Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

TÂM TƯ CŨA NGƯỜI GIÀ LẺ BÓNG

Fr: Bieu Nguyen* Ngoc van Trinh
Tuổi già lẻ bóng, cô đơn và khát khao tìm tri kỷ
                              Ngọc Lan/Người Việt

Kỳ 1: Cảm giác cô đơn, trống rỗng khi bạn đời 'ra đi'
WESTMINSTER (NV) - “Tôi là một phụ nữ ngoài 60 tuổi, chồng qua đời 10 năm, lẻ loi, không có tài sản, có Medical, không bị các bệnh truyền nhiễm, tự chăm sóc bản thân được, biết lái xe, muốn tìm nơi nương tựa cuối đời. Xin liên lạc về email…”
Nội dung email này, do một độc giả gửi tới tòa soạn, có thể khiến nhiều người bật cười theo nhiều nghĩa khác nhau.
Thế nhưng, đọc thêm một lần, rồi một lần nữa, có thể nghe ra được nỗi gì cô độc đến não nề.

Ngồi xuống nghe tâm tư của những người gần bước đến tuổi 70 hoặc hơn nữa, cả đàn ông lẫn phụ nữ, những người hiện đang lẻ bóng, bởi người phối ngẫu qua đời hoặc ly dị đã lâu, chợt hiểu thêm thật nhiều về nỗi cô đơn cũng như khao khát tìm được người bạn tâm giao, tri kỷ để tìm vui, để nương tựa trong những năm tháng cuối, ray rứt và da diết đến mức nào.

(Hình minh họa: Getty Images)
Cảm giác cô đơn, trống rỗng

Một nghiên cứu theo dõi hơn 2,000 người trên 50 tuổi trong vòng 6 năm và kết quả nhận được cho thấy nỗi cô đơn làm nguy cơ tử vong tăng lên gấp 2 lần và có nguy cơ chết sớm cao hơn 14% so với người không cô đơn.
Một nghiên cứu khác lại cho thấy 43.2% trong số 1,600 người trên 70 tuổi cho rằng họ cảm thấy cô đơn và thường thiếu bạn tâm giao.
Một nửa trong số những người tham gia khảo sát nói nỗi cô đơn của họ càng hiển hiện rõ hơn vào cuối tuần và ba phần tư trong số đó phải chịu đựng nỗi cô độc khi đêm về.
Bà Mai Phương, 69 tuổi, hiện sống một mình ở Anaheim cũng là người mang trong lòng nỗi trống trải, cô đơn kể từ khi chồng qua đời cách đây hơn 2 năm. Nhìn cách bà đi làm, tham gia những sinh hoạt hội nhóm, bạn bè, khó ai có thể nghĩ được trong bà lại có một góc cô đơn hun hút đến vậy.
“Thời gian ổng mới mất, trong tôi hoàn toàn trống rỗng.” Bà bắt đầu câu chuyện bằng giọng nói buồn và nhẹ hơn bình thường.
Không còn những đêm mất ngủ vì lo lắng cho bệnh tật của chồng. Không còn những thấp thỏm mỗi khi đưa ông vào bệnh viện. Không còn phải suy nghĩ đến chuyện lo hôm nay nấu món gì, ngày mai đổi món nào. Nhưng lấp đầy cho những cái “không còn” đó lại là một khoảng trống đến rợn người.
“Tôi không dám ở nhà một mình, tôi cứ bám víu vào thằng con út khi đó còn ở chung nhà. Nó đi đâu tôi theo đó, nó đi ăn sushi ở hướng Nam, tôi đi theo hướng Nam. Nó lái xe ngược hướng Bắc đi uống boba, tôi cũng ngồi xe theo hướng Bắc. Có lúc ngồi trong xe cũng chỉ ngủ gà ngủ gật nhưng mà vẫn cứ leo lên xe con mỗi khi nhìn thấy nó đi đâu, cho dù nó có muốn hay không muốn mang mình theo.” Người đàn bà có đôi môi luôn cười nhưng ánh mắt lại rười rượi, nhớ lại.
Bà biết con bà không thích như thế. Bà biết bà không nên bám theo con như thế. “Nhưng mà... biết làm sao.” Bà Phương cười buồn.
Người phụ nữ có gương mặt phúc hậu này chậm rãi nói tiếp, “Tôi thấy rõ ràng mình mất một chỗ tựa, như thiếu một cây gậy để chống mà đi kể từ lúc ổng mất. Cô đơn lắm!”
Nỗi cô đơn, trống vắng không chỉ ở chỗ thiếu đi một bóng hình, một người hằng ngày ra vào mình trông thấy, nhìn thấy, chuyện trò, mà ngay cả, như bà Phương tâm sự, nhìn những hàng cây khô héo, nhìn bụi vương trong nhà, lại chợt nhớ ra có người đã từng làm thay mình những việc như thế. Đó là chưa kể những lúc ngồi lần hồi giải quyết từng cái hóa đơn điện, nước, gas, rác... lại nhớ bao lâu rồi mình không phải làm những việc này.
“Nhiều lúc đang ở sở làm mà nỗi buồn cũng ập đến, tôi phải đi vào trong restroom đứng khóc một mình,” bà kể.
Với bà Kim Lan, 70 tuổi, chồng qua đời đã 16 năm, khi bà mới 52 tuổi, thì nỗi cô đơn, trống trải càng về những năm sau này càng mãnh liệt hơn so với thời gian đầu khi người bạn đời của bà ra đi, bởi “khi đó tôi không có thời gian và tinh thần để nghĩ đến nó. Tôi phải bận rộn trong việc đi làm hai 'job' để kiếm tiền nuôi con, trả tiền nhà.”

