Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

TRUYỆN NGẮN

Fr: Kim Anh Truong
Người Bạn Cũ
Nguyên Nhung
Không ngờ ngày miền Nam rơi vào tay Cộng Sản,với bốn năm tù thôi mà sau này cả nhà ông Quang được đi Mỹ. Đúng là xứ sở của tự do và no ấm, lúc rảnh rỗi người ta có thì giờ hội hè, họp hành để nhắc nhở, bù khú chuyện xưa, chuyện nay, chuyện nhà, chuyện nước. Ngày rời quê hương đúng vào mùa Xuân, cứ tưởng ở quê người không có Tết, nhưng lạ thật, sinh hoạt mừng Xuân của cộng đồng ở hải ngoại cũng tưng bừng náo nhiệt chẳng kém gì ở quê nhà, lại thêm tý lành lạnh của thời tiết nên hơi Xuân chừng như lại càng thêm ý nghĩa.Hôm dẫn vợ con đi dự một sinh hoạt lễ hội của cộng đồng, ông Quang tình cờ gặp lại người bạn cũ. Chưa có dịp tâm tình hàn huyên, thằng bạn chỉ có giờ ghi số phôn và địa chỉ của ông rồi lại lu bu với việc chung.

Chỉ có thế mà hôm ấy ra về lòng ông hân hoan, phơi phới như mở hội. Bao nhiêu hình ảnh từ những ngày trẻ tuổi tận ngóc nghách của dĩ vãng hiện rõ mồn một trong trí nhớ khiến ông mỉm cười luôn. Mái trường thân yêu và những khuôn mặt bạn bè thời Trung Học lần lượt trở về, nỗi xúc động được một lần cầm tay lại người bạn cũ, tưởng rằng chỉ nằm trong giấc mơ bỗng trở thành hiện thực. Ông Quang chưa bao giờ mơ tưởng có ngày mình lại được đặt chân lên đất nước cờ Hoa, nếu không có chương trình HO dành cho những người tù nhân chính trị. Thấy ông cười hoài, đứa con gái tò mò hỏi cha:
- Bác ấy với bố chắc thân nhau lắm hả?
Ông vênh mặt lên khoe:
- Chứ sao! Bạn chí thân chí cốt của bố đấy, từ dạo bé bằng con bây giờ, học chung một lớp, ngồi chung một bàn, cái gì cũng có nhau. Nhớ nhất là hồi còn nhỏ những ngày nghỉ học, mỗi thằng một chiếc xe đạp, hang cùng ngõ hẹp nào cũng biết, chẳng có tuổi nào vui bằng đời học sinh con ạ …
Đứa con gái le lưỡi, thán phục:
- Nom bác ấy có vẻ giàu ghê. Bố sướng hé, thế nào bác ấy chả giúp bố công ăn việc làm.
Ông gật gù như chuyện ấy chỉ là những thứ lẻ tẻ không đáng nói:
- Bạn bè mà, người ta đến với mình bằng tình bằng nghĩa, nó quí hơn cả tiền bạc nữa đấy con ạ.
Vợ ông nãy giờ ngồi im, giờ mới lên tiếng:
- Bạn thân thế mà lúc đi được sang bên này,chả thấy thư từ thăm hỏi gì cả...
Bà vợ ông là người trực tính, ăn nói thỉnh thoảng lại "phang ngang bửa củi" làm ông cụt hứng, nhưng cũng cố vớt vát:
- Người ta sợ luỵ đến mình nên không dám liên lạc đấy thôi, chứ thằng này tôi biết , nó không phải phường "ăn cháo đá bát, qua sông quên đò" đâu.
