Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

TIN BUỒN

Được tin buồn :
Danh Hài Xuân Phát ( Ông Nguyễn Xuân Phát ) – thân phụ của diễn viên điện ảnh Dustin Nguyễn –
Đã trút hơi thở cuối cùng lúc 23 giờ 15 phút ngày 11 tháng 6 năm 2014, tại bệnh viện Coastal Communities Hospital, Santa Ana, California - Hoa Kỳ,
Hưởng thọ 82 tuổi (1932 – 2014).
Linh cữu được quàn tại Peek Family Funeral Home, Westminster,California (Mỹ), trong hai ngày 14/6 và 15/6, sau đó hoả táng.                                                

Lại thêm một bạn già bỏ cuộc chơi :

          Danh hài Xuân Phát qua đời

Nguyễn Phương
Nữ nghệ sĩ Kim Tuyến điện thoại báo tin:
Danh Hài Xuân Phát – thân phụ của diễn viên điện ảnh Dustin Nguyễn – đã trút hơi thở cuối cùng lúc 23 giờ 15 phút ngày 11 tháng 6 năm 2014, tại bệnh viện Coastal Communities Hospital, Santa Ana, California Hoa Kỳ, hưởng thọ 82 tuổi (1932 – 2014).

Tôi bàng hoàng xúc động. Có quá nhiều bạn già nghệ sĩ cải lương, hát bội, thoại kịch, hài kịch, soạn giả đã bỏ tôi mà cưỡi hạc về chốn vĩnh hằng. Nay lại thêm bạn danh hài vui tính Xuân Phát ra đi…
Danh hài Xuân Phát tên thật Nguyễn Xuân Phát, sanh năm 1932 tại Saigon. Nếu tôi nhớ không lầm thì Xuân Phát có một người chị là nữ diễn viên cải lương Thanh Lựu, đào nhì của đoàn cải lương Kim Thanh – Út Trà Ôn năm 1956-1958.
Bà bầu Thơ đoàn hát Thanh Minh có nhà ở ngã tư đường Hưng Đạo – Phát Diệm, nhà của cô Thanh Lựu, chị của Xuân Phát ở phía trong một chút, qua khỏi bót cảnh sát giao thông quận nhứt ở đầu đường. Lúc tôi cộng tác với đoàn Thanh Minh, tôi có đến nhà cô Thanh Lựu mời cô tham gia các suất hát Hội do bà Phùng Há, Hội trưởng Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế, tổ chức hát trên sân khấu Thanh Minh, do đó tôi quen biết Xuân Phát và rất ngưỡng mộ anh khi biết anh là một diễn viên hài, cặp bài trùng Tùng Lâm – Xuân Phát đang là cặp diễn viên ăn khách nhất ở khu giải trí trường Thị Nghè..
Năm 1964, khi thủ đô Saigon có nhiều cuộc biểu tình của sinh viên học sinh và Phật Tử trong các cuộc đảo chánh hay chỉnh lý… các đoàn hát cải lương mất khán giả trầm trọng, để tăng thu nhập tôi bèn thêm một nghề tay trái là viết kịch ngắn 45 phút và hài kịch cho nhóm danh hài Tùng Lâm, Xuân Phát, Khả Năng, Phi Thoàn, Thanh Việt, Thanh Hoài. Lúc đó nhóm sáu danh hài này nổi danh Lục Hài Tướng trong chương trình Đại Nhạc Hội Cù Léc của Tùng Lâm hát hằng tuần vào sáng chúa nhựt ở rạp hát Quốc Thanh.
Sáu danh hài trong nhóm Lục Hài Tướng thường biểu diễn ăn ý với nhau từng cặp đôi là Khả Năng với Phi Thoàn, Thanh Việt với Thanh Hoài, Tùng Lâm với Xuân Phát.
