Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Bí mật cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn

Cung nữ cuối cùng có tên Trần Thị Vui chứa đựng sức hấp dẫn kì lạ. Bà là nhân chứng sống duy nhất biết những "chuyện thâm cung" về đội ngũ cung nữ trong triều đình nhà Nguyễn xưa kia.
                  clip_image001
             Người cung nữ cuối cùng Trần Thị Vui. (Ảnh: PLTPHCM )

Được làm cung nữ trong triều với không ít phụ nữ thời bấy giờ là niềm mơ ước, vì ít ra họ được nhàn nhã mà lại có cái ăn, cái mặc. Tuy nhiên, theo ông Hồ Tấn Phan, cung nữ phải chịu nhiều áp lực từ vua, đến vợ vua, mẹ vua, thái giám và thậm chí cả những người cung nữ với nhau. Họ phải lao động phục vụ hoàng thân quốc thích với những yêu sách cầu kì mà nói như người Huế là đến 85 thứ ăn, thứ mặc thứ uống... phải chia ca kíp để phục vụ 24/24.
Cung nữ triều Nguyễn phải làm nhiều việc, từ hầu quạt, vấn tóc, rửa chân, bóp lưng, đổ ống nhổ, chuẩn bị xiêm áo, quét dọn, bưng bê thức ăn... Mỗi công việc thể hiện đẳng cấp của từng cung nữ. Người bóp lưng được xem thân cận và "sang trọng" hơn người bóp chân. Đặc biệt, cung nữ không được tiết lộ chuyện trong cung, phải tuân thủ theo nguyên tắc "câm như hến".
Lỡ làng trong cung cấm
Theo tài liệu mà nhà nghiên cứu văn hóa Huế Hồ Tấn Phan lưu giữ, việc bà Trần Thị Vui (SN 1926) vào làm cung nữ trong điện của bà Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại là cả một bí mật thuộc hàng "thâm cung bí sử". Bà Vui có mẹ là Tôn Nữ Thị Biên, cũng là một cung nữ và là người trong Hoàng tộc, thuộc dòng trưởng của chúa Nguyễn Phúc Tần, đời thứ năm.
Thời đó, họ Trần ở làng Liễu Cốc (xã Hương Xuân, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) khá nổi tiếng do dòng họ này có một bà phi ở trong cung. Nhờ đó mà người cháu ruột của bà phi này may mắn được nhiều lần ra vào cung để thăm cô. Một lần, tình cờ người này gặp cung nữ Biên và hai người bén duyên nhau.
Kết quả của mối nhân duyên này là bà Biên có thai. Người yêu họ Trần của bà Biên tức tốc về quê yêu cầu gia đình xin cưới, nhưng sau đó đành lỡ dở vì không "môn đăng hộ đối". Tôn Nữ Thị Biên ra khỏi cung, cắn răng làm mẹ một mình trong tủi nhục. Bà Biên sinh con gái và đặt tên là Trần Thị Vui, hy vọng đời con mình sẽ không còn chịu đắng cay, tủi nhục như mình. Bà Biên gửi con về quê cho gia đình (làng La Ỷ, huyện Phú Văng, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nuôi dưỡng rồi trở lại trông nom việc hương khói ở điện Phụng Tiên.
Quãng thời gian đẹp nhất của cô bé Vui bắt đầu từ năm 16 tuổi. Khi đó, Vui được mẹ Biên xin cho làm cung nữ trong cung. Công việc hằng ngày của Vui là hầu hạ bà Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại. Vui ở cùng phòng với mẹ Biên trong nội thành. Vài tháng, cô được ra khỏi cung để về quê thăm ngoại.

So với những cung nữ khác, Trần Thị Vui vào cung muộn nhưng nhờ có quen biết nên không phải làm những việc nặng nhọc. Hằng ngày cô chỉ phải làm một số công việc đơn giản như quạt hầu, đấm bóp cho bà Từ Cung. Bà Vui kể: "Nhiều lần tôi được gặp vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Có thể đó là ông vua phong kiến nhưng người ngoài không thể biết được phong cách của họ hiện đại chẳng khác gì thời nay". Theo lời bà Vui, hằng ngày, vua từ điện Kiến Trung trong Tử cấm thành, qua cung Diên Thọ để thỉnh an mẹ - tức bà Từ Cung. Lần nào vua đi cũng có hoàng hậu Nam Phương đi theo. Thường là vua đi trước. Đến cửa chính cung Diên Thọ, ông luôn dừng bước chờ Hoàng hậu tiến ngang mình rồi ôm hôn vợ, sau đó xoay một vòng rồi hai người mới dắt tay nhau vào thăm mẹ. Trong kí ức của bà Vui, Bảo Đại là ông vua rất thích ăn vặt. Cũng chính vì sở thích của Ngài nên bếp thượng thiện luôn chuẩn bị sẵn những món ăn phục vụ cho nhu cầu tức thời của nhà vua, thí dụ như các món bánh đặc trưng của Huế.
Với Hoàng Thái Hậu (Từ Cung), bà Vui cho biết, đấy là người phụ nữ nhân từ. Ai được hầu hạ bà là vinh hạnh lớn. Mặc dù mới nhập cung nhưng do là chỗ quen biết, lại nhẹ nhàng nên bà Vui được Hoàng Thái Hậu yêu quý. Theo trí nhớ của bà Vui, bà Từ Cung là người theo Phật giáo nên thi thoảng có ăn chay và thích món ăn truyền thống Huế như thích ăn mắm, cá kho, rau luộc.

