Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

LẨM CẨM THIÊN HẠ SỰ

Fr: BMH     
      Tìm mọi cách móc túi dân 
                     Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

  Bằng mọi cách, mọi thủ đoạn, một số cơ quan, doanh nghiệp hết đường xoay xở kiếm chác tiền của nhà nước quay ra soi mói, tìm cách móc túi dân. Họ cho rằng đó là cái kho vô tận, khai thác tối đa để giải quyết những khó khăn của cơ quan hoặc doanh nghiệp của mình. Và cách nhanh nhất, hiệu quả nhất khiến anh dân cứ trơ thân cụ ra để họ móc túi là ban hành một nghị định, một thông tư nào đó có tính pháp lý là đám dân đen chỉ việc thi hành.

   Khi đã thành luật, thành quy định thì anh nào không thi hành sẽ phạm tội “chống đối”, có khi còn là tội “phản động”… những cái tội được đưa vào cái trại được gọi là “trại cải tạo”, tù mọt gông. “Cải tạo” cho những thằng khác sợ phải lòi tiền ra, phải ngậm miệng để trở thành những con cừu ngoan ngoãn nằm xuống cho người ta xén trụi lông.
Tất nhiên ngoài khó khăn ra, họ còn làm giàu trên những đồng tiền xương máu của người dân. Bởi vậy gần đây mới có những “đề xuất” những “kiến nghị” cực kỳ phi lý và ngay cả những quyết định, dự thảo luật đôi khi cũng không nằm ngoài mục đích móc tiền của dân. Có thể đây cũng chỉ là hành động “tung đòn gió” để đo lường phản ứng, nếu xuôi chiều mát mái thì làm tới, không lọt thì rút lại, đâu có mất mát gì. Nhưng có một thực tế họ cần phải hiểu rằng những ngón đòn gió đó làm người dân hoang mang, sẽ làm mất lòng tin, có khi sợ hãi, đề phòng và dễ dàng biến thành đối nghịch, thù ghét nếu không muốn nói là thù hận đối với những “bộ óc của quỷ”. Nhưng cũng có khi lại là những phát minh, những sáng kiến của những người làm chính sách, họ không cố tình mà chỉ là những người ngồi trên trời vẽ ra chính sách, họ ăn lương cao, chức lớn nhưng hoàn toàn không hiểu gì về đời sống của người dân. Chỉ trong một thời gian rất gần đây, đã có khá nhiều những quyết định, những dự thảo bị phản đối nên phải rút lại.
  Một “đề xuất móc túi” điển hình Đó là “kiến nghị” của ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Sài Gòn đã được gửi tới Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề nghị đánh thuế vào lãi suất tiết kiệm gửi Ngân hàng từ mức gởi 500 triệu đồng trở lên! 01 - Nh bỏ Hoang.jpg
Bất động sản chết đứng như Từ Hải với những khu nhà tiền tỉ bỏ hoang
Ông hy vọng đánh thuế vào tiền lời của dân, họ sẽ chuyển sang đầu tư vào ngành bất động sản đang “chết đứng như Từ Hải” của ông. Ông chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) tung một “đề xuất” nặng mùi “nhóm lợi ích”, nhòm ngó, săm soi những đồng tiền gửi tiết kiệm của người dân.
Người ta tự hỏi, phải chăng BĐS quen hưởng lợi trên sự mất mát to lớn của số đông người dân mà cơ chế tạo ra suốt thời gian dài nên giờ lại mon men muốn hưởng tiếp lần nữa để vượt qua khó khăn?