clip_image004
(Hình minh họa: Uyên Nguyên/ Người Việt)
Mặc dù không nhận ra nỗi trống vắng, cô đơn vào thời gian ấy, nhưng bà Kim Lan lại gần như bị rơi vào tình trạng “trầm cảm.” Bà nhớ lại, “Tôi đi làm gần như câm lặng, chỉ có hai câu 'Hi' khi đến và 'Bye' khi về. Trong lòng lúc nào cũng như buồn bực, ray rứt.”
“Tôi cảm thấy như tôi giận chồng tôi rất nhiều. Bởi vì chúng tôi đều thích sống ở miền quê, cả hai hẹn nhau khi nào con ra trường thì sẽ tìm nơi vắng vẻ, thanh tịnh để ở. Vậy mà chưa chi ổng đã bỏ tôi ra đi. Tôi cứ cố nghĩ đến những tính xấu của ông để mà giận thêm. Và tôi trút sự tức giận đó lên các con tôi, như một người điên sẵn sàng la hét cho dù chỉ là một điều nhỏ nhặt.” Bà Lan tiếp tục kể bằng giọng tâm tình khi đêm xuống mỗi lúc một sậm màu hơn.
Rồi thì thời gian đó cũng qua khi bà được bạn bè rủ đi tập Taichi, nghe tiếng người ta trò chuyện, nhìn người ta cười giỡn với nhau, bà Lan tìm lại được nụ cười và tiếng nói của chính mình.
Về hưu ở tuổi 63, bà Lan lại tiếp tục giúp con nuôi cháu. Những niềm vui giản dị này không cho bà có thời gian buồn, sự bận rộn với các cháu khiến bà không thấy lẻ loi.
Tuy nhiên, khi các cháu lớn dần, bà ngoại không còn là người để chúng gần gũi, quyến luyến, và như một lẽ thường tình “càng về già càng thấy hụt hẫng,” bà Lan cảm nhận.
“Nhiều lúc thấy mình bơ vơ, trống vắng, hay có cảm tưởng như mình bị bỏ rơi. Những lúc đau ốm, yếu trong người là lúc cảm thấy cô độc nhất, sợ hãi nhất. Bạn bè đến thăm thì vui, nhưng họ bước chân ra về là mình thấy chơi vơi.” Người phụ nữ có giọng nói của người Hà Nội xưa nói như trải lòng.
Cảm giác lẻ loi, trống trải đến nao lòng đó không chỉ là cảm nhận của riêng phụ nữ mà đàn ông vẫn không làm sao thoát được những lúc nỗi cô đơn ùa đến, bủa vây.
“Một sự trống vắng lạ lùng lắm, cứ như mình bị rớt vào khoảng không nào đó, chới với” là điều mà ông Vương Văn Chương cảm nhận được từ khi vợ ông qua đời, cách đây “3 năm 9 tháng.”
Ông Chương năm nay 72 tuổi, hiện ở Garden Grove, sống cùng con cháu kể từ khi vợ mất, bởi “sống trong ngôi nhà cũ, nhìn đâu cũng thấy bóng hình vợ tôi, buồn lắm, chịu không được.”
Ông Chương kể, “Vợ tôi đi làm suốt 29 năm, khi vừa về hưu được hai tháng, đang lên kế hoạch đi du lịch đây đó thì phát hiện bị ung thư bao tử giai đoạn cuối. Năm tháng sau thì vợ tôi mất.”
Sự ra đi của người bạn đời đã đồng hành cùng ông suốt 42 năm, người cùng ông trải qua chuyến vượt biển thập tử nhất sinh vào năm 1977 với 27 ngày trôi trên biển cho đến khi được tàu cứu vớt, rồi sang Mỹ vui buồn, sướng khổ có nhau, để lại trong lòng người đàn ông này một khoảng trống mênh mông.
Ông Chương dọn về ở với gia đình con trai, như một sự trốn chạy những kỷ niệm, dù vậy, ông vẫn cảm thấy “rất cô đơn, nhất là khi đêm về, lúc con cháu đi vắng, tất cả đều im ắng.”
“Đó là nỗi cô đơn của sự thiếu một vòng tay, một giọng nói, một cái hôn, mà ở người đàn ông thì họ lại thích có những cái vuốt ve mơn trớn, giờ thiếu hết tất cả. Thiếu nhiều lắm, một sự trống vắng lạ lùng lắm, cứ như mình bị rớt vào khoảng không nào đó, chới với.” Ông Chương mô tả.
Trong cuốn “Loneliness (Nỗi cô đơn)”, ông John Cacioppo, nhà tâm thần học của trường Đại Học Chicago, nói rằng, “Nỗi đau của sự cô đơn cũng giống như nỗi đau thể xác vậy.”
Nghiên cứu của trường Đại học UC San Francisco cũng đưa đến những ngạc nhiên bất ngờ khi biết rằng không chỉ ở một mình người ta mới thấy cô đơn. Trong số 43% người già cho rằng mình cô đơn thì chỉ có 18% sống một mình.
Với người lớn tuổi, cảm giác lẻ loi có thể hủy hoại tinh thần, sức khỏe nhiều gấp đôi so với chứng bệnh béo phì.
Chính vì điều này mà người già lẻ bóng vẫn luôn khao khát tìm được một người bạn tâm giao, tri kỷ để nương tựa khi tuổi về chiều.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=196096&zoneid=1#.VDZqVfnF-So

