Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2011

CON GÁI ÚT VUA DUY TÂN TỬ NẠN

From: Ngoc san Pham* Nguyen thuy Chau

Andrée Marie VĨNH SAN
(1945-2011)

Nguyễn Ngọc Giao
Chiều nay (chủ nhật 30.1.2011) trở về Paris từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kì, thì tôi được tin Andrée Marie Vĩnh San, người con gái út của vua Duy Tân (Nguyễn Phước Vĩnh San) đã tử nạn ngày hôm qua, 29.1.2011, tại Saint Denis, thủ phủ của đảo La Réunion, tỉnh "hải ngoại" (DOM) của nước Pháp, nằm giữa Ấn Độ Dương.

Andrée Marie VĨNH SAN tại La Réunion (© Nguyễn Duy 2008)

Có những sự liên tưởng, trùng hợp dù không tin nhảm cũng vẩn vơ nghĩ ngợi. Tuần qua đi một vòng nhỏ ở Thổ Nhĩ Kì, từ phần châu Âu của Istanbul theo bờ biển Marmara về phía tây, băng qua eo biển Dardanelles sang phần đất châu Á, đi thăm Assos, Troia (với con ngựa gỗ thần thoại), Bergamme, Bursa, rồi qua eo biển Bosphore để trở lại khu nhà cổ Istanbul, với những tháp gọi cầu nguyện (minaret) chọc trời... tôi hay để ý đến những khu nhà mới. Mái nhà thường có những tấm pin mặt trời và những thùng chứa nước nóng : Thổ Nhĩ Kỳ không có dầu mỏ (ét xăng ở đây thuộc loại đắt nhất thế giới), nên cố gắng dùng năng lượng tái tạo như ánh sáng mặt trời và sức gió để sản xuất điện. Cảnh tượng ấy làm tôi nhớ lại đảo La Réunion mà tôi có dịp đi thăm hồi tháng 6 năm 2008 cùng với đoàn làm phim của đạo diễn Nguyễn Hồ. Tại "vùng hải ngoại" này của nước Pháp, ông Paul Vergès (thủ lĩnh Đảng cộng sản La Réunion, nhiều nhiệm kỳ làm chủ tịch hội đồng vùng) đã tận dụng mặt trời, gió biển Ấn Độ Dương, và bã mía để đi tới tự túc về điện mà không cần nhiên liệu hay hạt nhân. Cũng chính tại đây, chúng tôi được gặp hậu duệ của hai vua Thành Thái và Duy Tân, trong đó có bà Andrée Marie và ông Jean Luc. Cả hai đều là cháu nội của vua Thành Thái, Andrée Marie Gisèle là con gái út của vua Duy Tân, Jean Luc là con trai của hoàng thân Vĩnh Chươn (em trai của Vĩnh San, tức là cựu hoàng Duy Tân).
Trên đường từ sân bay Orly về nhà, bản tin của đài France-Inter lúc 15g cho hay ngày mai, thứ hai 30.1.2011, nhiều trường học ở La Réunion sẽ phải đóng cửa vì mưa lũ. Rồi điện thoại réo : từ Việt Nam, chị Tố Nga (người tổ chức chuyến đi năm 2008 của chúng tôi) báo tin Andrée Marie tử nạn, nhắn tôi về tới nhà thì mở ngay thư điện tử của anh Nguyễn Hồ. Thay mặt anh chị em trong đoàn quay phim Đi tìm dấu tích Ba Vua, anh Hồ yêu cầu tôi tìm cách gửi vòng hoa phúng viếng người đã khuất và chia sẻ nỗi đau của dòng họ Nguyễn Phước ở Saint-Denis.