   Đại gia từ bóng tối bước ra Hãy thử nhìn lại nguyên nhân sự xuống dốc nhanh chóng của BĐS VN. Ai cũng biết BĐS VN đang trong cơn khủng hoảng nặng. Tuy nhiên, nhiều ngành khác cũng bị khủng hoảng đã nhận được sự cảm thông chia sẻ rất nhiều từ công luận, còn BĐS thì không! Lúc Bộ Xây dựng đưa ra “phương án cứu BĐS”, nhiều ý kiến đã phản đối gay gắt. Cái gì cũng có nguyên do! Việc cứu BĐS bị phản ứng nhiều bởi đây là ngành đã làm mưa làm gió suốt một thời gian dài, đẩy giá thị trường nhà ở các đô thị lên mức cao nhất thế giới. 02_Biet_thu_cua_dai_gia_Tram_Be.jpg  
   Biệt thự của ông Trầm Bê, một đại gia bước ra từ bóng tối
  Cũng nhờ lợi nhuận khủng bao năm qua, BĐS đã đẻ ra hàng loạt đại gia từ bóng tối bước ra. Chẳng thiếu gì ông tay trắng, bà tay đen, đang đói rách kinh niên bỗng chốc trở thành tỉ phú, đại gia, ăn chơi lừng lẫy nhờ vào mua bán lòng vòng bất động sản. Chuyện này làm nhức mắt nhiều người nên ai cũng biết và các đại gia lại càng thích thú vì danh tiếng nổi như cồn, nhà sang như cung điện, làm đám cưới cho con như làm “lễ hội”, tốn vài chục tỉ, coi như đồ bỏ. Con trai hầu hết là những công tử, cặp kè toàn chân dài siêu hạng, con gái là những tiểu thư đài các nay đi Mỹ mai đi Nhật, toàn là tổng giám đốc, giám đốc công ty mẹ công ty con, anh nào cũng phát thèm. Bắt chước thú chơi sang của những ông vua dầu hỏa, bữa ăn chơi vài chục ngàn đô là chuyện hàng ngày ở huyện… Nguồn lợi nhuận khổng lồ của BĐS lấy được từ mất mát lớn lao của biết bao người dân bị thu hồi đất, thu hồi nhà với giá đền bù thấp so với khi bán ra của các dự án BĐS trên mảnh đất của dân. Mức chênh lệch có khi gấp vài chục lần giữa giá đền bù cho dân và giá bán nền của nhà đầu tư! “Cơ chế”- hay nói thẳng ra là “luật lệ” - hồi đó đã ban cho những nhà đầu tư những dự án, những cơ hội quý hơn vàng suốt thời gian dài mà nhiều ngành khác không có được.
  Nhiều ngành đang cần cứu hơn bất động sản Sự đầu cơ quá nhiều lợi lộc, quay cuồng như ma trận đã dẫn thị trường BĐS vào cửa tử. Nhiều người trở thành đại gia bỗng chốc trở thành con nợ khổng lồ, ôm dự án chịu trận, để lãi mẹ đẻ lãi con. Làm ăn có thắng có thua là nguyên tắc bất di bất dịch khắp thế giới này. BĐS đã được hưởng lợi từ “cơ chế” quá nhiều, nay gặp khó khăn xin được “cứu” nghe không thuận chút nào! Xét về tình cảm, lý trí lẫn đạo đức đều không lọt lỗ tai! Đó là lý do khiến dư luận có nhiều quan điểm, ý kiến không đồng tình. Bởi nếu “cứu” thì phải dùng tiền ngân sách, tức đồng tiền của dân đóng thuế! Hơn nữa, nếu vì vai trò quan trọng với nền kinh tế cần phải “cứu”, thì hiện nay có rất nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp sản xuất cần phải “cứu” hơn, phải tiếp sức cấp bách hơn gấp nhiều lần. Chẳng hạn ngành nông nghiệp mà đối tượng chính là nông dân đã đóng góp cho đất nước gần 22 tỷ đô la xuất khẩu trong điều kiện họ vẫn phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”; xuất khẩu được nhiều ngoại tệ trong khi nông dân thua lỗ! BĐS sống hay chết là do chính các ông quyết định. Bán nhà bán đất giá trên trời, lời hàng ngàn tỉ, dân vẫn đói dài, tiền đâu mà mua nhà. Hạ giá xuống đúng như giá trị thật của nó, may ra các ông tự cứu được.