Kỳ 2: Nỗi khát khao tìm tri kỷ của người già cô đơn

WESTMINSTER (NV) - Trong cuốn “Loneliness (Nỗi cô đơn)”, ông John Cacioppo, nhà tâm thần học của trường Đại Học Chicago, cho rằng, “Nỗi đau của sự cô đơn cũng giống như nỗi đau thể xác vậy.” Với người lớn tuổi, cảm giác lẻ loi có thể hủy hoại tinh thần, sức khỏe nhiều gấp đôi so với chứng bệnh béo phì.
Chính vì điều này mà người lớn tuổi lẻ loi vẫn luôn khao khát tìm được một người bạn tâm giao, tri kỷ để nương tựa khi đã về chiều.
Thế nhưng, liệu ước mơ đó, nỗi khao khát đó có dễ dàng đến trong tầm tay những người lẻ bóng này? Họ có thật sự mở lòng đón nhận những tâm hồn đồng điệu hay vẫn còn đâu đó những rào cản, những ngại ngần, đắn đo, và nhiều suy tính của người đã đi gần hết ba phần tư chặng đường đời? Và quan trọng hơn, người tâm giao, tri kỷ để nương tựa lúc tuổi già được quan niệm theo nghĩa nào?



clip_image005
 
(Hình minh họa: Getty Images)
Tuổi càng cao lại càng thận trọng, đắn đo trong việc tìm người nương tựa
Như đã nói, ước mong có được một người bạn khác phái làm nơi nương tựa lúc tuổi già xế bóng là một nhu cầu có thực, rất người, rất đời của hầu hết những người lớn tuổi đang sống một mình, chứ không chỉ ở riêng vài người.
Tuy nhiên, để đi tới chỗ tìm được người như mơ ước quả thật không hề dễ dàng.
Ông Vương Văn Chương, người gần như rơi vào khoảng trống chơi vơi khi người vợ gắn bó cùng ông suốt 42 năm qua đời một cách vội vã cách đây gần 4 năm, thừa nhận “dù nhiều đêm nằm một mình cũng cảm thấy rất cô đơn” nhưng ông không tự hoạch định cho mình chuyện phải đi cưới vợ lần nữa hay tự tiết chế mình không nên đi bước nữa, mà “mọi sự cứ để cho tự nhiên.”
Theo ông Chương "việc có một người bạn tâm giao hay bạn tình ở tuổi này vừa cần thiết nhưng đồng thời cũng có thể mang đến những hệ lụy."
Bởi: “Cần thiết là đỡ cô đơn, cho mình cảm giác không trống trải. Nhưng thực tế tôi thấy có nhiều người khi vợ qua đời, do không chịu được sự trống vắng, họ vội vàng đi cưới một người vợ khác nhưng rồi không hạnh phúc, lại chia tay.” Tôi có nhiều bạn gái nhưng tôi luôn duy trì một khoảng cách.

“Ở tuổi hơn 70 này mà dính vào ái tình cũng mệt lắm nên cũng cố né, nhưng không biết nghiệp của mình đến đâu, có thật sự thoát được không. Dính vô cũng vui nhưng cũng sẽ nhiều phiền phức. Thế nên tôi cảm thấy cần thận trọng hơn” Ông Chương nói một cách cởi mở.
Bà Kim Lan, 70 tuổi, chồng mất đã 16 năm, không ngần ngại khi nói lên ước mơ của mình là mong tìm được một người bạn khác phái để nương tựa nhau cho đỡ nỗi hiu quạnh.
“Giờ đây, tôi chỉ mong có một người bạn khác phái để chăm sóc nhau, để có người tâm tình, nói chuyện, đi ăn uống, đi xem phim. Nhiều người cho rằng nếu chỉ vậy thì bạn trai hay gái cũng được. Nhưng không phải. Người bạn khác phái có nhiều điều khác lắm. Tôi mơ như vậy nhưng chưa tìm được.” Người phụ nữ cô đơn đang sống tại Santa Ana nói về nỗi niềm của mình bằng giọng nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa nỗi buồn sâu thẳm.
Dầu tha thiết như thế nhưng thật sự người bà Lan hướng đến cũng phải có những điều kiện nhất định.
Người đàn ông sẽ được chọn làm nơi nương tựa cho bà Lan không chỉ “hợp tính tình, biết thông cảm, biết chăm sóc nhau” mà còn phải là người “không nghèo mạt rệp” hay không thể thuộc dạng “người chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu thể xác, vừa mới quen biết đã đưa ra lời mời đi chơi xa với nhau, ngủ cùng nhau.”

