Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

NHÀ THƠ TÔ KIỀU NGÂN

Nhà thơ Tô Kiều Ngân với di cảo
     ‘Mặc Khách Sài Gòn’
Viên Linh
body-5834-1390800894.jpg

Những ngày giữa tháng 3 này tôi nhận được hai ấn bản của cùng một cuốn sách từ Sài Gòn gửi qua: “Mặc Khách Sài Gòn” của Tô Kiều Ngân, một do con gái tác giả là cô Quỳnh Hương (hay bà Nguyễn Tôn Nhan), một do nhà xuất bản Nhã Nam-Hồng Ðức do anh Dương Thanh Hoài, gửi tặng.
Một bản gửi bảo đảm qua bưu điện từ ngày 21 tháng 2, 2014, một bản cầm tay chuyển lại, hai bản đến tay người nhận xê xích nhau 3 ngày. Tôi đã đọc ngay, bởi vì Tô Kiều Ngân là người bạn vong niên quá cố mới cách đây hai năm, bởi vì nhan đề “Mặc Khách Sài Gòn,” bốn chữ gợi nhớ nhiều tới tâm tư tình ảnh về một thời đã qua, nơi tôi có mặt toàn thời gian 1954-1975, và bởi vì bản thân sản phẩm của Nhã Nam: sách trình bày mộc mạc khác thường, bìa in chỉ một màu đen trên giấy các-tông mỏng màu gỗ, có lai xếp trước sau, suốt cuốn sách 270 trang viết về 15 văn nghệ sĩ miền Nam, mà những người tên tuổi nhất trong sách là Nguyễn Vỹ, Lê Thương, Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng, Tạ Tỵ, Bùi Giáng, Mai Thảo, in kèm với những hình ảnh đen trắng quí hiếm, những hình ảnh ít thấy trên báo chương từ mấy chục năm qua. Ít có những cuốn sách mà hình thức thể hiện một cách ý tứ và nhã nhặn đến thế, với tranh phác họa chân dung các nghệ sĩ bằng bút sắt (của Hữu Khoa) ở cả bìa trước lẫn bìa sau. Chỉ với bề ngoài, người đọc sách đã có thể tin: đây là sản phẩm được thực hiện bởi những người yêu sách, quí sách, tôn trọng tác giả, tôn trọng độc giả.

Tô Kiều Ngân (1926-2012), bên trái, ngồi cạnh nhà thơ Ðinh Hùng thời Thi Văn Tao Ðàn của Ðài Phát Thanh Quốc Gia, những năm 60. (Hình trích trong hồi ký Mặc Khách Sài Gòn, Nhã Nam, 2014)

