Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

VĂN QUANG VIẾT TỪ SÀI GÒN

Fr: Viet Do
LamCamThienHaSu 1. Đằng sau vụ án Tiên Lãng
Vụ án Tiên Lãng sôi sục trong thời gian dài vừa qua, đã dần dịu lại bởi chính phủ VN đã thừa nhận toàn bộ sai lầm nghiêm trọng thuộc chính quyền huyện Tiên Lãng và Thành Phố Hải Phòng. Gần đây nhất, ngày 15-2-2012, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao nêu rõ, trong vụ kiện hành chính của ông Vươn, cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã có những phán xét vô căn cứ, ảnh hưởng tới quyền lợi công dân. Nói cho rõ là cả hai cấp “quan tòa” này đã đứng về phía chính quyền làm thiệt hại quyền lợi của dân. Bản kháng nghị cũng nêu ra điểm không đúng khi thẩm phán Ngô Văn Anh ký trả lời đơn của ông Vươn gửi TAND Hải Phòng. Thẩm phán không có thẩm quyền trả lời đương sự mà thuộc thẩm quyền của chánh án. Tất nhiên toàn bộ vụ án sẽ được xét xử lại từ đầu. Hai tòa đều sai sẽ được xử như thế nào?
Trong lòng những người dân còn băn khoăn một số vấn đề khác phía sau vụ án này. Trước hết là việc điều tra không nên giao cho TP Hải Phòng bởi đó chính là nơi đã có những sai phạm không nhỏ, nên giao cho một cơ quan khác như Bộ Công An điều tra. Thứ hai là việc sửa đổi luật đất đai cần được tiến hành nhanh chóng đồng thời xem xét lại những khiếu nại của người dân ở khắp nơi về đất đai. 70% vụ kiện của dân đều liên quan tới đất. Bởi như ông cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cảnh báo, vụ này kéo dài có thể sẽ còn xảy ra nhiều vụ Tiên Lãng khác nữa. Vụ án sẽ đưa ra nhiều kết luận, người dân hiện đang chờ những kết luận đó có thật chí công vô tư không và việc giải quyết từng vấn đề, từng cá nhân như thế nào.
Thêm những vụ Tiên Lãng mới
Thứ hai là vụ ông Vươn -Tiên Lãng lại nẩy sinh nhiều vụ khác nữa vừa được “khám phá”. Cụ thể như bốn năm trước (năm 2008) huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), đã cưỡng chế 70 ha đầm tôm của ông Lê Đình Thảo, không được một xu đền bù, sau đó đấu giá khiến gia đình anh không có đất để canh tác. Mặc dù đã vác đơn đi kiện từ cấp huyện đến cấp tối cao nhưng vẫn trắng tay cho đến nay.
Ông Lương Văn Trong, Phó chủ tịch Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng cho biết, 4 năm trước, khi diễn ra vụ cưỡng chế khu đầm của gia đình ông Thảo, số người dân kéo đến đầm hôm đó đông không kém so với số người dân kéo đến nhà ông Vươn sáng 5-1-2102 vừa qua. “Tuy nhiên, gia đình ông Thảo đã tuân theo những bản án đã kết luận của tòa trước đó và không có bất cứ sự chống đối hay phản kháng nào”.
Các thông tin này đã bị bưng bít nên mọi chuyện rơi vào quên lãng. Nếu không có vụ ông Vươn được các cơ quan thông tin trong và ngoài nước lên tiếng thì chẳng còn ai nhớ tới nữa, người dân cam chịu cúi đầu âm thầm sống trong cảnh đàn áp bất công của hệ thống quyền lực địa phương, trong đó có cả tòa án.
