Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

GIA ĐÌNH VIỆT Ở ÚC

Con độc lập, ba mẹ sốc

 Radio Australia 20 September 2013 -Tính độc lập đối với thanh niên sinh ra và lớn lên ở Úc là chuyện đương nhiên, nhưng nó cũng gây sốc đối với các thế hệ cha mẹ người Việt Nam nhập cư sang Úc vốn vẫn mang nét văn hóa và cách nghĩ đậm tính phương Đông.
Young Australians_20130920 Thanh niên Úc vốn được rèn luyện tính độc lập từ nhỏ. (Credit: ABC)
Với một nước Úc đa văn hóa có người dân xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới, thật khó để khái quát văn hóa gia đình nước Úc, nhưng không thể không nhận thấy rằng văn hóa phương Tây vẫn đóng vai trò chủ đạo tại quốc gia này. Và do đó, gia đình dù có đến từ nhiều nơi trên thế giới cũng đều chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.
Với nét văn hóa phương Tây chủ đạo ấy, ngay khi còn nhỏ, trẻ em Úc đã được nuôi dạy một cách rất độc lập và có những quyền được các bậc cha mẹ tôn trọng.
Gần đây người dân Úc còn đang quan tâm thảo luận việc có đưa hành động đánh con cái vào danh mục các hành động vi phạm pháp luật hay không. Kể cả khi việc đó chưa được luật hóa thì việc đánh con cái cũng là một điều khó chấp nhận được trong xã hội Úc.
Có một gia đình gốc Việt có thói quen ép con ăn và đánh khi đứa trẻ nhất quyết không chịu ăn. Ở Việt Nam, các bậc cha mẹ thường có tư tưởng là ép trẻ ăn sẽ tốt hơn với trẻ. Tuy nhiên, hàng xóm của gia đình này nhìn thấy đã báo cảnh sát bởi người Úc quan niệm rằng việc ăn hay không  là quyền của đứa trẻ, bố mẹ không có quyền ép buộc, đánh đập mà chỉ có thể khuyên bảo. Từ đó, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã rất rõ các quyền cũng như nghĩa vụ của mình.
 EMPTY NEST 2
Cùng với quyền và tính độc lập ấy, đến khi trưởng thành, việc thanh niên dọn ra ngoài sống riêng là một điều hết sức bình thường, kể cả khi sinh sống hay học tập cùng một thành phố với bố mẹ. Khác với ở Việt Nam, khi một thanh niên mới lớn dọn ra ngoài sống thường bị xem là hư hỏng thì thanh niên Úc khi trưởng thành mà không dọn ra ngoài sống có thể bị xem là bất thường. Ngay cả khi cùng sống với bố mẹ, họ vẫn phải nộp tiền nhà, hóa đơn và tiền ăn uống như khi thuê nhà riêng ở ngoài.
Lynn, một sinh viên đang học đại học năm cuối trường Curtin, cho biết khi bắt đầu vào đại học cô đã chuyển ra ngoài sống mặc dù bố mẹ cô rất khá giả, làm chủ một công ty và có một ngôi nhà rất lớn gần trường. Gần đây, khi việc học quá căng thẳng không có thời gian để đi làm thêm đủ trang trải cho việc học hành và ăn ở đắt đỏ ở ngoài, Lynn đã xin chuyển về ở cùng với bố mẹ. Tuy nhiên, hàng tháng Lynn vẫn nộp tiền nhà cùng với chia sẻ hóa đơn và tiền ăn uống cho bố mẹ.
Còn David, sinh viên năm thứ nhất trường UWA, cho biết sau khi học xong cấp III cậu đã nghỉ một năm để đi làm tiết kiệm một khoản nhằm trang trải cho việc học hành 3 năm đại học. Khi được hỏi bố mẹ cậu có khả năng chi trả cho việc học của cậu không, David cười nói rằng bố mẹ rất có điều kiện nhưng giờ cậu đã trưởng thành nên những chuyện như thế này cậu không nhờ đến bố mẹ nữa.
Thanh niên Úc cũng không có tâm lý coi việc bố mẹ chu cấp việc ăn uống, nộp học phí, cho ở lại nhà hay thậm chí là mua nhà cho mình là việc đương nhiên. Họ có ý thức phải tự mình phấn đấu để đạt được những điều mong muốn. Tương tự như thế, các bậc cha mẹ ở Úc cũng không có tâm lý bao đồng những việc như học phí, ăn ở chứ đừng nói đến chuyện mua nhà cho con, kể cả khi họ có khả năng làm như vậy.
Cú ‘sốc’ với cha mẹ Việt ở ÚcTính độc lập đối với thanh niên sinh ra và lớn lên ở Úc là chuyện đương nhiên, nhưng nó cũng gây sốc đối với các thế hệ cha mẹ người Việt Nam nhập cư sang Úc vốn vẫn mang nét văn hóa và cách nghĩ đậm tính phương Đông.
Chị Lan, một người Úc gốc Việt, cho hay chị có một cậu con trai duy nhất đã 22 tuổi. Mới 18 tuổi cậu đã dọn ra ngoài thuê nhà sống một mình khiến cho chị khóc suốt vì nhớ con. Rồi khi tốt nghiệp đại học, tự cậu đã quyết định về Việt Nam làm việc cho một công ty của Úc, khiến cho chị lại một lần nữa sốc vì tính độc lập của con và viễn cảnh phải xa con lâu dài.

EMPTY NEST 1Chị nói không ngờ khi được nuôi dạy ở Úc, con của chị lại trở nên độc lập như vậy. Điều đó vừa khiến chị mừng vì con tự quyết định được những điều quan trọng trong cuộc sống, nhưng cũng làm chị buồn vì không thể quen với cuộc sống mà không có con cháu quây quần.
Tuy nhiên, ta có thể thấy rõ rằng ở Úc và các nước phát triển có một kiến trúc xã hội hỗ trợ cho thanh niên trở nên độc lập, ví dụ như tỉ lệ tiền lương và chi phí sinh hoạt hợp lý khiến thanh niên có thể tiết kiệm tiền để làm những việc lớn; chính phủ có chính sách hỗ trợ cho những người trẻ mua nhà lần đầu tiên; hệ thống ngân hàng tài chính sẵn sàng cho người trẻ vay tiền dài hạn để mua nhà, miễn là họ có việc làm ổn định v.v… Tất cả những hỗ trợ đó khiến thanh niên Úc có thể tự tin sống “độc lập” hơn so với thanh niên Châu Á.