Trong nhóm Lục Hài Tướng, nhiều danh hài dùng lối giễu hình, nhăn mặt, méo miệng, nói tía lia, nói cà lăm hoặc nói nhừa nhựa, làm nhiều động tác quái dị hay buồn cười để Cù Léc khán giả, riêng danh hài Xuân Phát thì không dùng lối giễu hình, không gây cười bằng sự dị dạng méo mó mặt mày. Nhờ vào cái duyên sân khấu bẩm sinh, danh hài Xuân Phát lại có khả năng sáng tác kịch bản nên anh biết khai thác những tình huống hài trong tuồng mà soạn giả đã tạo cho anh đất diễn, anh khai thác đúng lúc, đúng thời điểm gây cười.
Trước năm 1975, danh hài Xuân Phát thường xuyên diễn chung với danh hài Tùng Lâm, Khả Năng, Phi Thoàng trong các chương trình Đại Nhạc Hội ở rạp Quốc Thanh, rạp Thủ Đô, rạp Hào Huê. Cả bốn danh hài được ông chủ hãng phim Mỹ Vân mời đóng các phim như Tứ Quái Saigon, đóng chung với nữ diễn viên Kim Cương và nam tài tử La Thoại Tân, phim Triệu Phú Bất Đắc Dĩ (diễn viên chính Thanh Nga), Năm chàng Hiệp Sĩ Bất Đắc Dĩ (Mỹ Vân Phim) Xuân Phát cũng có đóng các vai phụ trong phim Lẽ Sống Đời Tôi (diễn viên chính Kiều Chinh), phim Lệnh Bà Xã (Hãng phim Mỹ Ảnh Chợ Lớn) phim Con Ma Nhà Họ Hứa (diễn viên chính Bạch Tuyết – hãng phim Dạ Lý Hương).
Ngoài khả năng diễn hài, nghệ sĩ Xuân Phát có thể đóng các vai lão bi, lão độc hay kép ba trong các tuồng cải lương. Anh đã có dịp hát trên sân khấu đoàn cải lương Dạ Lý Hương, anh ca những bản Bắc: Tây Thi, Xuân Tình… các bản nhỏ: Kim Tiền Bản, Kim Tiền Huế, Mẩu Tầm Tử, Xang Xừ Líu cũng rất hay. Bài ca vọng cổ, các bản buồn như Nam Ai, anh cũng biết nhưng có lẽ vì thiên về diễn hài kịch nên anh ca các bản đó nghe không hay. Tuy anh vóc dáng cao ráo, nước da trắng, động tác diễn xuất chững chạc, nhưng phần ca các bài bản mùi của anh yếu, nên đi hát cải lương anh chỉ có thể đóng kép phụ, vì vậy qua một thời gian thử sức ở lãnh vực sân khấu cải lương, anh trở về với sở trường của anh trong lãnh vực hài kịch.
Về sáng tác, nghệ sĩ Xuân Phát có hai vở tuồng rất ăn khách trên sân khấu Dạ Lý Hương. Đó là tuồng Tình Chú Thòng và tuồng Tình Anh Bảy Chà. Nghệ sĩ Hùng Cường thủ vai Chú Thòng và vai anh Bảy Chà. Xuân Phát cũng thành công khi sáng tác hai vở hài kịch thu dĩa (hãng dĩa Việt Nam) Đắc Kỷ Ho Gà, Tiết Giao Đoạt Ngọc.
Các vở Tình Chú Thòng, Tình Anh Bảy Chà, Tiết Giao Đoạt Ngọc, Đắc Kỷ Ho Gà là những vở tuồng hài chớ không phải chính kịch. Anh Xuân Phát tự thấy khó thành công trong việc sáng tác tuồng cải lương nên anh trở về với hài kịch.
