Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

VĂN QUANG - VIẾT TỪ SÀI GÒN

Fr : Loan Phan*BMH

         Bệnh “sợ đủ thứ”

Đã vài lần, tôi đã viết về những bệnh viện (BV) ở VN, trong đó tìm mỏi mắt mới ra một vài BV tốt và những vị bác sĩ (BS) còn nhớ được lời thề Hippocrates ­(lời thề y đức) với chính mình và “lương y như từ mẫu”, một câu ca tụng rất bình thường của người VN từ xa xưa. Nhưng ngày nay mỗi ngày một nhiều những vị được gọi là “lương y như đồ tể”. Một lời thóa mạ cay đắng dành cho các “từ mẫu”, ai nghe cũng thấy đắng lòng. Chẳng ai muốn như vậy.
Nhưng những sự thật trước mắt còn cay đắng hơn thế, những sự thật không ai có thể ngờ tới. Ngay cả những vị BS có lương tâm cũng phải bàng hoàng và tôi hiểu sự đau đớn cùng sự xấu hổ của các vị này vì trong “ngành mình” có những sự việc tồi tệ đến như vậy. Chính vì thế nên tôi phải viết thêm bài này, tường thuật với bạn đọc những sự thật và những vấn đề gai góc bên cạnh những gì vừa xảy ra. Tất nhiên trong ngành nghề nào cũng có kẻ tốt người xấu. Ngay trong giới giáo chức hay trong “hàng ngũ” quan quyền, kể cả trong “hàng ngũ” những vị được cử ra ngồi xét xử tội phạm gọi là “quan tòa” cũng còn đầy rẫy những bất công, bất hợp lý.
“Bức xúc” và phẫn nộ hoàn toàn khác nhau
  Hầu hết các BV công ở VN từ nhiều năm nay đã khiến người dân sợ hãi mỗi khi phải bước tới, mỗi khi phải đứng trước các vị BS. Thời gian gần đây, chỉ tính trong vài tháng vừa qua đã có quá nhiều những bê bối, những “thảm cảnh” làm người dân cả nước phẫn nộ. Tôi cần nhấn mạnh hai chữ “phẫn nộ” chứ không chỉ là hai từ dùng chung chung “bức xúc” để có thể hiểu nhẹ hều là bực bội vì bị kiến cắn, là tức mình, là không hài lòng vì bị bố mẹ mắng oan… Cần phải phân định rõ trắng đen như vậy cho chữ nghĩa VN sáng tỏ hơn. Người ta phẫn nộ bởi sự vô lương tâm của những con người được mệnh danh là trí thức, là ưu tú của xã hội. Cần phải nói thêm, trong tình trạng thoái hóa mọi mặt từ đời sống khó khăn, kinh tế suy thoái, từ đạo đức băng hoại dồn đẩy con người phạm vào tội ác ngày càng nhiều, càng mang tính “dã man” hơn. Một người nông dân, không sinh sống được với ruộng đất, phải nhào ra thành phố kiếm việc làm. Nhưng mất việc, dù cố gắng đến đâu cũng chẳng tìm ra chỗ nào cho một việc làm đủ nuôi thân, anh ta phải làm liều, một số các cô gái phải bán thân. Họ không muốn như vậy, song hoàn cảnh buộc họ bước chân vào con đường nhơ nhớp. Hầu hết họ là thành phần ít học, kém hiểu biết. Thế nhưng các ông trí thức có công ăn việc làm đàng hoàng, nhưng mắc bệnh “thích đủ thứ” nên móc túi dân thường xuyên liên tục mới là điều đáng nói. Hậu quả họ gây ra cho xã hội vô cùng bi thảm, bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người chết oan vì họ. Bên cạnh đó là những ông “sợ đủ thứ”, ngậm miệng làm thinh nên xã hội mới loạn. Lúc này chắc chắn nhiều bạn đọc đã biết về sự kiện lạ lùng có một không hai vừa được tố cáo tại BV đa khoa huyện Hoài Đức thuộc TP thủ đô Hà Nội. – Tôi tường thuật ở đoạn sau – Liều “thuộc độc” này đã làm tràn ly với những “thảm cảnh” khác. Tuy vậy, những “thảm cảnh” này chỉ phản ảnh được một phần nhỏ những gì đã từng xảy ra và rất có thể sẽ còn tiếp tục xảy ra cho hơn 90 triệu dân VN.

