Tiếng Nói Nước Nga 31.01.2012
Rắc rối ngoại giao hai năm trước đây giữa Oslo và Bắc Kinh đột nhiên biến thành vụ scandal ở Bắc Cực. Na Uy có ý định ngăn chặn Trung Quốc gia nhập Hội đồng Bắc Cực với tư cách quan sát viên thường trực.
Quan hệ giữa hai nước đã trở thành căng thẳng vào mùa thu năm 2010, khi nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba được trao tặng giải Nobel Hòa bình. Quyết định này của Ủy ban Nobel Na Uy đã gây ra phản đối mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh, mặc dù trước đó hai nước có quan hệ đối tác. Biên tập viên cổng thông tin “Na Uy của Nga” Pavel Prokhorov nói: “Trước khi trao tặng Giải Nobel cho nhà bất đồng chính kiến, Trung Quốc và Na Uy đã tích cực phát triển quan hệ song phương. Chẳng hạn, hai bên đã chuẩn bị ký kết thỏa thuận về thương mại tự do, văn kiện quy định áp dụng mức thuế hải quan thấp chưa từng thấy về hàng hoá của hai nước. Hơn nữa, Na Uy có thể được bảo đảm ưu tiên nhiều hơn EU. Nhưng sau đó có quyết định về việc trao tặng giải Nobel và phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng, Ủy ban Nobel không phải là một cơ quan độc lập và hành động của nó phù hợp với đường lối chính sách đối ngoại của Na Uy”.
Hành trình đường biển qua Bắc Băng Dương phục vụ lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Chuyên viên Chí Chzhie, Phó Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế hiện đại (Trung Quốc) nhấn mạnh, hành trình qua Bắc Băng Dương bảo đảm an toàn hàng hải: “Hiện nay, những quốc gia khác nhau nghiên cứu khả năng vận chuyển hàng hóa qua Bắc Băng Dương. Bởi vì trên hành trình từ châu Âu qua kênh đào Suez có nguy cơ vấp phải bọn cướp biển Somali và cướp biển ở eo biển Malacca. Nếu vận chuyển hàng hoá qua Bắc Băng Dương thì tiết kiệm rất nhiều tiền mà bây giờ những khoản tiền này được dùng để bảo vệ các tuyến hàng hải”.
Khả năng truy cập hành lang giao thông không phải là mục tiêu duy nhất gây sự quan tâm của Bắc Kinh ở vùng Bắc Cực. Theo đánh giá của các nhà khoa học, ở khu vực này tập trung hơn 25% dự trữ dầu khí toàn cầu. Nguồn tài nguyên của Trung Quốc bị hạn chế, vì thế Bắc Kinh rất coi trọng khu vực này. Sau đây là ý kiến của chuyên viên Alexander Khramchikhin, Viện Phân tích Chính trị Quân sự: “Nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng với nhịp độ cao như hiện nay, thì trong tương lai gần, nước này sẽ không đủ các nguồn tài nguyên trên thế giới. Khó có thể hạn chế tính hám lợi của Trung Quốc phạm vi toàn cầu. Đây là vấn đề lớn, không ai biết phải làm thế nào với nó. Nếu nói về Bắc Cực thì vấn đề này khá rõ. Trung Quốc không phải là một quốc gia Bắc cực và không có quyền đưa ra tham vọng lãnh thổ hoặc khu mặt biển ở vùng Bắc Cực”.
Báo cáo của Viện nghiên cứu hoà bình ở Stockholm (International Peace Research Institute) viết rằng, Bắc Cực có thể trở thành một khu vực mà Trung Quốc sẽ theo đuổi lợi ích địa chính trị của mình. Phải chăng chỉ riêng Trung Quốc mà thôi? Cuộc xung đột đang bùng lên giữa Oslo và Bắc Kinh cho thấy rõ rằng, tầm quan trọng của Bắc Cực như một Klondike mới và đầu mối căng thẳng thế giới ngày càng tăng lên./.