   Lấy dân Mỹ ra so sánh là ngớ ngẩn Chủ tịch BĐS Sài Gòn Lê Hoàng Châu lấy cớ hiệp hội của ông đề nghị cần sửa ngay chính sách lãi suất tiết kiệm thực dương (cao hơn chỉ số lạm phát) và chính sách không đánh thuế trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm. Ông còn nhấn mạnh: “Trên thế giới không nước nào có lãi suất tiết kiệm thực dương như Việt Nam”, nên cần phải đánh thuế! Ông cho rằng các nước khác đã làm như vậy song ông không biết rằng, các nước ấy đã có hệ thống phúc lợi xã hội rất tốt, bảo đảm cuộc sống cho người mất sức lao động, người về hưu và người thất nghiệp, đau ốm! Đời sống của họ vững vàng, đồng tiền không mất giá, không biết nhảy múa, không xáo trộn từng ngày. Còn dân VN mở mắt ra thấy giá cả tăng vùn vụt, thuế phí lu bù. Không thể biết ngày mai no hay đói, thiếu hay đủ. Già yếu, bệnh tật không có tiên để dành thì ai nuôi? Không có tiền nộp cho bệnh viện chỉ có nước nằm ngoài hè đừng hòng ai cứu. Vì vậy nên ở VN tiền gởi ngân hàng đúng như tên gọi là “tiết kiệm”, tức là phòng thân lúc bất trắc, lúc về già, ốm đau. Thế nên so sánh như vậy là ngớ ngẩn. Ông đã gặp ngay phản ứng quyết liệt từ nhiều nhà nghiên cứu và hàng ngàn ý kiến của người dân lương thiện. Tôi chỉ nêu vài ý kiến gần nhất:
  - Mr. An Minh viết: Đừng cào cấu hỡi Hiệp hội Bất động sản Sài Gòn, tại sao khi các ông ăn nên làm ra, các ông không hô hào đóng thuế ngành nghề các ông mạnh vào, giờ thua lỗ tính chuyện gỡ gạc tùm lum.
 - Bạn duonghn viết: “Việt Nam có lãi suất tiết kiệm thực dương? Tôi nghĩ ông nhầm lẫn vì những năm gần đây hầu như lãi suất đều nhỏ hơn lạm phát”.
 - Bạn Hoang Chuc: hoangchuc@yahoo.com kêu gọi những người quên mất lương tâm:  “Nếu đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm, chắc chẳng còn ai dám gửi tiền vào ngân hàng nữa! Xin các “đại gia” sau khi đã tung ra bao chiêu trò ảo thuật làm cho người dân thất điên bát đảo rồi, no túi rồi thì đừng làm người dân kiệt quệ thêm nữa. Ông Châu có lẽ chẳng bao giờ biết rằng 500 triệu tiền gửi tiết kiệm là mồ hôi xương máu của  người lao động, có khi phải tích lũy từ ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác từ trẻ tới già mới có được. Ôi! chỉ khổ người dân lao động mà thôi! Xin hãy đứng từ vị trí của người lao động mà xem xét vấn đề, hỡi những người có lẽ đang quên mất lương tâm!” - Bạn thanhbinh quyết định dứt khoát: Nếu bi đánh thuế tôi sẽ rút tiền mua USD vì:
1) Đồng tiền VND mỗi năm một mất giá so với USD.
2) Lạm phát của VN cao hơn lãi suất tiền gởi.
3) Việc đánh thuế là không hợp lý vì như thế tôi đã bị đánh thuế thu nhập 2 lần.
Chưa biết chính phủ và NHNN VN nghĩ sao trước những “đề xuất” khôn lỏi này. Ngành nào cũng chăm chú soi mói cái túi tiền của dân, đúng là một nguy cơ mà người dân phải gánh chịu, chẳng khác nào “thù trong giặc ngoài”, luôn phải ở tư thế phòng thủ kẻo nó móc tới ruột non ruột già, không chừa bất cứ thứ gì.
