Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

CÁ THÁNG TƯ

Fr: Nguyen huu Dinh
 April Fool’s Day – Cá tháng Tư
              Nguyễn Thơ Sinh
April Fool
Trong văn hóa Hoa Kỳ, Tháng Tư có một ngày…dễ thương, đó là ngày April Fool’s Day.

April Fool’s Day còn được gọi là ngày All Fool’s Day. Nó được chọn vào ngày 01 tháng 04 hằng năm. Trong ngày April Fool’s Day thiên hạ tha hồ nói đùa thoải mái. Họ có thể dựng lên những câu chuyện giật gân để đùa giỡn. Ví dụ một người nói: Hôm nay mình sẽ đãi các bạn ăn trưa vì mình vừa được thăng chức. Khi thấy các bạn đồng nghiệp tin tưởng đó là chuyện thật, thì người ấy lại nói: Không ngờ mấy bạn dễ bị gạt thiệt! Lúc đó mọi người mới vỡ lẽ: Ah, April Fool’s Day!
Theo CNN, có ít thông tin nói về nguồn gốc của April Fool’s Day. Tuy nhiên theo một số nhà sử học thì April Fool’s Day bắt nguồn từ Pháp. Khá đông lại cho rằng đây chỉ là một giả thiết. Theo giả thiết này, vào thế kỷ 16 Pháp bắt đầu sử dụng Tây lịch (còn gọi là Gregorian Calendar, lấy tên của Đức Giáo Hoàng Gregory XIII). Vì thế Tết (New Year) của Pháp sẽ đổi từ ngày 01 tháng 04 sang ngày 01 tháng 01. Một số người Pháp theo thói quen cũ vẫn cứ coi ngày 01 tháng 04 là New Year, trong khi theo Tây lịch mới thì New Year đã qua từ ba tháng trước rồi.
Hiện nay ở Pháp, người ta gọi April Fool’s Day là Poisson d’ Avril. Trong tiếng Pháp poisson là cá và Avril là tháng Tư, nên những câu chuyện đùa, hoặc các nguồn tin vô căn cứ, mang tính đùa giỡn, tin thất thiệt được gọi vui là “cá tháng tư”. Ngày Poisson d’ Avril đó, trẻ con ở Pháp sẽ chạy sau lưng những đứa bạn khác để trêu chọc.
Chúng dán lên lưng người bạn một con cá bằng giấy. Khi nạn nhân phát giác mình bị người khác trêu ghẹo, lúc đó bọn trẻ tinh nghịch sẽ la lên: Poisson d’ Avril! Aha. Cá tháng tư. Bị lừa rồi!
Tiếng Việt có thành ngữ Cá Tháng Tư, có lẽ do các ông Tây mang trò đùa này đến trước các ông Mỹ.
Ở Scotland, April Fool’s Day kéo dài tới hai ngày. Những nạn nhân (là người bị gạt) được gọi là gowks (tức một loài chim khá chậm chạp, tiếng Anh gọi là cuckoo bird). Ngày thứ hai gọi là Taily Day, đám trẻ sẽ chọc phá nhau bằng cách dán giấy trên lưng những chữ như “kick me” (đấm tôi đi), “giựt tóc tôi đi”. Rồi đứa trẻ dán giấy sẽ nhân cơ hội đó để đá chân đứa bạn bị dán giấy trên lưng.