  - 3 cháu bé chết vì tiêm văc-xim
Chỉ mới tháng trước đây thôi, 3 bé sơ sinh đã cùng tử vong sau khi tiêm (hay còn gọi là chích) văcxin viêm gan B tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) khiến người dân cả nước hoang mang về quy trình và chất lượng tiêm chủng cho trẻ. Sáng 20/7, chỉ 10 phút sau khi y tá tiêm xong rời khỏi phòng, các bé bắt đầu khó thở, tím tái rồi lịm dần. Số văcxin viêm gan B dành cho trẻ sơ sinh tiêm cho các bé nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia, được sản xuất năm 2012 và hạn dùng năm 2015, do Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị cấp cho bệnh viện. Bộ Y tế xác định Bệnh viện Hướng Hóa đã mắc một số sai sót trong việc thực hiện tiêm chủng. Những khảo sát sau đó của Bộ Y tế cho thấy không chỉ Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa mà rất nhiều bệnh viện trên toàn quốc đã bảo quản văcxin sai quy trình như tủ lạnh bảo quản văcxin hay nhiệt kế theo dõi hỏng, nhân viên chưa nắm vững cấp cứu khi có sốc phản vệ... Các chuyên gia y tế đánh giá văcxin Việt Nam đang sử dụng thuộc thế hệ cũ, vì thế tỷ lệ phản ứng và tai biến thường gặp hơn. Ngày nay văcxin thế hệ mới an toàn hơn rất nhiều. “Tai nạn” cho 3 em bé Quảng Trị khiến nhiều người nhắc trở lại vấn đề chất lượng văcxin, đặc biệt là loại văcxin 5 trong 1 Quinvaxem liên quan đến hàng chục em bé qua đời sau tiêm dù đã xảy ra cả năm trời. Bộ Y tế chỉ thị tạm ngừng tiêm văcxin này, cho đến tuần trước Thủ tướng mới cho phép chích ngừa trở lại. 