“Tôi thấy nhiều người đàn ông ly dị vợ, tìm đến phụ nữ khác để được chăm sóc, để đòi hỏi sắc dục. Đó là còn chưa kể có những người đàn ông có tật quen với ai cũng mang đi khoe như một chiến tích. Sợ lắm!” Bà Lan nói về sự dè dặt của mình.
Ông Chương Dù cho biết có đôi người cũng bày tỏ thái độ quý mến ông, nhưng ông chưa tính chuyện tiến tới với ai bởi “chưa gặp người cùng tần số tâm linh.”
“Tần số tâm linh” mà ông Chương muốn nói là sự hợp nhau không chỉ về tính tình mà còn là cùng sở thích cùng quan niệm, đồng điệu về nhiều điều trong cuộc sống.
Người đàn ông có cách nói chuyện khiến nhiều phụ nữ muốn ngồi xuống nghe nhiều hơn, chia sẻ, “hồi ở tuổi 20-30, gặp cô nào đẹp là mình có thể yêu ngay, không nghĩ suy gì nhiều. Nhưng ở tuổi này, cái nhìn của mình có sự đắn đo và thận trọng hơn, sự lựa chọn có suy nghĩ nhiều hơn là tiếng sét ái tình.”
Thêm vào đó, ông Chương cũng cho rằng chỉ quen với người cùng hoàn cảnh đơn lẻ như ông, chứ không quen người đang có gia đình hoặc ngay cả vợ của bạn, dù đã ly hôn hay chồng qua đời ông cũng không muốn tiến tới vì “tôi tôn trọng bạn bè mình, tôi không muốn phá vỡ mối quan hệ đã có.”
Với bà Mai Phương thì chuyện thấy có một người bạn khác phái để trò chuyện, để cùng đi ăn uống cũng là một nhu cầu rất thực, “nó khiến mình vui hơn.” Thế nhưng, người phụ nữ gần 70 đang sống ở Anaheim này cũng rất ngần ngại, dè dặt trong việc bộc lộ cảm xúc với người mà bà có cảm tình hay nghĩ rằng người đó cũng có cảm tình với mình.
“Nhìn cử chỉ, nhìn cách họ chăm sóc mình khi đi dự tiệc tùng, nhóm bạn thì biết rằng có điều gì đặc biệt, mình cũng cảm thấy xúc động, xao xuyến. Nhưng mà làm sao có thể mang điều đó ra tâm sự với ai được. Ngộ nhỡ không phải, hay ngộ nhỡ họ cũng ngượng mà chối thì có phải mình quê quá không? Từng tuổi này rồi, đâu thể như thời trẻ được.” Bà Phương bày tỏ.
Chính từ điều này, bà Phương chọn cho mình một cách nghĩ: chỉ xem đó là một người bạn – bạn thân hơn bình thường – nhưng chỉ là bạn.
clip_image006
(Hình minh họa: Getty Images)
Chỉ kết bạn, không lấy làm chồng/vợ
Bà Mai Phương, người trở thành góa phụ từ hơn 2 năm qua, càng lúc càng nhận ra “nỗi buồn của sự cô đơn mỗi lúc một thấm sâu hơn.” Tuy nhiên, bà gần như xác định cho mình một tư tưởng: Chỉ cần có bạn tâm giao chứ không lấy chồng thêm lần nữa.
Lý do?
“Mang một người chồng về nhà như mua thêm sự mệt mỏi.” Bà Phương trả lời.