Đến nay một số công an thành phố và huyện đã tới nhà ông Thảo, nay đã chết, còn lại người con trai là anh Tân. Anh cho biết, nhân viên điều tra đặt ra các câu hỏi việc thu hồi của huyện gia đình có nhận được bồi thường không? Tài sản của gia đình bị mất mát sau buổi cưỡng chế là gì và khi xã tổ chức đấu thầu, gia đình có tham gia bỏ thầu không? Anh Tân đã trình bày lại sự việc oan ức này. Hy vọng việc này sẽ được điều tra trở lại và có thể sẽ còn còn nhiều khuất tất khác nữa sẽ được mang ra ánh sáng.
Hàng chục gia đình khác đang hoang mang lo lắng
Một trường hợp khác là trường hợp đầm tôm của chủ đầm Nguyễn Thế Đọc (ở tại xã Nam Hưng), huyện Tiên Lãng. Đầu năm 1998, UBND huyện ký quyết định cho ông Đọc thuê 30 ha đất đầm bãi nuôi trồng thủy sản tại khu vực xã Đông Hưng - Tây Hưng. Mọi “trình tự thu hồi, cưỡng chế” xảy ra cũng giống như những gì chính quyền Tiên Lãng đã làm đối với ông Vươn và ông Thảo. Họ diễn lại cùng một kịch bản, nhưng nhờ sự chống đối quyết liệt của hơn 50 người dân nên vụ cưỡng chế này bất thành. Ông Đọc kể lại:
“Sáng 22-8-2008, tôi thấy đài truyền thanh của xã đọc nội dung thông báo huyện sắp cưỡng chế thu hồi đất của gia đình mình. Một ngày sau, cả trăm dân quân, tự vệ, công an viên, lực lượng liên ngành của bốn xã và từ huyện kéo xuống đầm nhà tôi”.
Ông cho biết tiếp: Khi máy xúc được đưa đến để phá đầm, gia đình ông đã huy động gần 50 người ra, quyết làm làm căng, yêu cầu lập biên bản về việc tại sao phá đầm. Ông nói: “Biên bản lập xong, có chữ ký của đầy đủ các ban ngành. Sau khi lập biên bản, lực lượng thực hiện cưỡng chế cũng tự rút”. Song, cũng từ đó đến nay, 30 ha đầm bãi của gia đình ông chỉ sản xuất ở dạng cầm chừng, huyện không thu hồi và gia đình ông cũng không dám đầu tư nuôi trồng thủy sản.
Hơn chục chủ đầm cũng thuộc diện bị thu hồi như gia đình ông Đọc (tại xã Đông Hưng và Tây Hưng). Tất cả luôn sống trong tâm lý hoang mang, lo lắng và chỉ biết viết đơn đề nghị tập thể xin gia hạn cho thuê đầm bãi. Khi nào UBND huyện bác đơn, các chủ đầm sẽ viết đơn kiện vụ án hành chính ra TAND huyện Tiên Lãng. Tóm lại người dân huyện Tiên Lãng đã từ bao lâu nay sống trong tâm trạng nơm nớp lo lắng “sẽ bị thu hồi đất, bị cưỡng chế hay nói cho đúng là bị cướp công, cướp của bất cứ lúc nào mà chỉ còn cách tự vệ duy nhất là chống lại bằng mọi giá”. Một tâm trạng như thế làm sao người dân sống an cư lạc nghiệp được. Sự thanh bình của nông thôn chỉ còn là cái bề ngoài mầu mỡ.
Chúng ta hãy chờ đợi để cùng nghe tiếng nói của người dân và sẽ cùng bàn luận qua mỗi sự việc sẽ xảy ra.

2.Lễ hội ở Việt Nam ngày nay
clip_image001
Đến đây xin chuyển sang một đề tài khác cho đỡ nhức đầu. Đó là những lễ hội ở VN trong “tháng giêng là tháng ăn chơi” này. Thật ra, ở VN, lễ hội kéo dài trong 3 tháng, bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, thời gian “xôm tụ” nhất của lễ hội là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch.
