Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

NIỀM VUI CỦA MỖI NGÀY

Fr: Phuong Bui         NIỀM VUI CỦA MỖI NGÀY                                                              Nguyên Nhung

 Bình Minh Mỗi buổi sáng như một cái đồng hồ đúng giờ, tôi lóc dậy lúc 7 giờ. Việc đầu tiên ăn sáng xong là ra vườn tưới cây. Mùa hè trời nóng lắm, hôm nào cũng khoảng ngoài 90 độ F, nhưng cái nóng của ngoài trời lúc ban trưa cho người ta cảm tưởng nhiệt độ lên tới cả trăm độ. cay dao
Chị bạn thân cũng thích trồng hoa kiểng, hôm đầu Xuân tặng cho tôi một cây đào, giống đào này hiếm vì là đào Nhật Tân Hà Nội, có màu hoa đỏ thắm chứ không phải đào hồng như ở đây. Nhìn hoa nở thắm trong vườn nhà chị hôm đầu Xuân, tôi cũng mơ ước ở sân sau nhà, mình sẽ trồng được một cây đào xum xuê, mùa hè che bóng mát cho mảnh sân nhỏ và sau những ngày Đông buốt giá, sẽ tìm được mùa Xuân rực rỡ  trong mảnh vườn nhỏ của mình. Nhưng da tôi lại hay bị dị ứng với ánh nắng mặt trời, nên khi ra vườn tưới cây vẫn phải đội mũ và đứng dưới bóng một cây cao để tránh nắng. Buổi sáng nắng chưa gay gắt, gió thổi hiu hiu nên mát rượi, nhìn cây đào lớn lên phơi phới tôi ngửa mặt lên trời, bầu trời xanh điểm xuyết những bóng mây trắng. Tôi thầm nghĩ đến chuyện phải cảm ơn trời đã cho tôi hưởng không khí trong lành của một bình minh êm ả, đã cho tôi chút gió mát để tâm hồn yêu đời phơi phới, và phải cảm ơn cô bạn nữa vì đã tặng cho tôi cây hoa quý, như đã cho tôi một mùa Xuân giữa những ngày đầu hạ.
Nhổ Cỏ Mỗi  buổi sáng đẹp trời như thế, nhổ cỏ cũng là một cách tập thể dục cho tay chân hoạt động và đổ mồ hôi, thải bớt những chất độc trong người. Cỏ đối với tôi không phải là kẻ thù nếu như nó được mọc thành bãi, một bãi cỏ xanh trong một ngày đẹp trời, để mình nằm thả dài trên sân cỏ mà nhìn trời xanh, chẳng thú lắm sao! Nhưng cỏ mọc lẫn lộn trong hoa, sự phát triển của nó nhanh cấp kỳ vì được tưới tắm mỗi ngày. Tôi cũng đâu ích kỷ với Cỏ, nhưng muốn cho hoa tăng trưởng được thì phải nhổ cỏ. Thôi đừng lười biếng nữa, nhổ những cây cỏ non sống nhờ dưới thân hoa, là một việc dễ dàng hơn là cứ để nó tự do lớn mạnh, khi ấy rễ của Cỏ đã bám sâu vào đất, tôi sẽ mất công lắm! Vừa nhổ cỏ tôi vừa nghĩ. Ừ nhỉ, chất chồng trong tâm tôi cũng bao nhiêu cỏ dại, hãy dùng một chút thời gian để nhổ bớt đi những cây cỏ mọc không đúng chỗ trong tâm hồn mình, đời sẽ đẹp như mảnh đất trồng hoa đã quang đãng hơn vì không còn  cỏ dại, hay chỉ còn rất ít. Đói ăn rau, đau uống thuốc! Thời gian sống ở miền Tây, tôi được làm quen với các loại rau hoang như rau càng cua mọc lan tràn trong vườn, trong sân như cỏ dại, chỗ nào có bụi cây thấp, bên bờ giếng, ven hàng rào có cây to bóng mát, đất ẩm chỉ cần vài cơn mưa là  rau càng cua mọc lên từng mảng xanh rờn. Không ngờ loại rau có lá hình trái tim hơi tròn trĩnh như một đồng xu, màu xanh non ngọc thạch mượt mà dễ thương, lại là một món rau bổ ích mà mãi