Còn tại Anh và Canada, theo CNN, những câu nói đùa giỡn trong ngày April Fool’s Day chỉ xảy ra vào buổi sáng ngày 01 tháng 04. Ở Mỹ, theo kinh nghiệm của đa số, April Fool’s Day cũng tương tự vậy, chỉ xảy ra vào buổi sáng. Ngày đó thường có những câu chuyện đùa tếu, khôi hài giữa các bạn đồng nghiệp, vô thưởng vô phạt, mua lấy tiếng cười là chính.
Ở thànhg phố New York, có lẽ do có quá nhiều cổ động viên (fans) yêu thích April Fool’s Day quá nên từ năm 1986 đến nay, ở đây hằng năm vẫn tổ chức đều đặn một cuộc diễn hành có tên New York City April Fools’ Day Parade. Nếu bạn tin đây là chuyện thật thì bạn đã bị gạt rồi. Bởi ngày diễn hành này chỉ có tên (trên báo chí thôi) chứ không có thật ở ngoài! Vậy đó. Nét độc đáo của April Fools’ Day là vậy? Tưởng là chuyện thật nhưng cuối cùng chỉ là chuyện đùa.
Nhiều người mượn April Fools’ Day để nói lên điều khó nói, đặc biệt những chuyện tế nhị. Ví dụ một chàng trai rất thích cô gái nói rằng mình được bạn tặng cho cặp vé xem kịch. Và bây giờ anh có nhã ý mời cô gái đi xem kịch với anh. Nếu cô gái đồng ý, có thể đây sẽ là cơ hội để anh tiếp tục tiến tới. Còn không, nếu bị từ chối, anh sẽ lấy lý do mình được phép nói đùa “Cá tháng Tư” để cười xòa. Hoặc để tránh không bị vướng vào những chuyện lôi thôi, phiền phức, một người có thể nói khéo: Thôi cậu đừng đùa như vậy nữa. Còn lâu mới tới ngày Cá tháng Tư. Hoặc khi gặp tình huống tế nhị, khó nói, chẳng hạn như cô gái là một đồng tính nữ (lesbian) nói với bố mẹ: Ba mẹ à, ngày mai con sẽ đưa bạn gái của con về để ba mẹ biết mặt con dâu tương lai. Lúc đó, nếu bố mẹ chưa chuẩn bị tâm lý kịp có thể sẽ giả lả cười, đánh trống lảng: Con gái hôm nay April Fools’ Day biết nói đùa thiệt nghen!
Năm 1996, Taco Bell cho đăng tải nguyên một trang lớn trên nhiều tạp chí có uy tín của Hoa Kỳ rằng họ đã mua được bức tượng Nữ Thần Tự Do và sẽ đặt tên cho thương hiệu Taco Bell của họ tên mới, đó là: Taco Liberty Bell. Tất nhiên đây chỉ là cách nói đùa, câu khách, cố tình gây sự chú ý của độc giả, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các đối thủ fast food, chỉ cần thị trường vẫn còn nhớ tới thương hiệu của họ, màn quảng cáo tiếp thị sẽ được coi là thành công rồi. Hoặc năm 2004, chương trình radio phát sóng toàn Hoa Kỳ All Things Considered loan tin Bưu Điện Hoa Kỳ sử dụng chương trình zip code lưu động (portable zip codes’ program); theo đó các thông số thống kê về người dân Mỹ sẽ được xác định dựa vào bản đồ nhân chủng học (demographic) thay vì bản đồ địa lý (geographic) như trước đây. Tất nhiên đây chỉ là tin loan cho vui. Hay năm 2008, Đài BBC cho phát hình một đoạn video clip ghi lại cảnh những con chim cánh cụt bay từ Nam Cực (Antarctica) đến khu vực rừng nhiệt đới của Nam Mỹ để trú đông. Thực ra chim cánh cụt không thể bay khỏi mặt đất. Hơn nữa chúng là loài chim chỉ có thể sống được ở xứ lạnh mà thôi. Còn năm 2010, Ủy ban Thượng viện đảng Cộng hòa (The National Republican Senatorial Committee) cho chiếu trên một đoạn video trên một trang mạng hài hước (parody web) khen ngợi Barack Obama là vị tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ - truly the greatest president ever, vì ông đã giữ tất cả những lời hứa của mình (kept all his promises).
Nhìn chung văn hóa phương Tây có nhiều cách sử dụng khôi hài nhằm đem lại những sảng khoái trong cuộc sống. Có lẽ vì vậy người Hoa Kỳ, người Canada, hay người phương Tây luôn thích nói chuyện tiếu lâm(joke). Văn hóa Tây phương cho rằng những ai vui tính (funny) sẽ dễ gây thiện cảm, tạo được sự hòa đồng với người khác. Có người còn nói văn hóa Tây phương là vậy.
        
Vì vậy, hễ có dịp họ sẽ vui cười thoải mái với nhau. Có điều khi nói đùa ta nên cẩn thận, đừng đi quá trớn, khả năng phản tác dụng có thể sẽ xảy ra.
Mùng 01 tháng 04 năm nay lại về. Sẽ là dịp không ít người nhận được những câu chuyện đùa khôi hài, nhất là những email kiểu “Cá tháng Tư”. Có thể những người thích đùa đó chỉ có dụng ý thích trêu ghẹo, châm chọc. Có thể “Cá tháng Tư” là cách để họ tạo ra những van xả. Ví dụ như một người Venezuela sống ở New York nhận được thư của bạn sống ở Caracas vì bất mãn chế độ viết rằng: Tổng thống Venezuela tuyên bố từ chức và chính thức nhận sự sai lầm của xã hội chủ nghĩa. Hay một cô bạn sống ở New Zealand được bạn sống ở Nhật nói: Trung Quốc đã trả đũa bằng cách ném bom Tokyo sau khi Hải quân Nhật bắn chìm hai tàu của Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng đảo biển Senkaku của Nhật…
April Fool’s Day là dịp để chúng ta, mỗi khi đọc những email gởi vào hộp thư điện tử của mình, hoặc khi đọc những bài viết nổi trôi trên mạng cần chú ý. (Giữa thời đại phổ biến tin, bài quá dễ dàng), khả năng thẩm định độ chính xác của những nguồn tin ta đọc đôi khi rất cần thiết. Đừng vội tin những chuyện “Cá tháng Tư”; để rồi mình hiểu sai đã đành, vô tình mình lại đi quảng bá những chuyện sai ấy.
Nguyễn Thơ Sinh
 

__._,_.___