Quá nhiều lễ hội ở khắp các địa phương và hầu như bất cứ một “đền phủ” nào có tiếng tăm một chút đều tấp nập, đông đúc đến chật ních. Những lễ hội lớn như Chùa Hương, Yên Tử, Bà Chúa Kho, Vía Bà, Đền Trần, Đền Hùng… đón tiếp mỗi ngày năm bảy chục ngàn người. Lễ hội là dịp để tưởng nhớ tới công đức của tổ tiên, của những vị anh hùng vì dân vì nước. Những hoạt động của lễ hội nhằm làm sống lại những hình ảnh đặc biệt, những phong tục tập quán của địa phương, tùy theo đó là lễ hội nào. Người dân đến lễ hội với tấm lòng thành kính, cầu xin cho đất nước thanh bình, no ấm, mưa thuận gió hòa và cũng là dịp để du ngoạn, gặp gỡ mọi người là “khách thập phương” để cùng chia sẻ niềm vui đầu xuân.
clip_image003
Nhưng mỗi ngày các lễ hội cứ được hiểu theo một nghĩa khác và những truyền thuyết hoang đường được tạo dựng nên cho lễ hội thêm phần trang trọng linh thiêng, lôi kéo mọi người tìm đến. Những năm gần đây, nhiều đền chùa phải leo đèo trèo dốc như chùa Hương, Yên Tử còn mắc cả một hệ thống cáp treo tân tiến để khách hành hương khỏi mất sức leo núi và được ngắm cảnh hùng vĩ thiên nhiên từ lưng chừng trời cao. Những nhà tổ chức mang hết sức ra phục vụ du khách và cũng là dịp tạo cơ hôi cho những kẻ bất lương tha hồ lừa bịp, chặt chém khách hành hương.
Không thể thống kê được trong dịp này người ta đã bỏ ra bao nhiêu tỉ đồng để “đi lễ”. Nếu chỉ là khoản chi tiêu bình thường như xe pháo, ăn ở, lễ vật giản dị với tấm lòng thành thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng người ta đã phí phạm quá nhiều cho những khoản lễ vật sặc mùi mê tín. Dù lạm phát, dù giá cả tăng liên tục, dường như người ta bất chấp tất cả, mạnh tay hào phóng chi tiêu vào những lễ vật dâng lên thần thánh.
Chùa Hương và thi ca
clip_image005
Lễ hội nổi tiếng nhất VN là chùa Hương. Tôi cũng đã có dịp đi chùa Hương. Nhưng là vào những năm chiến tranh và còn quá trẻ. Lúc đó chùa Hương biến thành một cái kho quân nhu nên không hề có lễ hội nào. Tôi chỉ thấy nó cũng giống như những ngọn núi trùng điệp của vùng này chạy dài như vô tận. Khi ghé qua chùa này, lúc đó gần như hoang phế, không hương khói. Có nhiều ngôi chùa rải rác trong vùng Suối Yến, ngôi chùa gần bến đò Trò nhất là chùa Ngoài. Trên ba khoảng sân rộng lát gạch có Tam quan chùa. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái. Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất.
Chùa chính là Chùa Trong, tức là phải đi sâu vào trong. Thoạt nhìn bạn chỉ thấy đó là một động đá. Phải đi xuống 120 bậc thang mới tới hang chùa. Vách trước cửa động có năm chữ Hán Nam thiên đệ nhất động”, chữ được khắc vào năm 1770, đó là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Tiếc rằng vào thời đó, mọi khung cảnh đều vắng ngắt, không xem được lễ hội thì ta tìm đến thi ca vậy.
Chắc bạn cũng nhớ bài thơ “đi chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp:
“Hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương…”.
Nhưng chùa Hương là nguồn gợi hứng cho nhiều tác phẩm thi ca Việt Nam từ thế kỷ trước. Xin điểm lại một vài tác phẩm nổi tiếng nhất. Trong số đó phải kể đến bài hát nói: "Hương Sơn phong cảnh ca" của Chu Mạnh Trinh, làm từ thế kỷ 19, xưa nay rất được ca ngợi:
“Bầu trời cảnh bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
"Đệ nhất động" hỏi rằng đây có phải!
