Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

HẬU DUỆ CÁC BÀ TRƯNG,TRIỆU TRONG QUÂN LỰC HOA KỲ

Fr: Quang Dang Thai
 Hiện nay, có rất nhiều phụ nữ gốc Việt phục vụ và chiến đấu trong quân đội Mỹ và họ đã chứng minh được tài năng, lòng dũng cảm trên cương vị lãnh đạo - chỉ huy.
Vẫn chưa có số liệu chính xác về quân nhân Mỹ gốc Việt trong quân đội hiện đại nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, thống kê sơ bộ trong Hải quân Mỹ cho thấy, sĩ quan chỉ huy - tác chiến chiếm khoảng 35% và sĩ quan tham mưu là 65%; có trên 10 đại tá, 40 trung tá và 80 thiếu tá (chưa tính cấp úy).
Mylene Tran Huynh giao phan Michelle Vu
Mylene Trần Huỳnh *
Giao Phan* Michelle Vu

MYLENE  TRẦN HUỶNH
Nữ đại tá Không quân, Giám đốc AFMSBác Sĩ Mylene Trần Huỳnh (tên Việt Nam là Trần Thị Phương Đài), 44 tuổi, Giám đốc cơ quan y khoa của Không quân Mỹ (Air Force Medical Service - AFMS) thuộc Chương trình chuyên viên y tế quốc tế (International Health Specialist - IHS), đã được thăng quân hàm đại tá vào ngày 14/5/2010.
Ở chức vụ Giám đốc AFMS, Trần Huỳnh có trách nhiệm thiết lập các qui định, hướng dẫn và giám sát cho 65 nhân viên thuộc quyền ở 15 địa điểm khác nhau trên thế giới và cho cả 150 nhân viên quân y của Không lực Mỹ thuộc chương trình IHS.


Mylene Trần Huỳnh: Nữ đại tá Không quân Mỹ
Sau khi tốt nghiệp văn bằng cử nhân và bác sĩ y khoa tại ĐH Virginia, Mylene Trần phục vụ trong Không lực Mỹ suốt 18 năm và hướng dẫn 25 cuộc trao đổi hợp tác về y tế ở 15 quốc gia, trong đó có hai lần ở Việt Nam. Cụ thể, nhóm công tác của bà đã thực hiện những cuộc giải phẫu và săn sóc y tế cho hơn 3.000 người tại Huế và vùng phụ cận, kể cả xây dựng lại hạ tầng cơ sở cho các trường học. Trong những ngày làm việc ở Việt Nam (mỗi ngày 10 giờ, còn ban đêm phải họp bàn để trao đổi về công việc trong ngày), nhóm đã mang lại ánh sáng cho 63 bệnh nhân nhờ mỗ cataract; giải phẫu tim cho một em bé bốn tháng; khám, cấp thuốc cho 2.000 bệnh nhân có bệnh tim và huyết áp cao; khám chữa răng cho 2.711 người; khám chữa mắt cho 1.000 người khác; cấp phát 900 kính đọc sách và biên toa thuốc cho hơn 10.000 bệnh nhân...
Ngoài ra, nhóm của đại tá Huỳnh còn trao đổi về những kỹ thuật lâm sàng cũng như giải phẫu với đối tác Việt Nam và thuyết trình kiến thức y khoa ở ĐH Huế. Ngược lại, họ cũng học được của đồng nghiệp Việt Nam một số phương cách chữa bệnh như chữa mồ hôi tay bằng phương thức đông y cổ truyền...
Có thể nói, thành tựu của nữ bác sĩ Mylene Trần không những là một niềm vinh dự của riêng bà, mà còn của cả cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Tuy nhiên, điều đáng ca ngợi nơi Mylene hơn nữa là trong khi đang sống một cuộc sống tự do và hạnh phúc nơi xứ người, bà vẫn không quên nguồn cội, đã nhiều lần trở về Việt Nam để cung cấp chăm sóc y tế cho người nghèo và thiếu may mắn...

GIAO PHAN 
 Phó giám đốc cơ quan quản trị các chương trình tiếp thu quân dụng của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ
là người trực tiếp tham gia đóng Hàng không mẫu hạm USS George H. W. Bush ,một trong những tàu chiến lớn nhất trên thế giới và là hàng không mẫu hạm thuộc lớp Nimitz của Hải quân Mỹ. Dự án đóng mẫu hạm này được bắt đầu từ năm 2001 và kết thúc vào năm 2009. Vào thời gian đó, khi còn trên cương vị Trợ lý Giám đốc dự án, bà Giao Phan được giao nhiệm vụ giám sát các hoạt động liên quan đến việc thiết kế, xây dựng, kiểm tra, xác định và bàn giao tàu chiến này.

