Huỳnh Phan/Vietnam.net 19-08-2011-
Trả lời báo Tuổi Trẻ, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận trách nhiệm của ngành lao động, bao gồm trách nhiệm thanh tra, giám sát, quản lý lao động, khi một doanh nghiệp như khí - điện - đạm Cà Mau, chỉ với mảng "đạm" mà để hơn 600 lao động nước ngoài làm việc không có giấy phép, và chỉ đến khi qua nhiều kênh thông tin mới nắm được.
"Tôi đề nghị lãnh đạo các sở giúp lãnh đạo địa phương, đồng thời báo cáo kịp thời cho lãnh đạo bộ về diễn biến, nguyên nhân và giải pháp xử lý đúng pháp luật đối với lao động nước ngoài ở Việt Nam", bà kêu gọi.
Trong khi đó, tại hội nghị giao ban sáu tháng đầu năm với Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phía Nam, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 15-8, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa buông lửng một câu: "Tôi băn khoăn không hiểu vì sao lao động người Trung Quốc lại có mặt ở các công trình trọng điểm quốc gia..."
Nhưng sau đó, khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông Thanh Hòa lại giải thích rất rõ ràng rằng hiện tượng nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các công trình lớn và mang theo lao động của họ vào Việt Nam làm việc đã xuất hiện vài năm nay. Ông Thanh Hoà cũng thừa nhận trách nhiệm quản lý chưa chặt chẽ của nhiều bộ, ngành, trong đó có bộ của ông. Đó là nhận xét hoàn toàn không mới mẻ gì, và cũng dễ được chấp nhận.
Tuy nhiên, hai lý do mà ông thứ trưởng phụ trách mảng lao động này đưa ra liên quan đến lao động Việt Nam dường như lại rất khó chấp nhận.
Thứ nhất, theo ông Thanh Hoà, nhiều địa phương chưa đáp ứng được về nguồn lực, khi nhà thầu Trung Quốc đặt vấn đề tuyển dụng tại chỗ, và vì vậy họ phải đưa lao động của họ vào làm việc, vì họ còn trách nhiệm với tiến độ công trình.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Cà Mau, nơi nhà thầu Trung Quốc đang thi công nhà máy khí - điện - đạm và đang sử dụng hơn 1000 lao động không phép trên tổng số 1700 lao động người Trung Quốc, lại dẫn chứng ngược lại, khi cho biết rằng nhà thầu chưa có bất cứ văn bản nào gửi cơ quan quản lý địa phương về nhu cầu lao động tại công trường để bên ông cung cấp lao động người Việt Nam
"Vừa rồi chúng tôi vào làm việc, mấy ảnh (nhà thầu - PV) thừa nhận vấn đề này", ông Lê Thanh Tòng nói.
Thứ hai, ông Thanh Hoà giải thích rằng trong một số nhóm công việc, lao động của Việt Nam không đáp ứng được các kỹ năng mà nhà thầu đòi hỏi, cũng như ý thức kỷ luật và năng suất làm việc của lao động Việt Nam kém.
Nhiều độc giả báo Tuổi Trẻ đã lập luận rằng vậy tại sao các nhà thầu có trình độ cao hơn hẳn các nhà thầu Trung Quốc như Nhật Bản, hay Hàn Quốc lại vẫn yên tâm sử dụng lao động Việt Nam. Hơn nữa, nếu nói lao động Việt Nam kỹ năng kém thì xưa nay các công trình lớn và đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhiều, như liên doanh tìm kiếm dầu khí, xây dựng nhà máy lọc dầu, thủy điện Hòa Bình, Trị An, xây cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ... thì nhà thầu nước ngoài có sử dụng lao động ở đâu?