  “Huy động sức dân” hay móc túi dân Lâu nay người ta thường nghe nói đến một cái tên rất đẹp là “huy động sức dân” mỗi khi cần phải giải quyết một mục tiêu hay tăng lợi nhuận, Thực ra đó là “chiêu” móc túi dân. Dường như đã thành “căn bệnh” trầm kha, thành một thứ “hội chứng bất trị của thời đại”. Ở mức độ nào đó thì việc “huy động sức dân” là cần thiết vì nhà nước sống được là do dân nuôi. Nhưng lạm dụng như thời gian qua, thành “hội chứng” thì không bình thường hay phải gọi là đáng báo động! Ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng nghề cụ thể thì chiêu móc túi biến hóa khôn lường tùy lúc tùy thời. Nhắc đến ngành điện lực người ta liền nghĩ tới căn bệnh “tăng giá” triền miên. Dù danh xưng là công ty song nhờ độc quyền nên ngành điện dễ dàng áp đặt mọi chuyện lên đầu “thượng đế”! Mặc dù không phải lần nào đề nghị tăng giá điện cũng được Bộ Công thương và Chính phủ thông qua song chưa năm nào người sử dụng điện thoát khỏi nạn tăng giá. Có năm ông điện tăng tới 3 lần mà vẫn chưa hài lòng! Điệp khúc “giá điện trong nước vẫn thấp hơn giá một số nước” là chiêu bài để “ông” này móc túi người tiêu dùng. Tiếp theo là “ông” xăng dầu. “Ông” này chơi cao tay hơn vì có lúc giảm giá, song tựu chung vẫn là “lùi một bước để tiến ba bước”. Giảm 1 ngàn, tăng 3 ngàn. Hết tăng giá đến thu phí Đáng sợ nhất là ông giao thông vận tải với khẩu hiệu nổi tiếng: “Đóng phí giao thông đường bộ là yêu nước”! Vì không phải là doanh nghiệp nên “ông” này không tăng giá mà “soi” vào túi tiền của người dân bằng chiêu thu phí. 3 năm nay “ông” này “đề xuất” ra nhiều loại phí đánh vào phương tiện đi lại của người dân. Chiếc xe máy, xe hơi lâu nay đổ xăng đã phải gánh phí đường bộ 1.000 đồng/lít, nay đề nghị thu thêm “phí duy trì bảo hành đường bộ”, tức phí đè lên phí để rút tiền của người dân. Phương tiện đi lại chẳng khác gì đôi chân, sống chết gì cũng phải đi làm, đưa con đi học nên dù vô cùng ấm ức, người dân cũng phải chịu.
  “Chính chủ” của mày đâu rồi? Tiếp đến là “đề xuất” phạt xe không chính chủ. Tức khắc bị dân phản ứng gay gắt, nay đã phải dừng lại. 03-_Nhung_chiiec_xe_chi_co_gia_vai_trieu_dong.JPG
  Những chiếc xe chỉ có vài triệu đồng này hầu hết đều đã qua nhiều đời chủ, đến chủ cửa hàng cũng chẳng biết “chính chủ” đang ở nơi nào 
    Nhưng hai chữ “chính chủ” trở thành chuyện mỉa mai, khôi hài đầu lưỡi. Cặp vợ chồng vừa cưới, chưa kịp làm hôn thú, người ta nói đùa là “chúng mày chưa chính chủ”. Hai cô chân dài ngồi đấu láo với nhau lại hỏi “chính chủ của mày đâu rồi”? Chuyện luật lệ nhà nước biến thành chuyện tiếu lâm. Chẳng hiểu đầu óc các nhà làm chính sách, làm luật này “có vần đề” gì đây?  Chiều 11-3, Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng cho biết đã rút bỏ quy định xử phạt xe không chính chủ ra khỏi dự thảo nghị định xử phạt vi phạm giao thông dự định ban hành vào ngày 1-7. Tuy nhiên, nói chuyện với báo mang VnExpress, ông Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) khẳng định, quy định về xử phạt xe không sang tên đổi chủ trong Thông tư 11 đã nêu rất rõ, nên bắt đầu từ ngày 15/4 CSGT vẫn sẽ áp dụng theo quy định. Ông Tuyên nói: “Hiện tại quan điểm của hai bộ không giống nhau nên quy định này sẽ phải trình Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên quan điểm của Bộ Công an là vẫn sẽ xử phạt nghiêm những xe không sang tên đổi chủ". Người dân hiện đang bị “treo lửng lơ” giữa những bất đồng của hai bộ. Cuộc chiến mũ bảo hiểm đang căng Đến chuyện đội mũ bảo hiểm “dởm” bị phạt 200 ngàn đồng, dự tính áp dụng từ đầu tháng 4 - 2013, lại bị dân la làng. 04-_Mu_Bao_Hiem_bay_ban_tran_lan.JPG
   Mũ bảo hiểm bày bán tràn lan, người dân chẳng biết hàng nào thật, hàng nào giả
  Từ ba bốn năm nay, mũ bảo hiểm (MBH) bán đầy đường, đầy chợ, góc phố, ngã ba… chỗ nào cũng bày bán tràn lan, hàng thật hàng dởm lẫn lộn. Chẳng người dân nào muốn chết vì tai nạn giao thông nên cũng muốn mua loại mũ thật mũ tốt. Nhưng họ không thể phân biệt được mũ nào đúng quy cách, mũ nào chỉ để “che mắt CSGT”. Cũng phải công nhận một sự thật là tình trạng ở VN, người lao động nghèo còn nhiều lắm, mỗi ngày kiếm vài chục ngàn đủ ăn là mừng rồi. Giá nón thật khá đắt, trong một thời gian ngắn, nhà có chừng 5-10 người, chưa thể có đủ tiền mua.