- Sản phụ chết oan vì các BS thiếu trách nhiệm
Trong vòng chưa đầy một tháng, còn có rất nhiều cái chết của bệnh nhân có liên quan đến sự thiếu trách nhiệm của nhân viên y tế. vq so 1 Ngày 4/8, hai mẹ con sản phụ cùng tử vong sau ca sinh non tại Cần Thơ. Sản phụ Trần Thị Phượng mang thai 29 tuần, bị xuất huyết âm đạo chiều 2/8 nên gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Nhận định thai nhi chết lưu, bác sĩ cho chị đặt thuốc để sinh thường bé gái nặng 1,7kg. Sản phụ yếu dần, vài giờ sau cũng tử vong. Kết quả hội chẩn và chẩn đoán liên khoa của đơn vị nhận định sản phụ tử vong sau sinh do gặp cơn bão giáp, băng huyết sau sinh và rối loạn đông máu. Bà Nguyễn Thị Hai (59 tuổi, mẹ chị Phượng) sau 2 lần phải đi mua thuốc về tiêm cho sản phụ, tối 6/7, thấy con gái kêu đau dữ dội và sốt cao nên bà Hai đến thông báo cho bác sĩ đến xem tình hình, nhưng bác sĩ không tới mà chỉ cho y tá đo nhiệt độ. Bà Hai kể: “Từ 9 giờ tối đến khuya nó đau dữ dội, sốt cao lắm, người cứ lả dần dần đi”, Công an TP Cần Thơ đã giải phẫu tử thi, tìm nguyên nhân sản phụ thiệt mạng. Một thai phụ khác ở Thanh Hóa cũng tử vong sau mũi tiêm ngày 16/7. Thai phụ 34 tuổi có dấu hiệu trở dạ nên được gia đình đưa đến trạm y tế xã Thạch Sơn chờ sinh. Tại đây, chị được hai y sĩ trực thăm khám rồi thông báo sắp sinh, sau đó được tiêm một mũi không rõ thuốc gì. Khoảng 1 giờ sau khi tiêm thì sản phụ hôn mê. Người nhà cho rằng có thể y sĩ tiêm nhầm thuốc hoặc thờ ơ trong việc cấp cứu tai biến.
  - Trả bé sơ sinh còn sống cho gia đình chôn
vq so 2 Một chuyện khác còn lạ lùng hơn. Bệnh viện đa khoa Quảng Nam mới đây đã trả một bé sơ sinh vẫn còn sống về gia đình để lo hậu sự. Khi tắm rửa cho bé để mang đi chôn cất, gia đình phát hiện cháu ngọ nguậy, vội đưa vào viện cấp cứu. Hiện tại, bé sức khỏe rất yếu và được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam. Ông Nguyễn Văn Trà, anh chồng của sản phụ phụ Lữ Thị Lâm Quy (27 tuổi, ở thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, Quảng Nam) tỏ ra hết sức phẫn nộ. Ông cho rằng các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã thiếu trách nhiệm khi trả đứa cháu trai còn sống của ông để gia đình đưa về nhà chôn cất. Theo ông Trà, chiều 4-8, chị Quy lên cơn đau bụng. Do em trai đi làm xa nên ông Trà và vợ đưa em dâu đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vào lúc 17 giờ. Lúc này, các bác sĩ đưa chị Quy vào phòng sinh, khoảng 30 phút sau, một y tá bế bé trai nặng 700 g đưa cho người nhà bảo mang về lo chôn cất. Vợ ông Trà đi mua một chiếc khăn và một vỏ thùng mì tôm để bỏ bé trai đưa về nhà. Khoảng 19 giờ cùng ngày, khi ông Trà tắm rửa cho cháu để mang bé đi chôn thì giật mình thấy đứa trẻ thân hình tím ngắt ngựa nguậy bên trong thùng mì tôm. Gia đình tức tốc đưa cháu bé ra Bệnh viện Nhi Quảng Nam cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đưa bé vào điều trị đặc biệt, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch… sau 3 ngày đã có dấu hiệu khả quan. Ông Trà nói: “Các bác sĩ làm việc như thế quả thật thiếu tình người. Dù sao thì đó vẫn là một sinh linh bé nhỏ, khi bé vẫn còn thở mà bảo chúng tôi đưa về chôn cất thì rất đáng thương. Dù chưa biết cháu tôi có qua khỏi hay không nhưng tôi thấy các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã làm việc vô trách nhiệm”, Bác sĩ Nguyễn Văn Sách, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành, là trưởng kíp trực đỡ đẻ, rất bất ngờ khi biết bé vẫn còn sống, cũng đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận kíp trực đã sai. Tôi tưởng không cần kể thêm những chuyện chết người khác nữa. Chỉ cần nhìn qua những “tai nạn” trên đây trong những ngày vừa qua đủ thấy tình hình y đức của các vị “lương y” như thế nào. Hầu hết rơi vào các BV công. Nhưng chuyện chưa bao giờ xảy ra trên thế giới là chuyện tại BV đa khoa Hoài Đức tại Hà Nội. Đây là chuyện do chính người làm trong BV lâu năm phát hiện ra và tố cáo chứ không phải do cơ quan nào tìm ra.
 Vì “sợ đủ thứ”, “thích đủ thứ” nên “dân chết đủ kiểu” vq so 3

