Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

NGƯỜI GIÀ Ở MỸ VÀ TRUNG QUỐC

1.NGƯỜI GIÀ Ở MỸ
Nhiều người Mỹ đầu tư cho những ngày cuối đời
clip_image001
BBC-Người Mỹ được tiếng là lo xa, họ lo lúc sống chưa kể, còn lo cho lúc gần chết hay lúc chết nữa, chả thế mà ở xứ này có đủ mọi thứ bảo hiểm, từ bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cộ, bảo xe nằm đường cần có xe đến câu, bảo hiểm cháy nhà, bảo hiểm bão lụt, bảo hiểm nhân thọ, tức là loại bảo hiểm dành cho vợ chồng, con cái, sau khi khách hàng đóng bảo hiểm đã... đi chầu ông bà!
Ôi thôi kể ra không biết bao nhiêu thứ. Nhưng mới chừng 20 năm trở lại đây, dân kinh doanh ở tại xứ sở lắm sáng kiến này đã đưa ra thị trường thêm một loại bảo hiểm nữa để lo cho khách hàng vào những ngày tháng trước khi họ... qui tiên.
Các công ty đưa ra rất nhiều lý lẽ để thuyết phục khách hàng.
Này nhé, giả tỉ như bạn bị bệnh AIDS hay một chứng bệnh trầm kha và biết chắc sẽ giã từ cõi đời phiền muộn này mà bạn lại không có đủ tiền trả cho bệnh viện hay bác sỹ. Hoặc bạn thất nghiệp và không có đủ tiền để mua bảo hiểm y tế. Làm sao mà sống một cách tươm tất trong những ngày cuối đông của cuộc đời?
Một số khách hàng có bảo hiểm nhân thọ đã thỏa thuận giàn xếp với công ty bảo hiểm theo một phương cách khá lạ lùng. Cách giàn xếp này gọi là bảo hiểm viatical, bảo hiểm bánh thánh trước khi chết! Tên này bắt nguồn từ tiếng Latin viaticum, bánh thánh ban cho người hấp hối.
Loại bảo hiểm này không có tí gì liên hệ đến nghi thức tôn giáo. Những người biết chắc sẽ chết vì chưa hay không có thuốc gì có thể chữa khỏi sẽ nhận được một số tiền lớn từ công ty bảo hiểm bánh thánh để sống và trả chi phí hàng tháng, và còn bao gồm cả chi phí ma chay.
Tiền này ở đâu ra? Xin thưa nó đến từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, để khách hàng lấy tiền trước khi chết, thay vì loại bảo hiểm nhân thọ bình thường chỉ trả cho thân nhân sau khi chết.
Lấy ví dụ, một bà đóng tiền bảo hiểm nhân thọ để khi bà chết người thân sẽ được lãnh 100 ngàn đô la. Công ty bảo hiểm bánh thánh sẽ trả cho bà 65 ngàn đô la chẳng hạn, nếu bà chịu thỏa thuận làm giấy tờ cho công ty bảo hiểm bánh thánh lãnh nốt 35 ngàn đô la còn lại sau khi bà về nước chúa.
Một số người chỉ trích cho rằng lề lối kinh doanh này khá bệnh hoạn. Một số bang đã cấm các công ty bảo hiểm bánh thánh hành nghề vì họ đã giành giựt với nhau tranh khách hàng để thủ lợi từ những người bệnh hoạn hay u uất, sầu muộn (do sẽ không tránh khỏi cái chết đang rình rập) và để họ bán lại hợp đồng bảo hiểm cho người khác như một cách để đầu tư.
Nhưng một số người già cả ốm đau không có ai thân thích để hưởng bảo hiểm nhân thọ của họ thì không thấy có gì sai trái khi họ dùng tiền bảo hiểm nhân thọ lúc còn sống hơn là đợi lúc chết thì chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Số tiền đó giúp họ có được một cuộc sống tươm tất trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại trong đời trước khi về chầu trời.
Nhưng dĩ nhiên nếu họ sống lâu hơn là dự kiến và đã tiêu sạch số tiền bảo hiểm bánh thánh thì sẽ chẳng còn đồng xu nào cho họ hay cho bất cứ thân nhân nào trong gia đình nữa