sau này khi tìm hiểu tôi mới biết công dụng dược thảo của nó,tốt hơn nhiều thứ rau nhà được vun trồng tưới tắm. Trên mâm cơm của người miền Tây thuở ấy, từ Trà Vinh cho đến Cần Thơ thường  có rổ rau sống ăn kèm với thịt, cá kho, mắm kho, vì vậy mà chất tươi mát này đã thấm đẫm trong xương tủy cũng như tâm hồn của người miền Nam. Một rổ rau tươi đủ loại để ăn mắm bao giờ cũng có sự hiện diện của nắm rau càng cua, hương vị nồng nồng nhưng giúp những gia đình nghèo đưa chén cơm vào miệng thật ngon lành. Mảnh đất ẩm nằm cạnh cái giếng nước sau nhà, giúp cho rau càng cua tăng trưởng tươi xanh , mọc len trong cỏ nằm cạnh vách tường, miễn có đất ẩm là có rau, nên cả nhà tha hồ hái rau ăn quanh năm. Bà chị dâu người miền Nam thường làm món rau càng cua trộn dầu giấm thịt bò, ngon hết biết. Nhưng sau này khó khăn, đâu phải lúc nào cũng có thịt bò, nên mẹ tôi chế biến thành món rau trộn chay giản dị mà cũng rất ngon. Vài trái cà chua chín thái ngang, mấy củ hành khô ngâm giấm và chừng hai cái hột vịt bày xung quanh đĩa rau, trộn dầu giấm chấm nước mắm chua ngọt là cả nhà đã được một bữa ngon cơm rồi. Bây giờ ở quê người, cuối xuân sang hè tôi chỉ mong trời mưa, tiếng sấm động ì ì với những cụm mây đen ùn ùn kéo đến, vài trận mưa lút đầu ngọn cỏ là lúc đó rau càng cua cũng chuẩn bị mọc lên chen nhau dưới những bụi cây thấp và ẩm. Một sớm mai ra vườn, nhìn thấy những cụm rau mát như ngọc thạch vươn lên chen lẫn trong lá cỏ, người xa quê mới cảm thấy nỗi ao ước hưởng lại hương vị “cây nhà lá vườn” của món rau hoang dại này, giờ đây cũng lạc loài nơi xứ lạ. Cây Cam Cây cối trong mảnh vườn nho nhỏ của tôi, đến rồi đi cũng nhiều, cũng chịu chung số phận sinh tử như con người vậy. Lũ cây non be bé được nâng niu như trẻ thơ, thì với mấy cây già cỗi sắp tiêu diêu về bên kia thế giới, mình vẫn có cái trân trọng như trân trọng người có tuổi. Có lẽ cũng từ sự tương quan tuổi tác mà có sự săn sóc ấy chăng? Suy bụng ta ra bụng người, cây mười tuổi như người trăm tuổi, nhất là với những cây có đời sống ngắn ngủi, sự hiện diện của chúng trong khu vườn với một khoảnh khắc nào đó, vẫn cống hiến cho con người niềm vui thật nhỏ bé, khi nhìn những lộc non đơm đầy trên cành nhánh khẳng khiu. Thế nhưng cảnh chia biệt giữa cây và người vẫn làm tôi nao nao  một nỗi buồn thấm thía, như hai người bạn đã tới lúc chia xa, không hẹn ngày tái ngộ. Cây cam già đã cỗi, mua từ một vườn ương cây được chiết từ một thân cây mẹ, nên tuy thấp mà lại già, trông nhỏ nhắn mà đã có trái. Vài năm sau cây không còn đơm hoa kết trái, đến lúc phải ra đi đã để lại trong mảnh sân nhỏ, hay trong lòng tôi một nỗi trống trải đến nhiều ngày mới quên được. Đành lòng là phải tiễn đưa nhau, nhưng trước khi hóa kiếp cho nó thành tro bụi, tôi cũng cảm khái được mấy vần ai điếu: 
"Càng ngày cây càng nhỏ lại
Càng lúc trái càng bé đi
Mùa Xuân chờ hoài không tới
Mùa Đông đợi hoài chẳng đi."
(Thơ N.N.)   
