Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Fr: Tweety nguyen* Thieu Vu
Tâm sự vụn ngày Tết 
van quang
Tôi viết bài này vào đúng ngày 30 Tết, ngày sắp bước sang năm mới.
Xin kính chúc Quý bạn đọc NĂM MỚI DỒI DÀO SỨC KHỎE, GẶP TOÀN MAY MẮN, GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC TRỌN VẸN.Cũng xin được tâm sự đôi điều với bạn đọc về cái sự “long đong” trong nghề “viết và lách” đúng nghĩa của tôi trong năm vừa qua. Đây chỉ là vài lời “tâm sự vụn” với bạn đọc, trong ngày cuối cùng đưa năm cũ qua đi, đón năm mới đang tới. Không thể gặp mặt bạn đọc để cùng ngồi “lai rai chuyện đời,” nhưng dù xa xôi cũng có thể “bù khú” cùng nhau qua trang báo để người đọc và người viết hiểu nhau hơn cho ấm lòng.

Nhiều bạn đọc hỏi tôi sao viết khỏe quá, bài đăng tùm lum tà la trên các báo. Thật ra, tôi 82 tuổi ta rồi, còn khỏe cái nỗi gì. Chẳng qua mấy tờ báo của anh em, bạn bè “thương quá” nên cứ đăng thôi. Báo nào khỏe thì “chi,” còn không thì “quên nó đi” cũng “hòa cả làng.” Còn “cụ” nào “xào lại” cứ “xào,” chứ có chết thằng Tây nào đâu.
Bây giờ mỗi tuần tôi chỉ viết đúng 1 bài, báo Tết cũng không viết, báo đặc biệt cũng xin thua. Viết để giữ cho đầu óc bớt cùn mòn và cũng đỡ “ngứa ngáy chân tay,” hổng viết thì làm gì đây? Bây giờ viết cũng chậm lắm rồi, cái tính cẩn thận bỗng từ cái tuổi già lòi ra nên phải “truy tìm tài liệu” rất tỉ mỉ. Gõ phím computer sai lung tung. Nhiều khi đọc lại 2 lần rồi cũng không hết lỗi. Các cụ cứ hỏi mấy ông chủ bút các báo thì biết, có khi một bài phải gửi đi gửi lại tới 3 lần, chắc các ông ấy chửi thầm dữ lắm “Bận bỏ cha mà cứ phải sửa lại bài ông già lẩm cẩm này hoài.” Tui biết mà, các ông đừng có chối. Khi nào chậm gửi bài là “meo” giục tơi bời làm tui bấn xúc xích.
Nhất là vào dịp Tết, thợ in nghỉ nên các ông ấy còn yêu cầu gửi bài sớm, thế là một tuần viết liền tù tì 2 bài. Đề tài ở VN thì không thiếu, toàn chuyện “vừa hay vừa ho,” vừa lạ vừa độc, vừa đọc vừa tức cái mình…, ngày viết một bài cũng dư sức qua cầu. Nhưng chọn đề tài mới là chuyện cần làm, phải gửi đến bạn đọc những tình tiết thật rõ ràng, những nhận xét khách quan chính đáng, không a dua, không viết chuyện “vô thưởng vô phạt” để bảo vệ nồi cơm điện National. Nói cho rõ là viết cái đáng viết, viết điều mà bạn đọc ở nước ngoài muốn biết rõ, biết đúng thực chất của vấn đề. Đấy là cái “Tâm” của người viết, còn có làm được hay không là do bạn đọc nhận định. Tất nhiên có bạn đồng ý, có bạn chưa thật sự hài lòng về một mặt nào đó, nhưng rộng lượng đánh chữ đại xá thôi. Làm sao mà cầu toàn được.