Theo người phụ nữ gần bước vào tuổi 70 này thì ngoài yếu tố “tuổi già nhiều bệnh tật, mang nhau về lại phải chăm sóc cho nhau” lại còn có thêm lý do: chưa sẵn sàng chấp nhận một ai có thể thay thế vào vị trí của người chồng mà bà đã gắn bó suốt bao năm qua.
Bà tâm sự, “Có những đêm thật cô đơn, thật trống vắng, tôi cũng nghĩ giá như mình có một người nương tựa. Thế nhưng khi nghĩ đến hình ảnh người đó sẽ ngồi vào chiếc ghế nơi chỗ chồng tôi từng ngồi, tự dưng tôi lắc đầu ‘không được, không được’, hay nghĩ đến sẽ có một người nào đó nằm cạnh bên mình, tự dưng lại cũng thấy xa lạ, lại lắc đầu 'không thể được'.”
Bà Phương nói tiếp, chậm rãi, “Tình yêu thời trẻ như tờ giấy trắng. Còn tuổi này ai cũng có tì vết hết rồi, không ai muốn người kia biết hết về quá khứ của mình.”
Cũng theo bà Phương, một lý do “tế nhị” khiến bà thấy thật khó để có thể đi thêm bước nữa ở lứa tuổi này. Đó là “Nếu là chồng, là tình nhân thì chắc hẳn sẽ phải có chuyện ‘chăn gối’ Nhưng cứ thử hình dung, mình không còn trẻ, người mình đã không còn săn chắc, quần áo bên ngoài có thể che phủ tất cả, nhìn ai cũng đẹp. Thế nhưng khi cởi bỏ lớp quần áo ra thì sẽ là gì? Nhìn vào sự nhăn nheo đó liệu có còn hấp dẫn nhau không?”
“Tuổi này sức khỏe không còn nhiều cho ‘chuyện đó’, nếu muốn được thỏa mãn thì phải dùng thuốc, mà điều đó thì không có lợi cho sức khỏe lâu dài.” Bà Phương lý giải thích thêm về quan niệm chỉ muốn có bạn tâm giao chứ không muốn trở thành chồng hay tình nhân.
“Dù sống một mình nhiều khi cũng kẹt lắm, nhất là lúc đau ốm. Nhưng tôi cũng không muốn cuộc sống của mình bị trói buộc nữa. Có người bạn thân hơn mức bình thường để mình có thể tâm sự nhiều hơn, để mình có thể vui khi gọi điện thoại nói chuyện hay thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn, đi mua sắm. Nhưng đừng bao giờ trông mong người đó là của riêng mình.”
“Có người quan tâm thì càng khiến mình vui hơn nhưng cũng bận rộn hơn. Nhưng nếu nghĩ người đó là của riêng mình thì sẽ rất khổ.” Bà Phương nhấn mạnh.
Bà Kim Lan dù luôn mong mỏi sẽ tìm được một người đàn ông để bầu bạn, nương tựa cho vui lúc tuổi già, nhưng vẫn cho rằng “khó mà sống chung như vợ chồng.”
Bà Lan nêu suy nghĩ, “Già rồi thì tính khí khó thay đổi lắm. Người trẻ khi xáp lại với nhau thì còn có nhiều thời gian để tìm hiểu, để thay đổi, còn người già thì sao? Về sống chung không hợp rồi lại cãi vả chia tay à? Có thể có người có nhiều nhu cầu về thể xác, tôi thì lại không muốn như thế.”