Vẫn Còn Xuân Chán! Tôi có một người bạn vong niên, tuy gọi bằng “Chị” nhưng hơn tôi đến hai mươi mấy tuổi. Quen rồi, hồi mới sang Mỹ chúng tôi ở chung một xóm, cùng học chung một lớp ESL dành cho những người mới tới. Chị là vợ một nhà văn, ông viết cho một số tạp chí ở hải ngoại, hình như người đàn ông ấy có những đam mê khác bà vợ, sống yên lặng trong nhà ít giao du với hàng xóm. Chị hay cười và suốt ngày lúi húi với những cây hoa hồng lúc nào cũng đơm hoa. Quanh năm, người phụ nữ gầy gò, mảnh dẻ ấy chỉ lúi húi ở  nhà bếp và mảnh vườn sau, không thấy chị xen vào việc sáng tác của chồng. Từ trên lầu của khu chung cư ngó xuống, lúc nào tôi cũng thấy chị bưng , xách từng chậu hay xô nước để tưới hoa. Nước ấy là nước vo gạo, nước rửa rau, nước lau nhà, khuôn mặt chị giấu kín dưới vành nón rộng, nhưng tôi biết chị rất thích và đam mê với hoa lá của mình. Những bông hồng cứ nở hoa, dọc theo đường đi, ai khen hay thích xin chị cũng sẵn lòng cho một cây nhỏ ương sẵn về trồng, hai mắt chị cười tít lại, hạnh phúc như tỏa ra trên khuôn mặt đã nhiều vết chân chim. Bẵng đi nhiều năm từ khi tôi rời xa chốn cũ, hình như tôi vẫn nhớ nơi này nhiều nhất vì nó đã chuyên chở giùm tôi biết bao kỷ niệm. Căn nhà có khung cửa kính mở rộng nhìn xuyên suốt ra ngoài, ven đường có hàng sồi lặng lẽ xanh biếc với thời gian. Đi quá vào trong là một con suối có nhiều cây dâu dại, những chiếc lá khô rơi xuống và thả mình trên mặt nước như những chiếc thuyền con. Tình cờ tôi gặp lại chị trong chợ, vẫn nụ cười tít mắt trên khuôn mặt đã nhăn nheo với thời gian. Chị mừng nắm tay tôi rồi bảo:
“ Vẫn Còn Xuân Chán!”
Tôi bật cười:
” Hơn 10 năm rồi mới gặp lại. Chị khỏe không?”
Chị cười, giọng nói vẫn sảng khoái và vui tươi như ngày tôi dọn nhà đi, chị ân cần bứng luôn một bụi hồng lớn màu hồng nhạt để tặng tôi, thêm cây dạ lý hương cũng đang nở hoa:
“ Vẫn Còn Xuân Chán! Mỗi ngày tôi uống một vốc thuốc cho đủ thứ bệnh già, nhưng hễ còn đi lại được thì tôi “vẫn còn xuân chán”.
Ha ha, từ đấy tôi và chị hay liên lạc lại với nhau, chị khoe khi dọn về nhà mới chị cũng có một mảnh vườn trồng đầy hoa hồng, nhưng bây giờ tuổi đời chồng chất đã 87 cái xuân già, con chị không cho chị bưng nước tưới hoa nữa, chị dùng vòi nước tưới cây trong vườn, hoa cỏ lên phơi phới. Mỗi lần nói chuyện với chị qua đường dây điện thoại, tôi hình dung ra người phụ nữ cao tuổi ấy là một bóng cây cao tỏa bóng mát cho khu vườn của chị, và cả tâm hồn người khác nữa khi tôi nhớ tiếng cười ha ha của chị:
“ Vẫn Còn Xuân Chán!”
Rác Câu chuyện nhỏ này ghi lại  khi ngày thứ Năm trong tuần là ngày đổ rác, tôi mượn  nhân vật trong truyện “Những Cánh Chim Cô Đơn” để diễn tả giùm cảm nghĩ của mình: “Hồi ấy, lúc vừa qua Mỹ, tôi “share” phòng với gia đình người bà con ở một khu phố khá khang trang. Thế nhưng mỗi tuần chỉ đổ rác có một lần, vào ngày thứ năm trong tuần. Thôi thì hôm ấy có bao nhiêu thứ rác rưởi trong nhà phải cố thu nhặt mà đem ra thùng rác, cứ sáng sớm đã phải dậy để xem có còn chút rác rưởi nào mà vứt đi, lỡ quên, phải một tuần sau mới có xe rác tới. Có những thứ bẩn thỉu và hôi hám, để tới một tuần sau thì chắc là không ai chịu được. Cứ tới ngày đổ rác là cái nhà ấy ồn ào lên như cái chợ, bà mẹ lại phải tất bật đi thu dọn và la hét những đứa con, khiến mình cũng phải khó chịu. Lúc đầu tôi cảm thấy bực mình nhất ngày thứ năm trong tuần, nhưng sau hễ tới ngày ấy, tôi cũng tự nhiên như bị ai nhắc nhở cần phải thu dọn cho