Ấy thế mà cũng có cơ quan đền nghị phạt anh dân đen trước. Dân nháo nhào, các cơ quan lại giải thích túi bụi. Cuối cùng giải pháp đưa ra là “Với mũ bảo hiểm giả, không bảo đảm chất lượng mà người dân khó nhận biết, cơ quan chức năng chỉ tuyên truyền, nhắc nhở.” Dân thoát được một mối lo, tuy nhiên, sáng 14-3, 4 bộ vừa quyết định ngừng ban hành thông tư mà theo đó sẽ phạt người đội MBH "dỏm" thì ngay trong chiều cùng ngày vị quan chức Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lại tuyên bố sẽ xử phạt người đội MBH không có đủ 3 lớp. Thật ra MBH giả cũng thừa sức làm mũ có ba lớp. Chưa biết “cuộc chiến Mũ bảo hiểm” này sẽ đi về đâu.
  Trạm thu phí bủa vây Đặc điểm chung của các “kiến nghị”, “đề xuất” móc tiền của người dân là các ông này viện dẫn nước này nước kia đã làm, họ đều lờ tịt đi hoàn cảnh, điều kiện của các nước khác tốt hơn VN gấp nhiều lần. Tỷ dụ như việc thu phí chồng phí giao thông đường bộ, đường sá thiên hạ tốt hơn, các trạm thu phí không dày đặc bủa vây như ở VN... 05-_Tram_thu_phu_lui_DT745.jpg
   Trạm thu phí DT 745 không có giấy phép vẫn hiên ngang hoạt động Thậm chí hiện nay có cả những trạm thu phí “lụi” tức là trạm thu phí không giấy phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Cụ thể trường hợp vửa xảy ra. Sau khi phát hiện trạm thu phí không bảo đảm an toàn tự động và hoạt động không có giấy phép, một doanh nghiệp đã quyết định đưa vụ việc ra tòa án. Chiều 11-3 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Mỹ, Giám đốc Công ty sản xuất và xuất nhập khẩu Thuận An (11/8 KP.Đông, P.Vĩnh Phú, TX.Thuận An) đã nộp đơn lên Tòa án Thị xã.Thuận An kiện Trạm thu phí Lái Thiêu trên đường ĐT745 (P.Lái Thiêu, TX.Thuận An, Bình Dương) vì thu tiền mà không có giấy phép hoạt động. Theo tố cáo của nhiều người dân, khi sử dụng xe hơi lưu thông từ hướng hầm Thủ Thiêm ra xa lộ Hà Nội, lúc qua trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội họ vẫn bị thu phí, mặc dù UBND TP.Sài Gòn quy định không thu phí với những xe này. Như vậy, có thể thấy rằng, có sự không công bằng giữa người dân và các cơ quan quản lý, doanh nghiệp độc quyền và tổ chức Hiệp hội. Các ông chủ tịch chỉ chăm chú vào “lợi ích nhóm” và những biến tướng vô cùng tinh ma của nó.
