Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

CHUYỆN KỄ CỦA MỘT BÀ GIÀ

Fr: Kim Oanh P*TLW

Chuyện Kể Của Một Bà Già

Năm nay tôi đã 72 tuổi, đang sống ở tiểu bang Texas, thành phố Grand Prairie, gần Dallas.

Tôi đến Mỹ cuối năm 1983, do đơn xin bảo lãnh vợ con của chồng tôi, tính đến nay đã hơn 30 năm rồi. Chồng tôi đến Mỹ năm 1975. sau đó làm kế toán cho một hãng điện của tiểu bang Minnesota (MN), một tiểu bang rất lạnh, ở miền bắc nước Mỹ. Mùa đông ở MN rất lạnh và có tuyết từ tháng 10 đến tháng 5 của năm sau. Lạnh và tuyết hơn 7 tháng, thời tiết rất khắc nghiệt, nhiệt độ xuống -30 độ F, đường sá đóng đá rất trơn trợt.
Tôi làm cho một hãng chuyên cung cấp hoa tươi cho các chợ Mỹ, và các tiệm bán hoa tại MN.

Tánh tôi thích hoa, nay được làm về hoa lá nên tôi rất vui thích. Mỗi khi có lễ Mother's Day, hoặc các lễ lớn khác, hoa bán ra rất nhiều; tôi phải làm overtime. Mỗi ngày đứng làm từ 12 đến 14 tiếng đồng hồ, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, hoặc 6 giờ sáng đến 8 giờ tối. Về đến nhà hai chân rã rời vì đứng làm suốt mười mấy tiếng đồng hồ, mặc dù cứ 3 tiếng đồng hồ là được ngồi nghỉ 10 đến 15 phút.
Lúc về đến nhà tôi quá mệt, không muốn ăn uống gì cả, nằm trên giường ngủ một giấc tới sáng. Hôm sau 5 giờ sáng thức dậy, ăn uống qua loa rồi đi làm trở lại. Năm 1983 mức lương tối thiểu là $4.15, tôi làm với mức lương đó. Bình thường mỗi ngày làm 8 tiếng đồng hồ với công việc là bó hoa thành từng bó (mixed bouquet), để tài xế của hãng đem giao đến các chợ Mỹ.
Công nhân của hãng hoa có khoảng 30 người, toàn là con gái và đàn bà, và vài người đàn ông ở kho nhận lãnh các thủng hoa, và tài xế lái xe truck giao hoa.
Các nhân viên Mỹ làm ở văn phòng gồm 1 ông manager, 1 bà Mỹ supervisor, và 4, 5 thư ký làm ở văn phòng.
Công việc của đàn bà chúng tôi là bó các loại hoa lại thành bộ gồm 2 lá leather leaves, 1 nhánh hoa cúc vàng, và 1 nhánh hoa cúc trắng, khoảng 15 đóa hoa, thêm 2 cánh status tím, cột thành bộ, rồi bọc giấy có in hoa rất đẹp.
Việc bó các loại hoa hồng, thì trước hết phải chọn những đóa hoa hồng tươi, còn búp, cành rắn chắc, dùng ngón tay kiểm soát các cánh hoa bằng cách bóp nhẹ vào nụ hoa để loại bỏ những nụ hoa mềm. Những nụ hoa mềm sẽ úa tàn rất nhanh.