Tôi vội gọi điện ngay cho ông Georges Vĩnh San (Nguyễn Phước Bảo Ngọc), trưởng nam của vua Duy Tân, được biết em trai ông, nhạc sĩ Claude Vĩnh San (tên Việt Nam là Nguyễn Phước Bảo Vang), đang ở Saint Denis và sẽ lo tang lễ cho em gái. Qua điện thoại, Bảo Vang cho biết mấy ngày qua mưa lớn ở đảo -- đảo La Réunion thực ra là một quả núi lửa mọc lên từ đáy biển, cao 7000 mét, đỉnh của hòn đảo cao 3000 mét so với mặt biển, người dân La Réunion sống chủ yếu ở vành đai chân núi, một số nhỏ ở sườn núi -- nhiều chỗ núi lở, bùn đất và đá vụt sổ sập từng mảng. Ngày 29.1, Andrée Marie từ nhà ra vườn, đúng lúc sườn núi ven vườn lở xuống, bùn đổ ào xuống vườn, chôn sống người phụ nữ bất hạnh ấy. Đám tang, lẽ ra tổ chức vào ngày mai, 31.1, được hoãn tới trưa ngày thứ tư 2.2 (nghĩa là ngày 30 tết Tân Mão) để con trai của bà, đang sống ở đảo Guadeloupe (Trung Mĩ) bay về kịp.
Chị Andrée Marie -- tôi xin phép được gọi người đã khuất là chị -- đúng là người bất hạnh. Khi nghe chị Tố Nga nhắn trong điện thoại, nói đến tên Marie André, tôi hình dung ngay ra chị, người đàn bà nhỏ nhắn, ăn nói nhỏ nhẹ, có đôi mắt u buồn. Chị ra đời vào ngày mồng một tháng 12 năm 1945 tại Saint-Denis. Mẹ chị là bà Ernestine Maillot (sinh năm 1924). Bà Maillot là người phụ nữ thứ ba (1) ở La Réunion có con với "hoàng tử Vĩnh San" (như người ta vẫn gọi vua Duy Tân từ ngày ông và vua cha Thành Thái bị lưu đày từ năm 1916). Ngày ấy, cha chị đang ở Paris. Ông rời La Réunion từ ngày 5.5.1945 khi bà Maillot có mang được hơn hai tháng.
Qua hồ sơ lưu trữ ở Aix-en-Provence (Trung tâm lưu trữ Hải Ngoại CAOM) và Fondation Charles de Gaulle (Paris), và các công trình nghiên cứu, đặc biệt của P. E. Thébault (2) và F. Turpin (3), ngày nay người ta biết rằng tướng De Gaulle đã nghĩ tới một "giải pháp Duy Tân" cho vấn đề Đông Dương. Từ đầu năm 1945, ông chỉ thị đưa Duy Tân từ La Réunion về chính quốc để tham gia vào lực lượng "Pháp Tự Do" sang giải phóng nước Đức, nhưng chỉ thị của ông bị bộ máy thực dân trong Bộ thuộc địa cản trở. Mãi đến ngày 5.5.1945 quân lệnh mới tới Saint-Denis. Duy Tân lên đường ngay. Nhưng khi ông còn bay trên trên bầu trời Phi Châu, Đức quốc xã đã đầu hàng. Ý đồ ban đầu không thành, tướng De Gaulle vẫn chỉ thị đưa hoàng thân Vĩnh San tham gia một sư đoàn Pháp chiếm đóng nước Đức, rồi sang tháng 10, triệu ông trở lại Paris. Ngày 29.10.45, thăng cấp vượt bực từ chuẩn úy lên thiếu tá (tiểu đoàn trưởng). Ngày 14.12.1945, tướng De Gaulle tiếp Vĩnh San trong vòng nửa tiếng đồng hồ tại trụ sở "Bộ chiến tranh" (tức là Bộ quốc phòng, phố Saint-Dominique, quận 7 Paris). Cuộc gặp tay đôi, không có người thứ ba, không có biên bản. Hai người nói với nhau những gì, lập trường của họ có xích lại gần nhau không, không ai biết. Chỉ biết rằng lập trường công khai (trước đó, và sau đó) của De Gaulle vẫn là "Liên bang Đông Dương" với "5 xứ : Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào, Campuchia", còn lập trường của Duy Tân là dứt khoát xóa bỏ sự chia cắt Việt Nam thành "3 kỳ" (4). Sau này, trong "Hồi ký chiến tranh", tướng De Gaulle viết ngắn gọn :
