Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

TRUNG QUỐC THEO DƯ LUẬN THẾ GIỚI :

“Nước kinh tế lớn, nhưng bị cô lập về chính trị ngoại giao”.
RONG TRUNG QUOC
Tamnhin.net - Mạng “Tin Trung Quốc” ngày 17/12 dẫn “Báo cáo đánh giá môi trường an ninh láng giềng” do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc vừa công bố nói rằng “Năm 2011 là năm căng thẳng, nhiều mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ Trung Quốc-láng giềng, nhất là với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN”.

Báo cáo đã nêu ra một số căng thẳng giữa Trung Quốc với một số nước như sau:
- Quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc những năm qua phát triển nhanh chóng về kinh tế, buôn bán. Kim ngạch mậu dịch không ngừng tăng lên: năm 1992 chỉ có 5 tỉ USD, tới năm 2010 đạt 200 tỉ USD, năm 2011 đạt 250 tỉ USD, dự kiến năm 2015 có thể đạt 300 tỉ USD. Đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc tại Trung Quốc tới 9/2007 đạt 21,1 tỉ USD với 19.512 dự án. Hai nước về cơ bản không có tranh chấp lãnh thổ trừ bãi Tô Nham mà Hàn Quốc gọi là đảo Ieodo. Mâu thuẫn chủ yếu là tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào Khu đặc quyền khai thác kinh tế của Hàn Quốc. Sự kiện ngày 12/12/2011 việc ngư dân Trung Quốc đâm chết cảnh sát Hàn Quốc đã dấy lên làn sóng chống Trung Quốc ở Hàn Quốc và làm cho quan hệ chính trị ngoại giao hai nước xấu đi, nhất sự kiện không may này xảy ngay trước năm 2012, kỷ niệm 20 năm lập quan hệ ngoại giao hai nước. Báo chí Hàn Quốc cho biết Tổng thống Lee Myung Bak có thể kéo dài hoặc hoãn chuyến thăm chính thức Trung Quốc dự kiến vào tháng 1/2012 nhân kỉ niệm 20 năm ngày hai nước lập quan hệ ngoại giao. Bóng mây đen hiện đang bao phủ lên quan hệ hai nước. Hơn nữa, ông Lee Myung Bak đã thăm Nhật Bản hai ngày (17-18/12/2011) để thảo luận biện pháp phối hợp hai nước trong việc ngăn chặn tàu cá Trung Quốc. Điều này  báo hiệu quan hệ hai nước thời gian tới có thể xấu đi và rơi vào lạnh giá.
- Quan hệ Trung – Nhật mới ra khỏi 10 năm “chính trị lạnh” và đi vào quỹ đạo bình thường, nhưng tháng 9/2010 đã xảy ra “sự kiện bắt giữ tàu cá Trung Quốc” ở vùng biển quần đảo Senkaku làm quan hệ hai nước trở nên căng thẳng và bầu không khí ngoại giao trở nên lạnh giá.
Thủ tướng Naoto Kan lên nắm quyền tháng 6/2010 đã thăm Mỹ và các nước nhưng không tới thăm Trung Quốc. Khi Nhật Bản bị thiệt hại và tổn thất nghiêm trọng do trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011, chính phủ Trung Quốc đã ngỏ ý viện trợ , nhưng Nhật Bản từ chối trong khi vẫn nhận viện trợ của tất cả các nước khác cho dù là nước nghèo trên thế giới. Điều này cho thấy, Nhật Bản vẫn giữ hoảng cách và cảnh giác đối với Trung Quốc.
Sau khi nắm quyền đầu tháng 9/2011, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihico Noda theo kế hoạch thăm Trung Quốc hai ngày (12-13/12/2011), nhưng đã hoãn lại do ngày 13/12 Trung Quốc tổ chức kỉ niệm “Vụ thảm sát Nam Kinh” cách đây 74 năm để lên án Nhật Bản. Chuyến thăm dự kiến được nối lại vào hai ngày 25-26/12/2011 với mục đích cải thiện quan hệ hai nước bị lạnh giá thời gian qua, nhất là Nhật Bản hy vọng Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò của Nhật do lo ngại bị nhiễm xạ, đồng thời mong muốn hai bên thảo luận ký kết Hiệp định phòng tránh nguy cơ xảy ra trên biển. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay kết quả chuyến thăm không mấy lạc quan cho dù năm 2012 là năm hai nước kỷ niệm 40 năm ngày lập quan hệ ngoại giao.