Mỗi bó hoa hồng có khoảng 6 búp xen với 2 cánh gyp màu trắng là loại hoa nhỏ tròn như hột tiêu. Hoa hồng có nhiều màu: trắng, hồng, vàng, đỏ, cam, nhưng tôi thích nhất là loại hoa màu tím hoa cà vì nó thơm hơn các loại hoa hồng khác. Tôi cũng thích loại hoa hồng 2 màu, sát trong nhụy màu trắng và ngoài cánh hoa viền đỏ.
Vào mùa hè khoảng tháng 6 đến tháng 8, có hoa gladiolus thường gọi tắt là glad, đủ màu rất đẹp. Ở việt nam hoa này được trồng ở Đà Lạt và người ta gọi là " hoa Lay On".
Tôi đã ở tiểu bang MN 5 năm. Vào dịp lễ giáng sinh, hoa bán ra nhiều, tôi làm overtime từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tôi mới xong việc. Lúc bước ra khỏi hãng để về nhà, tôi trượt té một cái rầm, lưng xáng xuống đất đau điếng. Tới nằm dài trên mặt tuyết. Các bạn đồng nghiệp Mỹ xúm lại hỏi "Are you ok, you ok?" nhưng té đau qua tôi nằm thẳng cẳng, mắt nhắm lại không trả lời được. Các bạn Mỹ cuốn tròn một cái áo rồi lót dưới cổ tôi.
Lúc đó tôi chưa biết lái xe, chồng tôi đưa đón tôi đi làm mỗi ngày, rồi ông mới tới sở làm việc. Chồng tôi đang ngồi đợi tôi trong xe ở gần cổng ra vào, thấy mấy bà Mỹ xúm lại nơi cửa, gần văn phòng hãng, ông không biết chuyện gì, cho đến lúc các bà Mỹ dìu tôi đến chỗ ông đậu xe; ông mới biết tôi bị té.
Về nhà nằm ngủ lưng ê ẩm, đến sáng tôi đi làm trở lại, lưng không còn đau, trừ phi cúi người xuống thì cảm thấy thón ở dưới lưng.
Bà supervisor bảo tôi đi bác sĩ, nhưng tôi rất sợ đi bác sĩ, nên tôi nói " I' m ok" và không chịu đi bác sĩ.
Bà supervisor cho người rãi thêm lên mặt đường muối và cát ở lối vào hãng hoa để tránh bị trượt té.
Mấy ngày sau, một người bạn học Đồng Khánh nay ở Houston gọi phone lên thăm tôi. Tôi kể chuyện tôi bị trượt té vì tuyết đóng băng thành nước đá quá trơn. Bạn tôi nói có người quen ở Canada trượt té nứt xương sống bị liệt nằm một chỗ, và khuyên tôi dọn về Texas. Tôi nghe vậy hoảng hồn liền bàn với chồng tôi dọn nhà về miền Nam nước Mỹ. Chồng tôi nói ông làm ở Minnesota gần mười năm rồi, lương rất khá, công việc kế toán lại nhẹ nhàng nên không muốn dọn đi nơi khác.
Sau đó, chồng tôi đã đưa tôi xuống Cali năm 1988, nơi có người bà con làm chủ 3 tiệm nail, và tôi đã đi học mấy tháng để thi lấy bằng làm móng tay, nhiều lúc ở Minnesota tôi định sẽ đi học cắt tóc nhưng sau nhận thấy học tóc mất nhiều giờ hơn học nail nên tôi đã đổi ý. Và tôi đã làm nail ở Los Angeles 10 năm.