sạch sẽ nhà cửa. Sau từ chuyện ấy tôi lan man nghĩ tới chuyện khác, đôi khi mình vẫn phải thu dọn con người mình, cái gì không cần thì vứt đi cho sạch sẽ, cả những thứ dĩ vãng buồn phiền cũng là một thứ rác rưởi, ôm nó vào lòng thì khác gì ôm một mớ rác bẩn. Những thứ rác rưởi ấy, không hẳn là của người mang tới cho mình, có khi nó chính là của mình, của bản thân, mà muốn cho cuộc đời quang đãng thì cũng vẫn phải vứt nó đi, đừng nuối tiếc." Bên Bờ Sinh Tử Tính tôi thích đùa, ngay cả trong gia đình khi trao đổi quan niệm sống với đứa con đã trưởng thành, tôi đã kể cho con tôi nghe một câu chuyện: “ Có một lần trong đời tôi bị ốm nặng, lúc nào người cũng ren rét, bệnh chẳng ra bệnh gì, nằm liệt một chỗ mấy tháng trời. Trận ấy may là tôi thoát chết, lúc tỉnh hồn tỉnh vía, soi gương thấy mặt mũi vêu vao, hốc hác, thoát chết lần ấy, tôi tự nhủ phải tận dụng những giây phút quý giá của đời người mà làm điều gì hữu ích cho cuộc sống. Cận kề giữa hai bờ sinh tử, lơ mơ nhìn nắng chiều se sắt ngoài hàng râm bụt đỏ, mảng trời xanh không một gợn mây, tôi thấy đời quả đẹp vô cùng. Từ đấy tôi tự hỏi, sao không làm điều gì đẹp đẽ để lúc hai tay buông xuôi sẽ không ân hận, tiếc nuối, để biết cái hạnh phúc khi được làm người, cũng bởi cái ân sủng từ nhiều kiếp trước mà thành. Lỡ như, tôi mỉm cười khi nghĩ nếu mình ăn ở chẳng ra chi, trời cho tái sinh làm kiếp vịt quạc quạc, lại có ai đó ân oán với mình từ kiếp trước, cắt cổ làm bữa tiết canh thì còn gì là đời vịt.” Có lẽ từ ý tưởng ấy mà tôi viết văn, chẳng có gì ghê gớm cả khi ai cũng có thể ghi lại những cảm nghĩ của mình trong từng khoảnh khắc của đời sống, và bạn hãy cứ vui vẻ đi nếu có ai ưu ái tặng cho mình hai chữ “nhà văn”, đừng mắc cỡ bạn nhé! Nghỉ ngơi Anh” Còm” của tôi cũng thuộc hạng lão làng như tôi vậy, nhưng tôi quý anh lắm, bởi đã quen hơi nhau như người bạn thân thiết lâu năm, tri âm tri kỷ tri bỉ là thế! Tính không thích thay đổi khiến tôi hụt hẫng hay khó chịu khi phải sử dụng một cái máy mới, có lẽ tôi không đuổi kịp sự văn minh của khoa học, như một người già khó thích nghi với cách sống tân tiến của đám trẻ bây giờ. Những khi ở nhà, tôi miệt mài bỏ nhiều giờ với “người tình mặt vuông”. Khi thì viết, lúc làm thơ, lúc làm PPS, khi lại loay hoay với mấy tấm hình, thú làm PPS khiến tôi cũng say sưa chụp ảnh nghệ thuật và sưu tầm, ráp nối nhiều tấm ảnh đẹp. Gọi là thú vui tao nhã của tuổi già cũng được, vì tôi không phải cô đơn  trống trải một ngày dài, lại không tốn tiền ảnh hưởng kinh tế gia đình. Thế nhưng anh “còm” của tôi đã cũ nên anh cũng hay đau yếu vặt vãnh, và khi nào phải làm việc nhiều quá với cái đam mê của tôi thì người anh nóng ran, muốn xì khói. Những lúc ấy tôi cũng linh cảm nỗi mệt mỏi của anh, và của tôi nữa. Sờ vào anh đã thấy hâm hấp như lên cơn sốt, anh như muốn bảo tôi:
“ Thôi đứng lên đi, tôi mệt rồi, bạn không biết mệt hả? Coi chừng cái lưng của bạn đấy!”
Thấy tôi vẫn còn nấn ná, anh nóng tiết lên ( nóng thật tình vì có mùi khen khét):
“Đứng lên đi, tôi mà cháy máy thì bạn cũng hết đường tương chao. Làm gì thì cũng phải nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi chứ!”
Lần này thì tôi đứng lên thật, dù muốn hay không tôi vẫn phải nghĩ đến sự Nghỉ Ngơi cho anh, và cả cho tôi nữa.
Thân chào bạn nhé, vì bây giờ “ người tình mặt vuông” của tôi đã mệt , và tôi cũng mệt rồi, phải nghỉ ngơi để còn tận hưởng niềm vui của mỗi ngày đang có. 

  Nguyên Nhung
   (Mùa hè 2013)