Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

HOÀNG SA : NHƯ NHŨNG MŨI KIM ĐÂM VÀO LÒNG DẠ XÓT XA

           Chủ tịch đầu tiên của Hoàng Sa:

        "Họ hỏi tôi đã đi Hoàng Sa chưa?"

Phần cuối cuộc trả lời phỏng vấn Infonet  trước khi về hưu, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, Chủ tịch đầu tiên của UBND huyện Hoàng Sa nói về 3 câu hỏi như những mũi kim đâm vào lòng khiến ông xót xa…(1)
*Lâu nay ở Đà Nẵng, ông và ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng là những người có sự nghiên cứu, am hiểu sâu sắc về vấn đề Hoàng Sa, có những phát biểu, sáng kiến và hành động cụ thể tạo được sức tác động đến tình cảm của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đối với Hoàng Sa. Nay hai ông gần như về hưu cùng lúc. Ông có thấy đó là cả một sự hụt hẫng?
Nếu nghĩ như thế thì không trúng đâu, vì đây là việc lâu dài, việc của tất cả mọi người, việc của nhà nước và thậm chí đây là áp lực của dân tộc. Tôi nghĩ khi người khác đảm nhận cương vị Chủ tịch huyện Hoàng Sa thì cũng phải thể hiện được vai trò như thế. Còn hụt hẫng thì phải nói rằng những người như tôi và anh Bùi Văn Tiếng là những người có kinh nghiệm hơn, cũng đã từng trải trong vấn đề này nên nhiều khi hoạt động của mình được sự chấp nhận, ủng hộ. Theo chính sách chung, chủ trương chung thì không ai có thể làm khác được, nhưng người mới thì có thể lúc đầu cũng gặp những khó khăn nhất định.


Ông Đặng Công Ngữ ngấn nước mắt khi nói về những điều trăn trở đối với Hoàng Sa (Ảnh: HC)

*Để tìm người thay thế chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng sau khi ông nghỉ hưu thì có lẽ không quá khó. Nhưng để thay thế trọng trách Chủ tịch huyện Hoàng Sa thì dường như vẫn chưa thấy ai ở Đà Nẵng có thể khả dĩ đạt được cái tâm, cái tầm, cái bản lĩnh như ông nói?
-Cái này mình không thể nói trước được. Chưa làm thì chưa biết được. Cứ giao cho người khác làm đi, rồi để cho họ chứng minh. Cái đó còn ở tương lai. Tôi nghĩ nếu có được sự hỗ trợ của nhà nước, của TP, của các cơ quan báo chí và của mọi người thì tôi nghĩ rằng họ cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

*Được biết lãnh đạo TP Đà Nẵng có đặt vấn đề ông ở lại làm Chủ tịch huyện Hoàng Sa thêm một thời gian nữa. Không hiểu vì lý do gì mà ông không nhận lời?
-Việc Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng kiêm Chủ tịch huyện Hoàng Sa là vấn đề lịch sử lâu nay. Tuy tôi là Chủ tịch huyện đầu tiên nhưng trước đây, khi Sở Nội vụ còn là Trưởng ban Tổ chức chính quyền thì Trưởng ban kiêm phụ trách Hoàng Sa. Thời kỳ anh Trần Phước Hường, anh Trần Thọ đều thế, đến thời kỳ tôi cũng thế. Tôi cám ơn TP đã có nhận xét, đánh giá về khả năng của tôi trong hoạt động Hoàng Sa, nhưng tôi nghĩ  việc này đã có tiền lệ thì người sau kế tiếp mình cũng nên tiếp tục như vậy.
Nói thật là tôi làm Chủ tịch Hoàng Sa nhưng dựa vào nguồn lực từ Sở Nội vụ. Nếu tách ra, với điều kiện như hiện nay thì rất khó hoạt động, Nên tôi đề xuất với cấp trên nên giữ nguyên tiền lệ trước đây để đảm bảo điều kiện hoạt động. Đó là một điều kiện tối thiểu. Nếu tách rời ra thì lực lượng ở đâu, sự hỗ trợ ở đâu? Tôi rất cám ơn đội ngũ ở Sở Nội vụ Đà Nẵng, tuy không phải nhân viên của Hoàng Sa nhưng tất cả các anh em đều xem mình là nhân viên của Hoàng Sa. Họ hỗ trợ, động viên tôi những lúc khó khăn. Họ chia sẻ rất tâm huyết, rất hết mình, động viên và tạo điều kiện để tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Hơn nữa, tôi đã nhận quyết định nghỉ hưu về mặt chế độ, còn UBND huyện Hoàng Sa là một đơn vị hành chính của nhà nước thành lập. Dù tiêu chí này, tiêu chí nọ chưa đầy đủ nhưng đây vẫn là một đơn vị hành chính cấp quận, huyện đã được Nhà nước, Quốc hội công nhận. Vậy thì người Chủ tịch ở đây phải là người đương chức, người còn tuổi để nhận nhiệm vụ đối với một chức vụ cụ thể của cơ quan nhà nước.