   
Tôi làm trong một tiệm làm nail lớn có 17 thợ ở đường Crenshaw, đa số là thợ nail nữ, chỉ có 2 người thợ đàn ông. Nhân viên làm nail đủ mọi thành phần rất phức tạp, chia thành nhóm này, nhóm nọ, chỉ trích lẫn nhau. Các cô thợ trẻ tụ thành 1 nhóm, các bà đã có gia đình hợp thành 1 nhóm khác. Thông thường đàn bà hay chê trách và nói xấu lẫn nhau. Và các tiệm nail là ổ của các vụ cải cọ, phiền phức đến nhức đầu.


Các cô thợ nail thường thay đổi chỗ làm soành soạch, có khi vì bất mãn với chủ tiệm, hoặc bất mãn với bạn đồng nghiệp thì liền bỏ việc, không đi làm nữa mà không báo trước.
Trong tiệm nail tôi làm có 1 cô gốc tàu nói tiếng việt không rành. Cô kể rằng lúc ở việt nam cô bán thịt heo ở chợ An Đông, cô bị công an bắt cô liền năn nỉ: " Ngộ có con dại còn pú, chồng ngộ thất nghiệp, hiện đang sống vào sự puôn pán của ngộ. Ông làm ôn làm phước đừng bắt phạt ngộ, tha cho ngộ." thế mà may mắn được thả về. Thật sự cô chưa có chồng con gì cả, cho đến bây giờ ở Mỹ có vẫn còn độc thân có tên Hạo, và thường xưng là A Hạo.
Một hôm có một cô trong tiệm nail hỏi cô rằng: "ngày off được ở nhà A Hạo làm gì?" Cô trả lời: " Mấy chị có chồng, ở nhà chơi với chồng, còn ngộ ở nhà chơi với má.", làm cả đám cùng cười vang.
Ở tiệm nail cũng có một cô bị xui tận mạng. Xe cô đậu ngoài đường bị ăn cắp, mất xe, cô còn bị ra tòa rất rắc rối vì thằng Mễ ăn cắp xe của cô dùng bán bạch phiến. Khi bị cảnh sát bắt nó khai là chiếc xe đó là của bạn gái của nó và đổ tội hết cho cô. Ra tòa nó cứ khăng khăng cô là bạn gái của nó. Cô chứa bạch phiến trong xe, nó không biết có bạch phiến nên mượn xe cô đi chơi.


Những người trong tiệm đều biết cô bị oan nhưng ông tòa thì có biết gì về cô đâu. Nên sau cô phải mướn luật sư rất tốn tiền.
Lúc làm ở tiệm nail tôi lấy tên là Lisa để khách Mỹ dễ nhớ và dễ kêu tên. Tôi nghĩ chữ Ly Gia tiếng hán việt có nghĩa là " xa nhà" như tình trạng của vợ chồng tôi lúc đó: chồng ở phương bắc Minnesota, vợ ở phương namCalifornia. Mỗi năm chỉ gặp nhau một vài lần. Mỗi năm tôi về MN 1 lần thăm chồng con và chồng tôi mỗi năm qua Cali 1 lần thăm tôi.

Khi về thăm chồng con ở MN mỗi lần chồng con tôi đưa tôi lên phi trường để tôi trở lại với việc làm ở Cali, chúng tôi đều bịn rịn.