"Nhắm tới những mục phiêu hữu ích, tôi nuôi dưỡng một ý đồ bí mật. Đó là cung cấp cho cựu hoàng Duy Tân những phương tiện để xuất hiện trở lại, nếu như người cùng hoàng tộc với ông và kế tục ông, là Bảo Đại,  rốt cuộc bị thời cuộc bỏ lại đằng sau. Duy Tân đã bị nhà cầm quyền Pháp truất ngôi năm 1916 và đưa sang đảo La Réunion, nhưng trong cuộc chiến tranh vừa qua, đã muốn phục vụ trong quân đội của ta. Ông mang quân hàm thiếu tá. Đó là một con người có nhân cách mạnh mẽ. Ba mươi năm lưu đày vẫn chưa xóa mờ trong tâm hồn của nhân dân An Nam những ký ức về vị vua này. Ngày 14 tháng 12, tôi tiếp ông (Vĩnh San) để xem, giữa hai người với nhau, chúng tôi có thể cùng làm gì. Nhưng bất luận sau này chính phủ của tôi sẽ đi tới thỏa thuận với ai, tôi vẫn dự định là sẽ đích thân sang Đông Dương để công bố thỏa ước một cách long trọng nhất ở thời điểm thích ứng" (5).
Về phần Duy Tân, chúng ta chỉ có chứng từ của ông E. P. Thebault. Theo tác giả này, hoàng thân Vĩnh San tỏ ra rất lạc quan, và chuẩn bị tháng ba 1946 sẽ cùng đi với tướng De Gaulle về nước. Với lập trường dứt khoát mong muốn độc lập và thống nhất một bên, và chủ trương thực dân kiểu mới (6) một bên, khó tưởng tượng rằng hai người đã thông hiểu và đi tới một thỏa hiệp nào. Có nhiều khả năng là cuộc gặp gỡ đầu tiên (và cuối cùng) này đã cho phép mỗi người đánh giá nhân cách của người kia, đồng thời cho mỗi người nuôi dưỡng hi vọng sẽ lợi dụng được người kia để thực hiện ý đồ của mình. Tất nhiên, 61 năm sau, chúng ta không thế viết lại được lịch sử. Vả lại, lịch sử đã không để cho mỗi người thực hiện ý đồ của mình : một tháng sau, tướng De Gaulle phải từ chức chủ tịch hội đồng bộ trưởng, bắt đầu cuộc "hành trình qua sa mạc" kéo dài hơn 12 năm trời. Còn thiếu tá Vĩnh San, trước khi thực hiện cuộc hồi hương sau 30 năm lưu đày, đã lên đường bay về La Réunion để thu xếp việc riêng, thăm vợ con, thăm đứa con gái vừa ra đời. Máy bay cất cánh ngày 24.12.1945 từ Paris đến Alger. Ngày 26.12.1945, hồi 18g30, trên đường từ Alger gần tới Bangui, chiếc phi cơ Lockheed Lodester (loại C-60), kí hiệu F-BALVh đâm vào rặng cây trên đồi cao, 2 phi công và 6 hành khách đều tử nạn (7). Trong số 6 hành khách, có một phụ nữ, hai quân nhân. Một trong hai quân nhân ấy là thiếu tá Vĩnh San.
Ngày 27.12.1945 ở Saint-Denis, đảo La Réunion, cô bé Andrée Marie mới chào đời được 27 ngày, chắc nằm nôi ở nhà với mẹ, bà Maillot. Các anh chị của cô, con bà Antier, cùng đại gia đình và thân thuộc ra nhà ga Saint-Denis đợi chuyến xe lửa sẽ đi từ sân bay La Possession về thủ phủ đảo La Réunion. Họ đợi rất lâu, cuối cùng được đưa về nhà và báo tin hoàng thân Vĩnh San đã tử nạn chiều hôm trước ở Oubangui. Georges (Bảo Ngọc) năm ấy 12 tuổi, Claude (Bảo Vang) 11 tuổi.