Năm qua, Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác quân sự với Mỹ và thực hiện “Chiến lược bốn vòng tròn đồng tâm” kiềm chế Trung Quốc. Tâm điểm là Liên minh Nhật – Mỹ, tiếp đó là vòng tròn hợp tác với các nước đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Hàn Quốc, Australia, Đài Loan. Vòng tròn thứ ba là tăng cường hợp tác với các nước ASEAN và vòng tròn thứ 4 là các nước vòng ngoài như Nga, Ấn Độ, Mông Cổ. Tuy kim ngạch buôn bán hai chiều Trung - Nhật năm 2010 đạt 301,8 tỉ USD, tăng 30% so với năm 2009, đạt mức cao kỉ lục trong lịch sử buôn bán hai nước cả về ba chỉ tiêu là xuất khẩu, nhập khẩu và tổng ngạch, nhưng năm qua quan hệ chính trị ngoại giao vẫn lạnh giá và Nhật Bản vẫn coi Trung Quốc là đối tượng chủ yếu để kiềm chế và đề phòng.
- Quan hệ chính trị, ngoại giao Trung Quốc – ASEAN năm qua bị xấu đi. Mặc dù hợp tác kinh tế Trung Quốc – ASEAN không ngừng tăng lên, ASEAN đã trở thành đối tác buôn bán lớn thứ 4 của Trung Quốc sau EU, Mỹ và Nhật Bản. Năm 2010 đạt 293 tỉ USD, tăng trên 37,5%, hai bên đang cố gắng phấn đầu đưa kim ngạch.buôn bán đạt 500 tỉ vào năm 2015. Nhưng quan hệ chính trị ngoại giao lại xấu đi, xung đột liên tiếp xảy ra với các nước có tranh chấp ở Biển Đông.
Tổng thống Benigno Aquino III thăm Trung Quốc 5 ngày (30/8 tới 3/9/2011) với một loạt hiệp định và hợp đồng hợp tác kinh tế trị giá 7 tỉ USD, ngoài ra hai nước ký   “Quy hoạch 5 năm phát triển hợp tác kinh tếTrung – Philippin” trị giá 50 tỉ USD, với 50 tỉ USD vốn FDI của Trung Quốc vào năm 2016. Nhưng ngay sau khi về nước đã lập tức triệu tập Hội nghị các nước thành viên ASEAN tại Malina, đưa ra những biện pháp hợp tác và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Kiến nghị này đã nhận được sự đồng thuận của các nước.
Cuộc xung đột vũ trang giữa trên vùng biên giới bang Kachin (Myanmar) giáp ranh với Trung Quốc đã làm Nhà máy thủy điện Tapai do Trung Quốc xây dựng tạm ngừng hoạt động. Dư luận Myanmar đòi đóng cửa nhà máy, vì cho rằng ảnh hưởng lớn tới môi trường đất nước. Xung đột quân sự khiến nhà máy thủy điện đóng cửa và Trung Quốc phải rút các nhân viên về nước, làm quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất vào Myanmar (tới 15,5 tỉ USD) và xung đột quân sự khiến đầu tư của Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Những sự kiện bất lợi đối với Trung Quốc đã làm cho Mỹ có cơ hội trở lại Châu Á–Thái Bình Dương và hình thành mô thức  “10+8”  trong Hội nghị thượng đỉnh Đông Á họp hai ngày 18/11 và 19/11/2011 ở Bali, Indonesia. Thời gian tới, tranh chấp Biển Đông sẽ là tiêu điểm trong quan hệ Trung–Mỹ.
Dư luận báo chí Phương Tây cho rằng hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế từ năm 2010 bị giảm sút, năm 2011 thậm chí bị thụt lùi. Ngoại giao láng giềng là một trong ba chiến lược ngoại giao lớn của Trung Quốc năm qua bị căng thẳng, bởi vậy, một số nước cho rằng “Trung Quốc là nước kinh tế lớn, nhưng chính trị cô lập”.
Kiều Tỉnh