Về nhà, ông lo thu dọn nhà cửa cứ y như rằng bạn ông sẽ đến ngay vậy, dù cái hẹn là chủ nhật tuần sau. Ông bảo vợ làm ít nem chua, ngâm thố đồ chua để lai rai ba sợi. Thằng bạn ông ngày xưa là vua ăn tạp, đến nhà ông mắm sống, tép chua gì nó " đớp " tuốt, bố mẹ ông quý nó ở chỗ phàm ăn, hôm nào nhà có cơm gà cá gỏi đều không quên nhắc ông gọi bạn, không hiểu sang đây người nó đẫy đà ra thế có kiêng khem gì không. Ông bảo vợ:
- Bà cứ nấu cho tôi nồi riêu ốc, tự nhiên lại đâm thèm món rau ghém. Ngày xưa, thỉnh thoảng tôi với nó hay rủ nhau xuống hẻm "Casino" ăn bún ốc, lỡ gặp lũ bạn gái thế nào cũng bị chọc con trai gì ăn quà như mỏ khoét. Chậc! Đói thì cứ ăn, với lại hồi ấy tôi chưa mê đàn bà con gái, có biết xấu hổ là gì.
Đứa con gái nghe ông kể, thú vị cười khúc khích. Vợ ông la rầm lên:
- Ghê nhỉ ! Vậy mà lúc quen tôi chả thấy ông dẫn đi ăn quà, chỉ toàn đi cinê với ăn kem, lâu lâu lại dắt nhau vào sở thú xem khỉ...hihihi
Ông cười rộ lên:
- Vậy mà cũng không hiểu, ai lại hẹn hò ở hàng bún ốc, ăn xong mồm miệng sặc mùi mắm tôm, còn gì là thơ mộng nữa.
Suốt những ngày chờ đợi, ông cứ bâng khuâng với những kỷ niệm cũ. Cận Tết rồi, chẳng gì bằng "tha hương ngộ cố tri", mà lại là bạn quý thì còn hơn bắt được hột xoàn. Mới gặp lại nó có một lần, nhưng nhìn cung cách hắn được mọi người bắt tay, bắt chân ngậu xị cả lên thì có dốt cũng phải hiểu nó đang làm gì có "thớ " lắm. Thằng ấy thế mà may mắn, hai người suýt soát tuổi nhau, ông tuổi Ngọ, nó tuổi Mùi, con dê đực thảnh thơi ăn cỏ, lại có máu băm lăm, thấy liền bà con gái mắt cứ tít lại, thằng bạn ông ngày xưa nổi tiếng đào hoa, bồ bịch cứ thay xoành xoạch như thay áo. Riêng ông, đúng là thân trâu ngựa, vất vả mãi mà chẳng nên cơm cháo gì. Hết Trung học, ông học Đại học Sư phạm, ra trường hai năm thì bị động viên,  đời lính thì chỉ rặt gối đất màn sương. Sau nhờ thiếu thầy giáo, ông được biệt phái về dạy học. Ông cho rằng  một người dân đối với đất nước, dù cầm súng hay cầm phấn, nghĩa vụ nào cũng cao cả như nhau. Khi vào tù, nghe thấy lối buộc tội thành phần giáo chức như ông là những người đã tiếp tay đào tạo học sinh trở thành những người có ăn học, có đầu óc, đi lính để trở thành sĩ quan chỉ huy chống Cách Mạng, ông cũng chỉ biết cười ruồi nhận lỗi. Giá đất nước chỉ toàn những thằng lưu manh, dốt nát, có lẽ tội ông sẽ nhẹ hơn.