Trung tuần tháng 6.2008 chúng tôi bay đến đảo La Réunion, đoàn quay phim và ông Claude Vĩnh San. Tại Saint-Denis, ông Jean-Luc Nguyễn Phước tổ chức một buổi họp mặt đại gia đình Nguyễn Phước, hậu duệ của vua Thành Thái hiện có mặt ở đảo. Chính trong buổi họp ấy, chúng tôi đã gặp và phỏng vấn chị Andrée. Ngày hôm sau, chị đi cùng Jean Luc và chúng tôi ra nghĩa trang viếng mộ thân sinh Jean Luc, hoàng thân Vĩnh Chươn.
Những người anh em họ ấy, cháu nội của vua Thành Thái, đều sống một cuộc sống cần cù, thanh bạch. Khác với vua Hàm Nghi bị đi đày ở Alger trước đó, hàng năm được trợ cấp 25 000 francs, có thể vay trước để xây biệt thự khá khang trang trên đồi El Biar. Tại La Réunion, Vĩnh San phải làm nghề sửa máy thu thanh, và cũng như em trai, làm nài ngựa (hai ông đểu giành được nhiều giải đua ngựa). Vĩnh Chươn nối nghiệp cha, làm xưởng chữa máy xe hơi. Sửa máy thu thanh, Vĩnh San còn là người chơi vô tuyến điện, có máy phát và thu thanh. Chính với chiếc máy này, ông là người đầu tiên nghe được và truyền bá lời kêu gọi kháng chiến ngày 18.6.1940 của thiếu tướng De Gaulle.

Claude & Andree Vinh San

Jean Luc Nguyễn Phước là hiệu trưởng một trường trung học cơ sở, còn Andrée làm việc cho công ti điện lực EDF. Như đã nói ở đầu bài, kế hoạch năng lượng lớn của ông Paul Vergès (8) là La Réunion tự túc về điện nhờ ánh sáng mặt trời, gió biển Ấn Độ Dương và biogaz lấy từ bã mía. Chị Andrée, giữa những kỉ niệm tuổi thơ về người cha mà chị chỉ biết qua các anh chị cùng cha khác mẹ và những người em họ lớn tuổi hơn (tôi có cảm tưởng họ cũng rất thương chị, một phần chính vì chị không được biết cha mình), chia sẻ với chúng tôi những quan tâm của chị về bảo vệ môi trường. La Réunion giàu ánh nắng và gió, có một hệ thực vật và động vật của một hải đảo trước thế kỉ 16 không có người ở, ngoài ra chẳng có tài nguyên gì đáng kể. Bãi cát và vành san hô cũng hầu như không có, thua xa đảo Maurice gần đó, không dễ thu hút du khách. Núi lửa còn "sống" tất nhiên có sức thu hút, nhưng cũng lại nguồn tai họa. Từ ngày kênh đào Suez hoạt đọng, tàu thuyền đi lại giữa châu Âu và châu Á không qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) nữa, đường hàng hải quốc tế do đó cũng không qua La Réunion nữa. Trong cuộc nói chuyện gần ba giờ đồng hồ với chúng tôi, ông Paul Vergès say sưa phác họa cho chúng tôi kế hoạch tương lai. Triển vọng trước mắt còn có thể đen tối hơn : trái đất nóng lên, băng sơn Bắc Cực sẽ tan thêm, đường hàng hải giữa châu Âu và châu Á cũng sẽ bỏ rơi kênh Suez mà đi theo bờ nam châu Bắc Cực, ngắn hơn mấy ngàn ki lô mét. Vậy tương lai của đảo La Réunion sẽ ra sao ? Ở tuổi tám mươi ba, nhà lãnh đạo có khuôn mặt và dáng dấp của một nhà hiền triết phương Đông ấy lại rất lạc quan : Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á và Nam Á sẽ là một trọng tâm của kinh tế thế giới Thế kỉ XXI, còn nửa nam Châu Phi là nguồn tài nguyên khổng lồ của hành tinh, La Réunion ở giữa con đường biển nối liền hai cực ấy, Le Réunion phải chuẩn bị để thành địa điểm "không thể đánh vòng" trên hải trình giao thương ấy. Viễn mơ không tưởng chăng ? Không phải, chắc chắn không phải, khi ta biết rằng trong hai thập niên qua, ông đã lèo lái như thế nào, tranh thủ như thế nào để được cả phe đối lập phái hữu (mà đại diện là bà Magie Sudre, cũng mang dòng máu Việt Nam) cũng phải ủng hộ nhà chính trị phái tả -- thậm chí cực tả -- để vận động ngân sách chính quốc và ngân sách Châu Âu tài trợ cho những đại công trình năng lượng và giao thông vận tải. Con người ấy kết hợp được óc thực tiễn, khéo léo chính trị và tầm nhìn chiến lược 40-50 năm, gắn liền quan tâm về đời sống người lao động với quan tâm về môi trường sinh thái. Tất nhiên, con người xuất chúng ấy cũng không cưỡng lại được thời gian và sự xói mòn của quyền lực : mới đây, ông đã thất cử trong cuộc bầu cử hội đồng vùng.