Thỏ thẻ rừng mai chim cùng trái
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh
...
Nhác trông lên ai khéo họa hình
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây?...”
Nhưng bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, tác giả bài thơ “Vịnh động Hương Tích” là bài thơ thú vị nhất đối với tôi và có lẽ với nhiều bạn đọc. Bài thơ mang đậm “tính cách Xuân Hương”, hài hước từ hình ảnh đến câu chữ. Không còn là sự dung tục trong thi ca mà chính là những sáng tạo nghệ thuật nhất, chưa có ai sánh bằng trong lịch sử thi ca VN. Mời bạn đọc cùng nhớ lại:
“Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom
Người quen cõi Phật quen chân xọc
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm
Gọt nước hữu tình rơi thánh thót
Con thuyền vô trạo cúi lom khom
Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại
Rõ khéo Trời già đến dở dom”.
Từ sự linh thiêng đến buôn thần bán thánh
clip_image006
Ý nghĩa của những lễ hội đều trang trọng, thanh cao, nhưng ngày nay đã bị lợi dụng gần như “triệt để” vào những mục đích tư lợi cá nhân khác. Trước những năm 1975, cảnh này cũng có xảy ra ở một vài nơi, nhưng với một hình thức nhỏ hơn. Sau năm 1975, từ ngày việc lễ bái sùng kính được phép hoạt động trở lại thì mỗi năm sự lợi dụng vào lòng thành này được phát triển rất mạnh và công khai, nhất là vào mùa xuân năm nay.
Xin điểm qua cảnh buôn thần bán thánh ở một lễ hội Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh. Một thí dụ điển hình cho nhiều lễ hội khác đã và đang diễn ra ở VN. Từ việc tổ chức đến ngay cả trong lòng những người “con của Phật”, ngoài một số tâm hồn còn giữ được lòng cao thượng trong sáng, một số khác đến lễ hội vì chính mình. Những giá trị tinh thần, nét văn hóa cổ xưa khi bị lạm dụng, vượt quá giới hạn trở nên hoang đường và cuồng tín.
Vào những ngày đầu năm vừa qua, hàng chục ngàn người ùn ùn đổ về Bắc Ninh đi lễ Bà Chúa Kho. Có những người đến chỉ để cầu danh lợi, thăng quan tiến chức và vay tiền là mục đích chính của phần đông những người hành hương về làng Cô Mễ. Và cũng như mọi năm, khách thập phương luôn đông đúc, chen lấn, la lối khiến đoạn đường dẫn vào đền thường xuyên trong tình trạng quá ồn ào, náo nhiệt. Các dịch vụ mồi chài, soạn lễ cúng, khấn thuê, giữ xe mọc lên nhan nhản, bát nháo, biến chỗ thờ tự tôn nghiêm trở thành những dịch vụ buôn bán thánh thần.
Không cần biết Bà Chúa Kho là ai, người ta đến để đánh đổi, mua danh, cầu lộc, vay mượn từ thế giới ảo, đem mưu toan của trần thế vào thế giới thánh thần. Ảo vọng và niềm tin mông muội đã làm cho con người trở nên cuồng tín hơn bao giờ hết trong những năm gần đây.
Nhân danh những tập tục, văn hóa truyền thống của cha ông từ ngàn xưa để lại, những người thực hiện lễ hội đã tiếp tay cho tình trạng mê tín dị đoan xảy ra một cách công khai quanh các lễ hội. Trong đám người chen lấn, giành giật, sì sụp khấn vái ở chùa Bà Chúa Kho có nhiều người đinh ninh rằng, nếu đi lễ và vay tiền vào đầu năm, họ sẽ được giàu có và thăng quan tiến chức?