Nhiều người lo lắng quyền lợi bị giảm bớt khi về hưu
Trước sự kiện số trẻ chào đời không còn nhiều như trước, nhiều người lo ngại khi họ đến tuổi nghỉ hưu, chính phủ sẽ không còn đủ tiền để cung cấp cho họ những quyền lợi về an sinh xã hội giống như trước đây. Tình hình kinh tế suy yếu trong thời gian qua càng làm nỗi lo âu này tăng thêm.
Các cuộc nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy phụ nữ trên khắp thế giới đang đẻ ít đi. Chuyên viên Ben Veghte của Viện Nghiên cứu Bảo hiểm Xã hội nói rằng với số trẻ chào đời ngày càng ít đi, cộng với suy thoái kinh tế, quyền lợi của người già có thể lâm nguy:
“Nhiều vị cao niên lo lắng rồi đây trợ cấp xã hội sẽ giảm đi, họ không đủ thu nhập để sống qua ngày.”
Tại Hoa Kỳ, chính quyền trích một ít tiền lương của những người đi làm để sau này cung cấp những quyền lợi cho thành phần này khi họ về hưu. Có nghĩa là người đang đi làm đóng tiền để nuôi những người về hưu.
Nhưng trước tình hình thế hệ “baby boomer”, những người sinh sau Thế chiến thứ Hai, đang bước vào tuổi về hưu; chẳng mấy lúc có thể xảy ra tình trạng người nghỉ hưu đông hơn người đang tuổi lao động. Ông Michael Astrue, Giám đốc cơ quan An Sinh Xã Hội Hoa Kỳ báo cáo sẽ có vấn đề trước năm 2037:
“Nếu Quốc hội chẳng có hành động gì, cơ quan chúng tôi chỉ có thể chi trả khoảng 78% mức phúc lợi xã hội hiện nay.”
Giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng quan tâm về phúc lợi về hưu trong tương lai; nhất là Trung Quốc có chính sách chỉ sinh Một con, hệ số giữa người nhận quyền lợi và người đang lao động ngày càng xấu đi, có thể nói là kinh hoàng. Đó là vấn đề mà Trung Quốc sẽ phải đối phó.
Suy thoái kinh tế toàn cầu càng làm vấn đề này tệ hại hơn, như lời chuyên viên Veghte:
“Tại hầu hết các nước châu Âu, ví dụ như Hy Lạp, hưu bổng lấy tiền từ các nguồn thu chính của nhà nước, có nghĩa là hệ thống nghỉ hưu có thể bị thâm hụt. Thâm hụt xảy ra hầu như mỗi năm vì họ không có nguồn thu chuyên biệt dành cho hưu bổng. Do đó, khi gặp suy thoái, chẳng những chính quyền phải thỏa mãn những đòi hỏi của ngân sách mà còn phải thỏa mãn những đòi hỏi của hệ thống phúc lợi cho người về hưu.”
Ngoài chuyện cắt giảm hưu bổng, một số nước châu Âu và Hoa Kỳ đang xét đến chuyện nâng tuổi về hưu hoặc đánh thêm thuế. Chuyên viên Veghte nói còn một giải pháp khác nữa:
“Đó là di dân. Nếu chúng ta có thể tăng số công nhân để cải tiến hệ số giữa người về hưu và người đi làm thì hệ thống cung cấp hưu bổng có thể kéo dài hơn.”
Các nhà làm luật khắp thế giới sẽ có những lựa chọn táo bạo, đôi khi không được lòng dân, để thế hệ hiện nay và sắp tới sẽ được cung ứng những gì họ cần khi họ về hưu.


2. NGƯỜI GIÀ Ở TRUNG QUỐC
Dân số của Trung Quốc đang già đi nhanh chóng - hiện có khoảng 167 triệu người trên 60 tuổi.
Vào năm 2050 dự kiến con số này sẽ tăng lên gần 400 triệu, tức 1/4 dân số.
Nhưng nước này vẫn chưa biết làm cách nào để đáp ứng nhu cầu chăm sóc người già.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2010/09/100916_china_pension.shtml