Bà Giao Phan được giao nhiệm vụ giám sát các hoạt động liên quan đến việc đóng HKMH  USS George H. W. Bush.
Bà Giao Phan và gia đình sang Mỹ định cư sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Lúc đó bà mới 15 tuổi. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư công chính tại ĐH Công nghệ Virginia năm 1984, bà Giao làm việc cho Hải quân Mỹ trong suốt hơn 20 năm sau đó với mong muốn làm một điều gì đó để trả nợ cho quê hương thứ hai của mình.
Tới ngày xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001, bà cũng là người có mặt tại Lầu Năm Góc, một trong những địa điểm bị tấn công. Sự kiện đó làm bà bắt đầu chú ý và ngưỡng mộ Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ vì những hoạt động đối phó với các bọn siêu khủng bố , rồi sau đó là các hoạt động đối phó với trận bão Katrina. Bà tự hỏi không biết mình có thể làm gì để đóng góp vào những công việc quan trọng như vậy.
Năm 2007, cơ hội được làm việc cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ mới đến khi bà được chọn vào vị trí lãnh đạo cao cấp cho cơ quan tiếp thu quân dụng. Hiện tại, trên cương vị Phó giám đốc, bà quản lý và giám sát dự án tiếp thu quân dụng trị giá 27 tỷ USD, trong đó có việc duy trì và hiện đại hóa các loại máy bay, tàu chiến … để phục vụ cho nhiều hoạt động trên biển của lực lượng tuần duyên. Bà cũng đứng trong hàng ngũ những nhân viên dân sự cấp cao nhất trong Lực lượng bảo vệ bờ biển, đơn vị quân sự duy nhất trong khuôn khổ Bộ An ninh nội địa Mỹ.
Về các hoạt động hiện tại của chương trình tiếp thu quân dụng, bà cho biết: “Lực lượng bảo vệ bờ biển muốn đạt được kết quả mỹ mãn trong các nhiệm vụ thì cần được trang bị các phi cơ, phản lực, trực thăng, tàu bè mới và tối tân nhưng hiện các tàu bè và máy bay này cũ quá. Vì vậy công việc chúng tôi làm là theo dõi các hoạt động từ việc đấu thầu cho tới việc kiểm tra diễn tiến đóng tàu của nhà thầu, rồi sau đó bàn giao tàu hay máy bay mới".
Không chỉ nắm giữ nhiều chức vụ cao cấp trong Hải quân cũng như Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, bà Giao Phan cũng nhận được những giải thưởng cao quý nhất mà Hải quân Mỹ trao tặng cho những nhân viên dân sự có thành tích và những đóng góp suất sắc nhất, trong đó gồm có những huân chương như Superior Civilian Service Award vào năm 2006 và Navy Meritorious Civilian Award vào năm 2004.
Bà Giao Phan khiêm tốn nói về những thành tích mà bà đạt được: “Được vinh dư nhận những giải thưởng này  thực sự tôi rất ngại vì bối rối. Ai cũng biết đâu có người nào có thể đạt được thành công một mình đâu". Bà cũng chia sẻ rằng, có rất nhiều cơ hội để các bạn trẻ gốc Việt tham gia vào Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cũng như cơ hội để các bạn thăng tiến tại đơn vị này nhưng điều quan trọng là phải có niềm tin và quyết tâm cao.
“Tôi tin tưởng vào câu châm ngôn của Việt Nam: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi cách, sông ngăn", bà Giao Phan nói.


 Nữ phi công duy nhất trong phi đội kỵ binh
Tốt nghiệp ĐH lúc 22 tuổi,  Michelle Vũ tham gia Lục quân Mỹ; học lái máy bay hai năm, sau đó được điều động về trung đoàn kỵ binh 17, rồi cùng đơn vị di chuyển từ Alaska sang Kuwait, rồi sang chiến trường Iraq và đang đóng quân tại căn cứ FOB Diamdback, gần Mosul.

Michelle Vũ: Nữ phi công duy nhất trong phi đội kỵ binh 6-17 CAV.
Đại úy Michelle Vũ là nữ phi công duy nhất trong 35 thành viên phi đội 6-17 CAV (có nghĩa là phi đội 6, trung đoàn 17. CAV có nghĩa là calvary - kỵ binh). Cô luôn cố gắng thi hành nhiệm vụ một cách chu đáo và rất tự hào là thành viên của phi đội.  “Đến Iraq và hiểu tình hình cuộc chiến. Ðây là một vinh dự được cùng các đồng đội chiến đấu và công việc của tôi là phải hoàn thành nhiệm vụ được giao", Michelle Vũ nói. 
Được biết, loại máy bay mà đại úy gốc Việt này lái là trực thăng OH-58 Kiowa, một loại trực thăng trinh sát, trang bị nhẹ có thể bay rất thấp để yểm trợ các lực lượng dưới mặt đất và không gây tiếng ồn quá lớn. Trong một email gởi cho gia đình mới đây, đại úy Michelle Vũ kể rằng mỗi lần bay, cô phải mặc bộ đồ bay nặng 50 pound và ngồi một chỗ, bay liên tục sáu giờ đồng hồ./.
MICHELLE VŨ