Mặc dù vậy, cũng có một độc giả tên Nguyễn Văn Hà, người tự nhận là đã làm việc với những nhà thầu Trung Quốc này, chia sẻ nhận xét này của ông Thanh Hoà, nhưng đưa ra cách lý giải dễ chấp nhận hơn. "Họ chấp nhận tốn chi phí hơn để đưa công nhân phổ thông của họ sang, họ được lợi gì? Ngôn ngữ chung, họ dễ bảo nhau, năng suất làm việc cao hơn. Là một ông chủ, ai cũng biết nên chọn bên nào có lợi nhất."
Độc giả Văn Hà cho rằng, bên cạnh việc đưa ra hành lang pháp lý buộc họ phải sử dụng lao động của Việt Nam, thì cũng phải có biện pháp để họ an tâm sử dụng lao động đó. "Dạy nghề, dạy kỹ năng cho lao động của mình là việc làm bắt buộc", độc giả Văn Hà nói.
Nói Bộ LĐ-TB-XH không có những dự án dạy nghề, dạy kỹ năng cho lao động Việt Nam quả là oan cho họ. Bởi nếu không thì sự hiện diện của họ nào có ý nghĩa gì.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Thanh Hoà, các dự án của bộ này chủ yếu ở "tầm vĩ mô" (hơi khó hiểu, phải không quý độc giả?), đào tạo ngắn hạn. "Trong khi dự báo thị trường của chúng ta không có dự báo cụ thể từng ngành mà dự báo chung ở tầm vĩ mô. Đây chính là hạn chế mà chúng ta phải chấp nhận cho lao động nước ngoài vào làm các nhóm công việc chúng ta không đáp ứng được", ông Thanh Hoà nói.
Kể cũng đáng lo khi trình độ của lao động phổ thông Trung Quốc chỉ có vậy (vốn không tìm được việc làm bên quê nhà, đã và đang tìm cách qua Việt Nam thông qua con đường du lịch), mà lao động Việt Nam cũng không đáp ứng được, theo nhận định của ông thứ trưởng, thì làm sao chúng ta có thể đưa lao động ra nước ngoài làm việc, theo chủ trương lớn của Nhà nước từ trước đến nay?
Ông Thứ trưởng nói như vậy không sợ những thị trường nhập khẩu lao động sẽ nghi ngờ trình độ nguồn nhân lực của chúng ta, và quyết định thay bằng những lao động phổ thông người Trung Quốc, theo nhận xét của ông "vừa có kỷ luật, vừa có năng suất cao với cùng mức lương", hay sao? Đặc biệt là người Trung Quốc rất giỏi trong việc lợi dụng những phát biểu "hớ" của chúng ta để mưu lợi cho họ.
Ở cương vị mới ở cơ quan lập pháp và giám sát hoạt động của ngành hành pháp, bà Nguyễn Thị Kim Ngân chắc chắn sẽ có nhiều việc phải làm trong vấn đề lao động, để giúp cho người kế nhiệm của mình giải quyết vấn đề phát sinh từ nhiệm kỳ bộ trưởng của bà. Và cũng để gỡ thế bí cho "người giúp việc" cũ.
Theo thiển nghĩ của người viết, ý kiến của TS Phạm Bích San, Phó TTK Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, người đã từng khảo sát các công trường khai thác Bô xít ở Tây Nguyên, là rất đáng tham khảo. TS Phạm Bích San đặc biệt nhấn mạnh tới yếu tố "lợi ích nhóm", khi số lượng các công trình Trung Quốc trúng thầu quá lớn và việc cho họ trúng thầu chính là nguyên nhân gốc rễ của câu chuyện lao động Trung Quốc.
Các cụ ta bảo: "Tiền nào của nấy!" Ngoài khía cạnh liên quan đến chất lượng máy móc thiết bị, phần tiền của chủ đầu tư, xét cho cùng là tiền nhà nước và cũng là tiền đóng thuế của dân, lẽ ra dùng để tạo việc làm cho lao động Việt Nam lại dùng để tạo việc làm cho lao động Trung Quốc.
Tưởng rẻ hoá đắt!