Thân sinh Paul và Jacques Vergès (8) là bác sĩ, sinh trưởng ở Saint-Denis. Ông đã làm việc ở Nam Lào và đông bắc Thái Lan : chính tại đó ông đã tái giá với một nữ giáo viên Việt Nam và sinh hai con trai trước khi trở lại đảo, làm giám đốc y tế La Réunion. Paul Vergès kể lại, nhà ông ở khu bệnh viện, sát bệnh viện tâm thần lúc đó bỏ hoang, và năm 1942, thống đốc đảo (theo Pétain) đã an trí Duy Tân. "Đứng trên ban công, nhìn sang sân bệnh viện bên cạnh, tôi thấy hoàng thân Vĩnh San thường hay đi bạch bộ trong những ngày ông bị giam cầm". Vua Duy Tân đã tham gia kháng chiến Pháp. Chàng thanh niên Paul Vergès sang Anh gia nhập quân đội đồng minh (lực lượng nhảy dù). Sau khi giải phóng, mang quân hàm trung úy, anh không chịu đi tái chiếm Việt Nam, trở về đảo, hoạt động chính trị, thành lập Đảng cộng sản La Réunion (PCR). Lần đầu tiên Paul Vergès đặt chân đến Việt Nam là vào đầu tháng 9 năm 1969, khi ông dẫn đầu đoàn đại biểu PCR dự đám tang chủ tịch Hồ Chí Minh.
La Réunion là một hòn đảo nhỏ, dân số chưa tới một triệu người. Hai con người có một phần huyết thống Việt Nam ấy, Andrée Vĩnh San và Paul Vergès chắc có dịp gặp nhau, tuy không nhiều. Ít nhất một lần : lễ khánh thành chiếc cầu lớn và đại lộ mang tên "Prince Vinh San" của thủ phủ Saint-Denis. Nhưng họ gặp nhau trong mối quan tâm chung : môi trường sinh thái của hải đảo, của vùng tây nam Ấn Độ Dương này.
Thật đau đớn khi được tin chị Andrée Vĩnh San đã từ trần do một thiên tai mà chị, cũng như nhiều người khác trên đảo, đã dành trí óc và tâm lực trong suốt bao năm để ngăn ngừa, chống trả, để giữ cho hòn đảo giữa đại dương này nguyên vẹn hệ sinh thái phong phú, độc đáo và vẻ đẹp hùng vĩ, thân thương.
Trưa ngày ba mươi tết, chị sẽ yên nghỉ dưới lòng đất của La Réunion. Réunion, tiếng Pháp, nghĩa là đoàn tụ. Hài cốt cựu hoàng Duy Tân, cách đây 14 năm, đã được an táng ở Huế. Thân xác họ chưa bao giờ gần nhau, nhưng ai chẳng nghĩ rằng giờ đây, 66 năm sau khi chào đời, cuối cùng chị Andrée Vĩnh San đã gặp cha, cha con đoàn tụ nơi cõi vĩnh hằng.
Nguyễn Ngọc Giao