  Chuyện đáng làm không làm Trong khi đó có nguồn lợi lớn thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm thì cù cưa đến nay vẫn
chưa làm.
 . 06_Xe_buyt_Sai_gon.jpg
    Xe buýt ở TP Sài Gòn, sao không cho quảng cáo?
   Thí dụ việc cho quảng cáo trên xe buýt tại TP Sài Gòn. Người dân đặt câu hỏi: vấn đề này đã được đặt ra lâu lắm rồi nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển động nào hết. Các nước người ta đã cho quảng cáo trên xe buýt từ lâu, nhiều tỉnh thành ở VN cũng đã đồng ý cho thực hiện nhưng ở TP.Sài Gòn thì không. Vì sao? Đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Nếu chỉ vì quản lý không được mà cấm thì năng lực quản lý quá yếu kém. Mỗi năm TP.Sài Gòn phải trợ giá cho xe buýt hàng trăm tỉ đồng lấy từ ngân sách, là tiền của dân đóng góp. Trong khi đó có nguồn thu cả trăm tỉ đồng từ quảng cáo thì lãnh đạo TP lại từ chối. Thành phố đang thất thu một khoản ngân sách khá lớn. Chỉ có một quyết định cho quảng cáo trên xe buýt hay không mà kéo dài mấy năm nay (mỗi năm mất hơn trăm tỉ đồng). Tại sao vậy? Người dân chờ câu trả lời của các ông lãnh đạo TP. Xây Nhà hát Giao hưởng trong công viên để làm gì? Trong khi đó, UBND TP Sài Gòn vừa chấp thuận chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch trong Công viên 23/9 với diện tích 1,2ha, có 2 khán phòng chính, sức chứa 1.700 chỗ, hướng chính nhìn ra phía chợ Bến Thành. Công trình này được giới hạn bởi các đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão, tọa lạc tại trung tâm quận 1, khu vực được mệnh danh là vị trí vàng của TP. Công trình dự trù đưa vào sử dụng vào cuối năm
2015.
  07-_Vi_tri_du_dinh_xay_nha_hat_giao_huong.jpg
  Mô hình vị trí xây nhà hát giao hưởng tại công viên 23-9 Chủ trương này cũng đang bị “ném đá” tơi bời. Bởi lẽ quá dễ hiểu là trong tình hình kinh tế suy thoái, xây dựng nhà hát giao hưởng là quá phí phạm, nhất là Nhà hát lớn Thành Phố mỗi năm cũng chỉ có lèo tèo vài vở diễn, giờ xây thêm cái nhà hát to đùng để ngắm nữa sao? Vả lại thưởng thức nhạc giao hưởng chưa phải là nhu cầu của người dân, ngay cả với những người được gọi là trí thức và hiểu biết âm nhạc. Hơn thế mật độ giao thông khu vực này quá dày đặc rồi. Lại thu hẹp khoảng xanh rất lớn vốn rất ít ỏi của thành phố để xây dựng nhà hát và bãi đậu xe của nhà hát. Đúng là chuyện… ngược đời!
  Còn nhiều quy định “lẩm cẩm” đang trong vòng tranh cãi Thưa bạn, đó chỉ là ba điều bốn chuyện với những “đề xuất” điển hình về máu “tham” của một số ông Chủ tịch tập đoàn cùng một vài quy định lạ đời tại VN. Còn khá nhiều những quy định khác cũng không kém phần “lẩm cẩm” của các ông làm ra luật, đẻ ra lệ. Thí dụ quy định “tay sáu ngón không được lái xe”; dự thảo về luật cư trú, quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng. Và những vấn đề gay go, gây nhiều tranh cãi như đề nghị “nổ súng bắn kẻ chống người thi hành công vụ”, còn rất nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại xung quanh dự thảo nghị định này; lật tẩy những “bẩn” ghê người của showbiz Việt”; bất bình về cảnh người lao động Trung Quốc làm việc chui tại VN… Bài đã dài, xin để kỳ sau bàn tiếp...          Văn Quang – 15-3-2013