Lễ hội tượng trưng đã thật sự bị lạm dụng. Người ta thấy nhan nhản những chiếc xe công, biển xanh chở những ông bà béo tốt, khệnh khạng bước xuống, thuê người đội mâm vàng đầy tú hụ, ngoài mặt thì làm ra vẻ hiền lành, nhưng trong lòng hãnh diện đi vào đền lễ Bà Chúa Kho. Trong số đó chắc cũng có không ít những ông quan kiểu quan Tiên Lãng, TP Hải Phòng đã từng đến đây cầu cho “quốc thái dân an chỉ là cái cớ, còn cái chính là cầu cho mình càng ngày càng thu hồi được nhiều đất của dân đã làm sẵn cho ngài xơi”.
Trong những lời khấn cầu ấy là lòng tham vô độ, hẹp hòi và vị kỷ cá nhân, chỉ biết mình chứ không hề biết đến thiên hạ, đến quốc thái dân an. Sự mê muội, mù quáng đã dẫn dắt hàng trăm ngàn người, có người vượt hàng ngàn cây số đường, đi vay tiền.
Bà chúa Kho biến thành “tín dụng đen”
clip_image008
Thế là bà Chúa Kho bỗng biến thành người âm cho dương gian vay tiền định kỳ 12 tháng, rồi cuối năm thu lời không biết bao nhiêu phần trăm, ta gọi là “tín dụng đen”. Không biết ông Thống đốc Ngân Hàng Âm Phủ quy định đầu vào là 14% và đầu ra là trên 20% hay hơn nữa? Chắc ông này phải lên trần thế học tập mấy ông Ngân Hàng Nhà Nước VN may ra mới làm ăn khoa học được. Chỉ biết đầu vào là những mớ vàng bạc, đô la kếch xù. Lễ vật dâng lên Bà Chúa Kho đã trở nên chuyên nghiệp với những mâm quả có sẵn và người khấn thuê ngay tại đầu cổng ra vào. Tất cả đều vàng chóe: “cành vàng lá bạc”, “vàng thỏi”, “vàng cục”, “vàng lá”, “đô la”… được định giá hàng tỷ USD âm phủ. Để có được một mâm lễ hàng mã ấy người ta phải chi ra một số tiền khá lớn. Thêm vào đó là tiền xăng, tiền ăn ở, đi lại của nhiều người. Sự lãng phí không thể nào kể xiết trong lúc vô số người dân đói khổ đang oằn mình chống đỡ cơn bão lạm phát, bão giá đang hoành hành.
Lễ nhỏ, cũng phải vài chục ngàn, lễ to lên đến hàng trăm, thậm chí cả vài triệu đồng. Chỉ riêng số tiền mua lễ và thuê người cúng nhân lên con số hàng chục ngàn người đi lễ ở đền này thôi, nhân với nhiều lễ hội ở các “đền chùa, miếu mạo” trong toàn quốc, mỗi ngày sẽ phung phí một khoản tiền vô cùng lớn được các “tín chủ” mù quáng ném vào lò thiêu. Người ta gọi đây là lòng thành? Phải chăng đó là thương mại hóa, là cách làm tiền trắng trợn từ nét văn hóa truyền thống của cha ông để lại? Con cháu và những kẻ ăn mày quá khứ sẽ phải trả giá rất đắt cho những toan tính vụ lợi, phản văn hóa, bất chấp dư luận của xã hội và công chúng. Các cơ quan gọi là “văn hóa” ở VN nghĩ gì đến các hiện tượng này?
clip_image009
Phải chăng khi niềm tin vào công bằng xã hội, tương lai bị khủng hoảng, bản thân không ổn định thì người ta tự trấn an mình bằng cách trao vận mệnh của mình vào tay một quyền lực cao siêu, tìm đến với những trò mê tín dị đoan ngày càng nhiều? Phải chăng lòng tham không đáy ngày càng lấn át sự lương thiện và sự thiếu tự tin, bất tài nhưng muốn ăn trên ngồi trước thiên hạ, xe pháo vênh vang nên người ta đi cầu xin một phép mầu mang lại chức tước bổng lộc từ trên trời rơi xuống cho mình?
Văn Quang – 17-2-2012