Tôi không ngần ngại gọi đúng tên chị Hoàng Thị Nguyệt là “anh hùng”, chị là người đã dám tố cáo toàn bộ sự việc và hành vi của Giám đốc BV cùng phe cánh của BV Hoài Đức đã đè đầu bóp cổ nhân viên và lừa bịp dân. Trong thời đại ngày nay tìm được một người anh hùng quả thật khó như mò kim đáy biển. Thứ anh hùng thật sự của đời thường chứ không phải anh hùng cướp công đồng đội hay anh hùng tay không kéo trực thăng địch xuống đất để thành “anh hùng nói phét”. Và đây là “chiến công” của chị Chị Hoàng Thị Nguyệt – cán bộ khoa xét nghiệm – BV Hoài Đức. Thật ra đó là thứ “chiến công” bất cứ ai cũng làm được, miễn là có tâm, có can đảm đứng ra tố cáo “sếp lớn” của mình, không sợ hãi trước uy quyền. Nhưng cái thứ bệnh “sợ đủ thứ” đã ăn sâu vào trong tâm khảm nhiều người. Sợ bị trù dập, sợ bị thất nghiệp, sợ bị “sờ gáy”, sợ bị đồng nghiệp coi là ngu ngốc, sợ lung tung… Cái tâm trạng ấy đã khiến con người dần dần trở thành “vô cảm”, dửng dưng trước mọi tội ác, miễn là nó không đụng tới mình. Ngay cả những người được gọi là trí thức cũng đành cho “trí ngủ”, làm toàn chuyện “vô thưởng vô phạt” hoặc “theo đuôi” cho yên thân, bảo vệ cái nồi cơm điện. Thế nên người dám làm những việc ngăn chặn nạn quan liêu cửa quyền, diệt trừ tội ác và tham nhũng ngày nay rất ít. Nhờ vậy các ông “thích đủ thứ” mới có đất hoành hành. Rút cục anh dân đen “chết đủ kiểu”. Chị Nguyệt nói: “Cả bệnh viện biết đạo đức ông giám đốc nhưng không ai dám nói ra, không ai dám đứng lên đấu tranh. Tôi và tất cả cán bộ trong bệnh viện đã phải chịu đựng quá lâu, đã sống và làm việc quá nhục nhã. Còn nhân dân thì bị nhận một dịch vụ lừa đảo. Mục đích của tôi trước tiên là đấu tranh bảo vệ người dân huyện Hoài Đức được quyền chăm sóc, khám chữa bệnh đúng với chuyên môn và quy định của pháp luật, sau đó là bảo vệ bản thân và các cán bộ khác của bệnh viện”. Đó là lý do chị Nguyệt đã đứng ra tố cáo những việc làm kỳ quái của BV Hoài Đức. Tôi tóm tắt vài điểm quan trọng về những “chiêu trò kỳ quái” của BV này.



  In một mẫu xét nghiệm thành nhiều mẫu cho cả ông già và trẻ em vq so 6 Theo đơn thư tố cáo của chị Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, sự việc này diễn ra từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013 tại khoa Huyết học. Giám đốc bệnh viện đã chia cán bộ xét nghiệm thành hai bộ phận, một bộ phận phụ trách máy móc đầu tư, mỗi ngày chỉ thực hiện xét nghiệm cho 3-20 bệnh nhân. Một phận còn lại do trưởng khoa trực tiếp phụ trách làm các xét nghiệm trên máy thuê của một công ty Dược với lượng bệnh nhân đông tấp nập. Trung bình mỗi ngày, bộ phận này làm xét nghiệm cho 200-300 bệnh nhân, với 1.000-2.000 tiêu bản xét nghiệm, bao gồm rất nhiều chỉ số xét nghiệm sinh hóa, máu..., chiếm tỉ lệ hơn 97% công việc của khoa. Đại đa số là bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Và tại bộ phận phụ trách máy tư nhân, do số bệnh nhân quá đông đã dẫn đến tình trạng nhân viên xét nghiệm chỉ làm kết quả xét nghiệm một trường hợp, sau đó in lại ra thật nhiều mẫu. Khi một bệnh nhân khác đến khám, nhân viên không cần đưa máu vào làm xét nghiệm mà dùng kết quả của bệnh nhân trước trả cho bệnh nhân sau. Thế nên có cụ già 80 tuổi dùng chung kết quả xét nghiệm với cháu bé 22 tháng tuổi! Kết quả thanh tra ban đầu cho thấy có những kết quả cụ thể xét nghiệm được dùng chung cho những người khác xa nhau về tuổi tác. Hãy kể vài trường hợp cụ thể: 1-Trường hợp của bà Lương Thị Máng (64 tuổi, ở xã Song Phương) và cháu Nguyễn Quảng (6 tuổi, Lại Yên). 2- Cháu Nguyễn Ngọc Diệu (11 tháng tuổi, Tiền Yên) và ông Nguyễn Trí Mạng (66 tuổi, Song Phương). 3- Cụ Phạm Sáu (82 tuổi, Cát Quế) và cháu Vương Anh (4 tháng tuổi, Di Trạch). 4- cụ Nguyễn Châu (80 tuổi, Song Phương) và cháu Nguyễn Trang (22 tháng tuổi, Đức Thượng). Thanh tra Sở Y tế đã tiếp nhận đơn và đánh giá sự việc “nhân bản” này là có thật. Vụ việc đã được chuyển cho công an điều tra.