Tuy nhiên, việc ăn uống của vua chúa kiểu cách hơn nghìn lần người thường. Thức ăn của Hoàng Thái Hậu do nữ quan nấu và phải có người nếm để thử độc trước khi mang lên. Mỗi đĩa thức ăn phải ba tầng, mỗi mân thức ăn cho bà Từ Cung đầy như mâm chầu nhưng bà chỉ đụng đũa một tí rồi phẩy tay cho bê xuống.
Ngoài việc giúp Hoàng Thái Hậu ăn cơm, vấn tóc, trải khăn, dâng khăn, dâng nước, bê tráp trầu, ống nhổ, một số cung nữ quạt hầu hoặc ca Nam ai Nam bằng (một loại hình dân ca Huế) cho bà Từ Cung ngủ. Bà Vui cười bảo, nhiều hôm trời nắng, Hoàng Thái Hậu không nằm giường sơn son thiếp vàng mà trải nệm ra nền xi măng trên lầu để ngủ một cách giản dị. Trong nội cung, các cung nữ không được cười đùa tự do. Mặc dù ở nội cung nhưng Hoàng Thái Hậu bước ra khỏi cửa là có xe rước. Hoàng hậu và Bảo Đại đi xe xanh. Bà Từ Cung đi xe đỏ.
Tháng ngày quên lãng
Ngày tháng thấm thoắt thoi đưa, mới ngày nào vào cung mà bây giờ Trần Thị Vui đã thành cô gái 22 tuổi. Thấy tuổi đã nhiều, cung nữ Vui xin được xuất cung về quê lấy chồng. Chồng cô chỉ là một nông dân bình thường, hai người đã gặp nhau trong những lần cô từ cung điện về thăm nhà.

clip_image002
Lăng Khải định (Huế).

Ba năm sau, đôi vợ chồng trẻ Vui - Thái sinh được mụn con gái đầu lòng, nhưng được một tháng tuổi đứa bé đột nhiên mắc chứng đau bụng rồi qua đời. Khi không thể sinh nở được nữa, năm năm sau, bà Vui cắn răng nhờ người mai mối, cưới vợ hai cho chồng. Vợ hai của ông Thái sinh cho ông một lèo năm đứa con. Bà Vui nghĩ, mình phận gái không con nên tủi nhục đến đâu cũng nhẫn nhịn cho qua. Cứ thế, ông Thái cùng hai bà vợ và các con quây quần êm ấm. Cũng từ đó, bà chấp nhận ăn chay, niệm Phật, tu tại gia.
Năm 1988, ông Thái mất, để lại căn nhà gỗ hai gian cho hai bà vợ và các con. Sinh thời ông Thái làm nghề đóng giày, đến giờ con cháu của ông bà vẫn làm nghề này. Người Huế có cách gọi tên vợ theo chồng nên cái tên Trần Thị Vui của bà hầu như cả xóm nghèo ấy đều quên lãng. Người ta thường gọi bà là bà Thái và không phải ai cũng biết đã có thời bà làm cung nữ. "Năm ngoái, có một nhóm khách Nhật ghé thăm. Họ hỏi về triều đình nhà Nguyễn, về vua Bảo Đại, sở thích của nhà vua và công việc của cung nữ thực sự như thế nào. Nhưng năm nay, chẳng còn ai ghé thăm nữa", bà Vui rầu rầu nói.
Tôi nhìn bà lão 84 tuổi, cố tìm và cố hình dung dấu vết mỹ miều của người cung nữ năm nào. Quả thật, dù thời gian khắc nghiệt nhưng trên gương mặt già nua kia vẫn còn những nét thanh tú của một thời xuân sắc. Giờ đây, mỗi tháng bà Vui ăn chay 20 ngày và theo lệ, cứ  4 giờ sáng và 4 giờ chiều, bà lại bật dậy tụng kinh tròn 1 tiếng đồng hồ.
Chia tay người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn, tôi thấy day dứt trước hình ảnh một người phụ nữ bệnh tật, cô quạnh. Có lẽ nhà nghiên cứu văn hóa Huế, ông Nguyễn Đắc Xuân, đã nói đúng, trước đây, cung nữ khi xuất cung lại càng bị xem thường hơn. Cung nữ Trần Thị Vui đang dần bị quên lãng.
Tôi chợt nhớ đến câu thơ trong Cung oán ngâm khúc: "Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì". Đúng là đời người, lầu cao, gác tía, cung vàng, điện ngọc rồi cuối cùng lại trở về hư vô...
(Theo báo Tết GĐ&XH