&
Hai ông bạn cứ thế dốc bầu tâm sự từ chuyện ngày xửa ngày xưa thời trai trẻ tới chuyện bị cộng sản VN bắt tù sau 30.4.1975. Ông DQSỹ quên việc cách đây mấy tháng vợ chồng tôi xuống quận Cam có ghé thăm ông và trong khi dùng cơm trưa tại nhà ông, hai người đã nhắc nhiều tới chuyện những ngày tháng tù đầy ở trại T20 (bên hông chợ Bà Chiểu, Gia Định) và trại tù lao động cải tạo Gia Trung trên Pleiku. Trong câu chuyện hàn huyên của hai người hôm nay, tôi quan tâm nhất về chuyện xảy ra trong nhà tù của Nhà văn Doãn Quốc Sỹ và họa sĩ Vị Ý. Tôi kể lại câu chuyện này coi như một giai thoại chứ không nhằm mục đích gì khác. Sau khi được tha tù về lần thứ nhất (từ trại Gia Trung năm 1980), những ngày tháng buồn tênh trống rỗng bơ vơ lạc lõng trong xã hội mới, ông Doãn Quốc Sỹ lại cảm thấy “ngứa ngáy chân tay” và cái “nghiệp”( bị tù rồi mà vẫn chưa chừa) cứ ngày đêm thúc dục“phải viết, phải viết”. Viết để biết mình còn sống. Viết để cho mọi người, cho thế hệ mai sau biết cái xã hội mình đang sống đây là một cái xã hội tệ hại, là một trại giam khổng lồ, nhân dân cả nước bị kìm kẹp đói khổ sống đời trung cổ. Con đường duy nhất trước mắt là phải thoát khỏi chế độ này, là phải “đi” tìm đường sống đã. Thế là Nhà văn Doãn Quốc Sỹ viết cuốn truyện dài “ĐI” ký tên HỒ KHANH (tức “hành khô”, càng khô càng hăng và cay) gửi “chui” ra ngoại quốc. Việc vỡ lỡ, DQSỹ và một số bạn bè bị cán bộ công an CS gọi là “đồng bọn phản động” ( trong đó có luật sư ca sĩ Duy Trác, nhà văn Dương Hùng Cường, Nhà thơ Thái Thủy, Nhà thơ Vương Đức Lệ, Nhà thơ nữ Lý Thụy Ý…) bị bắt vào năm 1985 (hay 1986?). Trong khi thẩm cung ở trại tạm giam Phan Đăng Lưu (T20) ông DQ Sỹ nghe tin họa sĩ Vị Ý đã vượt biên thoát. Thế là ông và mấy người bạn yên chí bạn mình ra được ngoại quốc rồi bèn khai hết “tội” cho họa sĩ Vị Ý là thủ phạm chính, đầu têu việc gửi “chui” tác phẩm chống cộng ra nước ngoài. Nhưng trời chẳng chiều lòng người và “số” các ông văn nghệ sĩ vẫn bị sao quả tạ chiếu. Anh chàng cán bộ Việt cộng nằm vùng chuyên vẽ tranh hí họa châm biếm hạng bét là Huỳnh Bá Thành (ký tên ỚT) vẽ cho báo ĐIỂN TÍN (của Thượng Nghị Sĩ đệ nhị VNCH, Hồng Sơn Đông) . Lúc mới “giải phóng” Huỳnh Bá Thành làm chấp pháp (hỏi cung) các văn nghệ sĩ tại trại tạm giam Phan Đăng Lưu (sau này Y được làm tổng biên tập tuần báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh). Trong thời gian này Huỳnh Bá Thành nghe tin đồn họa sĩ Vị Ý vượt biên và bị bắt dưới Miền Tây. Sở công an Thành phố gửi văn thư tới các trại giam để tìm cho ra Vị Ý. Nhưng Vị Ý chỉ là bút hiệu (không có trong giấy tờ căn cước, hơn nữa khi bị bắt Vị Ý khai tên giả) thì tìm đâu ra. Huỳnh Bá Thành nẩy “sáng kiến”: vẽ hình Vị Ý gửi các trại giam. Thế là mấy ngày sau