 
Ông giám đốc độc tài, quan liêu vq so 4 Chị Nguyệt nói về ông giám đốc “đáng kính” của mình với những lời lẽ chân thật: “Chúng tôi đã bị ông giám đốc đè nén nhiều quá, độc quyền nhiều quá! Ông Liêm (Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc BVĐK huyện Hoài Đức – NV) là người độc đoán và không tạo được môi trường làm việc lành mạnh, tích cực. Ngoài tôi ra, có rất nhiều người làm chứng việc ông này đã chửi mắng cả vị phó giám đốc hay tát vào mặt một vị trưởng khoa trước mặt bệnh nhân chỉ vì trái ý. Khi biết chúng tôi không đồng tình với chỉ đạo của mình (làm xét nghiệm giả, lắp ghép kết quả xét nghiệm của bệnh nhân), ông giám đốc đã có thái độ trù dập, cô lập. Không cho chúng tôi tham gia trực hay được làm các công việc chuyên môn đầy đủ như trước đây”. Ít ai biết để phơi bày việc động trời này ra ánh sáng, bác sĩ Nguyệt cùng với những đồng nghiệp có tâm đã phải vượt qua nhiều khó khăn. Hơn hai chục quyển sổ khám, video cận cảnh nhân bản kết quả xét nghiệm, 400 phiếu kết quả trùng lặp, những phong bì phân chia tiền... là bằng chứng mà bác sĩ Nguyệt dày công thu thập trong suốt một năm qua.
  Chiếm đoạt một số tiền rất lớn Như vậy, trong trường hợp BV Hoài Đức, không những chỉ định xét nghiệm tràn lan để rút ruột quỹ bảo hiểm, việc từ một kết quả xét nghiệm rồi nhân bản đưa cho nhiều người còn giúp bệnh viện thu được số tiền xét nghiệm gấp nhiều lần mà không phải tốn kém hóa chất, sinh phẩm, giảm thời gian chạy máy và cả chi phí nhân công. Phân tích cho thấy nếu tính giá mỗi xét nghiệm huyết học tại BVĐK Hoài Đức hiện nay là 21.000đ, tổng thu cho cả ba loại xét nghiệm là nước tiểu, huyết học và sinh hóa là hơn 200.000đ (thông thường bệnh nhân được chỉ định làm tất cả xét nghiệm), thì có thể thấy con số khủng khiếp mà BV Hoài Đức thu về trong một ngày. Như vậy, đã rõ phần nào mục đích của BV Hoài Đức trong việc sai phạm mang tính hệ thống này. Điều dư luận còn băn khoăn là, liệu tình trạng này có đang diễn ra ở các bệnh viện khác nữa, khi mà các bệnh viện và cá nhân các bác sĩ bắt tay với doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế, doanh nghiệp cung cấp thuốc, nhận ăn chia từ các trình dược viên, chỉ định khám nghiệm không cần thiết, kê đơn đủ loại thuốc của “gà nhà”… không phải là điều bí mật? Thanh tra ngành Y làm gì mà chỉ để đến khi sự việc đã bung bét ra mới chịu vào cuộc "điều tra"? Và mới đây nhất, ngày 14-8-2013, một số BS ở BV Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn đã phát giác ra khoa Chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ Hồ Văn Thạnh, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cùng ông Bùi Văn Hải, Phó khoa và kỹ thuật viên trưởng Bùi Bảo Vinh đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền ghép, cắt, đổi, gian lận trong việc nhập và xuất phim cho bệnh nhân để hưởng lợi hàng tỉ đồng từ năm 2007 đến nay. Vụ này đang chuyển tới CA điều tra.