Trong lúc ấy, bạn ông may mắn hơn ông nhiều, đúng là con người có số. Hắn chỉ thi đậu có mảnh bằng Tú tài một, chỉ đến đấy thôi rồi đường học hành tắc tỵ, mà cũng chỉ bấy nhiêu thôi đủ làm bàn đạp cho hắn tiến thân phong phóc trên đường công danh sự nghiệp. Hắn đi lớp Sĩ quan, điếu đóm giỏi nên được phân về văn phòng làm lính kiểng, không phải ra chiến trường thử lửa bắn một viên đạn, bộ quân phục lúc nào cũng phẳng phiu, đầu tóc giày vớ láng coóng đúng là một sĩ quan gương mẫu chỉ biết "thưa bẩm" với cấp trên. Trong khi ấy có biết bao nhiêu người lính lăn xả nơi những trận địa vùng biên đầy nguy hiểm, sống ở những tiền đồn heo hút vắng xa, chỉ nghe eo éo trên làn sóng cô ca sĩ nỉ non lời thương nhớ: " Vì yêu anh là  lính, vì yêu anh là lính, yêu lính hơn yêu cả ...hột xoàn."
Đúng là con người có số thật, nhưng loại số đỏ như bạn ông quả đếm trên đầu ngón tay, cũng tại Trời cho cái miệng "trơn như bôi mỡ" nên vì thế mà "mồm miệng đỡ chân tay". Bạn ông không biết khéo ăn nói làm sao mà "xếp " nào cũng thương, cất nhắc lên hết chức vụ này đến chức vụ khác, nhờ vậy hoa mai cũng thi nhau nở trên ve áo hắn. Thỉnh thoảng, không biết có phải vì nhớ bạn cũ, hắn cũng đáo qua nhà ông, đằng sau chiếc xe Vespa đèo thêm một em thơm phức.
Bạn ông may mắn thật. Ông cứ ngồi lẩn thẩn so sánh số phận giữa con người với nhau rồi mỉm cười một mình. Tính ông vốn hiền lành, nghĩ thì nghĩ vậy nhưng không hề ganh tị với bạn, ông cho là người ta may mắn do phước đức, chứ không nghĩ rằng đời có khối thằng lưu manh, lựu đạn mà vẫn hưởng đủ thứ may mắn trong cuộc đời.
Thế rồi ngày hẹn cũng đến. Đấy là một ngày chủ nhật đẹp trời, không biết sao ông mất ngủ suốt đêm thứ bảy vì đầu óc cứ chộn rộn những thắc mắc về bạn. Lần cuối cùng hắn ghé vào nhà ông là những ngày cuối tháng tư đen, tình hình bát nháo như  trận động đất. Ông không ngờ lần gặp ấy với lần tái ngộ này dài trên hai mươi năm, đời người còn gian truân bằng mấy Thuý Kiều thuở xưa. Lúc giã từ, hắn ôm lấy vai ông, cả hai cùng rươm rướm nước mắt khi nghĩ đến cái tan nát của nước non.
Thế rồi hắn đi biệt, chắc là thoát được sang bên kia, còn ông thì khăn gói đi tù. Hơn hai mươi năm không có tin tức của bạn, nhưng những lúc thảnh thơi nhớ về dĩ vãng, lòng ông ngậm ngùi nghĩ đến cảnh tan nát của nước non, không biết bạn ông lưu lạc phương nào, những khi nhớ đến bạn ông vẫn cầu nguyện cho hắn luôn được may mắn, bởi vì cả đời bạn ông là con người sinh ra để được may mắn.
Quả đất tròn có khác, nay bỗng dưng gặp bạn ông mừng như bắt được của. Cả ngày chủ nhật ông nhấp nhỏm như người ngồi trên đống lửa, cứ thấy bóng dáng chiếc xe nào chầm chậm vào khu "parking lot" là ông lại bổ nhào ra cửa ngó. Vợ ông cũng phải buồn cười cho ông:
- Ông rõ là kỳ cục, khi nào anh ấy đến thì đã có số nhà mà tìm, việc gì ông phải ngóng mãi thế?
Bà vợ ông thật là con người thực tế, thiếu tình cảm. Ông gắt vợ :
- Lỡ người ta lần đầu tiên đi vào mấy khu nhếch nhác như thế này, cũng phải bỡ ngỡ chứ. Bà không biết những người qua đây lâu, ở những khu an toàn, đến khu nhà " lá " như mình họ ngại lắm. Rõ khổ! Giá được gọi là nhà lá cũng đỡ, họ chỉ gọi khu mình là khu ổ chuột, hầm bà lằng một lũ nhếch nhác như nhau.
