Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

DÂN SỐ VIỆT NAM ĐANG LÃO HOÁ NHANH CHÓNG

Gia tăng tuổi thọ
(NCT)Tại cuộc họp báo với chủ đề "Lão hóa dân số ở Việt Nam: Các thách thức đối với phát triển kinh tế- xã hội của đất nước" vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia về dân số đều nhận định rằng ở Việt Nam ngày càng có nhiều ông bà khỏe mạnh mang lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cũng cho thấy, số lượng NCNiên  đang tăng nhanh hơn bất kì nhóm dân số nào khác.
VN LAO HOA NHANH 
 Ảnh Vĩnh Cát


Năm 1999, số cụ trên 100 tuổi là 3.000 cụ thì năm 2009 là 7.200 cụ. Đồng thời, thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn "già hóa" sang cơ cấu dân số "già" sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Cụ thể là Thụy Điển phải mất tới 85 năm, Nhật Bản là 26 năm, Thái Lan là 22 năm, trong khi dự đoán ở Việt Nam chỉ là 20 năm.
Theo TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, số NCT từ 60 tuổi trở lên năm 2009 là 9% thì đến năm 2010, con số này là 9,4% (tăng 0,4%). Thời điểm này, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số". Trong tương lai, tốc độ già hóa sẽ không phải 0,4% nữa mà sẽ là 0,5% - 0,6% và đến năm 2025, Việt Nam sẽ bước vào thời kì dân số "già".
Ông Bơ-rúc Cam-ben thì lạc quan rằng, lão hóa dân số phản ánh những thành công trong quá trình phát triển của con người. Chúng ta sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn bao giờ hết là một trong những thành tựu của nhân loại. Già hóa dân số là xu hướng tất yếu khi kinh tế, xã hội mỗi quốc gia ngày một phát triển, đời sống vật chất của người dân được nâng cao. Bởi vậy, già hóa dân số có tác động tới tất cả các khía cạnh của đời sống con người. Trong lĩnh vực kinh tế, già hóa dân số sẽ có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, thị trường lao động, lương hưu, thuế và chuyển giao giữa các thế hệ. Trong lĩnh vực xã hội, già hóa dân số sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, cơ cấu gia đình và sắp xếp cuộc sống, nhà ở và di cư. Trong lĩnh vực chính trị, già hóa dân số có thể ảnh hưởng tới xu hướng bầu cử và tính đại diện...
Để già không còn là gánh nặng
Các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, Việt Nam cần có những tác động tích cực và sâu rộng tới nâng cao cuộc sống và sức khỏe của nhóm dân số cao tuổi đang ngày càng gia tăng. Khi đó, già hóa dân số sẽ không phải là gánh nặng, mà thực sự là một thành tựu của sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Để các chính sách và chương trình quốc gia được thiết kế và thực hiện rộng rãi đáp ứng được nhu cầu về chăm sóc y tế và bảo trợ xã hội cho nhóm dân số cao tuổi, Việt Nam cần có các chính sách, chiến lược thực tế và phù hợp được xây dựng dựa trên bằng chứng từ các nghiên cứu định tính và định lượng. Những nghiên cứu này phải phân tích mối tương quan giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế cũng như các nhu cầu về dịch vụ xã hội dành cho NCT. Mặt khác, cần tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chăm sóc NCT với sự tham gia của mọi thành phần xã hội. Trong đó, kết hợp chăm sóc ở cộng đồng, ở nhà với chăm sóc tại các cơ sở của Nhà nước và tư nhân. Giáo dục truyền thông sức khỏe để tăng cường nhận thức và kiến thức về già hóa khỏe mạnh; tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội với tăng trưởng, phát triển kinh tế nhằm bảo đảm và nâng cao thu nhập cho NCT thông qua tạo việc làm và phúc lợi hưu trí. Sử dụng các lợi thế của "thời kì dân số vàng" với mục đích để nhóm dân số tuổi cao này sẽ có thu nhập cao hơn trong tương lai.
Trong thời gian tới, chế độ hưu trí hiện hành sẽ được cải cách hướng tới một hệ thống các tài khoản cá nhân với mức đóng góp được xác định trước. Đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm dân số khác nhau, trong đó bảo hiểm tự nguyện cần được liên kết và liên thông với các chương trình bảo hiểm bắt buộc và các loại hình bảo hiểm khác dựa vào khả năng thanh toán. Đồng thời, mở rộng trợ cấp xã hội cho NCT dễ bị tổn thương hướng tới một hệ thống toàn cầu, trong đó tập trung đặc biệt vào NCT sinh sống ở khu vực nông thôn và phụ nữ cao tuổi…
Khánh Linh