Chuyện đời vào Tết
Vào dịp Tết năm nào cũng vậy, có báo nghỉ 1 tuần, có báo vẫn ra như thường nên tui chẳng được nghỉ ngày nào. Báo ở Úc nghỉ đi làm từ thiện thì ông ở Canada và Mỹ vẫn cứ ra bình thường. Xin khai rõ, ở Úc tui cộng tác với tuần báo Văn Nghệ từ khi mới khai sinh cho tới bây giờ. Ở Canada tôi cộng thác với Thời Báo cũng từ hơn chục năm nay. Còn ở Mỹ có nhiều bạn bè hơn nên cộng tác với vài tờ nhật báo và tuần báo, tôi gửi bài hàng tuần. Với bạn bè, có nhiều ông bà “tuyên chỉ”: phải gửi bài cho tao đọc, còn tao Fw cho ai là quyền của tao. OK, gửi thì gửi. Xét ra công việc cũng nhẹ hều, nhấn chuột “một phát” là năm bảy chục cái meo đi cái vèo. Nhưng đôi khi lại hay quên, đêm trước thức đến 2-3g sáng xem đá bóng, hôm sau dậy muộn, cứ tưởng gửi bài rồi. Đến lúc có meo nhắc mới giật mình nhào vào gửi bài nên có khi gửi bài quên gửi hình hoặc gửi hình quên gửi bài. Cái tuổi già nó thế đấy, các cụ tha lỗi cho.
Còn chuyện đời vào dịp Tết, có độc giả hỏi cảm nghĩ của tôi thế nào. Tui trả lời rất thật lòng, tui cứ dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra, nguội lạnh như đống tro tàn. Bởi “bạn gần không có, bạn xa chưa về.” Đó chính là nỗi buồn lớn nhất của tuổi già, cứ như lưu lạc trên chính quê hương mình.
Hai tháng nay tôi không bước chân ra đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi là nơi người ta tổ chức đón xuân. Tôi cứ nghĩ năm nào cũng chỉ có bằng ấy chuyện thôi, xem mãi chỉ có người xem người. Vả lại nghĩ đến đất nước mình có 63 tỉnh thành thì có đến 11 tỉnh xin cứu đói trong dịp Tết này, thà không nhìn thấy cảnh xa hoa lòe loẹt còn hơn. Đến ngay những vở hài kịch Táo Quân năm nay được quảng cáo rầm rộ, chiếu hàng đêm trên truyền hình, tui cũng chẳng buồn xem. Thà ngồi xem đánh tennis, nhìn bà già Tàu Li Na “lắc mông” và Wawrinka hạ đo ván anh chàng Nadal “mất nết” còn thú hơn. Hết tennis thì đợi xem bóng đá. Còn cái món bóng méo, nhiều ông bạn tôi ở Mỹ khoái lắm, song tôi “cả ngố” chẳng hiểu luật lệ ra sao, cứ thấy nó húc nhau hùng hục, đành “nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt” cho qua. Cả đến những món ăn chơi như đua xe hơi, đua moto chiếu trực tiếp hàng ngày trên các đài Fox Sports, Euro Sport cũng là thứ hàng xa xỉ với tôi và có lẽ của hầu hết những người VN.
Thôi thì hẹn nhau đến tháng 6 này xem đá banh và “bình loạn” cùng nhau trong World Cup 2104 vậy. Dù dự đoán có sai cũng hơn ông vua bóng đá Pelé, trăm trận sai cả trăm. Năm 2015 lại có World Cup của Nữ. Tha hồ dự đoán. Mong rằng tới ngày đó tui còn ngồi gõ bàn phím thật được, chứ không phải bàn phím “made in âm phủ” loại hàng mã do con cháu đốt cho.

Hai cảnh đời trái ngược đón tết
Chán hơn, hôm qua đọc báo, thấy rõ hai cái cảnh trái ngược cứ như “chửi cha nhau” ngay trên đất nước mình. Mời các bạn cùng đọc 2 cảnh đời trong 2 bản tin mới toanh này nhé:
- Cảnh thứ nhất xảy ra tại Tây Ninh vào ngày 27 vừa qua: Con giết cha bị bại liệt rồi tự sát vì quá... khổ.
Suốt 10 năm nay, hàng ngày anh Trần Văn Kiệt, 27 tuổi, ở tại Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, đi làm thợ hồ kiếm tiền nuôi cha bị bại liệt. Tết gần đến mà bản thân lại mang nợ và không có tiền nên Kiệt quẫn trí, dùng kéo đâm chết cha mình rồi sau đó tự vẫn để giải thoát. Cha chết, Kiệt chưa chết bị bắt vào tù vì tội giết người!
- Đại gia Lê Ân vào phòng riêng thử siêu giường cùng vợ
Cũng vào hôm 27-1, trong khi anh Kiệt giết bố vì quá nghèo khổ thì đại gia Lê Ân