*Trong quá trình làm Chủ tịch Hoàng Sa, ông đã để lại nhiều dấu ấn đáng kể, như việc ra mắt cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa” mà mới đây đã được tái bản lần thứ 2; tổ chức các cuộc triển lãm lần đầu tiên công bố các tư liệu lịch sử cực kỳ quý hiếm là bằng chứng hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa cả trên phương diện lịch sử và pháp lý. Gần đây nhất là việc xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa, một công trình mà ông tâm huyết nhất. Xin ông cho biết tiến độ của dự án Nhà trưng bày Hoàng Sa hiện đã tới đâu?

Ông Đặng Công Ngữ giới thiệu với bạn bè quốc tế những tư liệu lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa (Ảnh: HC)
Tôi không dám nói đó là những dấu ấn, mà đó là những công việc đã làm có kết quả, và cũng có những việc còn dang dở. Phải nói là sau một thời gian rất dài, cuối cùng chúng tôi cũng đạt được nguyện vọng về xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ý định của tôi lúc đầu là xin xây dựng nhà trưng bày, sau đó là có cái chỗ để UBND huyện Hoàng Sa hoạt động. Nhưng tôi biết ý định đó là khó, nên thôi. Đến nay thì Nhà trưng bày Hoàng Sa đã diễn ra theo đúng trình tự, đã được cấp đất, đã thi và đã chọn được phương án thiết kế. Đó là những bước đi cơ bản, tiếp theo chỉ là lập dự toán và thi công, là những việc cụ thể thôi, có lẽ là ai làm cũng được.

*Ông từng phát biểu việc chung tay đóng góp xây dựng những công trình như Nhà trưng bày Hoàng Sa khiến những tấm lòng yêu nước xích lại gần nhau hơn trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Và UBND huyện Hoàng Sa sẽ phát động một cuộc phát động như thế trong đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài cho công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa. Không biết dự kiến đó của UBND huyện Hoàng Sa đã được triển khai như thế nào?
-Vừa rồi chúng tôi cũng định có những cuộc phát động nhưng rồi mấy lần lỡ nhịp. Theo dự định sẽ tổ chức cuộc triển lãm, hoặc là đêm văn nghệ tri ân và tiến hành phát động, nhưng rất tiếc là không thành, rồi cũng trôi dần. Trong tay tôi hiện đã có bản thiết kế, bản dự toán rồi. Chúng tôi nghĩ đây phải là một công trình của nhân dân, như thế nó mới có ý nghĩa. Nếu ai làm thì tôi nghĩ cũng nên chọn phương án đó. Vì khi người dân có sự đóng góp, họ mới nhớ ra. À, mình cũng có một phần đóng góp vào trong việc này, đóng góp vào sự đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Như thế thì người ta sẽ nhớ, mà nhớ rất là lâu. Và câu chuyện không chỉ dừng lại ở đây mà sẽ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Và từ sự đóng góp đó mà sẽ có một không gian về Hoàng Sa để cho các thế hệ trẻ, bạn bè bốn phương tới và thấy rằng Hoàng Sa là của Việt Nam từ lâu nay, có những lịch sử, có những bằng chứng. Tận mắt họ nhìn thì họ mới thấy đầy đủ, và mới thấy niềm tin của họ thực sự được xác thực.
*Ông đánh giá như thế nào về đóng góp của đồng bào cả nước đối với các nỗ lực của UBND huyện Hoàng Sa trong thời gian qua?.
Trước hết, đồng bào trong nước lâu nay đã có sự ủng hộ, đóng góp khá tốt đối với vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa; cụ thể là đã hỗ trợ chúng tôi trong việc sưu tầm tư liệu, các nhân chứng sống, rồi tham gia vào các hoạt động do UBND huyện Hoàng Sa tổ chức...
Điều cần thiết hiện nay là tạo thêm diễn đàn, thêm môi trường cho người dân thể hiện sự ủng hộ đó; tạo thêm điều kiện cho người dân có những đóng góp thiết thực vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, thay vì chỉ giữ sự ủng hộ đó ở trong tâm.


Và tặng quà tri ân Tiến sĩ sử học Trần Đức Anh Sơn về sự cộng tác với UBND huyện Hoàng Sa trong suốt thời gian qua (Ảnh: HC)

*Còn với kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế thì như thế nào, thưa ông?
Với kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, có nhiều người cũng mail, chat với tôi bày tỏ rất tâm huyết. Có những người từ Canada gửi sách về, từ Mỹ gửi bản đồ, từ Pháp đóng góp những ý kiến về Hoàng Sa. Đó là những đóng góp rất cụ thể, thiết thực. Thực sự tôi đánh giá rất cao đóng góp của kiều bào và tôi nghĩ họ sẽ tiếp tục đóng góp vào cuộc đấu tranh này.
Để có được điều đó, tôi thấy thông tin đối ngoại của mình trong thời gian qua cũng làm khá tốt, đặc biệt là VTV4 rất mạnh dạn đưa lên nhiều chủ đề về Hoàng Sa, trong đó có cả những vấn đề mình cho là nhạy cảm nhưng họ vẫn thể hiện được nhiều.
Tôi nhớ có lần đi Pháp, khi biết tôi là Chủ tịch huyện Hoàng Sa thì anh hướng dẫn viên là người Pháp tới xin chụp ảnh. Kể cả những người nước ngoài khi đến Việt Nam, biết tôi là Chủ tịch huyện Hoàng Sa thì cũng đến bắt tay rất thân tình. Trong tâm họ cũng muốn chia sẻ với mình. Đặc biệt, vị kiến trúc sư người Nhật gửi đồ án tham dự cuộc thi phương án kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa thì chia sẻ với tôi về vấn đề Hoàng Sa như những người bạn… Tôi thấy rất cảm kích những chuyện như thế!