Năm 1970, tôi thành lập Công ty tổ chức Đại Nhạc Hội, Tùng Lâm, Xuân Phát và hề Châu Hí, mỗi người có một phần hùn. Anh Xuân Phát bán cho công ty chiếc xe traction avant của anh để công ty dùng trong việc di chuyển và phát quảng cáo. Anh đã thu tiền bán chiếc xe, làm giấy bán tay chớ chưa chánh thức sang tên.
Sau bốn suất Đại Nhạc Hội ở rạp Quốc Thanh, Hào Huê và Thủ Đô, chúng tôi đi Vũng Tàu để thư giãn đồng thời để xem coi có thể hát vài suất ở Vũng Tàu, Bà Rịa, Biên Hùng hay không. Hề Châu Hí lái xe, Xuân Phát ngồi trước với Châu Hí, Nguyễn Phương ngồi sau lưng Xuân Phát, và hề Tùng Lâm ngồi sau lưng Châu Hí ở băng sau.
Chuyến trở về, 6 giờ chiều xe chúng tôi đến ngã ba Bà Rịa thì bị một cơn mưa rất lớn. Gió mạnh, tôi đề nghị kiếm khách sạn ngủ lại, sáng mai mới trở về Saigon nhưng ba anh Tùng Lâm, Xuân Phát và Châu Hí đều cương quyết phải về ngay trong đêm vì hôm sau các anh có chương trình thu thanh ở Đài phát thanh Saigon.
Xe về đến dốc 47, vẫn còn mưa lớn, gió rất mạnh, hề Châu Hí lái xe quá nhanh, lạc tay lái, xe đâm vào một tảng đá lớn, xe lật, lăn quay nhiều vòng. Chúng tôi bất tỉnh, kẹt trong xe không ai chui ra được.
Khi tỉnh dậy, Tùng Lâm, Xuân Phát và tôi được một chiếc xe jeep nhà binh nhân chạy ngang qua thấy có tai nạn xe lật, đại úy và các binh sĩ đã xuống xe, cứu chúng tôi ra khỏi chiếc xe lật và chở về trạm cấp cứu của nhà thương tỉnh Biên Hòa. Riêng anh Châu Hí thì đầu đập mạnh vào tản đá, vỡ sọ, ngực bị volant xe hơi ép lại, gãy xương ngực, anh chết ngay tại chỗ. Cảnh sát tới lập biên bản, gỡ Châu Hí ra, đưa về nhà xác.
Tùng Lâm bị gãy tay, tôi và Xuân Phát bị miểng kiếng cắt nhiều vết thương trên cánh tay mặt và một phần trên ngực, không đến nỗi nặng lắm vì xe đập mạnh về phía của tài xế Châu Hí và nơi xe lật xuống là lề đường có một vũng bùn đất nhão nên Tùng Lâm, Xuân Phát và tôi thoát chết.
Lần đó an táng hề Châu Hí, chúng tôi chịu mọi chi phí, số tiền còn lại của phần hùn cũng tặng giúp cho gia đình Châu Hí, coi như Công Ty tổ chức Đại Nhạc Hội rã sau tai nạn xe hơi đó. Rất may là gia đình không kiện ông chủ xe (Xuân Phát) vì người lái xe là Châu Hí nên gia đình cũng nhận trách nhiệm tai nạn do chính Châu Hí gây ra.
Lại một kỷ niệm khác về Xuân Phát, một nghệ sĩ tận tâm với nghề hát, không màn đến hiểm nguy khi muốn hoàn thành vai diễn của mình.
Lúc quay phim Năm chàng hiệp sĩ bất đắc dĩ của hãng phim Mỹ Vân, Lê Hoàng Hoa đạo diễn. Các anh Tùng Lâm, Xuân Phát, Khả Băng, Phi Thoàn và Thanh Việt phải thực hiện một cảnh bị bọn cướp rượt đuổi, các anh hiệp sĩ lấy trong túi ra những cái bong bóng, thổi cho lớn lên, cột lại thành một chùm rồi cùng nắm dây cột bong bóng đó để cho bong bóng bay lên, kéo năm chàng hiệp sĩ bay lên nóc nhà, khiến cho bọn cướp không truy bắt được. Chuyện vô lý nhưng vì là phim giễu nên đạo diễn Lê Hoàng Hoa nhứt định là năm chàng hiệp sĩ phải thực hiện cảnh bay từ dưới đất lên nóc nhà nhờ các bong bóng bay.
