Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

TRIỀU TIÊN THAM NHŨNG

Triều Tiên: Tham nhũng với màu sắc tạp chủng tư bản và xã hội chủ nghĩa

Bắc Triều Tiên: Tham nhũng với màu sắc tạp chủng tư bản và xã hội chủ nghĩa
© Photo: East News/Value Stock Images
Tiếng Nói Nước Nga -Tham nhũng là điều ác. Sự thật hiển nhiên này lại không hẳn như vậy nếu bạn có dịp làm quen với tình hình xã hội Bắc Triều Tiên ngày nay.

Một nền kinh tế xáo trộn giữa nhà nước và tư nhân đã thay thế cho hệ thống xã hội chủ nghĩa nhà nước do ông Kim Il Sung gây dựng ở Bắc Triều Tiên và bị sụp đổ vào đầu những năm 1990. Ngày nay, phần đáng kể thu nhập của người dân là kết quả các hoạt động mang tính chất thị trường. Tuy nhiên, không nên quên là bộ phận thị trường của Bắc Triều Tiên vẫn ngoài vòng pháp luật, hoạt động của người lao động ở đây là bất hợp pháp.
Trước hết, điều này liên quan tới đông đảo người làm việc trên các thửa ruộng bậc thang thuộc quản lý tư nhân. Đây là sự kiếm tiền phi pháp xét từ quan điểm pháp luật chính thức. Người dân trao đổi trên thị trường khá nhiều mặt hàng cấm. Ví dụ, gạo và ngô, cũng như các loại lương thực nói chung không được kinh doanh tự do tại Bắc Triều Tiên. Vậy mà đã 20 năm qua, người ta phớt lờ những hiện tượng này. Nhân dân tích cực đi lại trong nước và không quá lo lắng liệu họ có hay không có giấy phép. Theo qui định thì ai cũng cần xin phép chính quyền địa phương nếu có ý định ra khỏi phạm vi thành phố hoặc huyện lỵ.
Tất nhiên, nguyên nhân hàng đầu cho phép làm như vậy là bởi quan chức các cấp sẵn sàng làm ngơ với biểu hiện vi phạm. Có trường hợp là nhờ quen biết hay quan hệ tốt. Chẳng hạn, một nhân viên an ninh thông cảm với bà chủ nồi ngô luộc, mặc dù bà đang kinh doanh trái phép. Tuy nhiên, hầu hết các tình huống vi phạm được bỏ qua đều đi kèm biểu hiện tư lợi của nhân viên nhà nước. Một hoàn cảnh nghịch lý hình thành ở Bắc Triều Tiên vào đầu những năm 1990: pháp luật giữ nguyên hiện trạng của nền kinh tế nhà nước xã hội chủ nghĩa những năm 1960-1970. Trong khi đó, xã hội và nền kinh tế âm thầm chuyển mình. Vì lý do chính trị, chính quyền không muốn thừa nhận những thay đổi đang diễn ra và các qui định lỗi thời vẫn giữ nguyên hiệu lực trên văn bản. Thế là nảy sinh cơ hội cho cán bộ nhà nước làm giàu. Họ có thể bỏ qua những vi phạm không còn hợp thời nếu đối tượng của sự khiển trách sẵn sàng bày tỏ sự cảm ơn.
Dường như đây là một tệ nạn xấu xa. Nhưng hãy thử hình dung điều gì sẽ xảy ra với Bắc Triều Tiên nếu nhân viên thực thi pháp luật cương quyết không nhận hối lộ và sốt sắng thi hành qui định dập khuôn đã trở nên phi lý. Ví dụ, hậu quả của cấm mua bán lương thực sẽ là nạn đói. Nhà nước hiện nay đã mất khả năng đáp ứng cho hệ thống tem phiếu hoạt động trôi chảy. Sự tuân thủ nghiêm ngặt lệnh cấm di chuyển tự do trong nước cũng sẽ dẫn tới những hậu quả tai hại, làm tê liệt sự thông thương của nền kinh tế ngày nay biểu hiện rõ nét thị trường. Do đó, có thể nói rằng tham nhũng ở Bắc Triều Tiên lúc này phần nào là yếu tố tích cực. Nhờ các quan chức vui vẻ nhận hối lộ mà một bộ phận người dân có cơ hội kiếm kế sinh nhai.
Thói quen tham nhũng đã không còn xa lạ với hầu hết quan chức Bắc Triều Tiên. Xã hội cũng coi nó như hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới cho thấy các quốc gia có hối lộ là hiện tượng phổ biến chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức rất khác nhau. Hy vọng sớm muộn, luật pháp Bắc Triều Tiên sẽ được sửa đổi, hủy bỏ các hạn chế vô lý đã lỗi thời và người dân sẽ không còn nhu cầu hối lộ cán bộ nhà nước.
http://vietnamese.ruvr.ru/2014_05_07/272085662/