Vợ ông có vẻ không bằng lòng:
- Dễ ở đây người ta ăn thịt mình, tôi có thấy băng đảng nào đâu.
Ông bĩu môi :
- Bà biết một mà không biết mười, mình ở đây có cái cóc khô gì để chúng nó cướp. Nhà thì nhà bẹp, xe thì xe tàng, bạn tôi qua đây lâu, nó không quen đến những khu như khu nhà mình. Đành rằng mình chẳng xin ai, nhưng xưa nay cái nghèo vốn đã là cái tội, mà đã quen với cái sướng rồi lại thấy cái khổ, tự nhiên nó cứ làm sao ấy.
Đứa con nhỏ có vẻ rành rẽ hơn :
- Bố ạ, con nghe lũ bạn nói, ở đây khi nào đến nhà ai, người ta cũng gọi phôn trước, thế nào bác ấy chẳng gọi cho bố trước khi đến, bố ngóng làm gì cho mỏi cổ.
Ông trừng mắt ngó con:
- Cũng im cái miệng con đi, người ta khác, bạn bố khác. Ngày xưa bác ấy đến hay đi chẳng bao giờ nói qua với bố một câu, tính bác ấy thế, có chuyện gì thì nửa đêm bác ấy cũng đến.
Thấy ông bênh bạn chầm chập, vợ con ông chán bỏ vào buồng xem Tivi. Một mình ông ngoài phòng khách lóng nhóng ngó ra đường, rồi lại chờ cái telephone reo, thằng con lớn ra nhấc phôn gọi bạn, ông nhắc nhở:
- Nói in ít chứ, hôm nay bố có khách, lỡ bác ấy gọi tới tao lại không trả lời được. . .
Bạn ông không đến ngày chủ nhật hôm ấy, mà cũng chả một lần gọi điện thoại thăm ông. Vợ con ông nhìn ông giễu cợt, nhưng cũng không nỡ nói đùa để ông buồn. Nhân tình thế thái là vậy, giá là ông thì chẳng phải hẹn bạn đến một tuần sau, mà ngay buổi tối hôm ấy ông sẽ gọi bạn để nói cho hả những lúc xa cách như thế. Có khi nó lại đểnh đoảng làm mất địa chỉ và số phôn của ông rồi không tìm ra được, ông cũng mới tới đây, đã quen biết ai nhiều để hắn hỏi thăm, chứ có đâu bạn ông lại tệ đến thế.
Rồi ông cũng quên đi, thực tế là phải đi tìm việc làm thay vì ở nhà ngóng bạn. Thời gian trợ cấp sắp hết, phòng xã hội réo lên réo xuống đi "apply" xin việc. Đi làm được mấy tháng, nhưng mỗi lần có hội hè, họp hành, lễ hội vào ngày chủ nhật ông vẫn không bỏ qua. Một phần đến đấy cũng vui, một phần ông vẫn hy vọng gặp lại người bạn cũ ở những đám đông như thế.
Ông nghĩ đâu có sai, lần này ông lại gặp người bạn cũ. Thấy ông giữa chốn đông người, tuy bận rộn hắn cũng chạy đến, toe toét cười:
- Xin lỗi " ông " nghe. Hôm ấy tôi để cái số phôn và địa chỉ trong túi quần rồi quên khuấy đi mất, lúc giặt quần áo nó nhão nhoét ra, không đọc được, biết " ông " đợi tôi cứ ân hận mãi...