có hiệu quả liền. Họ giải giao Vị Ý về trại Phan Đăng Lưu. Họ “bố trí” căn phòng có trang bị đầy đủ máy thâu hình và thâu thanh để làm chứng cớ quả tang. Nhà văn DQSỹ và mấy bạn không hay biết cứ thản nhiên lặng lẽ ngồi ghế để chờ “cán bộ lên lớp” hay… nghe chửi như mọi lần (vì họ không hề hay biết chút gì về chuyện Vị Ý). Rồi mấy viên công an“đột xuất”đưa họa sĩ Vị Ý vào làm mọi người sửng sốt, bất ngờ và tái mặt vì sự “đổ vấy” bị lộ tẩy. Còn Vị Ý thì ngẩn người ra chẳng hiểu chuyện gì. Huỳnh Bá Thành hỏi DQSỹ: “Anh biết đây là ai chứ?”. Biết không dấu được nữa DQSỹ đành thú nhận việc “đổ vấy” cho Vị Ý và sau đó cùng các bạn ra tòa lãnh án rồi được đưa đi “lao động là vinh quang” ở trại Z30, mỗi người tù dăm bẩy năm. Còn họa sĩ Vị Ý sau này vượt biển thoát sang được Mỹ sống tại Quận Cam. Trong lúc say sưa vẽ một bức tranh “vĩ đại” cao 4 mét, dài 20 mét, ông phải đứng trên cái thang để vẽ. Trong lúc say sưa hứng khởi vẽ quên việc mình đang trên bậc thang, ông đã té ngã xuống đất đứt gân máu não và ngày hôm sau từ trần. Câu chuyện tạm kết thúc ở đây vì đã tới giờ Bố con ông Doãn Quốc Sỹ phải ra phi trường bay về quận Cam. Trước khi chia tay, ông DQSỹ cười - nụ cười hiền vốn thường trực nở trên môi ông - nói: “Thế mà thấm thoát đã mấy chục năm trôi qua rồi đấy. Mấy ông bạn văn nghệ cùng giam trại bọn mình đã “ra đi” từ mấy năm trước như họa sĩ Chóe, Nhà báo Hồ Văn Đồng, Nhà thơ Thái Thủy, Nhà thơ Hồ Thế Viên, giáo sư Nguyễn Sỹ Tế giờ tới lượt Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Nhưng “các bạn ta” đã thảnh thơi ra đi trên đất nước tự do có đầy đủ bạn bè con cháu đưa tiễn, chứ không đến nỗi thân vùi nông nửa thước đất nơi chốn tù đầy rừng rú Cao nguyên . Giờ này chắc ông Sơn Điền lại tiếp tục “múa bút” ở thế giới trên kia. Vì sát cận ngày rời chốn trần gian ông vẫn còn “muá bút”như thường. Ông “múa bút” tới bao giờ đất nước không còn tăm tối, có lẽ khi đó ông mới chịu ngưng. Đúng là cái nghiệp văn chương đến hơi thở cuối cùng vẫn không rời”.
LÊ DIỄM (Tháng 8.2012)
*****
THƠ LÊ DIỄM
NÓI CHO TÌNH YÊU
Nếu đã yêu nhau
Xin anh vì em
Đừng đốt những điếu thuốc
Nung đỏ cháy hận sầu
Xé lòng hoang dại
Em sẽ hôn xoá
Những vệt vàng trên tay
Dấu ấn anh đi tìm
Niềm lạc thú hoang tưởng
Không vỡ được u sầu
Lãng quên cũng không được
Những ước vọng quê hương
Đã hoàn toàn sụp đổ
Hãy thở, em gửi gió
Cuốn đi vòng khói đen
Đọng lại sầu sa mạc
Oi bức hóa cội cằn
In nếp hằn nơi trán
Lạnh lùng tuổi hoang sầu
Để môi anh đắng xót
Để tim em lo âu
Hãy yêu nhau mãi mãi
Chia nhau biển khổ đau
Tâm sinh bờ an lạc
Nếu đã yêu nhau
Xin anh vì em
Đừng đốt những điếu thuốc
Hảy cùng em thu quét
Tro tàn bụi thời gian
Mai quê hương nở hoa
Tình đôi ta chan chứa
Ngập tràn gió trăng thanh.
Lê Diễm