Để thực hiện cảnh này, đạo diễn yêu cầu các diễn viên lên mái nhà của hãng giấy Cigodo ở Biên Hòa, nhảy xuống, phía dưới lót hai lớp thùng carton lớn, bên trên có hai lớp đệm mút cao su. Lê Hoàng Hoa đã có kinh nghiệm quay phim kiếm hiệp Tàu, nói rằng các diễn viên Tàu phi thân cũng nhảy từ trên xuống các thùng carton để giảm sức nặng, rất an toàn. Máy quay phim quay chạy ngược khi quay nên lúc chiếu ra sẽ thấy các hiệp sĩ từ dưới đất nhảy lên mái nhà.
Các hiệp sĩ Khả Năng, Phi Thoàn, Thanh Việt đều ớn xương sống, không dám liều mạng nhảy từ nóc nhà xuống mặc dù ông Mỹ Vân hứa tặng mỗi diễn viên thực hiện cảnh này mỗi người 20.000 đồng. Tùng Lâm thấy tiền là mê ngay, anh nghĩ thân mình anh nhỏ con, nhẹ ký, nhảy xuống đống thùng carton và nệm mousse thì chắc không đến nỗi nào, nhưng một mình anh thì anh cũng không dám đứng trên nóc nhà để chờ ông đạo diễn ra lệnh cho máy quay. Tùng Lâm năn nỉ Xuân Phát cùng với anh thực hiển cảnh nhảy lầu nguy hiểm này. Xuân Phát lúc đầu không chịu, sau vì Tùng Lâm năn nỉ quá, nói hai người như bóng với hình, thành công cùng hưởng, chết cùng chịu, với lại chủ hãng phim thấy cũng an toàn mới thực hiện cảnh này, nếu không an toàn, có nguy hiểm cho diễn viên thì hãng phim bồi thường cũng sạt nghiệp, Xuân Phát nghe nói có lý, bèn thực hiện cú nhảy nguy hiểm đó. Cũng may là không có tai nạn xảy ra, nhưng sau đó Xuân Phát nói mình ngu quá, nghe bạn ỉ ôi năn nỉ là liều mạng làm theo, nếu gãy chân, trẹo bảng họng thì thân mình thương tật mình mang chớ bạn bè hay chủ hãng phim cứu mình được sao?
Cốt truyện phim của Lê Khanh, nên anh Lê Khanh không đồng ý năm hiệp sĩ mà chỉ có hai hiệp sĩ bay lên còn ba hiệp sĩ kia thì trốn trong ổ rơm. Anh yêu cầu năm hiệp sĩ cùng bay lên khán giả mới thích và như vậy thì khi quay phim, cả năm anh danh hài phải nhảy từ trên nóc nhà xuống. Lúc đó tôi làm phó đạo diễn, tôi đề nghị với Lê Hoàng Hoa và ông Mỹ Vân có thể thực hiện cảnh quay này an toàn hơn, ít tốn kém hơn. Ông Mỹ Vân nói nếu ý kiến của tôi thực hiện được thì ông thưởng cho tôi 10.000 đồng.
