Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

THỪA THIÊN SAU CƠN BÃO LŨ

TT Huế: Nguy cơ biển “nuốt” làng sau bão

(Tamnhin.net) -Tại Thừa Thiên - Huế, mưa lớn trong mấy ngày qua làm ngập lụt trên diện rộng, mực nước các con sông sau khi đạt đỉnh trên báo động III trong ngày 17/10 đã xuống dần, tuy rất chậm. Mưa lũ đã làm ngập, gây sạt lở và hư hỏng nhiều tuyến đường.

THUA THIEN 3 

Bờ biẻn Hương Trà và thị trấn Thuận An tỉnh Thừa Thiên Huế đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Những người sống ở đây đang hết sức lo lắng với thực trạng khi mà mới bắt đầu mùa bão biển đã lấn làng.
Thua thien 1
Điểm sạt lở này chỉ còn cách phá Tam Giang 70m và có nguy cơ mở một cửa biển mới.
Dân thấp thỏm lo âuTheo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên-Huế, đợt mưa bão vừa qua, đã làm sạt lở khá nặng và ăn sâu vào bờ tại một số khu vực thuộc xã Hải Dương, huyện Hương Trà. Tại khu vực Cồn Đâu và thôn Thái Dương Hạ Nam, xã Hải Dương, bờ biển xâm thực sâu vào đất liền có chiều dài gần 300m rộng từ 15 đến 20m, uy hiếp hơn 200 hộ dân đang sinh sống tại khu vực này.
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều mảng rừng phi lao phòng hộ gần 20 năm tuổi đã bị sóng biển đánh bật gốc hơn một nửa. Đặc biệt việc sạt lở này có nguy cơ mở thêm một cửa biển mới thông với phá Tam Giang khi khoảng cách giữa biển và phá chỉ còn khoảng 70m.
Tình trạng sạt lở này đã làm cho người dân không khỏi thấp thỏm. Chị Nguyễn Thị Tám - một người dân sống trong vùng sạt lở lo lắng : “mới đầu mùa bão mà đã sạt lở thế này thì vài cơn bão nữa chắc nhà cửa cũng bay hết”.

thua thien 2 Những cây dương chắn sóng bị bật gốc nằm la liệt ven bờ biểnTrao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng thôn Thái Dương Hạ Nam cho biết: Nếu tình trạng sạt lở này vẫn còn tiếp diễn thì không lâu nữa con đường bê nối liền giữa trục đường chính dẫn vào thôn Thái Dương Hạ Nam với tuyến đường vào trung tâm UBND xã Hải Dương sẽ bị biển nuốt chửng, lúc đó xóm Cồn Đâu sẽ trở thành một ốc đảo.
Tại thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, nước biển tràn sâu vào đất liền có nơi lên đến 25m, chiều dài hàng trăm mét. Nhiều cây dương hơn 20 năm tuổi bị sóng đánh bật gốc tạo thành những hố sâu. Nhiều diện tích đất trồng trọt bị sóng biển “nuốt chửng” chỉ trong một thời gian ngắn.
Ông Lê Xuân Hựu, trưởng thôn Hải Tiến cho hay: “Mùa bão năm nào cũng xảy ra tình trạng sạt lở nhưng gần đây tình hình càng nghiêm trọng. Cả thôn có 650 hộ thì 450 hộ đã bị ảnh hưởng. Bờ kè quanh biển chỉ dài khoảng 200m với chúng tôi khi mùa mưa bão năm nay đang còn rất dài. Người dân lúc nào cũng sống trong tình trạng lo âu khi thực trạng này vẫn đang diễn ra...”
Tại các xã Phú Thuận, Phú Hải và thị trấn Thuận An, thực trạng cũng tương tự như ở xã Hải Dương, huyện Hương Trà. Hàng ngàn mét khối đất đá, cây cối ven bờ đã bị nước biển cuốn trôi trong những trận bão lũ vừa qua.
Chính quyền nói gì?
Trao đổi về vấn đề di dời dân và khắc phục sạt lở, ông Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An nói: “Do thị trấn không được quyền cấp đất tái định cư, chúng tôi chỉ giải quyết tái định cư cho một số hộ thuộc diện đặc biệt nguy hiểm sát mép bờ biển.
Trong năm 2010,  chúng tôi đã bố trí được 36 hộ tại khu vực Bàu Sen, còn lại 100 hộ ở hai khu vực xóm Đá và xóm Đuồi, khi mùa mưa bão về buộc phải thực hiện phương án sống chung với lũ. Tuy nhiên nếu bờ biển tiếp tục sạt lở như thế này chúng tôi phải xin ý kiến của lãnh đạo cấp trên để dời khẩn cấp các hộ dân này ra khỏi vùng nguy hiểm.”
Ông Hải còn cho biết, sẽ đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh hỗ trợ giống cây dương liễu để trồng tại các khu vực ven bờ biển chắn sóng. Bên cạnh đó sẽ vận động người dân dùng đá để đắp thành bờ kè hình vòng cung chạy dọc những đoạn bờ biển bị sạt lở.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo chính quyền địa phương tại huyện Hương Trà, thị trấn Thuận An và huyện Quảng Điền cùng người dân cần chủ động kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn khi có tình trạng xâm thực bờ biển và thiên tai xảy ra.
Trong thời gian tới, tỉnh TT-Huế sẽ có những giải pháp cụ thể hơn, vấn đề này không thể giải quyết trong mùa mưa bão năm nay được.
Được biết, dự án về xây dựng kè chống xói lở tại cửa biển Thuận An giai đoạn 2 đã được phê duyệt với tổng kinh phí 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay đang gặp khó khăn về nguồn về nguồn vốn.

Bài và ảnh: Xuân Hà