Người tố cáo bị ngăn cản, đe dọa
Trước khi chị Nguyệt gửi đơn đến cơ quan công an, Sở Y tế Hà Nội cũng đã từng nhận được đơn tố cáo và cử đoàn công tác về chấn chỉnh. Tuy nhiên thời gian này cũng là lúc chị Nguyệt “bị lộ” và những kẻ bị tố cáo đã tìm đủ mọi cách ngăn cản, đe dọa. Chị Nguyệt kể: “Thời điểm tôi đưa đơn đến cơ quan công an cũng là lúc giám đốc bệnh viện cho người đến tác động với tôi qua bạn bè, người thân. Cũng có người chuyển lời hứa rằng trưởng khoa xét nghiệm sắp về hưu, khi đó giám đốc sẽ đưa tôi lên thay. Lại có người nhắn tin đe dọa rằng giám đốc nhiều mối quan hệ, lo liệu hết rồi. Thậm chí, ngay trong bệnh viện cũng có người theo dõi tôi vì một số mẫu xét nghiệm tôi thấy có vấn đề nên xuống tận nơi bệnh nhân điều trị nội trú để tìm hiểu, đối chiếu, nhưng khi đến nơi liền có người ngăn chặn. Mấy kỹ thuật viên làm sai trái còn viết lên các tờ xét nghiệm chuyển cho tôi với lời lẽ xúc phạm “đồ chó”, “đồ đểu”. Cùng lúc cũng có người lo lắng mà bảo tôi rút đơn tố cáo, nhưng tôi chỉ nói rằng: Không chạy theo kẻ mạnh có hành vi sai, phải bảo vệ người lao động”. Chị Nguyệt nhớ lại: “Ngày tôi đưa đơn là ngày mưa gió, tâm trạng căng thẳng. Tôi đã rất lo lắng không biết sự việc sẽ được xử lý như thế nào. Có đúng là những người làm sai đã lo liệu hết không? Nhưng tôi vẫn quyết tâm lên đường, đi thật nhanh, bỏ đơn thư đến cơ quan công an và báo chí ngay trong một buổi sáng. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ những chứng cứ thuyết phục và đề rõ: Đơn tố cáo khẩn cấp của viên chức Bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Các cơ quan đã vào cuộc rất nhanh chóng. Tôi đưa đơn lúc 10 giờ sáng ở cơ quan công an thì 3 giờ chiều đã cử người xuống làm việc”. Tuy nhiên sau khi đơn tố cáo được gửi đi và tung ra trước dư luận, lại có 40 người, gồm 3 cháu ruột ngài giám đốc, một số lao công chứ không phải nhân viên của BV, bị xúi giục làm đơn tố ngược lại chị Nguyệt. Nhưng ngay sau đó họ đã rút lại đơn và xin lỗi chị Nguyệt, họ nói “vì nể tình ông giám đốc”. Đúng là tham quan “chết đến đít vẫn còn cay” như người dân thường nói.

7 cá nhân của BV huyện Hoài Đức bị đình chỉ công tác: vq so 5 Sở Y tế Hà Nội đã công bố các quyết định đình chỉ công tác những người có liên quan đến việc nhân bản xét nghiệm trong thời gian qua gồm: Giám đốc Nguyễn Trí Liêm. -Phó giám đốc Nguyễn Thị Nhiên ( ảnh) -Bà Vương Thị Kim Thành, Trưởng khoa Xét nghiệm. -Ông Nguyễn Đồng Sơn, kỹ thuật viện khoa Xét nghiệm. -Bà Vương Thị Lan, nhân viên khoa Xét nghiệm. -Bà Nguyễn Thị Thu Trang, nhân viên khoa Xét nghiệm. -Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, nhân viên khoa Xét nghiệm. Trên đây chỉ là tóm tắt một số vụ việc vừa xảy ra, chưa biết kết quả cuộc điều tra và vụ này sẽ được xét xử như thế nào. Tôi không ngần ngại gọi chị Hoàng Thị Nguyệt là “anh hùng đời thường” và mong mỏi tấm gương của chị sẽ ảnh hưởng tới mọi người và họ sẽ bớt được chứng bệnh “sợ đủ thứ” đang lan tràn trong xã hội VN. Các công nhân viên ở tất cả các công tư sở sẽ noi theo chị để có một đời sống tốt đẹp hơn. Ít ra là không bị bọn “quan trên” đè đầu bóp cổ như những nhân viên của BV Hoài Đức. Hy vọng tôi sẽ không giống như ông Shaun Rein, một chuyên gia TQ tư vấn tại Thượng Hải và là tác giả cuốn sách “The End of Cheap China”, nói, ông không đụng đến ngành y tế vì ngành này đã “quá bẩn”. Văn Quang – 16-8-2013