*Xin được hỏi ông một câu cuối cùng: Ông có những gửi gắm như thế nào về vấn đề Hoàng Sa trước lúc ông nghỉ hưu?
Tôi còn 3 câu hỏi mà quần chúng nhân dân đang hỏi. Họ hỏi tôi đã đi Hoàng Sa chưa? Nói thật, câu hỏi này cũng như cây kim đâm vào lòng khiến tôi thấy xót xa lắm. Làm thế nào đi được vì quần đảo thân yêu của chúng ta đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép. Cũng có nhiều người hỏi tôi, ở Hoàng Sa bây giờ mình còn mấy đảo? Và dân cư như thế nào? Câu hỏi này cho thấy chúng ta chưa làm tốt việc thông tin, chuyển tải cho nhân dân những nội dung, sự thật về Hoàng Sa.
Câu hỏi thứ ba là từ những người tương đối hiểu biết, rằng Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974. Nhưng họ hỏi tôi một câu hỏi khiến tôi càng đau hơn: Thế thì sinh ra UBND huyện Hoàng Sa để làm gì? Tức họ muốn nói rằng cuộc đấu tranh này dai dẳng mà có thể không bao giờ đòi lại được Hoàng Sa.
Đó không phải là câu hỏi cho riêng bản thân tôi mà cho chính mỗi người chúng ta, cho Tổ quốc chúng ta. Tôi thiết nghĩ, đòi lại được chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, ít nhất là về mặt luật pháp quốc tế bằng những biện pháp hòa bình là điều mà lịch sử đã giao và chúng ta phải tiếp tục nối bước cha ông để làm cho được. Tôi trăn trở nhưng vẫn tin rằng các thế hệ kế thừa sẽ đưa cuộc đấu tranh này đi đến thắng lợi cuối cùng.
Xin cám ơn ông đã dành cho báo Infonet cuộc trả lời phỏng vấn này!


Ông Nguyễn Chước, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng phát biểu tại cuộc gặp mặt cám ơn các phóng viên báo chí, công tác viên, cơ quan phối hợp do UBND huyện Hoàng Sa tổ chức tối 28/4 (Ảnh: HC)
Họ đã nói về ông Đặng Công Ngữ:
Ông Nguyễn Chước, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng (nguyên Tổng Giám đốc Seaprodex Miền Trung):
Những lời tâm huyết của anh Đặng Công Ngữ đã để lại cho tôi và mọi người những điều trăn trở, ưu tư và trách nhiệm. Tôi không muốn chia tay anh Ngữ vì anh là một người hết sức trăn trở và gắn bó với công việc của mình. Và tôi tin rằng, dù anh Ngữ có ngừng công việc chuyên môn của mình thì vẫn luôn đau đáu, và hễ có cơ hội nào là sẽ cộng tác với những người đang làm nhiệm vụ để tiếp nối sự nghiệp đấu tranh đòi lại chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Nhà báo, đạo diễn Huỳnh Hùng, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng:
UBND huyện Hoàng Sa và anh Đặng Công Ngữ cám ơn những người làm báo, các cộng tác viên đã cộng tác, tuyên truyền cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trong đó có Hoàng Sa. Nhưng ngược lại, anh em báo chí cũng vô cùng cám ơn UBND huyện Hoàng Sa và cá nhân anh Đặng Công Ngữ đã tạo cảm hứng cho anh em báo chí chúng tôi viết bài, làm phim và sáng tạo.
Phải nói là tôi hơi bất ngờ khi phải chia tay anh. Tôi cảm thấy rất lưu luyến, và nếu có một điều mong ước gì thì tôi mong anh tiếp tục ở lại công tác, để cùng đồng hành với chúng tôi trong cuộc đấu tranh vì Hoàng Sa. Trong quá trình làm việc, cộng tác với anh Đặng Công Ngữ thời gian qua, chúng tôi luôn đồng cảm, chia sẻ và luôn kính trọng, cảm phục bởi vì anh, trong những thời điểm nhất định, đã có những quyết định nhiều khi rất táo bạo, rất mạnh mẽ, thậm chí là rất dũng cảm trong những điều kiện rất khó khăn.

(1)
http://infonet.vn/chu-tich-dau-tien-cua-hoang-sa-ho-hoi-toi-da-di-hoang-sa-chua-post128568.info