Tôi bước vào máy bay mà mắt nhòa lệ. Tôi muốn nhìn chồng con tôi lần nữa mà không dám quay đầu lại, chỉ e mình sẽ bỏ việc làm nên bước chân đi mà lòng quặn thắt, buồn nảo nuột.
Mỗi hè chồng con tôi xuống Cali thăm tôi cũng chỉ vui được vài ngày rồi lại cách xa!
Vợ chồng tôi lúc đó như là Ngưu Lang Chức Nữ. mỗi năm chỉ gặp nhau một đôi lần.
Trước kia chồng tôi đi dạy học tại trường trung học Trần Quý Cáp Hội An. Dạy học được ba bốn năm, thì có một người bạn rủ ông thi vào trường Quốc Gia Hành Chánh. Chồng tôi thi đậu, và đã học 4 năm tại trường Quốc Gia Hành Chánh tại Sài Gòn. Sau khi ra trường ông thụ huấn 6 tháng quân sự tại trường Đồng Đế NhaTrang. Rồi đi tập sự tại tòa hành chánh Qui Nhơn.
Nhờ ra trường Quốc Gia Hành Chánh với số điểm cao, chồng tôi được chọn nhiệm sở là Quảng Nam. Lúc đó chúng tôi mới đính hôn nên chồng tôi muốn về Quảng Nam cho gần gụi. Ông tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam phái chồng tôi lện làm việc tại các quận Quế Sơn, rồi Thượng Đức là những quận xa xôi heo hút. Chồng tôi lên làm ở các quận đó vài năm, rồi xin về quận Hiếu Nhơn, là một quận ở gần biển Cửa Đại ở Hội An. Sau khi về làm hành chánh ở tòa hành chánh Quảng Nam, rồi làm ở Quảng Ngãi 2 năm. Cuối cùng thì xin thuyên chuyển ra Đà Nẵng để săn sóc cha già đau yếu và làm về hành chánh ở Đà Nẵng cho đến năm 1975. Lúc đó tôi đang dạy học ở trường trung học ở Đà Nẵng.
Gần ngày 30 tháng 4 năm 75, chồng tôi cùng ông đại tá thị trưởng Đà Nẵng, và ông bí thư của đại tá đi thuyền từ Đà Nẵng vào Vũng Tàu. Lúc đó tôi đã ở nhà người bà con của tôi ở Chợ Lớn vài ngày rồi. Tôi và hai con rời Đà Nẵng bằng chuyến bay cuối cùng của hãng hàng không Việt Nam Cộng Hòa. Nghe tin chồng tôi đến Vũng Tàu, tôi định đi xe đò xuống Vũng Tàu. Nhưng chồng tôi nhắn tin sẽ về Sài Gòn nên tôi ở lại Chợ Lớn với 2 con còn nhỏ, 7 tuổi và 10 tuổi.
Ngày 30 tháng 4 năm 75 cộng sản chiếm Sài Gòn, tôi và chồng tôi ở trên lầu nhà người bà con tại Chợ Lớn. Tôi nhìn xuống đường thấy xe tăng của việt cộng cắm cờ giải phóng buộc vào một cây trúc thật dài chạy ngang qua. Hai đứa con nhỏ của tôi chạy ra ngoài lan can lầu để xem. Chồng tôi ngồi trong phòng gọi 2 đứa con tôi vào nhà.
Lúc đó long tôi hoang mang rối bời và lo lắng vô cùng vì cộng sản ra lệnh trình diện cho những người làm việc của chế độ cũ. Chồng tôi ngồi trên ghế vẻ mặt buồn và lo âu, và cho tôi biết ngày mai chồng tôi sẽ đi trình diện và ở tù cộng sản mà việt cộng gọi bằng một danh từ bịp bợm là "học tập cải tạo".
Nhưng tối hôm đó thì một thằng em bà con của tôi, đi xe gắn máy đến rủ chồng tôi đi vượt biên. Nó nói nhà nó ở đường Lê Quang Liêm, dưới bến sông có 1 chiếc tàu gỗ nhỏ, sẽ ra đi vào khuya đêm nay. Má nó là dì ruột của tôi, đã dúi cho nó mấy lượng vàng rồi. Nó muốn chồng tôi đi với nó cho có người thân "anh phải đi với em. Anh ở lại sẽ nguy hiểm vô cùng. Anh nghe em đi!" Tôi nghe nó nói liền lấy 1 bộ quần áo và vài vật dụng cá nhân bỏ vào 1 túi vải nhỏ đưa cho chồng tôi. Hai đứa con của tôi níu lấy bố khóc mếu máo "Ba đừng đi. Ba ở nhà với con." Chồng tôi bịn rịn chần chừ, tôi thúc chồng tôi đi và ngồi chồm hỗm ôm lấy 2 con vỗ về, mà nước mắt lưng tròng vối ý nghĩ vợ chồng tôi sẽ xa nhau mãi mãi khó mà gặp lại.

Sau này gặp lại, chồng tôi kể rằng: "Khuya hôm đó chiếc tàu gỗ đậu tại bến Lê Quang Liêm đã treo cờ cộng sản, và đã khởi hành. Chủ tàu dặn dò nếu bị chặn lại xét hỏi thì nói là định về quê làm ruộng. Gần sáng tàu đi ngang qua cầu chữ Y một đám con nít đứng trên cầu dòm xuống sông thấy người ngồi trên tàu đông quá la to "Chời ơi, người ngồi dưới tàu nhiều quá!" Mọi người trên tàu đều xanh mặt lo lắng ngồi yên. Lúc đó trên đường phố, bọn cán bộ việt cộng dang kêu gọi dân chúng đi dự lễ Lao Động, vì hôm đó là ngày 1 tháng 5 năm 75 là ngày lễ Lao Động của cộng sản. Chiếc tàu gỗ may mắn đi qua các trạm kiểm soát trót lọt vì không có ai đứng canh gác. Ra đến hải phận quốc tế các người trên tàu nhỏ được chuyển qua tàu lớn của Mỹ, và tàu cập bến ở đảo Guam.