Tôi thấy khi đạo diễn nhờ các anh lính cứu hỏa dùng thang máy đưa Tùng Lâm và Xuân Phát lên nóc nhà, sau đó, thang máy của xe cứu hỏa dời ra khỏi trường quay thì đạo diễn hô máy quay. Tôi nhờ xe của hãng phim chở tôi về đoàn hát TMTN, mướn anh xếp dàn cảnh, chuyên viên kéo dây bay cho diễn viên trong các tuồng của đoàn hát, đem theo năm bộ dây bay cho nghệ sĩ dùng trong tuồng và dây thép, móc thép dùng trong việc kéo cho các nghệ sĩ đóng vai hiệp sĩ bay trên sân khấu. Đến địa điểm quay phim, anh xếp dàn cảnh bảo các diễn viên cởi áo ra, mặc vô áo giáp bay may bằng dây dù lớn bản, cái móc sắt để móc dây kéo lên để ngay sau cổ, xong các diễn viên mặc bên ngoài áo diễn của hãng phim.
Một đầu dây thép có móc sắt để kéo các diễn viên bay lên thì được các anh lính cứu hỏa cột trên đầu thang máy của xe cứu hỏa, đầu dây khác có móc sắt thì móc giấu vào một nhánh cây dưới chân vách tường của hãng giấy Cogido, nơi mà các diễn viên vừa thổi bong bóng, vừa núp như canh chừng bọn cướp, đó là phương pháp kéo dài thời gian để cho các diễn viên thay phiên nhau móc móc sắt sau lưng cho bạn diễn. Dây thép cột trên thang máy của xe cứu hỏa có năm cái móc sắt để móc vào năm cái móc sắt có Dây trên lưng năm người, khi thang máy kéo lên thì năm người chụm lại, người này ôm người kia và cùng nắm dây có bong bóng, khi thang máy kéo dần lên và đưa lên nóc nhà thì người xem hát thấy các diễn viên nắm mấy bong bóng mà bay lên.
Vì dây thép nhỏ, lại được quay không có bóng mặt trời rọi, đạo diễn cho đốt một đống rơm un khói nên khi thu hình, không thể thấy được sợi dây sắt nhỏ đó.
Lần quay phân cảnh đó thành công quá sức tưởng tượng, ông Mỹ Vân thưởng thêm cho mỗi diễn viên 5000 đồng, nhóm lính cứu hỏa được 10.000 và anh xếp dàn cảnh giúp làm dây bay được 5000 đồng.
Xuân Phát nói anh sẽ đem tặng cho gia đình Châu Hí 10.000 đồng vì anh van vái vong hồn Châu Hí phù hộ cho anh tai qua nạn khỏi khi thực hiện cảnh quay này. Tôi và Tùng Lâm cũng cúng mỗi người năm ngàn gọi là giúp cho gia đình bạn quá cố.
Nhắc đến Xuân Phát, tôi không chỉ nghĩ tới tài nghệ và cống hiến của anh cho khán giả và sân khấu hài kịch mà tôi nhớ nhiều nhất là tánh tình khả ái của anh, lúc nào cũng vui cười cùng bạn diễn, thường giúp đỡ những bạn kém may mắn hơn anh. Làm việc đúng giờ, tận tâm với nghệ thuật và bạn diễn.
Sau năm 1975, chúng tôi không có dịp gặp nhau, không biết tin tức của nhau. Tôi định cư ở Canada, sau này được các bạn cho biết anh Xuân Phát ở Nam California, vẫn được mời diễn trên các DVD, phim ảnh; và anh có con trai là một tài tử đóng phim Hoa Kỳ, tôi rất mừng và thán phục anh.

Linh cữu danh hài Xuân Phát được quàn tại Peek Family Funeral Home, Westminster, California (Mỹ), trong hai ngày 14/6 và 15/6, sau đó hỏa táng, Nguyễn Phương rất tiếc là không đến được Nam California để đưa tiễn anh nên xin được thắp một nén nhang tưởng niệm, cầu nguyện hương linh của anh sớm về nơi cực lạc.
Xin thành thật chia buồn cùng chị Xuân Phát và các cháu.
Hơn ba mươi năm xa Xuân Phát, vẫn nhớ về bạn.

Nguyễn Phương 93 tuổi
(Thời Báo)