Cũng theo bà Lan, “nếu người đàn ông muốn một người vợ thì họ thường đi tìm những phụ nữ trẻ trung hơn chứ không ai đi cưới những người già.”
Thế nhưng, trái với suy nghĩ của bà Kim Lan, ông Vương Văn Chương, 72 tuổi, lại cho rằng, “Nếu phải tìm một người khác phái để đi thêm bước nữa, hay để làm một người tri kỷ thì ngoài việc đó phải là một phụ nữ có tư cách, có học thức, thì theo tôi, người đó cũng phải từ 65 tuổi trở lên vì như vậy mới có được sự đồng điệu tương xứng.”
Tuy nhiên, ông Chương cũng nhìn nhận, “Dù muốn dù không thì thật sự ở tuổi 70 sức khỏe đã kém rồi. Nếu lấy một người còn quá trẻ sẽ không đáp ứng, thỏa mãn được người yêu trẻ thì không hay. Mình phải hiểu thân phận mình ở lứa tuổi này trong vấn đề tình cảm, nên nghiêng về tinh thần nhiều hơn, chứ cứ mộng về chăn gối với nhau thì sẽ mất đẹp đi.”
“Tôi vẫn thiên về một tình cảm mang nhiều yếu tố tinh thần hơn, chứ không đặt nặng chuyện xác thịt để cưới một cô vợ trẻ vì tôi nghĩ tuổi tôi khó có thể mang lại sự hạnh phúc cho người ta.” Ông Chương nói một cách thẳng thắn.
* Bước ra khỏi nỗi buồn
Tuổi già lẻ bóng, quạnh hiu sẽ không loại trừ ai. Nhưng như bà Mai Phương rút tỉa, “Nếu cứ sống mãi với quá khứ sẽ tự giết chết mình. Đừng bao giờ để cho nỗi buồn kéo mình trì xuống mà hãy tìm cách bước ra khỏi nó. Hãy làm cho cuộc sống mình trở nên bận rộn hơn, hãy có những nhóm bạn để chia sẻ với nhau.”
Hoặc như bà Kim Lan, vẫn thường cảm nhận nỗi hắt hiu của mình, nhưng bên cạnh đó bà cũng có nhóm bạn cùng đi tập thể dục, cùng đi ăn uống với nhau. Hoặc khi buồn thì mang quần áo cũ ra sửa hoặc mua những hạt ngọc trai giả về kết xâu làm trang sức, cũng là một cách giết thời gian, chôn nỗi buồn.
Hay như ông Chương nghiền ngẫm, “Thật ra tuổi này mà cứ sống độc thân như vậy rồi đi chùa là tốt nhất, nhưng mà thật không dễ, bởi vẫn có những người ưu ái mình, cũng khiến mình mệt, hay mình cũng có thể xúc động vì ai đó thì cũng mệt lắm.”
Cả ông Chương, bà Lan hay bà Phương đều nghiên về hướng “có một người bạn đặc biệt, chăm sóc nhau rất kỹ, thấu hiểu nhau, nếu vì hoàn cảnh gia đình, kẹt con kẹt cháu, thì ai sống ở nhà nấy.”
Nỗi niềm nghe rất giản dị nhưng để những người đơn lẻ này tìm được chút niềm vui khi tuổi về chiều thì không chỉ chính họ tự mở lòng mình mà những người xung quanh cũng cần có cái nhìn rộng lượng và bao dung hơn.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=196238&zoneid=1#.VDZxQfnF-So
---
Liên lạc tác giả: Ngoclan@nguoi-viet.com