Rồi hắn nhanh nhẩu rút cây bút, đưa tờ báo đang cầm trên tay bảo ông ghi lại số phôn và địa chỉ. Xong mấy câu đưa đẩy, hắn nói nhỏ vào tai ông:
- Bận lắm ông ạ, nhưng mọi người tín nhiệm mình, biết làm sao bây giờ. Chả lúc này tôi được đề cử vào nhiều chức vụ quan trọng, nên vì thế mà bận rộn đến nỗi không còn thời gian cho bạn bè. Thôi mai mốt bọn mình tâm sự sau, có mấy tay đang chờ tôi đằng kia, bài diễn văn còn vài chỗ cần góp ý, đọc lếu láo là "bỏ mẹ".
Rồi hắn nheo mắt nhìn ông, cười hinh hích, ông trở về chỗ ngồi với vợ con, lòng vẫn rạt rào thứ tình cảm đầy ắp ngày xưa. Ông nói đủ vợ nghe:
- Đấy, tôi nói có sai đâu, nó làm mất địa chỉ và số phôn của mình nên không liên lạc được, chứ nó có quên mình đâu.
Vợ ông trầm ngâm không nói gì, nhưng trong bụng bà đã nghĩ: "trăm voi không được bát nước sáo" . Rồi lại tội nghiệp tấm lòng thực thà của chồng đối với người bạn cũ, để xem lần này ông có "chờ dài cả cổ "ra như lần trước không?
Suốt buổi sinh hoạt có chen phần trình diễn văn nghệ, ông cười thật hả hê. Về nhà, mỗi buổi tối và những ngày chủ nhật, ông lại ngóng tiếng chuông điện thoại. Bạn ông vẫn không thấy gọi, không thấy đến, cái thằng "chết tiệt " nó lại bỏ quên tờ báo ở đâu rồi? Ông chỉ muốn gặp bạn để nghe nó kể về những ngày chia tay với nhau từ độ ấy, chứ trông bề ngoài của bạn, ông mừng cho nó đã thành công trong cộng đồng và xã hội. Riêng ông, một khuôn mặt thầm lặng, chỉ là con số 0, không làm được gì cho ai nên cũng chẳng ai biết đến, ngoài lòng tự trọng không dám ăn  trợ cấp của chính phủ, sống bám vào mồ hôi của người khác. Không biết bạn ông có còn như ngày xưa, hay hắn lo ngại vì sự quen biết ấy mà phải giúp đỡ ông, như thứ  ân nghĩa thường tình của thế nhân. Không, ông không muốn bạn ông đến với ông bằng cách ấy, mà chỉ bằng thứ tình cảm trọn vẹn của tình bằng hữu.
Ai ngờ quả đất tròn cứ lắm điều oái oăm, khi ông không còn nghĩ đến người bạn nữa thì lại cứ hay gặp. Cách đây ít lâu, một người làm chung hãng gả con mời ông đi đám cưới, vợ ông mệt không đi, đứa con gái thay mẹ đi với bố cho đủ cái phúc đáp hai người. Lúc vào đến phòng tiệc, ông nhìn thấy người bạn cũ với vợ ngồi gần cái bàn danh dự cạnh sân khấu, ông không còn mừng rỡ chạy đến với bạn như những lần trước, may là chỗ ông ngồi cũng khuất, người ta ít để ý đến những người " thấp cổ bé miệng " như ông. Thỉnh thoảng ông vô tình ngó đến hướng bạn ngồi, lòng có vẻ nghĩ ngợi, cái người đàn bà mặt như tượng gỗ ngồi bên hắn hình như không phải vợ hắn ngày xưa, hay là sang đây người ta thay đổi được cả hình dạng.Tự nhiên ông thấm thía cái câu mà ông bà ta thường nói :"giàu đổi bạn, sang đổi vợ " là vậy. Lúc tiệc tan, thấy đám người bàn trên lố nhố đứng dậy ra về, đứa con gái xem vậy mà rất tinh ý, nó vội vã dẫn ông ra một lối khác:
- Đi lối này bố ạ, không có gặp bố bác ấy lại xin số phôn với địa chỉ.
NGUYÊN NHUNG