Cuốn sách nữa cùng lúc đến từ nhóm anh em văn nghệ miền Thất Sơn Châu Ðốc, ký tên Ngô Nguyên Nghiễm, cũng viết về các văn thi sĩ miền Nam thành danh trước 75, đa số là lớp trẻ tuổi, là những người còn tiếp tục viết, với nhan đề Tác Giả Tác Phẩm-Người Ðồng Hành Quanh Tôi. Ðây là tập cuối cùng của bộ sách 6 cuốn, còn có tên là Viên Mãn, dày hơn 6,000 trang, lần lượt ra mắt từ tháng 2, 2010 tới tháng 1, 2014 thì xong hẳn. Rất nhiều tác giả miền Nam được đề cập, nổi tiếng trước 1975 có Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Hải Chí (CHÓE), Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Bá Thế, Viên Linh, Dương Hà, Nguyễn Tất Nhiên, Dương Trữ La, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trương Ðạm Thủy, Phạm Thiên Thư. Vì số tác giả trong bộ này rất đông, khoảng 200 người, nên chúng tôi sẽ viết riêng và viết thêm sau.
Trở về với Tô Kiều Ngân, trong Lời Nói Ðầu, ký tên “Tác giả,” ông viết: “‘Mặc khách’ là từ chỉ các văn nhân, thi sĩ cùng những người hoạt động nghệ thuật, mong muốn đem tài hoa, tim óc ra tô đẹp cho đời. Chữ ‘khách’ hàm ý chỉ những người của đám đông, những người được lưu tâm hay ngưỡng mộ.” Cuốn sách có mục đích gì? Tác giả viết: “Gió bụi thời gian, chiến tranh chia cắt, khói lửa triền miên đã vùi dập, làm thất lạc không ít tác phẩm văn học của một thời tại miền Nam. Ðiều đó gây khó khăn không ít cho những ai muốn nghiên cứu văn học sử. Lớp hậu sinh có thể hoàn toàn không biết gì về diện mạo của mảng văn học nghệ thuật lúc họ chưa ra đời. Mong rằng tập sách này sẽ cung ứng cho họ một ít tư liệu giúp tìm đến với những mặc khách của Sài Gòn, để biết rằng có một thời, có những người đã sống như thế, suy nghĩ như thế và viết như thế.”
Ðọc xong cuốn sách, người ta có thể kết luận khái quát: Tô Kiều Ngân chỉ muốn nói đến cái đẹp cái vui của những người ông viết, mà không phê bình, phán xét, hay cả khen ngợi các chủ đề, như ông đã minh định là ông không phê bình văn học, “mà chủ yếu là những kỷ niệm vui buồn mà tác giả có được.”
Tuy thế, ngay trong chương thứ nhất, Nhà Văn An Nam Khổ Như Chó viết về Nguyễn Vỹ, Tô Kiều Ngân đã làm một việc rất phải, rất chính xác, phê bình hai ông Hoài Thanh Hoài Chân đã “thật ác” khi viết trong cuốn Thi Nhân Việt Nam như sau: “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng, trống, sập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau ra xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì.” Tô Kiều Ngân phản bác ngay ở dòng thứ chín của bài viết đầu tiên, và trưng ra những tác phẩm cũng như con người đáng phục của Nguyễn Vỹ. Năm 1999 khi viết về thi sĩ Nguyễn Bính, [Trên Khởi Hành số 29, 3.1999], người viết bài này cũng đã viết rằng Hoài Chân Hoài Thanh “đã làm hại Nguyễn Bính” khi gọi thơ Nguyễn Bính là “lố lăng;” và Vũ Ngọc Phan đã “làm hại Nguyễn Bính nhiều hơn” khi nhắc đến một thi sĩ đã có 8 thi phẩm in ra với chỉ có 6 dòng trong tập Nhà Văn Hiện Ðại, trong đó lại có câu này: “nhiều câu của ông [NB] gần như vè.” Trong khi đó thì Vũ Ngọc Phan đã dành các tiết mục riêng để ca ngợi hai “thi sĩ” Nguyễn Giang (con trai Nguyễn Văn Vĩnh) và Nam Hương nức nở, nhưng không ai biết hai thi sĩ này là ai, trong khi hơn nửa thế kỷ qua, thơ Nguyễn Bính vẫn được tái bản, không ai gọi đó là vè cả. Tô Kiều Ngân viết rất chi tiết về Nguyễn Vỹ, nhất là câu sau đây: “Tôi chắc nhiều người quan tâm tìm hiểu đời sống xã hội những năm đầu thế kỷ XX thì khó có thể bỏ qua hai tập đặc sắc “Tuấn, Chàng Trai Nước Việt,” [của Nguyễn Vỹ], cuốn sách tuy được viết theo thể loại tiểu thuyết nhưng cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu lịch sử văn hóa giá trị không thua một cuốn sách biên khảo nào.” (tr. 10).
Tiếp theo, “Mặc Khách Sài Gòn” còn viết về những văn nghệ sĩ thuộc nhiều bộ môn, như Ai Xuôi Vạn Lý (nhạc sĩ Lê Thương), Ðể Ta Tròn Một Kiếp Say (thi bá Vũ Hoàng Chương), Trời Cuối Thu Rồi Em Ở Ðâu? (thi sĩ Ðinh Hùng), Thương Về Năm Cửa Ô Xưa (họa sĩ Tạ Tỵ), Tấm Thân Với Mảnh Hình Hài (nhà thơ Bùi Giáng), Cho Tôi Về Ký Con (nhà văn Mai Thảo), Thôi Ngủ Gối Ðầu Lên Ðại Bác (nhà thơ Hoàng Trúc Ly), và một số tác giả trẻ hơn ông nhiều, như Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Phạm Thiên Thư, song với những người này, ông viết thoảng qua, không thể xếp cùng loại với những bài ông viết nơi chín chương đầu, như kể ở bên trên. Nhưng chỉ với chín chương đầu, “Mặc Khách Sài Gòn” là một cuốn sách hào hứng, và chắc chắn có một giá trị mà chỉ người trong cuộc mới viết được. Tuy sách mới ra, các sự việc kể lại chưa thể có dư luận phản bác tức thời, nhưng tôi tin rằng nếu có sai sót nào, thì không do chủ ý của người viết. Tô Kiều Ngân không phải là người cầm bút viết hồi ký để làm việc ấy. Những hình ảnh riêng tư được dùng trong cuốn sách cho thấy tác giả đã lưu giữ từ lâu, và lưu giữ với lòng ưu ái, trân trọng.
Tô Kiều Ngân viết nhiều loại, song được biết tiếng nhiều như một nghệ sĩ thi sĩ ngâm thơ với sáo trúc trong ban Tao Ðàn của Ðinh Hùng bên cạnh Hồ Ðiệp, Quách Ðàm, Hoàng Thư, Thanh Nam, Thái Thủy. Ông từng cộng tác với nhà văn Thanh Nam từ những năm đầu thập niên '50 trong tờ tuần báo Thẩm Mỹ. Ông tên thật là Lê Mộng Ngân, sinh năm 1926 tại Huế, viết cho nhiều báo và nhiều thể loại như thơ, văn, tạp luận trên Văn Nghệ Tiền Phong, Tiểu Thuyết Thứ Năm, và các báo của quân đội. Trong Ban Chấp Hành Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội, cùng người viết bài này. Ông cũng là thư ký tòa soạn nguyệt san Khởi Hành nhưng ra được 8 số thì đình bản. Khi Khởi Hành chuyển qua tuần báo, nhằm vào độc giả cả trong lẫn ngoài quân đội, thư ký tòa soạn là Viên Linh, sống qua năm thứ tư, được 156 số. Trong sinh hoạt, Tô Kiều Ngân luôn luôn tươi cười, vui vẻ, và sẵn sàng hòa hợp với mọi người mỗi khi có chuyện phải thảo luận. Trong Lời Nói Ðầu của Mặc Khách Sài Gòn, ông đã tỏ ý ấy: “Ðây không phải là một tập sách phê bình, cũng không phải ‘chân dung văn học,’ mà chủ yếu là những kỷ niệm vui buồn... đôi chỗ tác giả có cao hứng mà múa bút lạm bàn thì cũng chỉ là để minh họa cho câu chuyện mà thôi.”
__._,_.___