vì vậy, khi chúng đến trường, chúng gặp giáo viên chỉ biết nói tiếng Khmer và chúng không hiểu giáo viên đang nói gì.” Trong mô hình song ngữ của Care tại Cam-pu-chia, “chúng tôi bắt đầu với tiếng mẹ đẻ của bọn trẻ,” ông Noorlander cho biết. “Vì vậy, chúng được học với giáo viên ngay trong làng mình, cùng dân tộc với mình.” Giới thiệu tiếng Khmer “Ví dụ, một học sinh người Tampuen học lớp 1. Khi mới bắt đầu, giáo viên dạy cũng là người Tampuen. Vào cuối năm lớp 1, chúng tôi bắt đầu giới thiệu tiếng Khmer, ngôn ngữ chính thức của Cam-pu-chia. Ở lớp 2, chúng tôi tăng mức độ tiếng Khmer và giảm lượng ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ em dân tộc trong chương trình học.” Ông Noorlander phát biểu về chương trình song ngữ trong Ngày Quốc tế Tiếng Mẹ đẻ. Chương trình trên đang được triển khai tại tỉnh Ratanakiri. Theo ông Noorlander, chương trình cũng tập trung nhiều vào việc giáo dục trẻ em gái ở các làng tại địa phương. “Nghiên cứu cũng cho thấy các em gái được hưởng lợi nhiều từ chương trình giáo dục song ngữ bởi các em bị bắt ở nhà nhiều hơn nên có ít cơ hội tiếp xúc với những người nói ngôn ngữ khác,” ông Noorlander nói. Cũng theo ông Noorlander, chương trình trang bị cho bé gái trở thành những người đóng vai trò mẫu trong cộng đồng, một số sẽ trở thành giáo viên hoặc làm việc tại cơ quan chính quyền địa phương. Gần đây đã có một nữ sĩ quan cảnh sát đầu tiên từng học trong chương trình này và hiện đang làm việc ở xã nhà. Tổ chức CARE International đã thực hiện chương trình từ năm 2002 với sự trợ giúp một phần của chính phủ. Ông Noorlander cho biết những người dân tộc cao tuổi đang giúp xây trường, tư vấn về sách giáo khoa và chọn lựa giáo viên: “Chương trình phối hợp chặt chẽ với những người già. Trường học thuộc sở hữu của cộng đồng và người già đóng vai trò rất quan trọng ở đây.”
Bài liên quan: Giáo dục là chìa khóa ngăn chặn nạn xâm hại tình dục Bài liên quan: Chiến dịch giáo dục dành cho nữ sinh trung học
Bài liên quan: Giáo dục là chìa khóa ngăn chặn nạn xâm hại tình dục Bài liên quan: Chiến dịch giáo dục dành cho nữ sinh trung học