Ở trại tỵ nạn chồng tôi gặp được người anh ruột. Anh chồng tôi là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hoà chuyên về truyền tin của quân khu 1 gồm các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Anh đã đi tu nghiệp ở Mỹ nên thông thạo Anh ngữ nên đã làm thông dịch cho trại tỵ nạn. Anh cũng ra đi một mình, vợ con còn kẹt lại ở Sài Gòn.
Tôi và hai con bị kẹt lại ở VN 8 năm. Tám năm ở với cộng sản là 8 năm gian nan khổ sở. Với tiền vốn ít ỏi tôi lặn lội ngoài chợ buôn thúng bán bưng vất vả nuôi 2 con ăn học. Lúc đó các con tôi đang học tiểu học.
Tám năm sau, khi được chồng bảo lãnh, con gái đầu lòng của tôi đã thi đậu bằng tú tài 2 và đứa thứ 2 đang học lớp 10. May mà gia đình tôi được bảo lãnh qua Mỹ, nếu ở VN con tôi không được học đại học vì lý lịch xấu, có cha là nguỵ quyền.
Qua đến Mỹ xin vào trường trung học ở MN, trường buộc phải sụt xuống 2 lớp. Con gái đầu lòng lên trường đại học lấy bài thi TOFFEL. Thi đậu và được vào thẳng đại học. Con gái thứ nhì đã ra trường trung học với điểm cao và được bằng khen của tổng thống Reagan. Ba tôi ở VN nghe tin rất mừng, và bảo tôi chụp hình bằng khen đó gởi về cho ông. Có lẽ để ông sẽ đem bằng khen đó khoe với mấy ông bạn già thân quen của ông.
Sau đó 2 con tôi vào đại học ở MN và đã ra trường với bằng kỹ sư điện Electrical Engineering, gọi tắt là EE. Và 2 rể của tôi cũng là kỹ sư điện.
Còn gia đình anh chồng tôi có 2 con làm về computer cho hãng Mỹ, và 2 con là nha sĩ. Tất cả gia đình của anh chồng tôi còn ở MN sống trong hạnh phúc và phát đạt.
Ở MN quá lạnh nên gia đình tôi dọn về Texas năm 1992. Hai con tôi nay đã có gia đình và tôi đã có 2 cháu ngoại, 1 trai 1 gái. Dù không giàu có nhưng đời sống thoải mái hạnh phúc. Các con và rể tôi đều có việc làm. Cháu ngoại tôi, cháu trai Nguyễn Minh Quốc Nathan đã 15 tuổi vừa học xong lớp 10, và cháu gái Nguyễn Minh Khánh Amanda 13 tuổi vừa học xong lớp 7. Cả 2 đều học xuất sắc luôn luôn được điểm A, các bài làm đều trên 90 điểm có bài được 100 điểm. Cháu Minh Quốc Nathan có thành tích xuất sắc về học vấn nên nhiều trường đại học đã gởi thư đến muốn cháu chọn học trường của họ dù cháu vừa mới học xong lớp 10. Còn cháu gái Minh Khánh Amanda cũng học rất giỏi luôn luôn được điểm A+.

Cháu thích viết văn nên các bạn và cô giáo của cháu bảo cháu viết truyện để họ được đọc vì họ thích đọc chuyện của cháu viết.
Tôi xin cảm ơn nước Mỹ, cảm ơn người dân Mỹ, cảm ơn chính phủ Mỹ đã rất nhân đạo, luôn luôn mở rộng 2 tay đón nhận tất cả mọi sắc dân khác trên thế giới gia nhập vào nước Mỹ. Thật đúng là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Xin cảm ơn, và ghi nhớ mãi mãi.
Diệu Quang Phong Trần Thái

  • (1) Tác giả tên thật Thái Mạc Phương Sandy, sinh năm 1942, từng học Trung học Đồng Khánh rồi Quô1c Học Huế 1959 - 1962; Đại Học Luật Khoa Sài Gòn 1962 - 1963. Sau đó dạy học tại Đà Nẵng Quảng Nam 1964 - 1975. Đến Mỹ cuối năm 1983, bà định cư tại tiểu bangMinnesota, làm công nhân cho một hãng cung cấp hoa tươi cho các chợ Mỹ. Saui đó, làm nail ở Los Angeles cho đến khi về hưu. 1988 - 1998. Đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà.
* * *