cùng bà vợ trẻ dắt tay nhau vào phòng ngắm chiếc “siêu giường” mới chuyển từ Anh về, vừa lắp ráp xong. Ông tính trưng bày cho bà con xem chơi vào dịp Tết này.
Để mua được chiếc giường đắt nhất thế giới này, ông đã chuyển sang Anh $184,000 USD. Tiền thuế nhập khẩu chiếc “siêu giường” sẽ phải đóng là 1.45 tỷ đồng.
Riêng tui, có cho thêm tiền cũng không xem chiếc giường đó vào ngày đầu năm. Sợ sui! Xem giường ngủ của vợ chồng người ta thì sướng cái gì! Vớ vẩn thật. Năm nay ở VN sao lắm chuyện “trái khoáy vạy đuôi không giống ai” thế. Cái “điềm” gì đây?

Vẫn cứ bị xao động
Thế nhưng vào ngày giáp Tết, ba đứa cháu con bà chị tôi ở Mỹ về, kéo đến thắp hương trên bàn thờ bà ngoại và mẹ các cháu, tôi vẫn thờ cúng, làm khuấy động tâm can. Các con tôi chẳng đứa nào về được vì bận con nhỏ. Có mấy đứa cháu thân thiết về thăm cũng thấy cái Tết đến và xao xuyến với những kỷ niệm cũ. Hôm nay là 30 Tết vẫn ngồi “cày.” Tôi tự hỏi thế là hết Tết rồi sao? Chưa đâu, ngày mai mùng một Tết, lũ cháu, con các ông anh bà chị tôi còn ở đây, kéo lên chúc Tết còn “đông vui” lắm. Năm nào cũng vậy, con cháu lên thăm, ông bà phải có cái bao lì xì mừng tuổi, có vài tờ tiền mới cho các cháu lấy hên và đó như một “bổn phận” của các cụ ông cụ bà và đã thành phong thục truyền thống. Các cụ thuộc loại già và rách như tôi chỉ bỏ vào bao lì xì xanh đỏ chừng 2 tờ giấy bạc 2,000 là đủ. Mọi năm cũng phải đi nhờ bạn bè đổi giúp mới có tiền lẻ mới. Nhưng năm nay nhà nước không in tiền hai ngàn nên bí quá, có cố bỏ vào tờ 5 ngàn cũng chẳng có tiền mới. Tui vẫn chưa nghĩ ra cách nào, có lẽ đành cho tiền cũ vào bao cho các cháu vậy.
Lý do không in tiền lẻ
Theo Ngân hàng nhà nước (NHNN) “lý giải” thì trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, điều này đã gây lãng phí rất lớn cho xã hội vì chi phí in ra một đồng tiền mệnh giá nhỏ thường cao hơn so với mệnh giá của chính đồng tiền đó. Ước tính, chi phí cho hoạt động in tiền mới mệnh giá nhỏ chiếm tới trên 300 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, công tác kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản các loại tiền này cũng rất tốn kém và phải huy động nhiều nhân lực.
Mặt khác, tại các khu di tích, đền, chùa, lễ hội, tiền mệnh giá nhỏ được người hành hương đi lễ đền, chùa sử dụng chưa phù hợp, điều này phần nào đã tạo ra những hình ảnh không đẹp, ảnh hướng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa trong đời sống tín ngưỡng dân gian và làm xấu đi hình ảnh của đồng tiền Việt Nam. Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao cũng là nguyên nhân làm phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và môi trường cảnh quan các khu di tích, đền chùa, lễ hội.

(Xem tiếp kỳ 2 đăng thứ Hai ngày 3/2/2014)
Văn Quang